[Cập nhật] Hạ Natri máu: Phát đồ bù NaCl 3% ở bệnh nhân hạ Natri máu cấp và có triệu chứng

Rate this post
Tiếp tục về chủ đề hạ Natri máu, 3 phần trước mình đã nói về điều trị hạ Natri máu không triệu chứng.
Nhưng đa số các bạn vẫn hỏi mình “bù Natri ưu trương như thế nào” nhiều hơn 😃 chứ còn điều trị hạ Natri máu không triệu chứng là điều trị theo cơ chế/nguyên nhân hạ Natri máu cũng khá là đau đầu
Bài này mình sẽ review 3 phác đồ bù Natri ưu trương: Phác đồ của bộ Y tế VN (2015), phác đồ của hội nội tiết châu Âu và phác đồ của hội Y học Hoa Kỳ.
TỔNG QUAN
-NaCl 3% hiện nay được đồng thuận là dịch ưu trương được chọn trong trường hợp điều trị hạ Natri máu cấp có triệu chứng.
-Tuy nhiên, phương pháp bù NaCl 3% còn chưa được thống nhất giữa truyền TM liên tục hay là bolus ngắt quản. Tuy nhiên, có 3 lý do làm cho hội nội tiết châu Âu lẫn hội Y học Hoa Kỳ chọn phác đồ bolus: (1) Với các bệnh nhân có phù não, cần điều chỉnh Natri (theo mục tiêu) nhanh hơn; (2) Một liều bolus sẽ tránh việc cần tính toán và việc xảy ra lỗi do tính toán; (3) Phác đồ bolus hạn chế nguy cơ tăng Natri máu quá nhanh (overcorrection) hơn phác đồ truyền TM liên tục.
-Mình cũng nhắc lại là trong hạ Natri máu cấp và có triệu chứng ta mới có chỉ định bù dung dịch chứa Natri ưu trương, cụ thể là NaCl 3%. Và việc điều chỉnh cần hạn chế tối đa tình trạng over-correction vì gây ra hội chứng hủy myeline cầu não (ODS).
THEO HƯỚNG DẪN CỦA HIỆP HỘI Y HỌC HOA KỲ (AMJ MEDICINE)
Phương thức điều chỉnh:
-Hạ Natri máu có triệu chứng nặng: Bolus 100ml saline 3% trong vòng 10 phút, lập lại tối đa 3 liều nếu cần
-Hạ Natri máu có triệu chứng trung bình: Truyền tĩnh mạch liên tục saline 3% với tốc độ 0.5-2ml/kg/h.
Tốc độ điều chỉnh:
-Tối thiểu: 4-8mEq/l mỗi ngày
-Tối đa: 10-12 mEq/l mỗi ngày (không quá 8 mEq/l mỗi ngày đối với bệnh nhân có nguy cơ cao ODS)
THEO HƯỚNG DẪN CỦA HIỆP HỘI NỘI TIẾT CHÂU ÂU (EJE)
Phương thức điều chỉnh:
-Hạ Natri máu có triệu chứng nặng: Bolus 150ml saline 3% trong vòng 12 phút, lập lại 2-3 liều nếu cần.
-Hạ Natri máu có triệu chứng trung bình: Bolus 150ml saline 3% một lần duy nhất.
Tốc độ điều chỉnh:
-Tối thiểu: 4-8mEq/l mỗi ngày
-Tối đa: 10-12 mEq/l mỗi ngày (không quá 8 mEq/l mỗi ngày đối với bệnh nhân có nguy cơ cao ODS).
THEO HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ HẠ NATRI MÁU CỦA BỘ Y TẾ (2015)
Đối với hạ Natri máu cấp tính có kèm theo triệu chứng thần kinh trung ương:
-Điều chỉnh Natri máu tăng lên 2-3 mmol/l trong 2 giờ đầu, sau đó điều chỉnh tăng lên không quá 0.5 mmol/l trong 1 giờ hoặc không quá 8-12 mmol/l trong 24 giờ.
-Tính toán lượng Natri cần bù theo công thức Adrogue-Madias.
Công thức Adrogue-Madias
-Thay đổi [Na] mỗi lít = ([Na] dịch truyền + [K] dịch truyền – [Na] máu)/ (TBW + 1)
-Trong đó:
TBW (Tổng lượng nước cơ thể ước tính) = 60% cân nặng cơ thể
[Na] trong dịch truyền phụ thuộc vào loại dịch truyền, trong đó: Saline 3% có 513mEq/l; Normal saline có 154 mEq/l; Ringer’s lactate có 130 mEq/L (+4 mEq/l [K]); Half-normal saline (0.45%) có 77 mEq/L; Dextrose có 0 mEq/L.
Ví dụ: 1 người đàn ông 70kg có tình trạng hạ Na máu cấp và nặng, với [Na] 110mEq/L. Bác sĩ lâm sàng quyết định bù Natri 3% với mục tiêu tăng 4mEq Na trong vòng 2 giờ, sau đó sẽ kiểm tra lại.
Advertisement
[Na] thay đổi dự tính khi truyền 1 lít saline 3% = (513 – 110)/ (70*0.6 + 1) = 9.37 mEq/L
Thể tích saline 3% để tăng [Na] lên 4mEq là: 4/9.37 = 0,4 (L) = 400ml
Tốc độ truyền saline 3%: 400ml/2 giờ = 200 ml/giờ.
Các bạn có thể đọc lại 3 phần về hạ Natri ở list bài của mình. Lần sau có thời gian mình sẽ viết tiếp về xử trí khi đã lỡ over-correction và về hội chứng hủy myeline cầu não.
BS. Nguyễn Phi Tùng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Spasovski G, Vanholder R, Allolio B, Annane D, Ball S, Bichet D, et al. Clinical practice guideline on diagnosis and treatment of hyponatraemia. European journal of endocrinology. 2014;170(3):G1-47. doi: 10.1530/eje-13-1020.
2.Verbalis JG, Goldsmith SR, Greenberg A, Korzelius C, Schrier RW, Sterns RH, et al. Diagnosis, evaluation, and treatment of hyponatremia: expert panel recommendations. The American journal of medicine. 2013;126(10 Suppl 1):S1-42. doi: 10.1016/j.amjmed.2013.07.006.
3. 1493/QĐ-BYT Qđs. HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ HỒI SỨC TÍCH CỰC – HẠ NATRI MÁU. Cục quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế. 22/04/2015.
4. McGain F. The Washington Manual of Critical Care. Anesthesia & Analgesia. 2018;127(6):e102.

Giới thiệu Huỳnh Tâm Nguyện

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …