[Chia sẻ] Khám chữa bệnh từ xa (Telemedicine): Có thể áp dụng cho mọi bệnh nhân ?

Rate this post
Hôm nay mải đi chơi nên không ngồi khám bệnh được, vì thế nên ngay trong buổi sáng đã nhận được kết quả xét nghiệm và yêu cầu kê đơn cho 4 bệnh nhân (BN) gửi qua zalo. Trong đó có 1 BN đái tháo đường, 1 BN đái tháo đường béo phì, 1 BN suy giáp mang thai 37 tuần, và 1 BN cường giáp.
Mặc dù phương pháp khám chữa bệnh từ xa (Telemedicine) đã xuất hiện từ lâu nhưng đại dịch COVID đã thúc đẩy mạnh mẽ sử dụng dịch vụ này. GS Richard Holt, chuyên gia về nội tiết tại Đại học Southampton, cho biết: “Chỉ sau một đêm, chúng tôi buộc phải thích nghi với khám chữa bệnh từ xa vì gặp trực tiếp không còn an toàn với đại dịch”.
Nhiều BN mắc bệnh ĐTĐ đánh giá cao sự tiện lợi và tính linh hoạt của Telemedicine, trong khi các bệnh viện và phòng khám được hưởng lợi từ việc ít bị lỡ hẹn và hủy hẹn hơn. Ngoài ra, việc không phải đến phòng khám đã giữ được sự riêng tư của mọi người và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Ở Việt Nam, do thiếu bác sỹ chuyên khoa Nội tiết nên khám qua Telemedicine có thể giúp cho nhiều BN ĐTD ở các tỉnh không phải di chuyển về Hà Nội. Tuy nhiên, GS Holt chỉ ra rằng việc sử dụng Telemedicine đi kèm với nhiều thách thức. Ví dụ, do không đi khám trực tiếp trong thời gian đại dịch COVID nên có khoảng 60.000 BN mắc bệnh ĐTĐ ở Anh có thể đã không được chẩn đoán vì bị bỏ qua các triệu chứng và thông tin gợi ý mắc ĐTD. Nhiều BN bị biến chứng nặng do ít được xét nghiệm HbA1C và không được kiểm tra bàn chân vì như GS Holt nói. “Tôi không biết cách kiểm tra bàn chân qua điện thoại hoặc internet,”
Một số người thích đến khám trực tiếp vì cảm thấy tương tác tốt hơn với thầy thuốc và an tâm hơn vì được khám toàn diện và trao đổi hết mọi thắc mắc với Bác sỹ. Ngoài ra, một số người cảm thấy không thuận tiện khi sử dụng Telemedicine, nhất là những người rất trẻ hoặc rất già, những người có bệnh lý phức tạp, nặng. Vì vậy khám chữa bệnh từ xa (Telemedicine) có thể được sử dụng để cung cấp dịch vụ chăm sóc bệnh ĐTĐ hiệu quả, nhưng “nó không thể thay thế tất cả các cuộc khám trực tiếp.” Người bệnh cũng không nên lạm dụng, muốn được khám bệnh từ xa nhiều lần liên tiếp, khi bác sỹ không thể nhớ được tình trạng bệnh cũng như đáp ứng điều trị cụ thể của người bệnh. Gửi các thông tin qua Zalo, Viber, Facebook… cũng không đúng nghĩa của Telemedicine vì hầu hết là không đủ các thông tin cần thiết.
Advertisement
Nói vậy để các BN biết, chúng tôi có thể kê đơn online khi có đầy đủ thông tin và xét nghiệm cần thiết. Nhưng trong một số trường hợp, xin mời các bác đến khám trực tiếp.
Tác giả: BS. Nguyễn Quang Bảy

Giới thiệu Trần Huỳnh Thanh Nhật

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …