Hằng năm, hàng triệu người cao tuổi té ngã (Falls) tại Mỹ, dẫn đến hàng trăm ca ngàn tử vong và chấn thương vĩnh viễn. Tôi viết bài này chỉ ra những rủi ro nguy hiểm và các bệnh có thể dẫn đến té ngã mà chúng ta có thể phòng ngừa cho ông bà cha mẹ chúng ta.
# Té ngã là nguyên nhân thầm lặng giết người cao tuổi
– Cứ 1 trong 4 người cao tuổi (trên 65 tuổi) té ngã ít nhất một lần trong năm (1) và hơn một nửa trong số này (bệnh nhân té ngã) không báo cho BS họ biết (2).
– Dù ít bệnh nhân báo cho BS biết, vẫn có đến 3 triệu lượt khám bệnh vì té ngã mỗi năm trong phòng cấp cứu tại Mỹ và 800,000 người nhập viện vì chấn thương đầu hay gãy xương chậu.
– Ước tính hơn 3 người tử vong mỗi giờ hay 30,000 người Mỹ tử vong mỗi năm do biến chứng trực tiếp từ té ngã (3). Con số thực tế có thể cao hơn do những biến chứng lâu dài của té ngã như suy dinh dưỡng hay giảm vận động.
– Té ngã có thể làm xuất huyết não với những quý vị đang uống các thuốc loãng máu, dẫn đến đột quỵ hay làm liệt yếu lâu dài. Té ngã còn khiến gãy xương, nhập viện, và có thể bị thêm các bệnh khác như viêm phổi hay nhiễm trùng do phẫu thuật hay nằm viện
– Té ngã một lần làm giảm vận động, khiến cho các bệnh về khớp thêm đau nhức, dẫn đến tăng thêm rủi ro té ngã trong tương lai với các biến chứng tệ hại hơn.
# Các rủi ro dẫn đến té ngã:
Có nhiều rủi ro dẫn đến té ngã, từ các bệnh lý cấp tính, mãn tính, cho đến môi trường hay điều kiện sống. Khi chúng ta xác định có các rủi ro này, chúng ta có thể chỉnh sửa và giảm được rủi ro té ngã.
– Thiếu vitamin D
– Người gầy yếu phần dưới cơ thể (yếu các khớp háng, chân, đùi, gối)
– Đi đứng không vững, do các bệnh mãn tính khác như bị đột quỵ trước đó, viêm khớp mãn tính, nhất là viêm đau nhức khớp ở bàn chân
– Dùng các thuốc gây mê hay an thần thường xuyên. Thậm chí một số thuốc mua ngoài tiệm cũng dễ làm té ngã (như Benadryl)
– Các bệnh về mắt dẫn đến kém thị lực về đêm như đục thủy tinh thể, cườm mắt, tiểu đường hư mắt..
– Mang giày chật hoặc giày quá rộng
– Đèn điện ở nhà thiếu sáng về đêm, người lớn tuổi không thấy đường đi
– Nhà có nhiều vật cản và dễ vấp té như thảm dày hay ghế thấp, có cầu thang nhiều bậc, và các bề mặt không đồng đều.
# Té ngã với người lớn tuổi xảy ra khắp nơi, từ ngoài nhà, trong nhà đến đến bệnh viện
– Phần lớn người lớn té ngã sẽ không sau. Tuy nhiên 1 trong 5 người lớn tuổi khi té ngã có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như chấn thương đầu và gãy xương (4).
– Trong số các bệnh nhân không bị gãy xương, một số sẽ sợ bị té ngã lần nữa, dẫn đến giảm hẳn các hoạt động hàng ngày như đi bộ hay tập thể dục, cuối cùng dẫn đến suy kém sức khỏe và tăng rủi ro bị ngã sau này.
– Các nghiên cứu cho thấy phần lớn té ngã thường xảy ra ở ngoài nhà như sân vườn, nơi công cộng (5), và té ngã trong nhà thường xảy ra tại phòng tắm hay nhà bếp. Các nghiên cứu khác chỉ ra khi bệnh nhân nhập viện, khả năng té nghã vẫn rất cao, xảy ra khoảng 1,000,000 ca té ngã tại các BV ở Hoa Kỳ (6).
– Té ngã trong bệnh viện tăng rủi ro các biến chứng các bệnh lý khi nhập viện như kéo dài thời gian nhập viện, tăng rủi ro nhiễm trùng, và tăng khả năng tử vong.
# Loãng xương là một trong rủi ro nguy hiểm nhất khi té ngã vì dẫn đến gãy xương và tử vong
– Bệnh loãng xương làm xương yếu và giòn, dẫn đến xương rất dễ vỡ khi té ngã, nhất là gãy xương chậu và xương đùi. Phụ nữ khi té ngã càng tăng rủi ro gãy xương do mật độ xương thường thấp hơn so với đàn ông.
– Phụ nữ trên 65 tuổi hay nam giới trên 70 tuổi nên gặp BS để kiểm tra mật độ xương bằng DEXA (dual energy X-ray absorptiometry) scan với người bình thường không nhiều rủi ro loãng xương. Với bệnh nhân trên 50 tuổi hoặc đã từng gãy xương hay có các yếu tố tăng rủi ro loãng xương thì nên kiểm tra DEXA.
– Thường chỉ số DEXA nếu thấp hơn -2.5 là bị loãng xương trong khi DEXA từ -1.0 đến -2.4 là yếu xương.
– Các yếu tố rủi ro bị loãng xương khác như dùng steroid lâu dài, thiếu hay thừa các hormone, đặc biệt là bệnh về tuyến giáp, các bệnh tự miễn. Quý vị có thể xem video của tôi về bệnh loãng xương để hiểu thêm về chẩn đoán, rủi ro, và cách điều trị
# Làm sao để ngăn ngừa té ngã
– Đi khám BS để kiểm tra các rủi ro té ngã, chữa trị dứt điểm các bệnh mãn tính có thể làm mất cân bằng như tiểu đường (tụt đường huyết hay quá cao đường huyết, thiếu máu (do xuất huyết bao tử hay thiếu sắt cũng dẫn đến dễ chóng mặt té ngã), hay cao huyết áp (quá cao huyết áp khiến chóng mặt nhức đầu)
– BS sẽ xem lại các loại thuốc uống để ngưng hay giảm các thuốc có thể tăng rủi ro té ngã (như thuốc an thần). Quý vị nhớ nói các loại thuốc khác mà quý vị uống như thuốc bổ hay thuốc mua không cần toa vì có thể những thuốc này khiến quý vị dễ bị té ngã ví dụ như vitamin A hay Niacin (B3) có thể gây chóng mặt nếu dùng quá liều. Benadryl là thuốc chống dị ứng và giảm ngứa mua ngoài tiệm thuốc cũng có thể gây ra chóng mặt. â- Kiểm tra nồng độ vitamin D. Có nhiều bài viết và nói chuyện của tôi trên kênh youtube về vai trò của vitamin D trong hệ miễn dịch và sức khỏe xương. Các nghiên cứu cũng chỉ ra thiếu vitamin D co thể tăng rủi ro té ngã (7).
– Kiểm tra và ngăn ngừa bệnh loãng xương.
– Tập các bài tập giúp tăng cường thăng bằng và đi đứng như Khí Công hay Tai Chi, các bài tập này chậm, từ từ, sẽ giúp các cơ bắp và khớp xương làm việc với nhau tốt hơn.
– Kiểm tra thị lực thường xuyên với BS mắt hay BS gia đình ít nhất một lần một năm. Các thay đổi nhỏ về thị lực cần phải được xem xét cẩn thận vì có thể ảnh hưởng nhiều khi đêm xuống.
– Chỉnh sửa lại phòng ốc trong nhà, tăng cường hệ thống chiếu sáng ở lối đi, nhà bếp, nhà vệ sinh, lắp thêm các thanh vịn ở lối đi, nhà bếp, hay phòng ngủ người lớn tuổi. Dùng ghế ngồi khi tắm, hay gắn thêm tay vịn trong phòng vệ sinh vì trơn trượt cao khi ông bà cha mẹ chúng ta vừa tắm xong.
# Tóm lại:
– Rủi ro té ngã của ba mẹ ông bà của chúng ta là rất cao, dù tại Mỹ hay Việt Nam. CDC ưóc tính tử vong do té ngã sẽ tăng đến 30% trong những năm tới.
– Quý vị nhớ đưa cha mẹ ông bà của mình khám BS để tìm ra các rủi ro té ngã, từ đó có cách ngăn ngừa và chữa trị phù hợp
– Chỉnh trang lại nhà cửa phòng ốc cho người lớn tuổi vì những thay đổi này có thể ngăn ngừa một lần té ngã, và có thể cứu mạng được ông bà cha mẹ chúng ta
BS Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ
Tham khảo:
1. Bergen G, Stevens MR, Burns ER. Falls and Fall Injuries Among Adults Aged ≥65 Years — United States, 2014. MMWR Morb Mortal Wkly Rep 2016;65:993–998. DOI: http://dx.doi.org/10.15585/mmwr.mm6537a2
2. Stevens JA, Ballesteros MF, Mack KA, Rudd RA, DeCaro E, Adler G. Gender differences in seeking care for falls in the aged Medicare Population. Am J Prev Med 2012;43:59–62