HỌC BÁC SĨ Ở MỸ CHỈ DÀNH CHO NGƯỜI GIÀU?
Năm 3 đại học là một cột mốc quan trọng trong đời mình, vì đó là lúc mình đưa ra quyết định đi theo ngành Y.
Ở thời điểm đó mình có 2 lựa chọn—1 là đi theo con đường nghiên cứu và học lên tiến sĩ hoá học và 2 là quyết định học Y.
Nếu mình chọn đi theo ngành nghiên cứu thì học bổng Gates Millenium sẽ đài thọ tất cả học phí và sinh hoạt phí của mình cho đến khi mình hoàn tất đào tạo.
Còn nếu mình chọn theo ngành Y thì học bổng toàn phần của Gates sẽ không hỗ trợ mình nữa.
Và điều này đồng nghĩa là mình phải vay tiền để đóng học phí cho trường và tất cả chi phí sinh hoạt ăn ở trong 4 năm học trường Y.
Mình đã đắn đo và suy nghĩa rất lâu để có thể đưa đến quyết định. Bản thân mình muốn theo ngành Y, nhưng mình tự biết rằng gia đình mình sẽ không thể hỗ trợ cho mình được và bản thân mình sẽ phải tự lo liệu.
Mình cũng biết rằng con số tiền để học Y ở Mỹ không phải là một số tiền nhỏ. Mình cũng biết rằng trong thời gian đi học và vay tiền như vậy thì cũng sẽ có phát sinh lãi suất.
Trên thực tế, trung bình một năm tiền học và sinh hoạt phí có thể lên tới 70 ngàn đô, và 4 năm như vậy là 280-300 ngàn đô + tiền lãi, tuỳ vào trường Y và mức sinh hoạt.
Bây giờ nghĩ lại đây quả thật là một sự đầu tư và lựa chọn táo bạo, khi mà bản thân mình chỉ là một sinh viên con nhà nghèo, không có ai hậu thuẫn.
Mặc dù vậy, bản thân mình đã xác định rõ rằng mình muốn theo ngành Y, và mình sẽ không để trở ngại tài chính cản bước chân mình. Không có tiền đi học thì vay tiền.
Vì trường Y ở Mỹ hiếm khi nào cho học bổng, rất nhiều sinh viên ở Mỹ cũng vay tiền đi học Y. Vậy thì không có lý do gì vì không có tiền mà mình sẽ từ bỏ ước mơ.
Và mình đã quyết định sẽ vay tiền đi học.
Dù vậy, cũng đã có lúc mình rất sợ hãi.
Mình sợ rằng LỠ vay tiền như vậy mà học không xong, không đi hết được con đường này, thì phải thế nào với một món nợ quá lớn như vậy? LỠ thất bại thì sao?
Nhưng những lúc như thế mình lại phải tự trấn an bản thân rằng—Mình nhất định PHẢI thành công.
Một câu nói tiếp thêm cho mình sức mạnh những lúc đó chính là “If you have a plan B, you are giving yourself the chance to never accomplish plan A.” nghĩa là “nếu bạn có kế hoạch dự bị, bạn đang cho bản thân một cơ hội để không đạt được kế hoạch ban đầu.”
Câu nói này thực sự đánh động mình.
Nó giúp mình hiểu ra rằng, nếu mình không cho bản thân đường lùi thì mình sẽ có thể tập trung tất cả mọi sức lực để đạt được thành công, và mình sẽ không dừng lại cho đến khi thành công.
Vì vậy, thay vì lo lắng muôn vàn cái “LỠ” thì mình quyết đi hướng về phía trước, kiên định với quyết định của mình, và không nhìn lại.
Và mình đã thành công.
Đến thời điểm mình tốt nghiệp trường Y và bắt đầu đào tạo nội trú, số tiền nợ đi học của mình lên tới 200 ngàn đô (nhờ có một vài học bổng nhỏ và sống tiết kiệm).
Các bạn trong lớp của mình cũng có số tiền nợ tương tự hoặc hơn. Theo thống kê năm 2019 từ tổ chức AAMC 73% bác sĩ tốt nghiệp tại Mỹ vay tiền đi học. Số tiền nợ trung bình là 200 ngàn đô.
Học phí 4 năm Y Khoa của trường công lập (public) là 250 ngàn đô, và trường tư (private) là 330 ngàn đô.
Nhưng mình cảm thấy đó là một sự đầu tư xứng đáng. Đầu tư vào bản thân và tương lai của bản thân. Đầu tư để thực hiện giấc mơ làm bác sĩ tại Mỹ, và nếu bây giờ phải chọn lại mình sẽ vẫn chọn con đường này.
Còn món nợ thì sao?
Trả nợ nhanh hay lâu tuỳ thuộc vào bản thân mỗi người. Với lương bác sĩ từ 230 ngàn đô một năm trở lên, sau khi trừ thuế và chi phí vẫn còn lại tầm 50% nên việc trả xong nợ là việc sớm hay muộn.
Có bác sĩ quyết định tập trung trả nhanh thì sau 2 năm đã có thể trả xong. (Mình có một người bạn như vậy). Thống kê cho thấy thời gian trung bình trả xong nợ là tầm 5 năm. Cũng có người chú trọng vào các mảng đầu tư và chi tiêu khác, thì có thể trả từ từ kéo dài thời gian đến 20 năm.
Chính vì vậy, nếu bạn đam mê theo đuổi con đường làm bác sĩ tại Mỹ, và tài chính đang là nỗi lo lắng lớn nhất của bạn, thì mình mong rằng bài viết này sẽ tiếp thêm động lực cho bạn và vững bước trên con đường này.
Dr. Christina Nguyễn
~ The Phoenix Medical Academy
Cảm ơn những chia sẻ thú vị từ tác giả trên Diễn đàn Y khoa!
Linh Facebook [ https://www.facebook.com/groups/ylamsang/posts/1299672583812030/ ]
Linh Facebook [ https://www.facebook.com/groups/ylamsang/posts/1299672583812030/ ]
Nguồn: BS. Christina Nguyen.