[Cập nhật] Phì đại tiền liệt tuyến – BPH

Rate this post
Nhiều quý ông nửa đêm thức dậy đi tiểu nhiều lần hay ráng đi tiểu mà tiểu không được? Những triệu chứng này có thể là do một bệnh rất hay xảy thường ra khi đàn ông lớn tuổi. Đây là bài trong loạt bài nói về lý do đi tiểu đêm mà tôi nói trong video số 255 trên kênh youtube Dr Wynn Tran Official
# Bệnh phì đại tuyến tiền liệt (Benign Prostatic Hyperplasia, BPH), còn gọi là u xơ tiền liệt tuyến, tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, phì đại nhiếp hộ tuyến
– là một bệnh hay gặp ở quý ông khi lớn tuổi. Khoảng 1/3 đàn ông 60 bị phì tuyến tiền liệt và tỉ lệ này tăng dần theo tuổi, hơn một nửa đàn ông 80 có tuyến tiền liệt bị phì.
– Tuyến tiền liệt là một tuyến hình cầu như trái lê bên dưới bọng đái, nằm trên đường dẫn nước tiểu. Tuyến tiền liệt có chức năng sản sinh chất dịch giúp quá trình sinh sản ở nam giới. Khi tuyến này phình to có thể ép vào bọng đái hay ống dẫn nước tiểu, dẫn đến khi đi tiểu có cảm giác khó chịu như dòng chảy nước tiểu bị ngắt, yếu đi, hay nước tiểu còn dư trong bọng đái.
– Các triệu chứng này kéo dài đôi khi có thể dẫn đến viêm đường tiết niệu, viêm thận, hay có máu trong nước tiểu. Các triệu chứng khác của bệnh BPH này gồm khó chịu vùng bụng dưới. Đôi khi BPH quá nhiều làm căng cứng bọng đái, không đi tiểu được.
– Điểm quan trọng là kích cỡ đại phì của tuyến tiền liệt không nhất thiết là gây ra triệu chứng nặng hơn. Tùy vào mỗi người mà tuyến tiền liệt có thể phì to chút ít nhưng gây rất nhiều triệu chứng hoặc phì to nhưng ít gây ra triệu chứng. Các bệnh mãn tính có thể tăng rủi ro làm phì tuyến tiền liệt là bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, và béo phì. Chữa tận gốc các bệnh mãn tính này có thể làm giảm rủi ro bị phì tuyến tiền liệt.
– Bệnh nhân mắc BPH có thể bệnh nặng hơn nếu như bị sạn thận hay bị viêm đường tiết niệu, viêm thận, hay các bệnh viêm sưng khác vùng lân cận. Đặc biệt là sỏi thận có thể dẫn đến kẹt sạn, do đường ống bị hẹp, dẫn đến rách, nhiễm trùng và các biến chứng nguy hiểm khác.
# Chẩn đoán BPH
– Chẩn đoán bắt đầu bằng bệnh sử như quý vị có tiểu són (tiểu rắt), tiểu thường xuyên, cảm giác vẫn còn muốn tiểu sau khi tiểu. BS có thể sẽ khám thăm dò vùng bụng hay dùng ngón tay khám trực tiếp (Digital rectal exam) vào tuyến tiền liệt để ước lượng độ lớn và thô của tuyến.
– BS cũng có thể cho xét nghiệm nước tiểu (kiểm tra nhiễm trùng và chức năng thận), và kiểm tra nồng độ PSA (Prostate Specific Antigen). PSA là kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt, là một protein được tạo ra bởi các mô tuyến tiền liệt, có thể lành tính hay ác tính.
– Nồng độ PSA có thể tăng trong nhiều trường hợp như BPH hay ung thư tuyến tiền liệt (tôi sẽ nói riêng một chủ đề khác). Siêu âm tuyến tiền liệt qua đường ruột hay nội soi bọng đái là những xét nghiệm khác BS có thể sẽ làm.
– Với các triệu chứng và chẩn đoán phức tạp, BS gia đình có thể chuyển quý vị qua gặp BS chuyên khoa đường tiết niệu (Urologist).
# Chữa trị BPH thế nào?
– Có nhiều cách chữa trị bệnh này gồm uống thuốc hormone làm nhỏ tuyến lại, thuốc làm co giãn bọng đái giúp đi tiểu tốt hơn, và can thiệp xâm lấn tối thiểu bằng mổ khi các biện pháp thuốc không hiệu quả.
– Trị liệu bệnh BPH tùy vào triệu chứng, độ phì của tuyến, tuổi tác, hay các bệnh lý mãn tính. Lưu ý là nhiều trường hợp BPH, bệnh nhân sẽ tự khỏi và thấy đỡ hơn theo thời gian, đặc biệt là sau khi thay đổi ăn uống, giảm cân, và tập thể dục thường xuyên.
– Các thuốc dùng cho bệnh BPH gồm Alpha blocker, để thư giãn bọng đái như Tamsulosin (Flomax), Alfuzosin (Uroxatral), Doxazosin (Cardura), và Silodosin (Rapaflo). Các thuốc này thường dùng đầu tiên cho những tuyến tiền liệt phì vừa phải. Tác dụng phụ là đôi khi bệnh nhân thấy chóng mặt và nhức đầu.
– Thuốc khác gồm 5-alpha reductase inhibitor, là thuốc hormone làm teo tuyến tiền liệt như Finasteride (Proscar) và Dutasteride (Avodart). Lưu ý là Finasteride cũng được dùng để trị rụng tóc (liều thấp hơn 1mg). Thuốc cường dương Tadalafil (Cialis) cũng có thể được dùng để chữa BPH.
# Khi nào bệnh nhân cần mổ cho BPH?
– Nếu dùng thuốc mà bệnh nhân vẫn còn triệu chứng và bệnh không giảm thì phẫu thuật can thiệp là cách để chữa BPH. Nguyên tắc chung là cắt gọt nhỏ tuyến tiền liệt, làm khơi thông dòng nước chảy. Can thiệp phẫu thuật thường có nhiều tác dụng phụ hơn thuốc uống. Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt có sự trợ giúp của Robot giúp BS mổ chính xác hơn, ít chảy máu hơn, và phục hồi nhanh hơn.
– Các kỹ thuật mổ hiện nay là TURP (Transurethral resection of the prostate), TUIP (Transurethral incision of the prostate).
– Trong TURP (mổ bóc u tiền liệt thông qua đường tiểu), BS tiết niệu dùng ống nội soi đi vào ống nước tiểu đến phần tuyến tiền liệt, sau đó BS sẽ cắt phần lớn tuyến (chỉ chừa phần ngoài cùng của tuyến tiền liệt). Do cắt phần lớn tuyến tiền liệt, thủ thuật này thường cải thiện được rất nhiều triệu chứng về tắc nghẽn đường tiểu, nhưng có nhiều tác dụng phụ như chảy máu, rối loạn cường dương, hay nhiễm trùng đường tiểu.
Sau khi làm TURP xong, bệnh nhân có thể gắn ống thông tiểu một thời gian. Trong khi đó, kỹ thuật TUIP thì chỉ cắt một hay hai lát vào tuyến tiền liệt, chỗ có thể gây áp lực lên ống dẫn tiểu nhiều nhất. Kỹ thuật TUIP hồi phục nhanh hơn, ít tác dụng phụ hơn TURP nhưng cũng giảm triệu chứng không nhiều bằng TURP.
Advertisement
– Các kỹ thuật khác như dùng nhiệt (sóng microwave) làm teo nhỏ tuyến tiền liệt hay dùng laser làm nhỏ tuyến. Laser được nhiều bệnh nhân chuộng vì tác dụng phú ít hơn, khả năng hồi phục cao. Kỹ thuật PUL (prostatic urethral lift) kéo ép tiền liệt từ bên trong bằng các sợi dây, làm tăng dòng chảy. Các kỹ thuật đốt nóng cũng làm giảm kích cỡ tuyến tiền liệt.
# Các tác dụng phụ khác khi mổ tuyến tiền liệt
– Chảy ngược tinh dịch vào bọng đái thay vì ra ngoài khi xuất tinh
– Khó tiểu tạm thời
– Nhiễm trùng đường tiểu
– Chảy máu
– Rối loạn cường dương
# Ai dễ mắc bệnh BPH
– Nam giới khi lớn tuổi đều dễ bị BPH
– Gia đình có nhiều người bị BPH
– Béo phì, tăng căng, ít tập thể dục
– Người Mỹ gốc Phi và gốc Âu dễ bị BPH hơn người châu Á
– Uống rượu, hút thuốc, uống ít nước, ăn nhiều chất béo
– Có bệnh sử về rối loạn chức năng cường dương
– Nhiều stress, có bệnh sử về đường tiết niệu như nhiễm trùng hay sạn thận
# Tóm lại
– Các triệu chứng đi tiểu nhiều, rát tiểu, khó tiểu là những triệu chứng cần được khám BS ngay
– Bệnh BPH hoàn toàn có thể kiểm soát bằng thuốc hay phẫu thuật
– Tập thể dục (nhất là vùng bụng), ngưng thuốc lá, giảm cân, chữa các bệnh mãn tính khác là cách tốt nhất để giảm rủi ro BPH
BS Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ

Giới thiệu Huỳnh Tâm Nguyện

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …