[Chia sẻ] Sỏi mật: Từ phòng ➠ Chữa bệnh

Rate this post
Sự hình thành sỏi mật liên quan mật thiết đến gan, túi mật, ống mật, ruột và tụy. Để phòng và điều trị sỏi mật hiệu quả, thì điều rất quan trọng nhất vẫn là cả bác sĩ cũng như người dân cần phải hiểu cơ chế hình thành sỏi, vì thế mà tôi viết bài này theo cách dễ hiểu nhất.
1⃣ Mật
Mật có 97% là nước và 3% còn lại được chia thành hai loại ═ một là thành phần vô cơ, bao gồm natri, kali, canxi, bicarbonate; ➕ loại còn lại là thành phần hữu cơ, bao gồm sắc tố mật, dịch mật. muối, axit mật, cholesterol, lecithin, mucin.
Cơ quan sản xuất mật là gan!
Mật mới sản xuất có màu vàng ươm, nên mật không chỉ đẹp mà còn có công dụng vô cùng lớn, ví dụ như như tiêu hóa chất béo, kích thích nhu động ruột, ức chế vi khuẩn.
2⃣ Túi mật
Túi mật là một nhà kho nhỏ dùng để chứa mật, nằm ẩn dưới gan, giống như một quả lê nhỏ màu xanh lục, có thể chứa khoảng 60ml dịch mật.
Chức năm của túi mật là cô đặc dịch mật.
Nên dù kích thước nhỏ, nhưng vai trò của túi mật thì thật là tuyệt vời, bởi chức năng cô đặc dịch mật. Túi mật trực tiếp hấp thụ nước và muối vô cơ trong mật, nhờ đó mật trở nên đặc, có thể cô đặc từ 5-10 lần. Dịch mật cô đặc chuyển từ màu vàng sang màu xanh đậm.
Mật gấu Triều Tiên đắt nhất, người Việt được Triều Tiên ưu ái hàng đầu thế giới, nhưng mỗi năm cũng chỉ bán cho VN đúng 10 cái!
3⃣ Ống mật
Bất kì đường ống nào liên quan đến vận chuyển mật sẽ được gọi là ống mật.
Mật đi ra khỏi “nhà sản xuất” gan và đi đến “nhà kho” túi mật, đó là ống mật.
Tuỳ theo vị trí mà các ống mật có nickname khác nhau. Ống mật nằm trọn bên trong gan được gọi là đường mật trong gan, ống mật sau khi rời khỏi gan được gọi là ống mật chủ, phần thoát ra khỏi túi mật được gọi là ống cổ túi mật.
Mật từ “nhà kho” túi mật đi xuống đến “xưởng chế biến thức ăn” ruột, bắt buộc phải đi qua ống mật chủ.
4⃣ Ruột
Bâu giờ chúng ta nhìn vào xưởng chế biến thức ăn là ruột.
“Wow! Thịt lợn nướng ngon quá! Ăn một đĩa thôi!”
Nhưng mà ăn vào, dù nhai kĩ đến đâu thì nó cũng vẫn là những cục chất béo, ruột sẽ chịu không nổi, toàn mỡ là mỡ, ruột không thể đối phó được với bọn béo ú này, vậy phải làm sao?
Ruột nhanh chóng gửi “tin nhắn” là chất cholecystokinin, để thông báo cho túi mật biết, mật sẽ được chuyển đến và xử lí đống chất béo ở ruột.
Khi túi mật nhận lệnh, nó sẽ lập tức co bóp để tống dịch mật cô đặc ra ngoài.
Ngay khi mật đến tá tràng, nó sẽ nhanh chóng phân hủy những cục chất béo to lớn đó thành những hạt chất béo nhỏ.
Chất béo đã phân tách có thể được hấp thụ bởi ruột non.
5⃣ Tuỵ
Tuỵ nằm ẩn sâu ở vùng thượng vị có chức năng ngoại tiết siêu mạnh.
Tuỵ tiết ra men tuỵ để tiêu hoá thức ăn.
Men tụy đi qua ống tụy, rồi đổ vào ruột, nơi men tuỵ kết hợp với mật để làm cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất béo hiệu quả hơn.
Trước tiên, mật sẽ phân tách những tảng chất béo lớn thành các hạt chất béo nhỏ, nhưng các hạt này vẫn là chất béo, ruột rất khó để hấp thu.
Men tụy thì khác, nó phân hủy hoàn toàn chất béo về mặt hóa học và trực tiếp biến chất béo thành các chất mà cơ thể có thể hấp thụ được, như glycerin và axit béo.
Đến đây thì đã hoàn thành việc hấp thụ chất béo trong cơ thể con người rồi!
👩‍🦰 VẬY SỎI MẬT HÌNH THÀNH THẾ NÀO?
Quá trình hình thành sỏi mật được chia thành ba giai đoạn: kết tủa, tạo hạt và lắng đọng sỏi.
✔ Giai đoạn 1: Kết tủa.
Hãy nhớ lại thành phần của mật!
Canxi, sắc tố mật, cholesterol vì lí do gì đó mà dư thừa ở trong đường mật đều có thể kết tủa.
① Tủa canxi
Tôi giả sử thế này cho dễ hiểu, cứ 10ml dịch mật hòa tan tối đa 10 đơn vị canxi, vậy trường hợp 10ml dịch mật mà có 15 canxi thì sẽ có 5 canxi kết tủa.
Hàng ngày tôi siêu âm, những bệnh nhân mà túi mật lắng đọng thành hai lớp, gồm canxi tủa xuống dưới và dịch mật ở phía trên, thì tôi sẽ hỏi và tìm thêm các nguyên nhân gây mất cân bằng caxi trong dịch mật để tư vấn cho bệnh nhân. Ít nhất là cũng khuyên bệnh nhân thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt để tăng co bóp túi mật, tống hết tủa caxi ra khỏi túi mật, định hướng cho bác sĩ điều trị sử dụng thuốc lợi mật.
Một số bác sĩ trẻ chưa kinh nghiệm, siêu âm hay kết luận là “sỏi bùn túi mật”, rồi bác sĩ ngoại khoa chỉ định mổ; như thế là đã cắt lãng phí túi mật của bệnh nhân.
Tủa canxi đến cuối cùng sẽ tạo ra sỏi canxi.
② Tủa cholesterol
Cholesterol là một chất không thể thiếu cho quá trình tổng hợp mật, cholesterol cũng không thể tách rời quá trình tiêu hóa và hấp thu ở ruột.
Một đặc điểm khác của cholesterol là khó hòa tan trong nước, để hoà tan thì phải có muối mật và lecithin, khi hai chất này vừa đủ thì cholesterol mới ngoan ngoãn nằm trong dịch mật.
Một khi muối mật và lexithin bị thiếu, cholesterol sẽ bị kết tủa, bắt đầu quá trình hình thành sỏi thể cholesterol.
Siêu âm tủa cholesterol rất dễ, ai cũng biết, đó là các tinh thể cholesterol lấp lánh như những vì sao ban đêm. Để tư vấn bệnh nhân thì phải tìm ra các nguyên nhân gây tủa cholesterol. Nói đến đây, chắc bạn đọc đã hiểu tại sao trong hệ thống bệnh viện lại có chuyên khoa rất sâu chỉ về gan mật, nhiều người nghĩ đơn giản gan và mật đi cùng nhau chỉ có mấy bệnh u, sỏi, viêm nhiễm không có gì phức tạp, nghĩ như vậy là sai.
Tủa cholesterol sẽ dẫn tới hậu quả sỏi cholesterol.
Có đến 80% sỏi mật là thể cholesterol, hoàn toàn chúng ta có thể ngăn chặn được từ khi mới chỉ tủa cholesterol, nhưng phải hiểu sâu cơ chế, bài này tôi không thể viết được vì sẽ dài và rất dài, đành hẹn sang bài khác.
③ Tủa sắc tố mật (bilirubin)
Khi các tế bào hồng cầu già yếu chết đi, chất bilirubin có màu da cam được giải phóng vào trong máu, đây cũng là chất độc hại, y học gọi là bilirubin gián tiếp.
Các tế bào hồng cầu trong cơ thể con người được thay mới mỗi ngày, hàng triệu triệu hồng cầu bị chết, vì vậy máu liên tục được cung cấp bilirubin gián tiếp.
Hãy liên tưởng đến “chất độc màu da cam”.
Bilỉubin có màu da cam và rất độc, nó luôn lang thang khắp nơi, gan tỏ ra không thích nó nên đã chộp lấy nó và xử lý nó thành chất mà y học gọi là bilirubin trực tiếp, có tính ổn định và không độc hại với protein và glucose.
Bilirubin trực tiếp theo dịch mật đến túi mật.
Nếu túi mật hoặc ống mật bị nhiễm trùng, vi khuẩn xâm nhập sẽ giải phóng các enzym của vi khuẩn vào dịch mật để phân hủy mạnh bilirubin trực tiếp thành bilirubin gián tiếp. Hãy nhớ bilirubin gián tiếp có bản chất ác độc, nó không muốn cô đơn, thấy caxi đi xung quanh nó ngay lập tức vồ lấy để tạo thành muối caxi bilirubin rồi tủa lại, thế là sỏi sắc tố mật bắt đầu được hình thành.
Siêu âm tủa bilirubin là hình nhũ tương, tức là dịch mật trong túi mật đục đồng đều, chứ không lắng thành hai lớp như tủa canxi. Các bác sĩ trẻ ít kinh nghiệm cũng sẽ lại chẩn đoán “sỏi bùn túi mật” và mổ. Đến là khổ cho bệnh nhân. Những trường hợp tủa bilirubin chỉ cần ăn uống đúng cách, dùng thức ăn lợi mật, có thể uống thuốc lợi mật, xem xét thêm kháng sinh, tẩy giun sán nếu xét nghiệm dương tính.
✔ Giai đoạn 2: Tạo hạt.
Ngoài cholesterol, canxi, muối canxi bilirubin kết tủa, còn có nhiều mảnh vụn tế bào, ion kim loại, thậm chí cả giun sán và trứng của chúng trôi nổi trong dịch mật.
Đó là một lũ lưu manh, chúng ôm nhau cho ấm, đây chính là cách thức tạo hạt.
Trên siêu âm, hạt sẽ có kích thước lớn hơn tủa, hình ảnh siêu âm thấy chúng lăn lông lốc khi thay đổi tư thế, nên những ai đến tôi siêu âm hay bị tôi bắt nghiêng phải nghiêng trái và thậm chí ngồi dậy. Giai đoạn này thì phải tích cực dùng lợi mật rồi, cần xem các hạt đó là cholesterol, canxi hay sắc tố mật, tìm nguyên nhân để giải quyết triệt để không tạo sỏi.
✔ Giai đoạn 3: ắng đọng sỏi.
Tôi nhắc lại rằng, hai giai đoạn là tủa và tạo hạt rất quan trọng, phát hiện ra và dễ dàng xử trí để tạo nên tốc độ và dòng chảy dịch mật rửa trôi toàn bộ chúng đi, sẽ không tạo thành sỏi.
Nhưng nếu không được phát hiện, thì nguyên nhân không được giải quyết, lượng mật giảm, tốc độ dòng chảy của mật không đủ mạnh, thì bắt đầu các hạt chuyển sang lắng đọng.
Hạt là một băng đảng lưu manh.
Chúng nhanh chóng dựng trại, liên tục hút những phần tử lưu manh xung quanh, cứ tạo thành từng lớp từng lớp. Trên siêu âm, sẽ thấy những viên tròn không bóng cản, một số trường hợp có thể xuất hiện vòng tròn đồng tâm như bia bắn.
Phát hiện sớm ở giai đoạn này vẫn xử trí được bằng thuốc.
Muộn thì đã thành viên sỏi thực thụ.
👩‍🦰 NHỮNG AI HAY BỊ SỎI MẬT?
Để phân tích nguyên nhân hình thành sỏi mật thì dài lắm, mà độc giả lười đọc, tìm trên google sẽ có vô số bài viết nhưng tôi đảm bảo chẳng ai hiểu nổi, vậy tôi xin tóm tắt một chút vào đây.
✔ 3 thói quen xấu dễ bị sỏi mật.
① Bỏ bữa ăn sáng: Với những người túi mật hấp thu nước tốt, lại bỏ bữa ăn sáng, có thể làm cho dịch mật ở trong túi mật thời gian dài và cô đặc quá mức, dần dần hình thành sỏi.
② Ăn uống mất vệ sinh: Nhất là thói quen ăn sống, thức ăn với quy trình sản xuất và bảo quản bẩn thỉu, khi ăn rửa không sạch, dẫn đến giun sán và viêm nhiễm đường mật túi mật, theo cơ chế tôi đã phân tích ở trên rất dễ tạo sỏi.
③ Ăn quá nhiều thực phẩm giàu cholesterol: Ví dụ ăn quá nhiều gan, lòng, nội tạng động vật, trứng cua, trứng cá… có hàm lượng cholesterol cao.
✔ 9 kiểu người dễ bị sỏi mật.
① Nữ giới: Do nội tiết tố buồng trứng estrogen có thể làm tăng cholesterol trong mật, đồng thời estrogen cũng làm giảm co bóp của túi mật, lâu ngày dễ hình thành sỏi. Khi khám cho những bệnh nhân nữ sỏi mật, tôi thường chú trọng đến việc có hay không estrogen cao, với các biểu hiện có thể gặp như hay bị đầy hơi, bàn tay và bàn chân lạnh, khó ngủ, mệt mỏi, rụng tóc, nhức đầu, ham muốn tình dục thấp, thay đổi tâm trạng, trầm cảm hoặc lo lắng, giảm trí nhớ, vú hay sưng, nhiều nang hoặc nhân xơ ở vú, nhiều nhân xơ tử cung, rối loạn kinh nguyệt. Phụ nữ mang thai cũng hay bị sỏi mật.
② Béo phì: Rối loạn chuyển hoá, đặc biệt là gan gây tăng cholesterol trong dịch mật.
③ Người trên 40 tuổi: Bắt đầu bước vào độ tuổi mắc hội chứng rối loạn chuyển hoá.
④ Người suy dinh dưỡng: Đặc biệt là những người mắc bệnh lí đường ruột dễ bị sỏi mật.
⑤ Người ăn uống sai: Ăn quá nhiều thịt dẫn tới thừa calo và cholesterol cao. Ăn chay trường cũng sẽ làm giảm sự hấp thụ của acid mật và giảm nồng độ muối mật, vì thực phẩm chay chứa nhiều cellulose và lexithin, điều này sẽ dẫn đến tủa cholesterol như tôi đã phân tích ở trên. Nhịn ăn lâu ngày để thực hiện detox cơ thể, những người ốm phải nuôi dưỡng đường tĩnh mạch lâu ngày, đều dễ hình thành sỏi mật.
⑥ Người nhiễm trùng đười mật: Đặc biệt chú ý giun sán.
⑦ Người bị tiểu đường và xơ gan: Chức năng gan suy giảm, rối loạn chuyển hoá, sẽ dẫn đến tăng cholesterol trong mật, từ đó hình thành sỏi.
⑧ Người mắc các vấn đề tâm lí: Căng thẳng, stress, trầm cảm đều có thể dẫn tới sỏi mật.
⑨ Yếu tố gia đình.

👩‍🦰 BỊ SỎI MẬT NÊN ĂN UỐNG THẾ NÀO?
Chú ý vệ sinh thức ăn, nước uống, ăn chín uống sôi.
Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin: cà rốt, cà chua, bắp cải, cải bó xôi và súp lơ (rau chứa nhiều vitamin K), nấm đông cô, mộc nhĩ, cần tây, giá đỗ, tảo bẹ, củ sen, rong biển… thường xuyên ăn nhiều Các loại trái cây có nhiều vitamin C như chuối, táo, cam, kiwi, chà là tươi, dâu tây, quả hồng.
Các món ăn chủ yếu là luộc, hấp, hầm, kho, hạn chế chiên rán nhưng nếu chiên thì sử dụng dầu thực vật.
Ăn nhiều thực phẩm có thể thúc đẩy bài tiết mật, giãn cơ vòng mật, có tác dụng lợi mật.
Ăn thịt nạc, thịt gà, cá …
Phải ăn sáng, đừng để thời gian nhịn ăn quá dài, ăn đúng bữa. Ngoài ra, hãy chú ý tập thể dục và giảm cân.
👩‍🦰 BỊ SỎI MẬT NÊN HẠN CHẾ ĂN GÌ?
Các loại rau: như khoai môn, củ cải, đậu khô, khoai tây, hành, ớt, mù tạt, v.v.
Dầu mỡ: hạn chế ăn bơ, dầu trộn salad, đồ chiên rán và đồ ăn vặt, vì quá nhiều chất béo có thể gây co bóp túi mật và gây đau.
Ngũ cốc: hạn chế mì ăn liền, bánh ngọt, bột chiên, mì xào và đồ ăn nhẹ chiên rán.
Hạn chế ăn tim, gan, óc, ruột động vật, trứng (đặc biệt là lòng đỏ trứng), trứng bảo quản, trứng cá muối và socola. Hạn chế thịt mỡ, mỡ lợn, móng giò, da lợn, da gà vịt, dầu mỡ, đậu hũ chiên, hạt dẻ, hạt điều, đậu tằm, đậu phộng, hạt dưa, sữa nguyên chất, kem tươi, kem lạnh, phomai…
Hạn chế các loại gia vị cay, kích thích như ớt, tỏi sống, hạt tiêu.
Tránh hút thuốc lá, rượu bia, cà phê,… Những thức ăn dễ gây kích ứng này sẽ khiến dạ dày tăng axit, túi mật bị tịch thu dữ dội, dẫn đến co thắt cơ vòng dẫn mật, khó bài xuất dịch mật, gây đau quặn mật.
Thời tiết nóng không nên ăn đồ uống lạnh, bởi vì chức năng hệ thống tiêu hóa của bạn đang bị bệnh kém, ăn đồ lạnh rất dễ làm bệnh nặng thêm.
👩‍🦰 CHĂM SÓC Y TẾ KHI BỊ SỎI MẬT
① Bệnh nhân bị sỏi mật không có triệu chứng và biến chứng, thì cần chú ý đến chế độ ăn uống, theo dõi thường xuyên và siêu âm 6 tháng hoặc 1 năm một lần. Hãy chú ý đến sự kết hợp của thịt và rau trong chế độ ăn uống thông thường, chủ yếu là ngũ cốc. Mỗi ngày uống 2000ml nước, có thể làm tăng lượng nước tiểu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thải sỏi ra ngoài.
② Điều trị nội khoa: Với những trường hợp chỉ ở giai đoạn tủa, tạo hạt, lắng đọng thì dùng thuốc lợi mật là chính. Khi sỏi dưới 10mm, tuỳ từng thể sỏi cholesterol, muối mật, sắc tố mật mà bác sĩ có thể sử dụng thuốc tan sỏi.
③ Can thiệp tối thiểu: Các bác sĩ Xquang làm như lấy sỏi qua da, tán sỏi qua da, lấy sỏi qua đường nội soi với những trường hợp sỏi ống mật chủ vị trí thấp.
④ Phẫu thuật bảo tồn túi mật: Các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ sỏi tái phát sau 5 năm lên tới 45%, nên theo quan điểm của tôi, thì bệnh nhân và bác sĩ hãy cân nhắc.
⑤ Mổ lấy sỏi đường mật: Cả mổ mở và mổ nội soi, chỉ định rất rõ ràng, theo kinh điển là “sỏi mật chỉ mổ khi đã có biến chứng”.
⑥ Mổ cắt túi mật do sỏi: Đối với những bệnh nhân sỏi lấp đầy túi mật, siêu âm khi nhịn đói 8 tiếng không còn dịch mật, tức là túi mật đã hết chức năng, thì có thể mổ. Với trường hợp túi mật còn chức năng, chỉ mổ khi thành túi mật dày trên 3mm, hoặc đã viêm túi mật mãn. Tôi siêu âm bệnh nhân, sẽ đánh giá chi tiết niêm mạc túi mật, nếu không có tổn thương thì không cần thiết mổ.
💔 💔 💔
BS. Trần Văn Phúc
Advertisement

Giới thiệu Đào Thị Thanh Hiền

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …