Mặc dù đã biết cường giáp ở phụ nữ có thai có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi nhưng không có nhiều nghiên cứu lớn về vấn đề này. Các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành một nghiên cứu thuần tập dựa trên dữ liệu từ Mẫu bệnh nhân nội trú trên toàn quốc về chi phí chăm sóc sức khỏe (HCUP-NIS) trong 11 năm từ 2004 đến 2014. Đây là kho dữ liệu lớn nhất về các BN nội trú, được báo cáo từ 48 bang của nước Mỹ, so sánh 16.984 ca đẻ ở các sản phụ bị cường giáp với 9.079.804 ca đẻ ở những bà mẹ không bị cường giáp. Các kết quả chính là mang thai và các biến chứng chu sinh.
Kết quả:
• Tỷ lệ bị béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường trước khi mang thai ở những phụ nữ bị cường giáp cao hơn những phụ nữ không bị cường giáp
• Cường giáp ở người mẹ có liên quan với một số biến chứng trong thai kỳ và chu sinh, bao gồm tăng nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ (aOR: 1,236, KTC 95%: 1,045–1,462, p = 0,013) và tiền sản giật (aOR: 1.190, KTC 95%: 1.006–1.408, p = .042). Những sản phụ bị cường giáp cũng có nhiều khả năng bị vỡ ối non (aOR: 1.322, KTC 95%: 1.007–1.735, p = .044), đẻ non (aOR: 1.287 KTC 95%: 1.132–1.465, p <.001), rau bong non (aOR: 1.527, KTC 95%: 1.082–2.155, p = .016), và bị huyết khối tĩnh mạch (aOR: 2.894, KTC 95%: 1.293–6.475, p = .010).
• Đối với trẻ sơ sinh, tăng nguy cơ bị cân nặng nhỏ so với tuổi thai và thai chết lưu ở con của phụ nữ bị cường giáp (aOR: 1.688, KTC 95%: 1.437–1.984, p <.001 và aOR: 1.647, KTC 95%: 1.109 –2.447, p = .013 tương ứng).
Từ các kết quả này, các tác giả kết luận: Phụ nữ bị cường giáp dễ bị các biến chứng cả khi mang thai và lúc sinh, con của họ cũng vậy. Có mối liên quan giữa cường giáp với tăng huyết áp, sinh non và thai chết lưu trong tử cung.
Bài đăng trên Clinical Endocrinology số tháng 3/ 2022