[Chia sẻ] Nhật ký 1 ngày của tôi

Rate this post
“Đêm qua em có ngủ được không?”
Buổi sáng 6 giờ thức dậy, việc đầu tiên tôi làm là cầm điện thoại soạn một dòng tin nhắn. Có lẽ bệnh nhân vẫn đang ngủ. Đó là một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, cô ấy không biết mình còn sống được bao lâu nữa, nỗi đau thể xác đã ăn mòn trái tim cô ấy. Những ngày cuối cùng này, ngoài chồng và hai đứa con nhỏ, thì tôi như một bác sĩ “điều trị” giảm nhẹ về tinh thần, là nơi để cô ấy dựa vào.
Tôi quyết định đợi cô thức giấc mới gửi tin.
Đúng 6 giờ 30 tôi bước ra khỏi nhà.
Hôm nay là phiên trực, nhiệm vụ của tôi là sát cánh cùng bệnh nhân khi họ xuất hiện trong khoa cấp cứu, bất kể giờ giấc và thời điểm, tôi sẽ cùng các đồng nghiệp giúp đỡ bệnh nhân hết sức, để họ bình an vô sự, khỏe mạnh và khỏi bệnh.
Trên đường đến bệnh viện, đi qua Đại sứ quán Nhật Bản, tôi nhìn thấy lá quốc kì của xứ sở mặt trời mọc hạ xuống một nửa cột. Tôi chợt nhớ ngày 11 tháng 3 là quốc tang ở Nhật Bản. Đúng mười năm trước, vào lúc 14:46 ngày 11 tháng 3 năm 2011, bờ biển phía đông Nhật Bản đã bị một trận động đất mạnh 9 độ richter, một cơn sóng thần tràn vào đất liền đã giết chết hơn 18.000 người.
Tôi dừng lại trước cổng Đại sứ quán Nhật Bản một chút, cúi đầu im lặng. Một thoáng rùng mình, chỉ với cái búng tay, 3654 ngày đêm đã trôi qua kể từ khi xảy ra thảm họa. Có dịp đến Nhật Bản, tôi vẫn nhìn thấy những vết sẹo chưa lành, một số người chưa thể quay trở lại ngôi nhà cũ của họ, sự cố ô nhiễm hạt nhân ở Fukushima vẫn còn đáng lo ngại.
Một câu chuyện làm tôi phải suy nghĩ.
Ngày 11 tháng 3 nào cũng vậy, trên bờ biển thuộc thị trấn Onagawa, tỉnh Miyagi, có một người đàn ông 64 tuổi mặc bộ đồ lặn đã nhảy xuống đại dương trong gió lạnh.
Ông lão tên là Yasuo Takamatsu, ông nhảy xuống biển không phải vì sở thích, mà là tìm người vợ đã chết trong thảm họa động đất sóng thần. Vào thời điểm đó, Takamatsu đang chăm sóc mẹ vợ trong bệnh viện, còn vợ ông là Yuko đang làm việc tại một ngân hàng địa phương, nơi chỉ cách bờ biển 100 mét.
Takahashi gọi hàng trăm cú điện thoại cho vợ nhưng không được.
Sau trận sóng thần nửa giờ, Takahashi nhận được tin nhắn của vợ “Anh có sao không?”. Chính vì tin nhắn cuối cùng này của vợ trước khi qua đời đã khiến Takahashi có một khao khát mãnh liệt, ông đi học lặn suốt 3 năm trời, kể từ khi tốt nghiệp ông nhảy xuống biển tìm vợ mỗi tháng bất kể gió mưa hay giá lạnh; và ông đã lặn tổng cộng 470 lần dưới đáy đại dương.
Nhớ lại câu chuyện này, tôi càng thêm trân trọng những giá trị cuộc sống ở trên đất nước mình; và tôi đã hiểu tại sao mỗi khi gặp thiên tai, địch họa hay dịch bệnh, thì luôn có những người đứng lên xung phong ra tuyến đầu, họ sẵn sàng phá hủy nhà cửa và đồ đạc để bảo vệ sự an toàn chung cho cộng đồng, thậm chí sẵn sàng hi sinh cả tính mạng. Đất nước thân yêu của tôi! Từ xưa đến nay, được lưu truyền từ đời này sang đời khác nỗi canh cánh phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau; khi đất nước gặp biết cố, thì tất cả mọi người phải cùng chiến đấu.
Trong đại dịch COVID-19, hàng ngàn y bác sĩ đồng nghiệp của chúng tôi đã xung phong ra tuyến đầu như thế. Hà Nội, Sài Gòn và tất cả các tỉnh thành khác trên cả nước, đồng nghiệp của tôi đã chiến đấu bền bỉ, lập nên những kì tích khống chế dịch mà hiếm có nơi nào trên thế giới đạt được.
Tôi chỉ là bác sĩ Xquang hạng 3 lùi lại phía sau.
7h30 đã có những bệnh nhân chờ ngoài cửa, tôi phải làm việc liên tục và liên tục, điều dưỡng xếp bệnh nhân vào hai máy siêu âm để tôi chạy qua lại, không kịp ăn sáng và cũng chẳng có thời gian đi vệ sinh.
11h45 máy tính thông báo tôi đã khám xong 48 lượt!
Còn một bệnh nhân cuối cùng, nam giới, 76 tuổi. Khoảng hai tuần nay bệnh nhân cảm thấy hơi chướng bụng, ăn khó tiêu, hơi tưng tức ở bên mạng sườn trái. Con trai lo lắng đưa bố đi khám vài bệnh viện. Bản thân bệnh nhân nói với tôi rằng, ông tin là không có bệnh gì, từ bé đến giờ không phải đi viện và không động đến thuốc thang. Quan sát kĩ, tôi thấy bệnh nhân có vẻ mệt mỏi, kèm theo những dấu hiệu của thiếu máu; với một người 76 tuổi, nhưng cơ bắp còn rắn chắc, thì đó là điều cảnh báo tôi phải khám tỉ mỉ.
Sau một loạt các cuộc kiểm tra, điều tôi ghi nhân là ống tiêu hóa chướng hơi rất nhiều, đó là một sự thách đố khi làm siêu âm. Dạ dày tá tràng và một số quai ruột non tiếp theo không giãn, các tổn thương cũng không thấy, phía dưới đại tràng Sigma và trực tràng cùng vậy. Lần tiếp những quai ruột non vùng thấp chướng hơi, khung đại tràng cũng chướng hơi, đòi hỏi tôi phải kiên trì. Đổi các đầu dò, chỉnh các thông số máy, thay đổi tư thế người bệnh, cuối cùng tôi cũng tìm đường vị trí tổn thương ở đại tràng xuống ở bên trái.
Đó là một khối u!
Khối u chiếm một phần ba chu vi đại tràng, nó phá vỡ từ lớp niêm mạc xuống đến lớp cơ, tôi còn nhìn thấy bề mặt nham nhở với những ổ loét, may mắn là chưa qua lớp thanh mạc ở ngoài cùng, tức là tổn thương vẫn khu trú tại chỗ.
Nhưng đó là thể ung thư niêm mạc đã quá muộn.
Thông thường, đại trực tràng từ khi xuất hiện những tế bào ung thư cho đến khi có triệu chứng rõ ràng, tương ứng với giai đoạn nặng ở bệnh nhân tôi mới khám, thời gian khoảng 10 năm. Những triệu chứng rõ ràng gợi ý ung thư đại trực tràng, như chướng bụng, khó tiêu, đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón, có máu và chất nhầy trong phân, da xanh niêm mạch nhợt vì thiếu máu, sốt nhẹ, sụt cân và các triệu chứng khác.
Để phát hiện sớm thì phải khám sàng lọc.
Vì ung thư đại trực tràng để có triệu chứng đã muộn, nên bác sĩ chúng tôi vẫn khuyên những người dưới 40 tuổi nên khám sàng lọc ung thư đại trực tràng 3 năm một lần, trên 40 tuổi khám sàng lọc hàng năm.
Có 4 phương pháp bác sĩ sử dụng để sàng lọc.
👉 Phương pháp đầu tiên là nội soi đại trực tràng. Tôi lưu ý, nếu lần soi sàng lọc đầu tiên không phát hiện tổn thương đại tràng và không có yếu tố nguy cơ, thì sau 10 năm mới cần soi lại. Có một số người soi đại trực tràng hàng năm, thậm chí vài tháng soi một lần, không cần thiết phải như vậy. Một trong những hạn chế của soi đại trực tràng là có thể không phát hiện được những tổn thương ung thư quá nhỏ, nên bác sĩ sẽ bổ sung bằng phương pháp sàng lọc khác.
👉 Phương pháp thứ hai là xét nghiệm ADN trong phân. Xét nghiệm này sử dụng mẫu phân để tìm kiếm những đoạn gen ADN ung thư, cho phép phát hiện ung thư giai đoạn sớm, thậm chí tiền ung thư.
👉 Phương pháp thứ ba là xét nghiệm máu ẩn trong phân (Fecal Occult Blood Test – FOBT) hoặc xét nghiệm hóa miễn dịch trong phân (Fecal Immunochemical Test – FIT). Phương pháp này đơn giản, dễ thực hiện, giá rẻ nên đường sử dụng sàng lọc hàng năm.
👉 Phương pháp thứ tư là chụp CT Scanner bằng kĩ thuật nội soi đại trực tràng ảo. Kĩ thuật này có hạn chế là không phát hiện được tiền ung thư và dễ bỏ sót tổn thương nhỏ, phải thực hiện trên máy có cấu hình chụp nội soi ảo, cũng cần phải làm sạch đại tràng và bơm hơi.
Lựa chọn phương pháp sàng lọc nào phù hợp, bác sĩ cần căn cứ trên từng cá nhân cụ thể để tư vấn, sau đó mới quyết định. Điều tôi muốn nhấn mạnh, là người dân cần xem xét 4 điều kiện sau, nếu có từ 2 điều kiện trở lên thì hãy đi khám sàng lọc ung thư đại trực tràng càng sớm càng tốt.
👉 Trên 30 tuổi chưa từng khám sàng lọc ung thư đại trực tràng.
👉 Thường xuyên khó chịu đường tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón, phân ra máu…
👉 Gia đình có người đã bị ung thư đại trực tràng.
👉 Bản thân có tiền sử ung thư hoặc các bệnh đường tiêu hóa, tiền sử có polyp đường ruột, đặc biệt là polyp tân sinh, có liên quan mật thiết đến sự xuất hiện của ung thư đại trực tràng.
Với ca bệnh cuối cùng trong buổi sáng làm việc của tôi, vì khối u đã quá rõ ràng, vì thế mà siêu âm đã phát hiện được và trở thành phương pháp thăm khám mở đầu để quyết định nội soi đại tràng, chụp CT Scanner; tất cả đều cho kết quả khối u đại tràng xuống bên trái với tổn thương tại chỗ, chưa có xâm lấn ra ngoài đại tràng, chưa di căn hạch và chưa di căn xa.
12h30 bệnh nhân cuối cùng ra khỏi phòng.
Tôi bắt đầu ăn cơm, nhưng phải bỏ dở vì điện thoại reo lên, phía bên kia bác sĩ trưởng khoa nội mời hội chẩn gấp bệnh nhân vừa vào viện, đột ngột xuất hiện khó thở tiên lượng diễn biến xấu.
Tại buồng cấp cứu khoa nội, trên hình ảnh siêu âm tôi thấy khoang màng phổi bên phải bị tràn khí với số lượng rất ít. Tôi rất muốn nhấn mạnh với các bác sĩ trẻ, siêu âm tràn khí khoang màng phổi là rất quan trọng ở các đơn nguyên cấp cứu, chẩn đoán tràn khí số lượng ít đòi hỏi người làm siêu âm phải có sự nhạy cảm, phán đoán tốt, biết quan sát và đánh giá. Khoang màng phổi ở vị trí cao nhất tôi nhìn thấy bóng khí di động, các vùng thấp thấy nhu mô phổi thấy đường B-Line chứng tỏ có những tổn thương mô kẽ ở người bệnh phổi mãn tính; đó là chìa khóa để tôi nghĩ đến tràn khí khoang màng phổi số lượng ít.
Vậy tại sao bệnh nhân lại khó thở?
Điều lo ngại trong trường hợp này, đó là tràn khí trung thất, tràn khí tự phát nếu khí tràn vào khoang màng phổi ít thì tôi cần phải quan tâm lượng khí tràn vào trung thất có hay không, nhiều hay ít. Nếu khí quá nhiều ở trung tất, có thể gây ép tim, tính mạng người bệnh bị đe dọa.
Kiểm tra những cung mạch tầng trên trung thất và vùng cổ, tôi phát hiện khí xung quanh, lợi dụng các cửa sổ quan sát trung thất có thấy khí. Ngoài ra, lượng khí tràn vào lớp dưới cơ thành ngực nhưng không nhiều, tập trung ở trên cao.
Chưa đầy 5 phút tôi dừng siêu âm.
Chẩn đoán tạm thời của tôi, bệnh nhân tràn khí trung thất số lượng chưa nhiều, tràn khí khoang màng phổi phải số lượng rất ít, tràn khí dưới cơ thành ngực; gợi ý nguyên nhân vỡ kén khí hoặc phế nang bị giãn vùng đỉnh phổi phải trên bệnh phổi mãn tính.
Nhanh chóng đánh giá các chỉ số sinh tồn, bệnh nhân cho phép di chuyển, nhóm bác sĩ nội khoa, ngoại lồng ngực và chẩn đoán hình ảnh, cùng các điều dưỡng đẩy thẳng bệnh nhân đến phòng chụp CT Scanner, kích hoạt chế độ giải cứu bệnh nhân trong tình huống khẩn cấp.
Những bước chân vội vã trong hành lang bệnh viện giữa trưa.
Kết quả chụp CT Scanner, đó là một trường hợp bệnh rối loạn phổi do thiếu men Alpha 1 Antitrypsin (AAT), người mắc bệnh này nhu mô phổi rất nghèo nàn, mỏng manh thưa thớt; lâu dần các phế nang bị giãn rất to, rồi vỡ tra gây tràn khí tự phát khoang màng phổi hoặc trung thất.
20h00 tôi bắt đầu bữa cơm tối; và như thường lệ, bác sĩ trực sẽ vừa ăn vừa giải quyết bệnh nhân, như bữa cơm này tôi thử đếm có 11 trường hợp phải giải quyết, gồm siêu âm cấp cứu, đọc phim Xquang cấp cứu, đọc kết quả CT Scanner cấp cứu.
Những cuộc hội chẩn cũng liên tục.
Một ca hội chẩn tại giường với bác sĩ trưởng tua trực cấp cứu nội về bệnh nhân nhiễm trùng huyết nặng. Một ca hội chẩn với trưởng tua trực ngoại bệnh nhân bán tắc ruột tuyến dưới chuyển lên, tôi đã phải dành nhiều thời gian xem xét kĩ, siêu âm lại và chẩn đoán u Lymphoma, tổn thương không gây tắc hoàn toàn nên không chỉ định mổ, thay vào đó cần giải cứu nội khoa để những ngày tới làm chẩn đoán đến tận cùng rồi lựa chọn phác đồ điều trị. Một ca khác ung thư đại tràng bị một ổ loét gây thủng, dịch phân đang lan ra ổ bụng, cần mổ ngay lập tức. Một ca tắc ruột hoàn toàn do khối u ruột non có bản chất là GIST cũng phải mổ cấp cứu…
20h 59 chuông báo động vang lên.
Đó là tiếng chuông kích hoạt một cuộc chạy đua với thần chết, tất cả ê kíp cấp cứu đột quỵ não phải bật dậy, vào đúng vị trí chiến đấu. Một bệnh nhân nam giới vào viện vì tay một bên cảm giác tê đột ngột. Trong vòng 10 phút, tất cả các thăm khám xét nghiệm và chụp chiếu đều phải hoàn thành. Một điều dưỡng đứng đầu giường ngay lập tức cho bệnh nhân thở Oxy, mắc điện tim theo dõi. Một điều dưỡng khác lấy mạch, huyết áp, nhịp thở bên tay trái bệnh nhân. Điều dưỡng bên tay phải đối diện đặt đường truyền tĩnh mạch. Một điều dưỡng lấy các tuýp máu, ghi chú chế độ khẩn cấp đặc biệt, rồi chạy nhanh xuống phòng xét nghiệm bàn giao. Ê kíp bác sĩ hồi sức cấp cứu và bác sĩ thần kinh chuẩn bị thuốc tiêu sợi huyết. Ê kíp bác sĩ Xquang chúng tôi tiến hành chụp CT Scanner mạch não, chuẩn bị sẵn sàng lấy cục máu đông trong động mạch não, đặt stent nếu động mạch não bị hẹp.
Chậm 1 phút sẽ có 190 triệu tế bào não bị chết!
Vì thế mà chúng tôi phải chạy đua với thời gian, tiết kiệm cho bệnh nhân từng giây, bởi thời gian là sự sống.
Kết quả chụp CT động mạch não giữa bên trái tắc hoàn toàn. Nếu đó là một ca tắc động mạch não giữa cấp, như trước đây, hầu hết bệnh nhân tử vong, nếu cứu được thì cũng sống thực vật. Nhưng từ khi bệnh viện lắp chuông báo động, những bệnh nhân đến sớm trước 4 giờ hầu hết được cứu sống ngoạn mục, nhiều trong số đó trở lại cuộc sống bình thường mà không hề có di chứng gì. Với bệnh nhân này, tôi phóng to hình ảnh, xem xét lại cẩn thận, thấy động mạch não giữa trước khi tắc hẳn thì có một đoạn hẹp giống như đuôi chuột, các vòng nối bổ sung từ động mạch não trước và não sau vẫn cung cấp máu đủ cho não. Nhìn kĩ hơn, tôi thấy một đám mạch máu mờ mịt, thuật ngữ chuyên môn chúng tôi gọi là dấu hiệu khói thuốc, hệ động mạch cảnh trong bị vôi hóa.
Chẩn đoán = bệnh Moyamoya!
Đây là căn bệnh rất hiếm gặp, vì thế mà có thể bị nhầm với tắc động mạch não giữa trong đột quỵ não. Bác sĩ Xquang hạng 3 chúng tôi, đứng trước những hình ảnh đen và trắng, rất cần trái tim thật nóng và cái đầu thật lạnh. Chỉ khi cái đầu thật lạnh được sưởi ấm bằng trái tim nóng, thì mới có thể bắt những bức ảnh đen trắng cất tiếng nói, để cứu bệnh nhân.
Advertisement
3h15 sáng ngày 12 tháng 3…
Tôi đang định tranh thủ chợp mắt, thì bác sĩ trưởng tua trực ngoại chạy sang gọi tôi cấp cứu bệnh nhân tuyến dưới chuyển lên vì một ổ áp xe vùng hố chậu phải, ruột thừa đã cắt 20 năm trước.
Bệnh nhân đột ngột rơi vào tình trạng sốc.
Bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng nhiễm độc, các bác sĩ và điều dưỡng đang vây quanh giải cứu bệnh nhân, tôi nhanh chóng bắt tay vào thực hiện thủ thuật hút dẫn lưu ổ mủ. Bác sĩ trưởng tua trực ngoại tự chạy đi ra hiệu thuốc mua giúp gia đình bệnh nhân sonde dẫn lưu, anh mượn tạm hiệu thuốc vài loại sonde để tôi lựa chọn phù hợp với bệnh nhân.
Thủ thuật chưa kịp xong, điều dưỡng báo bác sĩ trưởng tua trực cấp cứu nội mời tôi đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, do bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, tiến hành đặt thường quy thất bại nên cần thực hiện thủ thuật dưới hướng dẫn siêu âm.
Đó là một bệnh nhân rất nghèo, vào viện không có một đồng tiền nào trong túi, trên cơ thể người đàn ông đen đúa tôi đếm tất cả 5 ống đi vào và đi ra, chẳng hạn như ống sonde dạ dày vừa để dẫn lưu nhưng cũng vừa nuôi dưỡng. Bệnh nhân mới tạm thở Oxy qua mũi, chờ đặt xong đường truyền tĩnh mạch trung tâm nếu độ bão hòa Oxy tiếp tục giảm sẽ đặt ống thở, vì thế mà tinh thần vẫn tỉnh táo. Bác sĩ nữ trưởng tua trực nội, nhìn qua nếp hằn từ chiếc khẩu trang tôi vẫn nhận ra còn rất trẻ và xinh đẹp.
“Bác chịu khó một chút để bác sĩ điều trị cho bác nhé!”
Trên khuôn mặt bệnh nhân có những giọt nước lăn ra từ khóe mắt. Tôi hiểu, những giọt nước mắt lăn dài bởi lòng tử tế của nữ bác sĩ trẻ. Nhìn vào bệnh án với những kế hoạch điều trị liên tục được điều chỉnh, tôi thực sự khâm phục những đồng nghiệp trẻ, nhất là bác sĩ nữ làm ở khu vực cấp cứu, công việc của họ ở tuyến đầu chiến đấu với bệnh tật để cứu bệnh nhân, sẽ vất vả hơn tôi là bác sĩ Xquang hạng 3 rất nhiều lần.
Khoa cấp cứu là nơi tập trung nhiều bệnh đột xuất nhất, tai nạn nhiều nhất, nhiệm vụ cấp cứu nặng nề nhất bệnh viện. Câu chuyện sinh tử giống hệt những bộ phim, nó được dàn dựng hàng ngày hàng giờ, trong đó có niềm vui cứu sống được người bệnh nhưng cũng có nỗi buồn của thất bại. Tôi nghĩ rằng, chỉ khi nào người ta thấu hiểu về sự sống và cái chết, thì con người sẽ trở nên tốt đẹp. Đó đây vẫn có những xung đột giữa người bệnh và nhân viên y tế, nhưng tua trực của tôi, hầu hết người bệnh và gia đình họ đã nở những nụ cười, cùng với lời chào hỏi và cám ơn. Kết thúc một tua trực 24 tiếng đồng hồ, tôi sẽ được bồi dưỡng 120 ngàn đồng theo chế độ quy định, đó là số tiền bồi dưỡng lớn hơn nhiều so với các đồng nghiệp trẻ vì tôi đã có thâm niên 20 năm. Số tiền ấy chắc chắn chẳng làm cho chúng tôi vui, nhưng nụ cười và lời cám ơn của người bệnh thì bản thân tôi thấy ấm áp vô cùng, đặc biệt là những đồng nghiệp như bác sĩ trưởng tua trực cấp cứu ngoại đã sang nói lời cám ơn tôi khi trời vừa hửng sáng.
Tôi mở điện thoại mới mua loại Second Hand, giá 3 triệu, tình cờ bấm vào nút có hình trái tim, nơi đó hiện lên ngày 11 tháng 3 năm 2021 tôi đã đi trong bệnh viện với tổng quảng đường 3,1km với 5.541 bước chân, leo 14 tầng.
Tua trực của bác sĩ không cần phải tập thể dục!
BS. Trần Văn Phúc

Giới thiệu Huỳnh Tâm Nguyện

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …