Xu hướng covid sau tiêm chủng vaccine: so sánh giữa các nước
Tại sao sau khi tiêm vaccine mà số ca nhiễm tăng nhiễm ở một số nước, nhưng giảm ở các nước khác? Đây là một câu hỏi làm nhức đầu nhiều người. Có lẽ chúng ta khó có câu trả lời dứt khoát, nhưng các yếu tố như loại vaccine, thời gian giữa 2 liều vaccine, biện pháp giãn cách xã hội, miễn dịch tự nhiên và độ tuổi có thể giải thích cho xu hướng trên.
Hiệu quả và hiệu lực
Một trong những vấn đề làm đau đầu nhiều chuyên gia y tế công cộng hiện nay là câu hỏi: vaccine có hiệu quả không? Câu hỏi rất đụng chạm, bởi vì tiêm chủng vaccine được quảng bá là phương tiện số 1 để kiểm soát dịch Vũ Hán.
Lấy gì để đánh giá hiệu quả của vaccine? Thử nghiệm lâm sàng là cách làm tốt nhứt. Và, đã có nhiều thử nghiệm lâm sàng cho thấy quả thật vaccine có hiệu quả giảm nguy cơ lây nhiễm. Ngay cả người trong gia đình, người đã tiêm vaccine giảm lây nhiễm cho người khác chưa tiêm vaccine. Hiệu quả (efficacy) của vaccine là không có gì để bàn cãi.
Vaccine có hiệu lực (effectiveness) không? Hiệu lực của vaccine phải được đánh giá trong cộng đồng qua dữ liệu thực tế. Nếu vaccine có hiệu lực thì số ca nhiễm sau khi tiêm vaccine phải giảm so với trước khi tiêm vaccine. Nếu vaccine có hiệu lực thì số ca tử vong sau khi tiêm vaccine phải giảm so với trước khi tiêm vaccine.
Suy ra, nước nào có tỉ lệ tiêm vaccine càng cao thì nơi đó sẽ có số ca nhiễm giảm. Nhưng biểu đồ dưới đây cho thấy chẳng có mối liên quan nào giữa tỉ lệ tiêm vaccine và tỉ lệ nhiễm (tính trên 1 triệu dân) của 68 quốc gia. Tuy nhiên, đây là mối liên quan ‘ecologic’, nên chúng ta không thể kết luận gì về hiệu lực của vaccine.
Dưới đây, chúng ta thử điểm qua y văn và một số nước để có câu trả lời cho câu hỏi nêu trên.
Trường hợp 1: Vaccine Tây, vaccine Tàu
Ở Đức, Đan Mạch, và Mĩ (những nơi sử dụng vaccine ‘Tây’ như Pfizer và Moderna và AstraZeneca, tỉ lệ tử vong liên quen đến Covid suy giảm chỉ bằng 1/10 so với thời gian đỉnh dịch.
Tuy nhiên, ở những nước nghèo hơn và hệ thống y tế kém hơn phải lệ thuộc vào vaccine của Tàu và Nga, thì ghi nhận số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh từ tháng 7/2021. Đó cũng là thời điểm mà biến thể Delta xuất hiện và hoành hành khắp thế giới.
Vài tháng trước, có một phân tích so sánh tình hình nhiễm sau tiêm chủng vaccine giữa 2 nước có dân số và hệ thống y tế giống nhau: Qatar và Bahrain [1]. Cả hai nước đều có tỉ lệ tiêm chủng vaccine rất cao. Tuy nhiên, Qatar thì dùng vaccine Tây (Pfizer, Moderna, AstraZeneca), còn Bahrain là lệ thuộc vào vaccine Tàu (Sinopharm).
Sau tiêm chủng vaccine thì Qatar ghi nhận số ca tử vong giảm rõ rệt, còn Bahrain thì vẫn ghi nhận khá nhiều ca tử vong. Các tác giả không dám kết luận nguyên nhân của sự khác biệt, nhưng họ suy đoán rằng rất có thể loại vaccine là một yếu tố giải thích hai xu hướng khác nhau.
Những dữ liệu này cho thấy không phải tỉ lệ tiêm chủng vaccine, mà là loại vaccine.
Trường hợp 2: Nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội
Uruguay có dân số chỉ 3.5 triệu, nhưng vài tuần trước ghi nhận 55 ca tử vong mỗi ngày, và con số này không khác bao nhiêu so với thời gian trước khi triển khai chương trình tiêm chủng vaccine. Uruguay có áp dụng những biện pháp y tế công cộng sau khi tiêm vaccine, nhưng không khắt khe như nước láng giềng Argentina.
Trường hợp 3: Khoảng cách giữa 2 liều vaccine
Một số nơi ghi nhận tỉ lệ tử vong thấp khi hai mũi vaccine cách nhau hơn 3-4 tuần. Đó chính là lí do Anh xác định 12 tuần giữa 2 liều vaccine AZ. Đan Mạch và Đức cũng xác định thời gian giữa 2 liều là 8-12 tuần đối với AZ và 6 tuần đối với Pfizer. Thử nghiệm lâm sàng cho thấy rõ ràng là thời gian giữa 2 liều vaccine cao hơn 4 tuần thì hiệu quả mới cao.
Nhưng ở những nước nghèo hơn, người ta thu ngắn thời gian giữa 2 liều xuống còn 4 tuần, thậm chí 3 tuần. Những nơi này sau đó lại ghi nhận số ca nhiễm tăng và số tử vong cũng tăng!
Trường hợp 4: Độ tuổi
Độ tuổi rất quan trọng. Đan Mạch không ghi nhận làn sóng mới về dịch và tử vong kể từ khi chương trình tiêm chủng vaccine triển khai. Đan Mạch cũng là nước đã bỏ các biện pháp giãn cách xã hội. Các giới chức y tế Đan Mạch cho biết họ tập trung tiêm chủng những người cao tuổi và có nguy cơ cao, và điều đó có thể giải thích tại sao số ca tử vong giảm nhanh (mặc dù số ca nhiễm tăng).
Nhật cũng là nước ưu tiên tiêm chủng những người cao tuổi (65+ tuổi), và đến nay đã đạt tỉ lệ tiêm chủng 90%. Số ca tử vong trong thời gian gần đây chỉ bằng 43% so với thời điểm đỉnh của dịch (mặc dù số ca nhiễm gia tăng).
Trường hợp 5: Miễn dịch tự nhiên
Làn sóng biến thể Delta trong mùa hè vừa qua còn gợi ý một yếu tố bí mật khác: đó là miễn dịch tự nhiên trong dân số từ làn sóng dịch trước đây. Nhờ vào các biện pháp giãn cách xã hội, các nước Á châu thường tránh được những tác hại lớn từ đại dịch, và điều này có nghĩa là họ sẽ trở thành nhóm có nguy cơ cao khi biến thể có độc lực mạnh như Delta gây ra.
Những nước vùng Nam Mĩ từng bị làn sóng dịch do biến thể Gamma và Lambda trong thời gian đầu năm, thì lại không bị tác động nghiêm trọng như biến thể Delta. Rất có thể những biến thể Gamma và Lambda đã đột biến và tạo ra miễn dịch cộng đồng, với vaccine như là một liều booster.
Tóm lại, điểm qua dữ liệu của các nước đã được tiêm chủng vaccine, chúng ta thấy một xu hướng chung là số ca tử vong giảm so với lúc đỉnh điểm đại dịch, và xu hướng này gần như nhứt quán ở tất cả các nước, cho thấy vaccine có hiệu quả giảm tử vong.
Tuy nhiên, số ca nhiễm thì rất khác nhau giữa các nước, có nơi ghi nhận số ca tăng, nhưng có nơi thì số ca giảm (so với đỉnh điểm). Các yếu tố có thể giải thích cho sự khác biệt có thể là loại vaccine (Tây, Tàu), thời gian giữa 2 liều, có giảm các biện pháp giãn cách xã hội sau vaccine, độ tuổi và miễn dịch tự nhiên.
____
Countries with similar COVID-19 vaccination rates yet divergent outcomes
Vắc xin COVID-19 phải vượt qua rất nhiều cuộc thử nghiệm về độ an toàn và hiệu quả rồi sau đó được theo dõi chặt chẽ.
Nguồn: Tổ chức Y tế Thế giới