Tại Hội nghị ADA năm nay, lần đầu tiên ADA (Hội ĐTĐ Hoa Kỳ) và KDIGO (Tổ chức cải thiện kết cục bệnh thận toàn cầu) đã có cuộc họp để đánh giá những điểm thống nhất cũng như khác biệt trong các hướng dẫn điều trị riêng rẽ, và đã ra được Đồng thuận chung về điều trị bệnh lý thận ở BN ĐTĐ, bao phủ các vấn đề về sàng lọc, chẩn đoán, chăm sóc toàn diện và các mục tiêu điều trị cũng như sử dụng thuốc. Cụ thể là:
1. Sàng lọc hàng năm với các BN typ 2 ngay khi được chẩn đoán ĐTĐ, và với các BN typ 1 là sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán ĐTĐ. Lưu ý là cần sàng lọc bằng cả tính mức lọc cầu thận (eGFR) và tỷ số albumin/creatinin niệu (ACR), do trong thực tế lâm sàng các Bác sỹ thường chỉ tính eGFR mà thôi. Ngoài giá trị chẩn đoán, 2 thống số này còn giúp chúng ta xác định các nguy cơ tim mạch, thận; tần suất theo dõi và khi nào cần gửi đến bác sỹ chuyên khoa.
2. Điều trị đầu tay: Đồng thuận cung cấp lược đồ điều trị (algorithm), bao gồm lối sống khỏe mạnh, và tiếp đó là các bậc thang dùng thuốc. Thuốc được chỉ định đầu tay cho các BN bệnh thận mạn, bao gồm cả BN ĐTĐ typ 1, là thuốc ức chế hệ renin-angiotensin, và Statin cường độ trung bình hoặc cao. Các lựa chọn thêm vào cho BN ĐTĐ typ 2 là SGLT-2i và metformin.
Lưu ý là có thể chỉ định Metformin cho BN có eGFR ≥ 30mL/phút. Còn SGLT-2i, theo những dữ liệu mới nhất, là eGFR ≥ 20mL/phút, và thuốc này vẫn có thể tiếp tục được nếu eGFR sau đó có giảm xuống thấp hơn. Mặc dù giá thành điều trị SGLT-2i ban đầu là khá cao, nhưng xét tổng thể nó lại tiết kiện được chi phí lâu dài và cũng cải thiện tốt sức khỏe, làm chậm hoặc ngăn ngừa được nguy cơ phải lọc máu hay ghép thận
3. Điều trị thêm vào: là các thuốc được cho thêm với mục tiêu kiểm soát tối ưu đường huyết và giảm thiểu nguy cơ thận. Thuốc được khuyến cáo cho BN ĐTĐ typ 2 là GLP-1 RA vì nó có tác dụng mạnh bảo vệ tim mạch. Một lựa chọn khác là thuốc đối kháng thụ thể mineralocorticoid, ví dụ như Finerenone
4. Mục tiêu HbA1C cho những BN đã có bệnh thận mạn nên được cá thể hóa trong khoảng từ 6,5 – 8,0%, phụ thuộc vào các yếu tố như mức độ nặng của bệnh thận, các biến chứng tim mạch, thời gian sống thêm và nguy cơ hạ đường huyết. Tuy nhiên cần lưu ý là HbA1C ở những BN này “có thể không chính xác”, do đó nên sử dụng máy đo đường huyết liên tục (CGM)
5. Danh sách các thuốc ĐTĐ phải chỉnh liều khi eGFR giảm < 45 mL/phút.