[Chia sẻ] ĐỠ TRẺ NGÃ CAO

Rate this post
Khi bị ngã từ trên cao xuống, sự sống hay cái chết phụ thuộc rất nhiều vào hai điều, một là sự hiểu biết về rơi tự do của bạn và những người tham gia giải cứu, hai là cách tiếp đất như thế nào.
Tôi đã từng bị ngã cao!
Đó là mùa đông năm 1980, khi đó tôi hơn 7 tuổi, đứng trên bờ giếng dùng gầu múc nước để nấu bữa cơm chiều. Một cơn mưa mùa đông trước đó làm cho nền đất trơn. Trong lúc đang cố nâng gầu nước bằng sợi dây chạc, tôi trượt chân, lao đầu xuống giếng sâu khoảng 8 mét.
Hoảng loạn là cảm giác đầu tiên.
Nhưng ngay sau đó, bản năng sinh tồn trỗi dậy, ý nghĩ mình phải sống xuất hiện trong đầu và tôi tin sẽ có một điều kì diệu, sự thanh thản ngay lập tức choán chỗ thay thế cho sự hoảng loạn.
Hai tay tôi ôm lấy đầu, hông siết chặt, gối co lại và đùi hơi gấp; giống tư thế một đứa trẻ trong bụng mẹ, tôi thả lỏng tâm trí, để cơ thể rơi tự do và chờ đợi một cú tiếp nước.
Tôi đã sống sót để ngồi viết bài này cho các bạn đọc.
Mấy này nay cộng đồng MXH chia hai nhóm, để cãi nhau về sự sống sót kì lạ của bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12 tòa chung cư, đặc biệt là người hùng Nguyễn Ngọc Mạnh đã dũng cảm tham gia giải cứu em bé. Tôi không bình luận về cuộc tranh cãi này. Nhưng có chi tiết tôi quan tâm, một số người dùng công thức vật lí để tính toán, rồi khẳng định nếu anh Mạnh đỡ được bé gái, thì đó sẽ là một tai nạn khủng khiếp đe dọa tính mạng của cả em bé lẫn người đỡ.
Khẳng định đó sẽ đúng nếu xét về mặt vật lí thông thường!
Vật lí bậc THCS đã dạy công thức tính vận tốc rơi tự do, theo đó bình phương của vận tốc (v) = 2 lần gia tốc trọng trường (g) nhân với chiều cao tính bằng mét.
v = √2gd
Em bé hơn 3 tuổi nặng khoảng 15kg theo tiêu chuẩn, g = 9,8 và chung cư 12 tầng có chiều cao d = 36m là tối thiểu; thay vào ta có kết quả.
v = 96 km/h
Tiếp theo, tính thế năng hoặc động năng của em bé khi rơi, sẽ dùng công thức PE = mgh (khối lượng x gia tốc trọng trường x chiều cao) hoặc KE = 1/2 mv ^ 2 (một phần hai khối lượng x bình phương vận tốc); thay vào sẽ có kết quả.
Theo đó, tại điểm rơi cuối cùng, sức nặng em bé tăng lên khoảng 36 lần, tương đương 540kg bằng chiếc ô tô 5 chỗ ngồi.
Người làm vật lí đơn thuần sẽ tưởng tượng, một chiếc xe ô tô 5 chỗ nặng 540kg đang lao trên đường cao tốc với tốc độ 96km/h, giả sử có một vật cản lại chiếc ô tô, thì cả hai sẽ nát bét. Như vậy, nếu xét ở góc độ vật lí thông thường, thì việc anh Mạnh đỡ được em bé sẽ là thảm họa cho cả hai, trong cuộc sống thực nếu hiểu theo cách này sẽ không ai dám hành động như anh Mạnh.
Cuộc sống khác rất xa với lí thuyết vật lí đơn thuần.
Tôi ấn tượng với câu chuyện sống sót trong một vụ tai nạn máy bay của cô bé Juliane Koepcke, còn được gọi với cái tên Juliane Diller, sau này trở thành nhà nghiên cứu gia súc học người Peru gốc Đức.
Vào đêm Giáng sinh năm 1971, chiếc máy bay chở khách LANSA Flight 508 đang bay trên bầu trời Amazon, bỗng dưng phát nổ. Phút giây đầu tiên bay ra ngoài không trung, Koepcke đã nhanh chóng định thần để tìm cơ hội sống sót, cô xoay người ngồi ngay ngắn trên ghế và kiểm tra lại dây an toàn đã chắc chắn.
Với độ cao hơn 9km đủ thời gian đọc xong bài viết này.
Đó là lí do Koepcke đã có những suy nghĩ ở những giây phút đầu tiên, để đưa ra quyết định chuẩn xác, đó là chỉnh lại tư thế ngồi và kiểm tra dây an toàn. Nhưng ở độ cao đó, Oxy cực kì khan hiếm, Koepcke nhanh chóng rơi vào trạng thái bất tỉnh.
Sáng hôm sau, cô gái 17 tuổi thức dậy trên rừng rậm Amazon, cô vẫn ngồi trên chiếc ghế máy bay với dây an toàn thắt chặt, xung quanh ngập tràn quà mừng lễ Giáng sinh rơi xuống từ chiếc máy bay phát nổ.
Xác người mẹ nằm sát bên Koepcke.
Bị thương và cô đơn, đau buồn trước cái chết của mẹ, nhưng bản năng sinh tồn đã thúc đẩy Koepcke quyết định đẩy mẹ mình ra khỏi tâm trí. Thay vào đó, cô nhớ lời dạy từ cha mình, một nhà sinh vật học: Khi bị lạc trong rừng sâu, để tìm đến nơi có con người đang sống, hãy đi xuôi theo dòng nước.
Koepcke đã lội từ những con suối nhỏ đến những dòng sông lớn dần.
Cô học được từ người bố cách xua đuổi cá xấu, cách tránh những con vật nguy hiểm, cách tồn tại trong thảm họa. Một chiếc giày bị mất và chiếc váy ngắn bị rách. Thức ăn duy nhất của cô là một túi kẹo, nước uống bẩn từ những dòng sông, Koepcke phớt lờ xương quai xanh bị gãy và bỏ qua những vết thương phần mềm.
Vào ngày thứ 10, Koepcke kiệt sức bên bờ sông Shebonya, nhưng thời điểm đó cô nhìn thấy một chiếc ca nô neo đậu bên một túp lều. Koepcke đã dành chút sức lực cuối cùng, cố gắng leo lên đó, nhưng cũng phải mất hàng giờ; rồi cô bé rơi vào trạng thái mê man bất tỉnh.
Ngày thứ 11, nhóm thợ rừng quay lại túp lều, họ tìm thấy Koepcke.
Vụ việc được coi là một phép màu ở Peru, một cuộc tranh cãi dữ dội xảy ra, người ta cho rằng Koepcke sống sót là do có sự can thiệp của thần thánh, riêng cô không nghĩ như vậy.
“Ở mọi thời điểm, tôi đã đưa ra những quyết định chính xác, ngay cả quyết định bỏ lại người mẹ đã chết để rời khỏi hiện trường vụ tai nạn. Điều quan trong là tôi không cảm thấy sợ hãi. Tôi biết cách di chuyển trong rừng rậm và trên sông, tôi đã phải bơi với những loài động vật nguy hiểm như cá sấu và cá đuối đầm lầy”.
Nếu chỉ dựa theo nguyên lí vật lí đơn giản, thì câu chuyện của cô bé Juliane Koepcke rơi từ độ cao hơn 9km đã không xảy ra, trong khi cuộc sống đã có nhiều câu chuyện thần kì không kém.
Làm bác sĩ hơn 20 năm, tôi đã chứng kiến nhiều bệnh nhân ngã cao, có những ca tử vong, có bệnh nhân đa chấn thương rất nặng, nhưng lại có những ca gần như chẳng hề hấn gì. Tôi cũng tìm hiểu về những vụ ngã từ trên cao có người đỡ phía dưới. Ví dụ một trường hợp xảy ra ở Trung Quốc vào tháng 7 năm 2011, bé gái ba tuổi ngã từ tầng 10 tòa chung cư, một phụ nữ đi đường nhìn thấy giơ tay ra đỡ, bé gái không hề hấn gì và người phụ nữ bị gãy một cẳng tay. Những sự kiện hi hữu như vậy, đã làm cho tôi nhìn nhận sự việc theo hướng khác, không có độ cao an toàn cho một người phía dưới đỡ người đang rơi từ phía trên cao. Ở bất cứ độ cao nào, người rơi xuống có thể sống sót, có thể bị thương nặng, hay tử vong; người đỡ cũng có thể nguy hiểm hoặc không.
Có nhiều yếu tố tác động để một người rơi xuống có thể sống sót.
Tinh thần là yếu tố rất quan trọng nếu không may bị ngã cao. Tôi lấy ví dụ trẻ em suy nghĩ rất đơn giản, như một tờ giấy trắng, ít sợ hãi và dễ dàng buông xuôi, nên khi trẻ ngã trên mặt đất sẽ tự đứng dậy, những trường hợp trẻ ngã cao tôi quan sát thấy đỡ nguy hiểm hơn người lớn, dân gian vẫn gọi đó là hiện tượng bà mụ đỡ. Người lớn cũng vậy, nếu bị ngã cao, hãy chấp nhận và để tâm trí rơi vào trạng thái thiền. Trường hợp của cháu bé bị ngã ở tòa chung cư, hay tôi bị ngã xuống giếng, cũng như câu chuyện của cô bé Juliane Koepcke là những ví dụ.
Một yếu tố khác là ngã kèm theo các vật dụng sẽ giảm tốc độ rơi.
Nếu chúng ta chỉ dựa vào mấy công thức vật lí đơn giản như tôi dẫn ra ở trên, thì bất cứ ai rơi xuống từ độ cao hàng chục mét, sẽ nát bét. Thực tế không phải vậy. Khi một người bị rơi từ trên cao xuống đất, nếu có gắn với bất cứ vật dụng gì cồng kềnh, thì đó là điều may mắn bởi vận tốc đầu và cuối đã bị sức cản của gió làm chậm lại. Về nguyên tắc, khi rơi lực hấp dẫn hút về trái đất, gia tốc xuất hiện làm cho vận tốc rơi càng ngày càng tăng. Nhưng chuyển động đó sẽ gặp lực cản của không khí làm cho gia tốc bị triệt tiêu dần, nếu lực cản từ dới lên bằng với lực rơi từ trên xuống thì gia tốc bằng không, đó là một trong những lí do có người ngã cao không chết.
Vào ngày 26 tháng 1 năm 1972, Vesna Vulović là một tiếp viên hàng không người Serbia, cô đang chuẩn bị phục vụ hành khách trong một chuyến bay thương mại JAT 376, khi bay qua bầu trời Tiệp Khắc thì máy bay phát nổ.
Vulovic giữ kỉ lục Guinness rơi từ độ cao 10.160 mét mà không chết.
Bật khỏi khoang hành khách, nhưng may mắn cô vẫn ngồi trên ghế có dây an toàn, tay còn kịp kéo theo chiếc xe đẩy phục vụ ăn uống. Những đồ vật như chiếc ghế và xe đẩy cồng kền, đã bị không khí cản lại, làm giảm rất nhiều vận tốc rơi. Khi tiếp đất, Vulovic trượt trên một dốc tuyết dài trước khi dừng lại, đây cũng là một điều may mắn.
Vụ tai nạn làm Vulovic vỡ hộp sọ, vỡ ba đốt sống, gãy xương chậu, gãy xương sườn, gãy hai chân; cô nằm điều trị nhiều tháng, nhưng sau đó hồi phục gần như hoàn toàn, trở thành người nổi tiếng như một anh hùng dân tộc ở Nam Tư.
Rơi xuống vật mềm khác hoàn toàn rơi xuống vỉa hè bê tông.
Như ở trên tôi đã nói, nếu một chiếc ô tô 540kg chạy với vận tốc 96km/h, nếu đâm vào cột điện, thì cả ô tô lẫn cột điện nát bé, vì đó là hai vật cứng va đập vào nhau với lực rất lớn.
Nhưng khi đứa trẻ rơi xuống mái tôn có thể nảy lên như lò xo, có thể lún võng, thì đó là điều làm nên thần kì.
Câu chuyện viên phi công Magee là ví dụ, trong một điệp vụ vào năm 1943 trên nước Pháp, phi công người Mỹ bị thổi bay từ chiếc B-17, dù không bật, từ độ cao hơn 6km phia công rơi thẳng xuống một nhà ga xe lửa. Quá trình tiếp đất, phi công chui vào một giếng trời, những lớp thủy tinh đã cản lại mặc dù bị vỡ, thêm một đệm cỏ dày dưới mặt đất. Thoát chết, nhưng Magee sau bị quân Đức bắt, những người tham gia bắt giữ đã rất ngạc nhiên về sự sống sót của anh ta.
Bản thân tôi đã gặp những ca bệnh nhân ngã cao rơi vào mái tôn, rơi xuống ngọn cây, đều sống sót. Rơi xuống cây có thể gặp chấn thương đâm xuyên, nhưng vẫn là may mắn. Rơi xuống tuyết, đặc biệt là dốc tuyết như trường hợp cô tiếp viên Vulovic cũng là điều may, rơi xuống đầm lầy hay bất cứ bề mặt mềm nào đều là may.
Nhưng rơi xuống nước chẳng khác gì rơi xuống thềm bê tông.
Các vụ nhảy cầu tự tử đều chết, là vì rơi xuống nước cực kì nguy hiểm, nó hệt như rơi xuống vỉa hè bê tông, vì mặt nước không mềm như chúng ta tưởng, nó chỉ mở ra để nuốt chửng cơ thể sau khi đã chấn thương nát vụn các tạng.
Advertisement
Tư thế rơi cũng rất quan trọng.
Khi ngã cao, nơi cần bảo vệ nhất là đầu, sau đó đến lồng ngực, tiếp theo là đến bụng. Những tư thế rơi thẳng đứng cực kì nguy hiểm, rơi theo phương cơ thể nằm ngang còn có cơ hội sống sót. Những động tác ôm đầu, uốn cong lưng, gập gối, gấp đùi; đó là tư thế cần thiết phải giữ khi rơi.
Không chỉ rơi từ máy bay, rơi khi leo trèo, rơi khi ngã từ trên các tòa nhà, mà còn có rơi khi cầu thang máy đứt cáp cũng là điều rất đáng lưu tâm. Ở nước ta đã có những vụ rơi thang máy xảy ra chết người. Khi đi thang máy, nếu thấy tốc độ xuống tăng đột ngột, thì ngay lập tức phải nằm sấp xuống. Nằm sấp, là để bảo vệ não không bị chấn thương, bởi những điểm tiếp xúc đỉnh đầu và phía sau đầu là nguy hiểm nhất, sau đó đến hai bên thái dương. Những ca tai nạn vùng mặt có thể nát hết, nhưng lại ít bị tổn thương nhu mô não, đó là nguyên tắc thực hành lâm sàng của bác sĩ cấp cứu chấn thương. Thang máy rơi mà vẫn đứng thẳng sẽ cực kì nguy hiểm. Trường hợp thang máy chật quá, không thể nằm sấp được thì hãy ngồi xuống, nhớ ngồi bệt chứ không phải quỳ vì ngồi bệt có mông là một đệm cơ bảo vệ.
Với người đỡ phía dưới cũng phải biết cách!
Những vận động viên xiếc họ không chỉ được học cách ngã đúng kĩ thuật, mà còn được học cách đỡ vận động viên ngã từ trên cao xuống, nên giới hạn an toàn để 1 người đỡ là độ cao 6 mét, với 2 người đỡ thì độ cao lên tới 9 mét; với điều kiện người ngã phải đúng kĩ thuật hình chữ V.
Chúng ta không phải diễn viên xiếc.
Vậy khi đỡ, cần chọn tư thế chân đứng rộng vững chắc, đầu gối hơi khuỵu xuống để hấp thụ một phần lực rơi, 2 tay đưa ra với lòng bàn tay hướng lên trên để chờ sẵn. Phải chuẩn bị tinh thần cho bản thân dưới tác động của trọng lượng cực lớn. Nếu có 2 người tham gia đỡ, thì đứng cùng một phía để cố gắng một người bắt phần dưới cơ thể, một người bắt phần trên; cố gắng làm giảm tốc độ của người rơi bằng cách sử dụng lực của cánh tay.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh trẻ em từ 3-6 tuổi là hay ngã cao nhất, vì độ tuổi này đang thích khám phá, tỉ lệ trẻ trai và gái bằng nhau. Nghiên cứu của cơ quan hàng không Mỹ cho thấy trẻ em ngã cao có khả năng sống sót nhiều hơn người lớn, đặc biệt trẻ duối 4 tuổi, do chưa có khớp xương và bộ xương linh hoạt hơn, cơ bắp lỏng hơn, tỉ lệ mỡ dưới da cao hơn; vì thế mà nội tạng được bảo vệ. Ngoài ra, trọng lượng cơ thể trẻ em thấp, cũng giúp giảm vận tốc đầu và cuối.
Với tốc độ đọc 250 từ mỗi phút với một người trưởng thành, bài viết sẽ phải mất 10 phút để đọc, bằng thời gian rơi từ máy bay xuống đất; tôi xin cám ơn các bạn đã đọc một bài quá dài như thế này và hi vọng không ai phải sử dụng những kiến thức trong bài.
BS. TRẦN VẮN PHÚC

Giới thiệu Trần Huỳnh Thanh Nhật

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …