[Chia sẻ] Béo phì: Mẹ & Con

Rate this post
          “Hồi mới cưới em mảnh khảnh lắm, nhà chồng còn bảo em là gió lay ngọn tre, nhưng từ khi sinh hai bé em như quả bóng bay, càng ngày càng phình ra. Có phải do sau đẻ em chưa biết ăn kiêng, chưa biết kiểm soát cân nặng, chưa biết thực hiện giảm cân đúng khoa học?”
Câu trả lời là: khờ + ông = không…!!!
         Tất cả là do những quan niệm sai lầm từ người già, truyền lại cho con dâu và con gái, dẫn đến phụ nữ sau sinh trở nên béo phì như con trâu mộng. Không chỉ mẹ béo, mà con cũng béo, ngày càng có nhiều những bà mẹ và đứa con béo quay cun cút.
         Sắp đến ngày mùng 8 tháng 3 rồi nhỉ?
Tôi là người đàn ông xấu xí, chẳng có quà gì tặng chị em, lại không biết nói những lời chúc hay ho. Vậy tôi viết bài nói về béo phì ở mẹ & béo phì ở con, để mọi người không mắc phải những sai lầm, anh em đọc thấy hay thì cứ mạnh dạn chia sẻ tặng chị em làm quà nhé.
            Điều đầu tiên tôi muốn nói, người mẹ khi mang thai nếu tăng cân quá nhiều sẽ dẫn tới béo phì sau sinh, thi nhi trên 4kg cũng có nguy cơ béo phì sau này, vì thế mà chế độ dinh dưỡng khi mang thai rất quan trọng.
Chị em mang thai phải ăn như thế nào?
           Chẳng có phụ nữ nào muốn cơ thể mình béo quay cun cút, nhưng chị em không thể đối xử tệ bạc với đứa con trong bụng, nhất là khi mẹ chồng và mẹ đẻ ép phải ăn cho đứa cháu của bà được mập mạp.
           Chúng ta biết rằng, hầu hết thức ăn vào dạ dày, sẽ chuyển hoá thành năng lượng để cơ thể hoạt động. Năng lượng giúp chúng ta di chuyển, nói chuyện, suy nghĩ, thậm chí ngay cả khi chúng ta nằm yên thì vẫn cần tiêu hao năng lượng, sau cùng là hơi thở, nhịp tim, v.v.
Ngoài việc cung cấp năng lượng để cơ thể hoạt động, thực phẩm mà chị em mang bầu ăn hàng ngày còn có một công dụng tuyệt vời, đó là cung cấp nguyên liệu cho sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi.
Trước hết, tôi xin nói về thời gian mang thang, bình thường là 280 ngày, tức là 40 tuần.
✓ Quý 1: là 3 tháng đầu tiên.
✓ Quý 2: là 3 tháng giữa.
✓ Quý 3: là 3 tháng cuối.
Bác sĩ miền Bắc chúng tôi gọi là “quý”, nhưng bác sĩ miền Nam thì gọi là “tam cá nguyệt”, có lẽ do ảnh thưởng tiếng Trung viết “三个月” khi phiên âm theo chữ Hán.
Phụ nữ đơn thai, quý 1 tôi siêu âm thai đo chiều dài đầu mông chỉ khoảng 74mm, trọng lượng không đến 35 gram; có nghĩa là người mẹ không tăng cân. Vì thế mà người mẹ không nên ăn tăng calo trong giai đoạn này, chỉ cần ăn uống như bình thường, giữ cân nặng như bình thường, bổ sung vitamin và các vi chất đầy đủ là được.
Tôi nhắc lại: quý 1 chị em ăn nhiều để tăng cân là “sai”!
Tuy nhiên, đến quý 2 chị em cần tăng lượng calo hàng ngày hơn 340 calo so với bình thường, quý 3 cần tăng 450 calo.
Cách tính calo thức ăn, tôi sẽ viết một bài đầy đủ, vì nó phụ thuộc tổng nhu cầu calo thay đổi theo mức độ hoạt động thể chất, tuổi tác, cân nặng và chiều cao.
Bài này tôi chỉ giới thiệu khuyến nghị của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ (IOM) năm 2009, về tăng cân khi mang thai, để chị em biết chúng ta đang tăng cân có đúng chuẩn không.
👉 IOM khuyến cáo chị em mang THAI ĐƠN:
✓ BMI < 18,5 (người gầy): Khi mang thai sẽ tăng thêm từ 12,5 – 18,0 kg là bình thường.
✓ BMI từ 18,5-24,9 (bình thường): Khi mang thai sẽ tăng thêm từ 11,5 – 16,0 kg là bình thường.
✓ BMI từ 25,0-29,9 (thừa cân): Khi mang thai sẽ tăng thêm từ 7,0 – 11,5kg là bình thường.
✓ BMI ≥ 30.0 (béo phì): Khi mang thai sẽ tăng thêm từ 5,0 – 9,0 kg là bình thường.
👉 IOM khuyến cáo chị em mang THAI ĐÔI:
✓ BMI < 18,5 (người gầy): Chưa đủ dữ liệu khuyến cáo.
✓ BMI từ 18,5-24,9 (bình thường): Khi mang thai sẽ tăng thêm từ 16.8 – 24.5
kg là bình thường.
✓ BMI từ 25,0-29,9 (thừa cân): Khi mang thai sẽ tăng thêm từ 14.1 – 22.7 kg là bình thường.
✓ BMI ≥ 30.0 (béo phì): Khi mang thai sẽ tăng thêm từ 1.4 – 19.1 kg là bình thường.
Các chất dinh dưỡng chính cần thiết cho cơ thể con người có thể được chia thành ba loại, gồm protein, carbohydrate và chất béo.
Trong toàn bộ thai kì, thai nhi và nhau thai tiêu thụ khoảng 1000g protein, phần lớn được tiêu thụ trong 6 tháng cuối. IOM khuyến nghị rằng, phụ nữ mang thai nên tham khảo lượng protein ăn mỗi ngày là 1,1 g/kg cân nặng, cao hơn một chút so với lượng protein cho phụ nữ không mang thai là 0,8g/kg·cân nặng. Đạm có trong thịt nạc, tôm cá, trứng, sữa, các loại đậu. Ví dụ, thịt lợn nạc nấu chín có 26% đạm, vậy chị em đang mang thai cân nặng 71 kg thì mỗi ngày cần ăn lượng thịt nạc = 71×1,1×100:26 = 300 gram, tức là mỗi ngày ăn 3 lạng. Nếu các thực phẩm khác có đạm thì cần phải trừ đi. Lưu ý rằng, phụ nữ ăn nhiều đạm vượt tiêu chuẩn, sẽ càng có hại cho thai nhi.
Nhu cầu carbonhydrate ở phụ nữ không mang thai là 130 gram mỗi ngày, khi mang thai từ quý 2 trở đi ăn tăng lên 175 gram mỗi ngày; cũng tính toán cụ thể trong từng thực phẩm.
Đối với chất béo, IOM chưa có khuyến cáo, nhưng việc ăn nhiều chất béo là không có lợi, dễ tăng cân.
Các vi chất cần bổ sung đầy đủ, gồm acid folic, sắt, canxi, vitamin D.
Công thức chế độ ăn khi mang thai nên là = 2 phần trái cây + 5 phần rau + 2,5 phần sản phẩm từ sữa + 8,5 phần ngũ cốc + 3,5 phần thịt nạc, các loại hạt và đậu.
💖 PHẦN 2: SAU KHI ĐẺ 💖
          Mẹ chồng và mẹ đẻ hay nói rằng, đang cho con bú không được sút cân, phải ăn xương hầm và chân giò hầm để có sữa cho con bú.
Quan niệm này sai.
          Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Hiệp hội Tư vấn Cho con bú Quốc tế, cả ba cơ quan này đều chỉ ra rằng lượng sữa mẹ phụ thuộc vào 3 yếu tố, một là sự kết nối giữa miệng của trẻ và núm vú của mẹ, hai là tần suất cho con bú, ba là lượng sữa mỗi lần cho con bú.
             Ngoài 3 yếu tố trên, thì tâm trạng người mẹ và lượng nước uống đủ hàng ngày cũng rất quan trọng. Nếu người mẹ căng thẳng sẽ ít sữa, người mẹ uống ít nước cũng ít sữa.
Chế độ ăn uống của mẹ hầu như không ảnh hưởng đến việc tiết sữa, trừ khi bị suy dinh dưỡng nặng, nên dù ăn cả tạ chân giò, ăn nước xương hầm, hay đu đủ gì đi chăng nữa thì việc tiết sẽ chẳng thay đổi.
            Cho con bú cũng là cách tốt nhất để tiêu lượng mỡ ở mẹ.
Vì chúng ta biết rằng, cho con bú sẽ kích thích cơ thể người mẹ tiết hormone, từ đó huy động lượng mỡ dư thừa trong cơ thể mẹ để sản xuất sữa, giúp bà mẹ giảm cân rất tốt; điều này đã được UNICEF khẳng định.
           Muốn giảm cân thì bà mẹ phải ăn chay?
Điều này sai, rất sai, tôi gặp không ít chị em sau sinh muốn giữ vóc dáng đã ăn chay. Đây là một vấn đề khá dài dòng, tôi sẽ viết sau, nhưng đầu tiên chị em hãy hiểu về trao đổi chất cơ bản.
Cơ thể con người ở trạng thái tỉnh táo, bụng đói, nằm ngửa và giữ yên, thức ở nhiệt độ phòng 25 độ C, được gọi là trạng thái cơ bản. Lúc này, quá trình chuyển hoá năng lương tối thiểu để duy trì các hoạt động sống cơ bản như nhịp tim đập, thở, được gọi là chuyển cơ bản.
          Chuyển hoá cơ bản ở nam lớn hơn nữ, trẻ em lớn hơn người lớn, càng gìa thì chuyển hoá cơ bản càng thấp nên càng dễ béo.
Nhưng chuyển hoá cơ bản liên quan gì đến ăn thịt?
Như đã có một bài viết tôi nói, rằng thịt là protein cao cấp, nó rất quan trọng. Nếu không ăn thịt thì lượng protein hấp thụ sẽ không đủ. Khi đó, cơ thể con người bắt buộc phải sử dụng protein của chính mình để chuyển hoá tạo ra năng lượng, giúp cơ thể duy trì chuyển hoá cơ bản và các hoạt động sống khác; quá trình này gọi là cân bằng nitơ âm tính. Mà protein phân huỷ lấy từ mô cơ, trong trao đổi chất cơ bản, cơ bắp tiêu hao năng lượng nhiều hơn chất béo; vì vậy cơ bắp cứ thế teo tóp đi trong khi mỡ bụng vẫn cứ đầy.
Để giảm cân, hãy giảm mỡ, chứ đừng giảm cơ.
Vì vậy, để giảm cân thì cần ăn uống hợp lí, nhưng không ăn thịt và chỉ ăn chay là một sai lầm tai hại.
💖 PHẦN 3: BÉO PHÌ Ở TRẺ EM 💖
        Béo phì ở người lớn được xác định bằng chỉ số BMI, tỉ lệ vòng eo trên vòng mông, tôi nói nhiều rồi và googling sẽ có đầy đủ, nên tôi không nhắc lại.
Advertisement
       Trẻ em thì phải dựa theo độ tuổi.
Ở mỗi tuổi, trẻ có chiều cao và cân nặng khác nhau, nên cần bác sĩ chẩn đoán béo phì, hoặc ít nhất các bạn cũng googling rồi theo tỉ lệ tôi viết ra đây mà xác định.
✓ Béo phì nhẹ: Trẻ tăng hơn 20%-29% trọng lượng so với tiêu chuẩn.
✓ Béo phì vừa phải: Trẻ tăng hơn 30%-49% trọng lượng so với tiêu chuẩn.
✓ Béo phì nặng: Trẻ tăng hơn hơn 50% trọng lượng so với tiêu chuẩn.
      Tại sao trẻ lại béo phì?
① Trẻ ăn nhiều + Trẻ vận động ít = Tăng cân.
Vậy, nguyên nhân béo phì là gặp ít nhất một trong hai yếu tố trên, hoặc ăn nhiều hoặc ít vận động, thậm chí cả hai; đó là nguyên nhân quan trọng nhất.
② Do gen di truyền.
Nghiên cứu đến thời điểm hiện tại cho thấy, béo phì ở trẻ em có liên quan đến 600 gen. Nếu cả bố và mẹ đều béo phì thì 80% con bị béo phì. Nếu một trong hai béo phì thì 40% con béo phì. Nếu bố và mẹ không béo phì thì xác suất con béo phì khoảng 10%. Di truyền thì chúng ta không thay đổi được, nhưng sẽ cảnh giác, để có chế độ dinh dưỡng cũng như vận động hợp lí.
③ Do rối loạn tâm lí.
Những trẻ bị stress, sang chấn tâm lí, trầm cảm dễ bị rơi vào tình trạng ăn uống vô độ và lười vận động, dẫn đến béo phì.
④ Do nhận thức của bố mẹ ông bà.
Thông thường, bố mẹ và ông bà không nhận ra con cháu mình béo phì, mà cứ nghĩ mũm mĩm mập mạp, béo khoẻ béo đẹp. Thấy trẻ bình thường, có khi lại nghĩ như dải khoai, suốt ngày quở quang gầy gò.
👉 Trẻ bị béo phì dẫn tới hậu quả gì?
Béo phì, đầu tiên là đứa trẻ như em chã, tức là không đẹp. Sau đó, béo phì liên quan đến rất nhiều bệnh, bài dài quá nên tôi chỉ tóm tắt.
✓ Hen suyễn: Càng những năm gần đây, tôi càng thấy nhiều trẻ béo bị hen suyễn. Người lớn chúng ta khi béo, đêm ngủ ngáy o o, có người béo quá phải ngủ ngồi tựa lưng chứ không thể nằm xuống. Có mối liên hệ chặt chẽ giữa béo phì và hen suyễn ở trẻ. Sáng kiến toàn cầu về phòng chống bệnh hen năm 2014 đã liệt kê hen suyễn ở trẻ béo phì, thuốc điều trị theo quy chuẩn không hiệu quả, đó là một thách thức lớn.
✓ Dị ứng: Chúng ta cũng thấy, những năm gần đây tỉ lệ trẻ dị ứng ngày càng tăng, chẳng hạn như viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng, dị ứng thức ăn.
✓ Bệnh tim mạch: Đừng nghĩ béo phì chỉ gây bệnh tim mạch ở người lớn, mà ngay từ trẻ em đã bị, từ tăng huyết áp cho đến suy tim, đủ cả.
✓ Các bệnh chuyển hoá: Gan nhiễm mỡ ở trẻ em, tôi phải nói rằng đáng báo động, gần như ngày nào tôi cũng gặp. Tiểu đường tuýp 2 cũng đang có nhiều trẻ mắc. Ngoài ra, các bệnh hiếm gặp như hội chứng rối loạn chuyển hoá, hội chứng vùng dưới đồi tuyến yên, tăng tiết cortisol, hội chứng buồng trứng đa nang…
👉 Hãy cứu trẻ!
Đầu tiên, cha mẹ và ông bà cần bỏ ngay quan niệm trẻ là phải mũm mĩm mập mạp, phải béo khoẻ béo đẹp.
Thứ hai, cần cho trẻ ăn chế độ ăn hợp lí, không ăn dư thừa chất. Tránh những đồ ăn nhanh, chiên rán, đặc biệt kẹo bánh ngọt nhiều đường. Chú ý các đồ uống có đường, có ga, nhiều khi trẻ nghiện, ví dụ như trà sữa tôi sẽ có bài viết riêng.
Thứ ba, không để trẻ thức khuya dậy muộn, chú ý tâm lí trẻ, tránh áp lực và stress, đặc biệt không để trẻ bị trầm cảm.
Cuối cùng, là cho trẻ vận động nhiều, rèn luyện thể dục thể thao, tiếp xúc với thiên nhiên, tham gia lao động để hoàn thiện cả thể chất lẫn kĩ năng sống.
BS. Trần Văn Phúc

Giới thiệu Đào Thị Thanh Hiền

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …