[Chia sẻ] Máy móc

Rate this post
Hôm trước tôi có share bài của bs Huyên Thảo với lời ta thán, hôm nay tôi có thời gian nên chia sẻ thêm vài ý kiến về chuyện này.
BS Thảo viết sách không có gì sai, vấn đề ở đây là sự tiếp thu của người đọc. Trong thời gian tôi viết lách, tôi nhận ra có rất nhiều người đọc và tiếp thu kiến thức một cách máy móc vô cùng. Khi tôi dạy người nào, tôi thích giúp người đó hiểu hơn là nhớ, hiểu thì áp dụng mới phù hợp.
Có câu trẻ dưới 6 tháng không cần uống nước, câu này không có gì sai, nhưng ở đây người ta muốn nói tới uống nước giải khát như người lớn. Uống nhiều nước sẽ làm trẻ bú ít lại vì no làm thiếu dinh dưỡng, uống quá nhiều sẽ có nguy cơ ngộ độc nước ở trẻ em. Nhưng nếu bạn cần dùng 10-15ml nước pha thuốc cho con uống, điều này không gây hại gì cả và hoàn toàn phù hợp. Hôm trước tôi thấy BS Tuấn than rằng có bà mẹ nào nhất quyết không chịu dùng nước pha thuốc cho con uống vì con dưới 6 tháng tuyệt đối không uống nước, tôi kêu trời.
Có câu rằng trẻ sốt là phản ứng của cơ thể đối với vi trùng, không cần uống thuốc. Người viết câu này có thể không giải thích rõ khiến người đọc áp dụng máy móc. Nếu con bạn sốt nhẹ 38, tươi tỉnh, ăn uống chơi bình thường thì đúng là không cần uống thuốc, nhưng nếu nó sốt cao 39-40, lừ đừ mệt mỏi, mất nước, bỏ ăn thì tại sao lại không cho thuốc hạ sốt?
Bạn hay nghe nói rằng trẻ con thường hay nhiễm siêu vi, mà siêu vi hầu hết sẽ tự khỏi, cho nên bệnh của trẻ con hơn phân nửa là không cần điều trị gì. Nếu bạn mang con cho tôi khám, tôi sẽ không cho thuốc gì với những trẻ viêm hô hấp trên do siêu vi ngoài thuốc hạ sốt nếu cần, con bạn tiêu chảy siêu vi cũng chỉ bù nước và hạ sốt mà thôi.
Nhưng đời không như là mơ nên không phải đứa nào nhiễm siêu vi cũng tự hết. Trong số những đứa nhiễm siêu vi sẽ có khoảng 5-10% cần can thiệp vì các biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, mất nước nặng, shock mất nước,… Cho nên sau khi khám xong một đứa viêm hô hấp trên tôi thường không cho thuốc mà cho lời dặn rằng: nếu con bạn sốt cao 39-40, sốt hơn 4 ngày, đau tai, bứt rứt khó chịu, bỏ ăn, thở nhanh, khó thở, lừ đừ bạn phải tới tái khám. Và hầu hết bn của tôi tái khám khi có các vấn đề trên.
Bạn hỏi làm sao biết là siêu vi, đó là thành quả của hơn 10 năm học hành ở trường và tiếp tục học từ thực tế, khám hàng ngàn bệnh nhân nên bs sẽ cho kết quả phán đoán tốt nhất. Một bs nếu có kiến thức và đầy đủ kinh nghiệm sẽ biết bn nào cần chú ý đặc biệt sau khi quan sát và hỏi bệnh. Nếu bs còn nghi ngờ thì sẽ dùng tới xét nghiệm để giúp đỡ, nên có bạn phàn nàn bs khám và xn tốn tiền mà không cho thuốc gì, bạn nên biết rằng toàn bộ quá trình khám và xn là để đi tới kết luận con bạn không cần uống thuốc gì, bạn nên mừng thì hơn.
Y khoa là khoa học về xác suất, một bệnh nhân tới với bệnh cảnh như vầy, khám triệu chứng như vầy, xn như vầy thì khả năng cao nhất là bệnh này. Tuy nhiên sẽ có một tỷ lệ nhỏ rằng phán đoán này sẽ không đúng hoặc bệnh này sẽ trở nặng mà không tự hết. BS biết trước không, xin thưa là không, bởi nên luôn phải dặn dò tái khám.
Tôi đã từng bị trách móc, bs bảo con tôi chỉ viêm hh trên, mà sau đó bs khác khám bị viêm tai giữa, viêm phổi. Tôi chỉ cười và giải thích nếu có cơ hội, khi tôi khám thì viêm hh trên, làm sao tôi biết trước bn này sẽ viêm tai giữa, viêm phổi, nên vì vậy tôi luôn dặn khi nào phải tái khám.
Advertisement
Làm bs không dễ và trách nhiệm nặng nề, phải học rất nhiều, làm việc rất nhiều. Tại sao bạn lại không giao trách nhiệm khó khăn đó cho người có kiến thức và kinh nghiệm, chiếc xe bạn hư bạn tới nhờ thợ sửa xe, tại sao con bệnh bạn tự làm bs hay nhờ bs mạng?
Nhiều bạn nhắn tin hỏi con em bệnh vầy vầy, làm sao giờ bs, tôi xin không trả lời. Xin bạn hiểu cho vì lương tâm nghề nghiệp.
Siêu vi thường sẽ tự hết, câu hỏi là làm sao bạn biết là siêu vi, và nếu đúng là siêu vi thì khi nào con bạn cần phải được chú ý vì có thể có biến chứng? Xin đừng làm bs và đừng áp dụng những điều bạn đọc một cách máy móc.
Tôi sẽ không ngưng viết vì để thay đổi chuyện này chúng ta cần phải giáo dục cả bệnh nhân và bs. Bs phải giải thích cho bn và bệnh nhân phải lắng nghe bs của mình, không tự làm bs hay nghe bs mạng.

Giới thiệu Huỳnh Tâm Nguyện

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …