[Câu chuyện Y Khoa] Bác sĩ và người bệnh!

Rate this post

Ở Việt Nam mối quan hệ giữa Bác sĩ nói riêng và nhân viên y tế nói chung với người bệnh càng ngày càng có khoảng cách, thậm chí ở một số nơi, với một số người là sự thù địch, nguyên nhân thì nhiều lắm: chủ quan có, khách quan cũng có nhưng quan trọng nhất chắc vẫn là do lòng tin. Mình không dám so sánh giữa ta với tây, mình chỉ muốn kể lại vài mẩu chuyện nhỏ nhỏ mình chứng kiến từ khi mới đặt chân đến đây, làm mình rất bất ngờ.
– Lần đầu tiên mình đi siêu âm tại giường cùng Bs trưởng khoa làm siêu âm cho 1 bệnh nhân nữ 40 tuổi (chính trưởng khoa là người đẩy máy siêu âm đi). Sau khi làm hết trách nhiệm của một bác sĩ siêu âm, vị Bs đi đến cúi đầu, nhẹ nhàng nắm tay bệnh nhân với ánh mắt trìu mến nói những câu động viên đại loại là “tôi cũng có những đứa con và tôi hiểu cảm giác của bà lúc này, hãy luôn nghĩ về những đứa con của mình để cố gắng, mọi việc rồi sẽ tốt đẹp cả thôi”. Sau đó nhẹ nhàng vỗ nhẹ lên bàn tay của người bệnh, bệnh nhân mỉm cười vì chắc cũng nhẹ đi được một chút nỗi đau.
– Lần thứ 2 mình ngồi đọc MRI cùng một Bs khác của khoa, thường sau khi chụp xong MRI một số bệnh nhân sẽ muốn hỏi xem có vấn đề gì trầm trọng không. Vị Bs này vì phải xem một ca cấp cứu khác ưu tiên hơn nên để bệnh nhân chờ đợi hơi lâu (khoảng 15 phút), sau khi gọi bệnh nhân vào nhưng không thấy, vị Bs mở cửa phòng thấy bn già ngồi trên ghế chờ nên vội vàng đi ra và quỳ xuống ngay cạnh ghế ngồi của bệnh nhân (mình tiếc quá vì không ghi lại được hình ảnh này), câu đầu tiên bà nói là “xin lỗi bà đã để bà phải đợi lâu, mong bà thông cảm vì tôi có một ca cấp cứu nên phải ưu tiên xem trước”, và cũng lại quỳ như thế để giải thích cho bệnh nhân tỉ mỉ chi tiết từng tí một. Còn bệnh nhân thì liên tục mỉm cười và gật đầu.
– Lần thứ 3 khi mình làm buổi siêu âm đầu tiên với một nam Bs trong khoa, ông già rồi chắc cũng sắp về hưu. Việc đầu tiên khi bệnh nhân bước vào cửa là vị bác sĩ này cất lời chào và mời bệnh nhân lên giường, sau khi kết thúc thăm khám thì cũng chính ông là người nói cảm ơn và không quên chúc bệnh nhân một ngày tốt lành. Đáp lại bệnh nhân cũng cười và cảm ơn lại Bs. Mình bắt đầu học thói quen chào và cảm ơn bệnh nhân từ đấy.
– Lần thứ 4 là khi mình làm XQuang với mấy bác kĩ thuật viên cũng khá là có tuổi, một bệnh nhân trẻ tuổi chắc tầm 20,21 gì đấy vào chụp xquang cổ tay sau khi bị ngã, bác Ktv vô tình chạm vào tay của bn, chắc hơi đau nên bn á lên một tiếng, bác Ktv lớn tuổi ngay lập tức “xin lỗi, xin lỗi tôi không cố ý”, bệnh nhân thì cũng ngay lập tức trả lời “không sao, không vấn đề gì đâu bà”.
– Vân vân mà mây mây rất nhiều lần khác nữa những từ được sử dụng nhiều nhất ở đây là “ xin chào” “cảm ơn” “xin lỗi” họ sử dụng như một thói quen, một phản xạ và mình cũng tập dần với thói quen đó.
Ngược lại, người bệnh thì cực kì tôn trọng và tin tưởng bác sĩ, khi nhận được lời cảm ơn từ Bs thì họ sẽ bảo “không, chính tôi mới là người phải nói cảm ơn”.
Mình có thể bắt gặp đâu đó hình ảnh tương tự như vậy ở Việt Nam, ở một số khoa dịch vụ, khoa khám theo yêu cầu hay các bệnh viện quốc tế. Nhưng thực tế về động lực hoàn toàn khác nhau: ở nước mình, hành động đó đa phần xuất phát từ trách nhiệm và từ việc họ sẽ nhận được thù lao xứng đáng với dịch vụ mà họ cung cấp. Còn ở nước bạn, hành động này xuất phát từ văn hoá, thói quen, tình thương, và sự tôn trọng con người.
Để xây dựng được một văn hoá ứng xử trong bệnh viện như vậy cần rất nhiều yếu tố và cần có thời gian rất lâu, nó cũng phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của mỗi bệnh viện, mỗi quốc gia. Nhưng nên chăng, thay vì đổ lỗi cho các yếu tố khách quan thì mỗi người chúng ta bên cạnh sự trau dồi chuyên môn, cũng nên tự thay đổi dần thói quen trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày giữa người với người để xây dựng niềm tin?
Trăn trở trong một đêm trực muộn

Nguồn: Bs Hụ Hoàng

Advertisement

Giới thiệu Chuyện ngành Y

Mang đến những thông tin và câu chuyện trong quá trình học tập và làm nghề Y

Check Also

[Vypo] Từ tiếng anh chuyên ngành quay lại cơ bản

Tiếng Anh: từ chuyên ngành quay lại … cơ bản TS. Phạm Đức Hùng Nhiều …