[Chia sẻ] Bệnh vẩy nến

Rate this post
Vảy nến là một bệnh của hệ miễn dịch. Bệnh có những mảng da mẩn đỏ dày sừng, ngứa thường mọc ở ngoài khủy tay, đầu gối, thân, và trên đầu. Bệnh này đôi khi bị nhầm lẫn vối với da cơ địa do có nhiều triệu chứng giống nhau và cả hai đều có liên quan đến hệ miễn dịch. Bài viết này chỉ ra triệu chứng, chẩn đoán, và chữa trị bệnh vảy nến.
# Bệnh vảy nến là bệnh mạn tính
– Do là bệnh miễn dịch nên bệnh vảy nến thường sẽ đi chung với bệnh nhân lâu dài. Bệnh này thường xảy ra theo chu kỳ lên xuống, có những lúc bệnh nhân bớt nổi đỏ gần như lành hẳn và có những lúc nổi ngứa dữ dội, đôi khi phải nhập viện. Thường các cơn nổi mảng da đỏ đi kèm khi bệnh nhân có những thay đổi kích thích hệ miễn dịch như bị cảm, nhiễm trùng, tổn thương hay bị bỏng, và đôi khi do bị tác dụng phụ của thuốc.
– Chữa trị bệnh vảy nến yêu cầu chẩn đoán đúng loại, tìm ra các tác nhân gây lên cơn, tìm ra thuốc để chữa ổn định trong khi ngăn ngừa các biến chứng khác của vảy nến như tránh thẹo hay sậm màu trên da hay bị viêm sưng khớp vảy nến (sẽ nói ở một chủ đề khác)
– Bệnh nhân vảy nến cần phải gặp BS ngay nếu bệnh vảy nến trở nặng hơn, các mảng da đỏ mọc rộng ra, nhiều hơn. Các mảng da đỏ không bớt ngứa với kem xức hay thuốc chữa trị.
– Bệnh nhân mắc vảy nến còn có thể bị ảnh hưởng bởi tâm lý do mặc cảm về làn da không dám ra ngoài hay mặc các loại quần áo ngắn. BS chữa trị vảy nến vì vậy cần phải quan tâm đến yếu tố tâm lý ngoài chữa trị làn da. Nhiều bệnh nhân bị vảy nến lâu năm cứ ngỡ bệnh không thể chữa nên chấp nhận làn da bị khiếm khuyết và lâu dần có thể dẫn đến trầm cảm.
# Triệu chứng và các loại bệnh vảy nến
– Mỗi bệnh nhân bị vảy nến có thể bị nổi mảng mẩn đỏ khác nhau. Có người mắc vảy nến chỉ với những đốm đỏ nhỏ li ti trên đầu, có gàu trắng, cho đến những mảng da đỏ dày lan khắp người với các vảy trắng nhỏ (vì vậy bệnh gọi là vảy nến. Các mẩn trên da đôi khi cũng có nhiều màu khác nhau do thời gian phát mẩn, nổi mảng khác nhau, và bị bệnh nhân gãy khiến vùng da bị biến dạng, nhưng điểm chung là thường có những vảy mỏng bạc, hay các miếng da khô bị nứt nẻ
– Các mẩn đỏ này thường kèm theo ngứa rất nhiều, cảm giác ngứa bỏng rát. Nhiều bệnh nhân mô tả mảng đỏ ngứa như muốn bứt ra.
– Tùy vào loại vảy nến mà BS sẽ phân loại chẩn đoán khác nhau. Các loại vảy nến khác nhau có thể có biến chứng khác nhau, tiên lượng phục hồi khác nhau, và cách điều trị khác nhau.
+ Vảy nến dạng mảng lớn (plaque psoriasis): là loại vảy nến hay gặp nhất, với các mảng lớn nhỏ da đỏ, khô, ngứa, sần sùi với các vảy bạc bên ngoài cùng, thường ở đầu gối, khuỷu tay, đầu gối, hay trên đầu dưới tóc, đặc biệt là gần phía sau lỗ tai và gần gáy. Các mảng vảy đỏ nếu bị lâu dài sẽ từ từ lành sau khi bị bệnh nhân gãy, dẫn đến vùng da bị sạm màu thành nâu hay đen. Với người châu Á hay người Mỹ gốc Phi thì vùng da bị vảy nến khi bị gãi nhiều thường bị đổi thành màu đen hay nâu.
+ Vảy nến dạng móng tay: Loại vảy nến này ảnh hưởng chủ yếu ở móng tay và móng chân, biểu hiện qua các lằn móng chạy dọc theo đường rãnh, hay những đốm nhỏ trên móng, móng bị đổi màu hay bị mọc chậm. Móng tay vảy nến còn có thể bị giòn, bị bong tróc từ chân móng và có thể bị nấm móng kèo theo. Với bệnh vảy nến nặng, móng có thể bị biến dạng và mọc cong quặp.
+ Vảy nến dạng hạt (giọt) Guttate psoriasis. Vảy nến dạng này thường là các hạt hay đốm nhỏ màu đỏ, sưng, dày nổi đều ở trên thân, cánh tay, hay chân. Vảy nến dạng này thường bị mọc sau khi bệnh nhân bị nhiễm trùng hay các tổn thương kích thích mạnh hệ miễn dịch.
+ Vảy nến mọc ngược (Inverse psoriasis) thường mọc ở vùng da gấp bên trong cơ thể như dưới vú, chỗ háng, giữa hai mông. Vảy nến loại này thường là các mảng da đỏ, ít sần sùi, không có những lớp bạc hay thấy ở vảy nến (nên thường gọi là vảy nến mọc ngược). Đôi khi nhiễm trùng nấm có thể kích thích vảy nến loại này bùng phát. Chữa trị vảy nến loại này cần phải được phân biệt với nhiễm trùng da do nấm ở các vùng da gấp.
+ Vảy nến dạng mủ (Pustular psoriasis) là loại vảy nến hiếm gặp, thường có các mụn mủ hay các đốt đỏ chứa nước. Vảy nến loại này thường xảy ra ở bàn tay, các vùng da nhỏ trên người.
+ Vảy nến đỏ toàn thân (Erythrodermic psoriasis) là loại vảy nến rất hiếm gặp. Ở dạng này, bệnh nhân thường có các mảng đỏ lớn dày, và bong tróc ra thành từng mảnh khi đụng vào. Loại này nguy hiểm nhất vì bệnh nhân sẽ bị tình trạng như bị phỏng nặng, dễ mất nước toàn thân, và dễ bị nhiễm trùng. Loại vảy nến này phải được nhập viện và theo dõi kỹ càng.
# Tại sao bệnh nhân mắc vảy nến?
– Các nghiên cứu chỉ ra bệnh vảy nến có thể liên quan đến hệ miễn dịch. Tăng tương tác giữa các tế bào miễn dịch tự nhiên (innate immunity), tế bào miễn dịch thu được (adaptive immunity), và các tế bào vùng thượng bì, dẫn đến nhiều kháng thể và tế bào tín hiệu viêm sưng tấn công các tế bào da, khiến cho vùng thượng bì sản sinh nhiều hơn bình thường. Các tế bào da sản sinh quá nhanh dẫn đến thiếu liên kết, gãy rụng thành từng lớp (vảy), bên dưới là vùng da viêm sưng (đỏ), nên nhìn có vẻ như là các vảy đỏ nến.
– Lưu ý là vảy nến không lây lan như một số người nghĩ. Đây không phải là bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, cha mẹ có bệnh vảy nến sẽ tăng rủi ro con cháu bị bệnh vảy nến. Nếu chỉ có cha hoặc mẹ mắc vảy nến thì con sẽ có khoảng 10% mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu cả cha lẫn mẹ mắc vảy nến thì con có thể có đến 50% khả năng mắc bệnh.
# Các yếu tố gây ra cơn phát vảy nến?
– Nhiều bệnh nhân mắc vảy nến không hề có triệu chứng về da hay khớp cho đến khi gặp các yếu tố làm bùng phát bệnh. Các yếu tố này thường liên quan đến môi trường hay các kích thích lên hệ miễn dịch như nhiễm trùng hay các bệnh mạn tính. Kiểm soát các yếu tố này, ví dụ như giữ ẩm cho da hay bỏ thuốc lá, sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh vảy nến tốt hơn.
+ Viêm đường hô hấp thường có thể làm bùng phát bệnh vảy nến với các mảng đỏ nổi mẩn ngứa mà trước kia bệnh nhân chưa bị bao giờ
+ Thời tiết quá khô hay quá lạnh cũng có thể làm bùng phát cơn vảy nến. Thời tiết khô hay lạnh làm da dễ mất nước, mau khô, dẫn đến dễ viêm sưng.
+ Tổn thương trực tiếp đến da như bị vết cắt, vết bỏng, bị cắn cũng làm da bị viêm sưng, kích thích hệ miễn dịch khiến cho bệnh vảy nến bùng phát.
+ Hút thuốc lá có thể khiến hệ miễn dịch cơ thể bị kích thích và khiến bệnh vảy nến bùng phát. Hút thuốc lá cũng khiến cho việc chữa bệnh vảy nến kém hiệu quả do da bị viêm sưng nhiều hơn.
+ Uống rượu nhiều cũng có thể khiến bệnh vảy nến bùng phát do rượu làm cơ thể viêm sưng.
+ Tác dụng phụ của thuốc, ví dụ như thuốc chữa trầm cảm Lithium, thuốc cao huyết áp và thuốc chữa nhiễm trùng sốt rét cũng có làm bùng phát bệnh vảy nến.
+ Steroid cũng có thể làm bùng phát vảy nến nếu ngưng đột ngột do ảnh hưởng trực tiếp lên hệ miễn dịch.
# Chữa trị bệnh vảy nến
– Mục tiêu chữa trị là giảm tốc độ phát triển của tế bào sừng, giảm vảy, giảm ngứa và tăng chất lượng cuộc sống. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh vảy nến mà BS sẽ có cách chữa trị phù hợp. Lưu là bệnh vảy nến vẫn có thể trở lại mặc dù đã được chữa trị hoàn toàn các triệu chứng.
1. Thuốc bôi (xức): Nhiều loại thuốc bôi khác nhau có thể dùng kết hợp với nhau để có hiệu quả tốt nhất. Tùy vào mức độ nặng nhẹ mà BS sẽ khuyên quý vị dùng kết hợp hay nhiều lần với nhau. Lưu ý là thời gian và cách bôi có thể ảnh hưởng đến hiệu quả thuốc.
– Thuốc bôi Corticosteroid ức chế hệ miễn dịch và làm giảm viêm sưng là loại thuốc hay dùng nhất cho bệnh nhân mắc vảy nến. Kem Steroid thường chỉ dùng cho bệnh nhân bị nhẹ hay vừa. Thuốc bôi Corticosteroid có nhiều dạng như kem, dầu, lotion, gel, foams, xịt và dầu gội. Tùy vào vị trí của vùng da bị vảy nến mà BS sẽ cho quý vị loại bôi phù hợp. Ví dụ như vảy nến có gàu trên đầu sẽ thích hợp với shampoo steroid thay vì kem xức vì shampoo sẽ thẩm thấu tốt hơn.
– Các vùng da nhạy cảm như da mặt hay vùng bẹn sẽ cần kem steroid nhẹ hơn như hydrocortisone. Vùng da dày như đầu gối hay khuỷu tay có thể sẽ cần steroid loại nặng hơn. Điểm quan trọng là dùng thuốc Steroid chỉ nên trong lúc vảy nến bùng phát. Dùng thuốc bôi Steroid lâu ngày sẽ làm da mỏng đi, tăng mạch máu dưới da, và lờn thuốc. BS sẽ khuyên quý vị dùng thuốc Steroid kết hợp với các loại kem bôi khác.
– Thuốc bôi Vitamin D như Calcipotriene hay Calcitriol làm giảm tốc độ sản sinh của tế bào da, giúp giảm viêm sưng mà không có những tác dụng phụ nguy hiểm như thuốc bôi Steroid. Vấn đề là các loại thuốc này thường mắc tiền hơn thuốc bôi Steroid và nhiều hãng bảo hiểm không chịu trả tiền.
– Thuốc bôi Retinol (tôi nói nhiều lần trên Youtube) là loại kem dùng để tẩy tế bào chết, tạo ra lớp da mới. Thường kem Retinol ít dùng hơn so với Steroid và vitamin D. Kem Retinol không nên dùng cho phụ nữ có thai hay đang cho con bú. – Thuốc bôi ức chế Calcineurin để giảm chuỗi phản ứng viêm sưng ví dụ như thuốc Tacrolimus (protopic) hay Pimecrolimus (Elidel). Các loại thuốc này thường rất mắc tiền, mắc hơn cả vitamin D nên các hãng bảo hiểm thường không chịu trả. Thuốc dạng này rất tốt ở các vùng da nhạy cảm như da xung quanh mắt hay da vùng sinh dục vì ít tác dụng phụ. Thuốc này cũng được dùng nhiều ở trẻ em do ít tác dụng phụ làm mỏng da như thuốc Steroid. Thuốc loại này cũng không dùng ở phụ nữ mang thai và cho con bú. Thuốc này cũng không nên dùng lâu dài ví tăng rủi ro ung thư lymphoma.
– Dầu gội Salicylic acid giảm gàu và giảm độ tăng trưởng của tế bào da, từ đó làm mỏng da và giảm viêm. Thuốc loại này có thể mua không cần toa và thường dùng kèm theo các loại thuốc bôi khác.
– Thuốc bôi Coal Tar giảm viêm sưng và giảm vảy tạo thành. Thuốc loại này thường bán ngoài tiệm thuốc không cần toa. Thuốc Coal tar có nhiều dạng, như dầu gội đầu, kem, và cả dầu. Dùng thuốc này đôi khi làm da bị ngứa và có mùi khó chịu. Coal tar không nên dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.
– Thuốc bôi Anthralin là loại thuốc bôi làm giảm tốc độ phát triển của tế bào. Thuốc này cũng có thể chữa các vảy và làm làn ra trở nên mềm mại hơn.
2. Chữa trị ánh sáng (Light therapy): Trị liệu này thường dùng cho bệnh nhân mắc vảy nến vừa cho đến nhẹ. Trị liệu ánh sáng có thể dùng kèm với thuốc bôi, thuốc uống, hay chỉ dùng riêng. Trị liêu ánh sáng dùng ánh sáng mặt trời (ngắn hạn) các tia UVB dải hẹp hay tia UBV dải rộng. Bệnh nhân sẽ được chiếu ánh sáng 2-3 lần trong tuần và sẽ mất vài tuần cho đến 1-2 tháng mới có kết quả. Vì lý dó này, nhiều bệnh nhân không theo các trị liệu ánh sáng do tốn thời gian. Một trị liệu khác dùng thuốc Psoralen kết hợp với tia UVA (PUVA). Bệnh nhân sẽ uống thuốc làm tăng độ nhạy cảm của ánh sáng lên da, khiến vùng da bị vảy nến mau phản ứng khi tiếp xúc với tia UVA. Dùng trị liệu ánh sáng lâu dài có thể tăng rủi ro làm da khô, nám da, thậm chí rủi ro về ung thư da.
– Excimer Laser là trị liệu mới gầy đây, dùng kỹ thuật laser để tập trung tia UBV vào vùng da bị ảnh hưởng. Cách này các tia UVB tập trung nhiều hơn trị liệu UBV thường quy nên các buổi trị liệu có thể ít hơn.
3. Thuốc uống hay thuốc chích Steroid
– Với bệnh nhân bị vảy nến nặng hay vừa, BS có thể sẽ cho BN uống thuốc Steroid trong trường hợp bệnh nhân bị tái phát nhằm kiểm soát bệnh. Thuốc uống Steroid không nên uống lâu dài vì có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như tăng huyết áp, làm tăng cân, và ảnh hưởng đến hệ nội tiết. Thuốc uống Steroid chỉ nên dùng theo sự hướng dẫn của BS chuyên khoa. Với các mảng vảy nến nhỏ, BS có thể chích trực tiếp steroid vào để chữa trị.
4.Thuốc uống DMARD là các thuốc ức chế hệ miễn dịch, thường được kê toa để chữa trị bệnh vẩy nến lâu dài ví dụ như Methotrexate, Cyclosporin. Bệnh nhân dùng các thuốc này nên được xét nghiệm trước các bệnh mạn tính lây nhiễm như viêm gan siêu vi B/C hay lao phổi để tránh bị tái phát các bệnh này. Bệnh nhân dùng MTX nên ngưng thuốc ít nhất 3 tháng trước khi có thai vì tác dụng phụ của thuốc.
5. Thuốc sinh hiệu Biologics được dùng nhiều gần đây để chữa trị. Các thuốc này ức chế chuỗi phản ứng viêm sưng, dẫn đến kiểm soát viêm của làn da và mạch máu. Các thuốc này rất mắc tiền và nhiều hãng bảo hiểm thường từ chối chi trả nếu bệnh nhân chưa thử dùng các thuốc DMARD. Các ví dụ của thuốc sinh hiệu là Apremilast, Etanercept, Adalimumab hay Infliximab. Đa số các thuốc biologic thường được chích hay truyền qua đường tĩnh mạch.
6. Thuốc uống Retinoid dùng các các cả vảy nến khó và dày sừng, thuốc này không được dùng cho phụ nữ có thai hay cho con bú.
# Biến chứng của vảy nến
– Bệnh nhân mắc vảy nến cần phải được chữa trị ngay vì để lâu ngày bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm dưới đây do bệnh vảy nến là bệnh liên quan đến hệ miễn dịch, nên sẽ ảnh hướng đến nhiều cơ quan khác.
+ Viêm khớp vảy nến (sẽ nói một bài riêng) với các khớp ngón chân, tay sưng vù, đỏ, và móng tay, móng chân bị biến dạng. Thường viêm khớp vảy nến có thể xảy ra vài năm sau khi viêm da vảy nến và cũng có thể xảy ra trước khi bị viêm da vảy nến.
+ Đổi màu da do viêm vảy nến khiến bệnh nhân mất tự tin về hình dáng màu da.
+ Viêm sưng mắt và các tổn thương về mắt.
+ Béo phì và các bệnh về chuyển hóa và nội tiết
+ Tiểu đường loại 2
+ Cao huyết áp
+ Bệnh nhân vảy nến có rủi ro cao hơn các bệnh về miễn dịch khác như viêm ruột Celiac, viêm sưng ruột (IBD) như bệnh Crohn’s
+ Bệnh tâm thần, trầm cảm, do các ảnh hưởng của hình dáng khiến bệnh nhân bị tự ti.
# Dinh dưỡng cho bệnh nhân vảy nến
– Các nghiên cứu chỉ ra chế độ ăn uống giảm viêm sưng có thể giảm các triệu chứng bệnh. Chế độ ăn uống giảm viêm sưng gồm ăn uống cân bằng, yếu nhiều nước, dùng rau củ quả tươi, hạn chế thịt đỏ hay hạn chế đồ ăn chế biến chiên xào nhiều.
– Thể dục đều đặn, không tăng cân, bỏ thuốc lá hay bỏ rượu sẽ giúp kiểm soát tốt bệnh vảy nến.
# Tóm lại
– Vảy nến là bệnh ngoài da, liên quan đến hệ miễn dịch, và có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như khớp, mắt, tiêu hóa. Bệnh vảy nến dễ bị lầm với viêm da cơ địa hay các bệnh da liễu khác, dẫn đến chữa trị sai.
– Chữa trị vảy nến gồm chẩn đoán đúng và kịp thời,. dùng kem cho các trường hợp nhẹ, dùng thuốc các trường hợp vừa và nặng. Chữa vảy nến còn bao gồm các trị liệu khác như vật lý trị liệu (đau khớp), chữa trị tâm lý, và dinh dưỡng.
Bs Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ
Không có mô tả ảnh.
Advertisement

Giới thiệu Thuha

Check Also

[Chia sẻ] Vì sao đau lưng có thể dẫn đến yếu sinh lý?

Nhiều quý vị hỏi tôi đau lưng lâu dài có thể dẫn đến yếu sinh …