[Chia sẻ] Chia sẻ câu chuyện trầm cảm và tự vươn lên nhờ những điều nhỏ nhặt của đời sống bình dị

Rate this post

HỒNG TỰ CHỮA TRẦM CẢM

=====================

Không phải nghe đồn mà đây là sự thật, Hồng bạn rất thân của tôi lương tháng 50 củ, tài khoản tiết kiệm không dưới 1 tỉ, nhưng bệnh tật thì đầy mình.Nghiêm trọng nhất là Hồng đang bị trầm cảm.
38 tuổi, Hồng quê ở Kinh Bắc cùng chồng đột ngột ra thủ đô lập nghiệp, làm nghề viết báo 80k mỗi bài, thường xuyên phải thức khuya, công việc đảo lộn với nghỉ ngơi, tức là người ta nghỉ thì Hồng làm, người ta thức thì Hồng ngủ, có khi ba hoặc bốn giờ đêm phải bò dậy lên bài.
Nửa 5 trước, trong lúc trò chuyện, tôi nhận thấy Hồng có điều gì đó không ổn, rất thích nói tục và chửi bậy, tâm trạng đặc biệt tiêu cực, trước khi ra về Hồng còn vén mồm chửi tôi như hắt nước.
Hoá ra Hồng đang sống những ngày đen tối nhất cuộc đời.
Đầu tiên là cơ thể đứng không vững, chân run như cua bấy, thức khuya nhiều, ăn uống thất thường, khi nhai mì tôm sống lúc quán xá nhà hàng, tích tụ lâu ngày nên mồm bị mọc mụn ngứa ngáy, dạ dày bị đau rát.
Tóc của Hồng không chịu được sức nặng của trọng lực.
Từng sợi, từng sợi rơi xuống, sau đó thì rơi cả mảng, đầu lộ ra như củ chuối, rồi chẳng mấy chốc Hồng bị hói trông như bác học.
Thời điểm đó, anh bạn người yêu cũ cùng lớp mẫu giáo, chỉ vì cô vợ quá ghen tuông mà block Facebook với Hồng, bao kỉ niệm một thời đẹp đẽ nhất bị xoá, Hồng đau quá, đau từ chân tới đỉnh đầu.
Những tháng ngày tiếp theo Hồng cực kì chán nản.
Một đêm nọ, vào lúc ba giờ sáng, Hồng nhắn cho tôi ba câu hỏi, mỗi câu đúng ba chữ. Tình là gì? Tiền là gì? Sống làm gì? Tôi gửi một tin nhắn cho Hồng với ba chữ: Em ổn chứ? Im lặng. Rất lâu sau đó Hồng nhắn lại: Em muốn nhảy lầu!
Nhà của Hồng ở tầng 1.
Sau đó, Hồng biến mất ba ngày, nick chát Facebook chỉ hiện icon là khuôn mặt tối om om báo hiệu Hồng không online. Tôi rất lo lắng cho Hồng. Chỉ sợ cô ấy không vượt qua những ngày tháng khó khăn. Tôi đến nhà thăm, Hồng chặn từ ngoài đường, doạ tôi hãy tránh xa vì Hồng đang dính Covid.
Cho đến một ngày…
Buổi chiều đi làm về, trời không còn trong trắng, Hồng tạt vào chợ cóc ven đường mua ít thực phẩm chuẩn bị cho bữa tối.
Vừa đến cổng chợ, Hồng nghe thấy tiếng bô xe máy “tu – tu” phía trước, tiếng còi ô tô “đi – đi” giục giã phía sau, tiếng ồn ào mặc cả, tiếng hò hét, hàng rong vang lên, tất cả trộn vào nhau thành một bản nhạc rất vui tai, dễ chịu.
Thị trường sôi động quá.
Vừa bước vào cửa, Hồng thấy một phụ nữ trung niên mặc váy áo màu hồng, đeo túi da màu vàng, dây chuyền và nhẫn cũng màu vàng. Người phụ nữ chỉ đi một mình nhưng miệng vẫn lẩm bẩm: “Rau ở đây tươi quá, thịt cá ngon và rẻ quá.” Một người đàn ông khệ nệ bưng rổ cà dái dê màu tím. Chân anh ta khuỳnh khuỳnh như bị sa đì rất buồn cười. Một phụ nữ đang mua sắm với đứa trẻ trên tay. Đứa trẻ hét lên: “Mẹ ơi dưa chuột!” Người chủ quầy hàng ngay lập tức chớp cơ hội, cầm qủa dưa chuột dứ dứ đứa bé. Hồng nhìn quả dưa chuột và liên tưởng đủ thứ, hình dáng nần nẫn tròn tròn dài dài, phần trắng trắng giống như bông hoa nhỏ trên đầu, dọc thân nổi gai như những vân mạch máu rất gợi cảm, chỉ cần nghĩ đến đấy Hồng tự dưng thấy buồn cười và đỏ mặt.
Hồng sà vào quầy hàng đầu tiên ở sát cửa ra vào, chủ sạp thấy Hồng mừng hơn bắt được vàng, hét lên giả lả: “Mua gì cho em đi chị gái xinh đẹp! Cà chua đỏ, đậu xanh, khoai tây tròn. Rau lang em hái từ ruộng ở quê, trên lá vẫn còn những giọt sương, 7 ngàn một mớ, chị mua ba mớ em lấy 20 ngàn.” Hồng cúi xuống nhặt mớ rau lên và nói: “Đắt thế! 4 ngàn mớ có được không?” Cô chủ sạp vui vẻ trả lời Hồng: “Chị gái ơi, chị tin em đi, em mà nói thách một hào thì mọc mụn ở mồm. Chị cứ đi các sạp khác hỏi thử. Nếu ai bán cho chị 7 ngàn, mang về đây em mua lại 8 ngàn, rau nhà em sạch và ngon nó khác, tối rồi em bán tống bán tháo lỗ vốn để nghỉ sớm.” “Rau này tươi vào mắt”, Hồng đáp lại, “20 ngàn bốn mớ có bán không?” Cô chủ sốt ruột: “Thôi được rồi, em bán lỗ vốn cho chị gái, tại chị xinh đẹp quá đấy, ngày mai nhớ đến mua hàng cho em!”
Đi dạo quanh chợ một vòng, Hồng thấy chợ đầy ăm ắp hàng hoá, gà, vịt, cá tôm nhảy tanh tách, hải sản sôi động, rau củ quả tươi ngon, hàng khô và tạp hoá, không thiếu thứ gì. Thịt bò thịt lợn tươi nguây nguẩy. Hồng muốn mua lắm, nhưng lại thích thịt gà, Hồng đi đoạn nữa đến hàng gà. Chọn con mái hoa mơ ngon nhất Hồng hỏi: “Gà này bao nhiêu tiền một cân?” Người chủ lùa tay xuống bụng con gà nhấc lên và nói: “Loại này em bán hoà vốn cho chị 150 ngàn”. “Đắt thế trăm hai” Hồng mặc cả. “Thôi được, em bán lỗ cho chị để về sớm.” Người bán hàng khéo léo dùng dây buộc chân con gà lại, đặt lên bàn cân, con gà kêu “kéc – kéc” như muốn nói với Hồng rằng sao mắt cô tinh thế. Người bán gà thoăn thoắt cắt tiết, vặt lông, mổ và làm lòng, giao đầy đủ cho Hồng và lấy tiền.
Ra khỏi chợ cóc, Hồng vẫn còn nghe thấy tiếng rao trong veo của người bán hàng rong, tiếng mặc cả sôi nổi, ngoái lại nhìn những mớ rau củ quả tươi ngon sặc sỡ màu sắc, bỗng chốc lòng Hồng thấy ấm lại. Bước chân của Hồng nhẹ nhàng hơn. Hồng chỉ muốn đi thật nhanh trở về nhà. Bếp núc ngày thường bị nguội lạnh, nay bỗng bừng lên sinh khí, Hồng bắt đầu ngửi thấy mùi thức ăn, bữa cơm do chính Hồng tự tay nấu, một dòng điện ấm áp truyền từ miệng đến tim làm cho thức ăn trở nên ngon kì lạ.
Từ đó Hồng mê đi chợ cóc.
Những người đi chợ cóc sẽ không bị gục ngã, bởi chợ là nơi chữa bệnh tốt nhất ở thành phố, nấu ăn là cách để người ta dịu đi những cơn đau. Bất kể đàn ông hay đàn bà, nên đi chợ và nấu ăn, trong đơn thuốc của bệnh nhân trầm cảm hoặc mắc các bệnh nan y như ung thư, thì dòng đầu tiên bác sĩ nên viết là đi chợ và nấu ăn.
Thái một miếng thịt mà không bị phân tâm chính là thiền tự nhiên.
Nếu một người cảm thấy chán nản công việc, không muốn làm gì, chẳng thích đi đâu, ăn nhiều hay ít đều không thấy vị ngon, thì lời khuyên của tôi là hãy tìm đến chợ cóc và nấu ăn mỗi ngày. Điều này tôi không cường điệu. Nó thực sự chính xác, để nói về thú vui cuộc sống, không gì bằng chợ cóc và nấu nướng. Cuộc sống bản chất cực kì đơn giản, đó là thức ăn và nước uống, đàn ông và phụ nữ, từ đó xây dựng nên những niềm khát khao lớn lao khác của con người. Ăn luôn là ước muốn nguyên sơ nhất, mạnh mẽ nhất, một người khi nào ăn vẫn cảm thấy ngon miệng thì chưa muốn chết, tức là họ không thể nhảy lầu tự tử.
Chợ cóc là nơi khơi dậy sự ham ăn, là chỗ để con người trỗi dậy lòng yêu đời, yêu người.
Là một phóng viên sức khoẻ, Hồng biết mình mắc chứng trầm cảm, cô đã dùng du lịch để chữa lành vết thương lòng. Tranh thủ mùa Covid tạm lắng, Hồng về quê Kinh Bắc ngắm sông Kinh Thầy, đến Tây Nguyên ngắm trăng Căm Pốt, đắm mình trong cái nắng cái gió Sài Gòn, lên rừng xuống biển đủ cả, nhưng ở đâu thì tâm hồn Hồng vẫn cảm thấy trái tim đã nguội lạnh.
Một buổi chiều, Hồng lê bước nặng nề trên phố cổ Hội An, một mình đi trong vô định. Cô không còn thiết trở về khách sạn. Bên bờ sông Thu Bồn, cô ngồi lặng lẽ, những giọt nước mắt cứ thế chảy ra từ khoé mắt, buồn chán và buồn chán, mấy lần cô định hoà mình xuống dòng sông. Khoảng 3 giờ sáng, Hồng lạc vào một chợ cóc, nơi buôn bán những sản vật như rau củ quả, hải sản sống vừa được đánh bắt ngoài biển chuyển về, các loại thịt tươi ngon của địa phương. Chợ chỉ dành cho phụ nữ đến mua là chính, hầu hết là các bà, các mẹ tuổi trung niên trở lên.
Hồng mua một ít hàu biển, cùng với đủ loại rau, mang về khách sạn mượn bếp làm một tô cháo. Chính bát cháo hàu ấm áp đã xua tan được nỗi buồn. Hồng bắt đầu cảm thấy bâng khuâng, rồi nhẹ nhõm trong lòng được chút ít, điều đó thôi thúc Hồng trở về khám phá những chợ cóc ở thủ đô. Sau mỗi lần đi chợ, nhìn những con gà con vịt còn sống, những mớ rau tươi ngon, những quả cà dái dê tím ngắt, những quả dưa chuột nần nẫn hay quả ớt đỏ tươi, chứng kiến cảnh sống động tấp nập, Hồng dần cảm nhận được niềm vui cuộc sống.
Advertisement
Tự lúc nào, Hồng hấp thụ sức nóng từ khu chợ sôi động, biến nó thành sức mạnh của bản thân, đứng dậy và đi tiếp.
Chợ cóc là nơi bình dị nhất và nhân văn nhất.
Ở đó, Hồng mua rau của ai đến lần thứ ba, thì chủ sạp coi Hồng là người thân quen. Người bán rau sẽ cho Hồng mua chịu. Thiếu tiền không thành vấn đề. Mọi thứ sẽ được bán rẻ hơn bình thường, mua mớ rau được thêm ro hành, mua con cá được thêm con cua.
Chợ cóc không có sự lãng mạn, không có cà phê để uống, không có nhạc để thưởng thức, không có thơ ca hò vè. Sách báo không có đọc, mặc dù giấy báo gói hàng không thiếu, thơ phú cũng chỉ xé ra để gói những món hàng khô. Triết học từ Platon, Hegel, Rousseau cho đến Marx, Engel và Lê Văn Nin các thứ cũng để xé ra gói hàng. Tóm lại, ở chợ cóc chỉ có hàng hoá cùng với mối quan hệ con người với con người, nhưng rất bình đẳng, không phân biệt cao thấp, đối xử chân tình. Giữa chợ cóc đông đúc, mọi thứ như công việc, vạy nợ, khó khăn đều gạt sang một bên, giác quan con người chỉ việc mở ra để tiếp nhận hương vị nguyên bản của thực phẩm, tiếp nhận những nhu cầu cơ bản nhất để sinh tồn. Sự phức tạp của cuộc sống bỗng chốc đơn giản hoá. Chợ cóc giúp con người nhận ra một chân lí, rằng thực hành lối sống đơn giản, đó chính là cách sống lành mạnh nhất. Sở dĩ con người vướng vào vòng đau khổ, là bởi đòi hỏi quá nhiều, giống như Hồng, lương tháng 50 củ, tài khoản tiết kiệm không dưới 1 tỉ, vậy mà vẫn bị trầm cảm.
Công cuộc đốt lò hôm nay, đã có không biết bao nhiêu chính khách, nhà lãnh đạo, tướng tá công an hay quân đội, các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ, cả bác sĩ và giáo viên phải vào tù vì đòi hỏi trăm tỉ ngàn tỉ. Giá như những con người ấy biết đi chợ cóc nhiều hơn, thì họ sẽ không đòi hỏi nhu cầu cuộc sống quá lớn, mà ngược lại, ai cũng sẽ thấy rằng nhu cầu cơ bản nhất của một con người mỗi ngày chỉ đơn giản là bữa ăn.
Nếu như việc đi chợ để chọn thực phẩm, mà bản chất là những cuộc gặp gỡ vừa tình cờ vừa hội ngộ, thì nấu ăn là sự hâm nóng tình cảm. Lửa rất cần cho trái tim. Xào nấu để tình cảm nóng lên, mặn ngọt chua cay là vị của cảm xúc, nấu một bữa cơm là thổi vào nếp nhà một tình yêu.
Ý nghĩa cuộc sống thể hiện cao nhất trong bữa cơm gia đình.
Qua câu chuyện của Hồng, tôi rút ra bài học rằng, đi chợ cóc và nấu ăn là cách chữa lành những vết thương cuộc sống. Nếu ai đó gặp những điều đau khổ, hãy đi chợ và nấu ăn, nó sẽ hiệu quả hơn cà phê, rượu bia, hay một người để tâm sự. Ở chợ cóc, những ồn ào sôi động cùng nỗi vất vả của con người bình thường sẽ cho chúng ta thấy ý nghĩa của cuộc sống đích thực.
  •     Chợ cóc mang lại những bữa cơm ấm áp để sưởi ấm trái tim lạnh giá.

Giới thiệu Huỳnh Ngọc Diễm

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …