[Chia sẻ] Táo bón ký sự_P.1

Rate this post

TÁO BÓN KÝ SỰ P1

(không đọc trước và khi đang ăn)
Hôm nay mọi người hít drama cũng đủ phê rồi chắc, hết HH rồi tới chị Hằng. Bữa này mình rảnh, mình không hít drama mà kể chuyện táo bón chơi.
Táo bón là thứ trong đời chắc ai cũng trải qua ít nhất một lần, là chuyện mà nhiều trẻ con phải đi khám bệnh, nhưng cũng là thứ hay bị coi nhẹ nhất vì chỉ là chuyện đi ỉa thôi mà.
Ở đời có 4 cái sướng: ăn, ngủ, ụ, ỉa. Nó sắp hàng cuối nhưng nếu nó gây phiền hà thì cuộc đời cũng đau khổ lắm chứ không chơi. Người ta hay nói thằng cha đó mặt quạu đeo như người bị táo bón kinh niên, lúc nào cũng đau bụng, ăn không ngon, ỉa không ra.
Trước khi kể chuyện táo bón mình lại phải kể chuyện hành trình của một cục phân cái đã.
Cao lương mỹ vị mình ăn qua hàm nhai như là một cái máy nghiền, tới dạ dày như vào máy trộn, rồi cái hỗn hợp nhão nhão, sền sệt, chua chua sẽ đi qua hết khúc ruột non dài 6-9 thước, nơi mà nó được phân giải, tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng như protein, đường, chất béo, vitamin, …
Trong quá trình di chuyển 6-9 thước này, thức ăn được đẩy đi trong ruột non và cả trong ruột già nhờ sự co bóp của cơ thành ruột mà được gọi là nhu động ruột.
Cái sự co bóp này giống như kiểu một con rắn nuốt trôi một con mồi vậy. Các bạn nhớ cái nhu động ruột này vì nó rất quan trọng trong táo bón. Khi nào ruột bạn không có nhu động ruột là bạn sẽ táo bón, còn nhu động ruột quá hăng hái sẽ khiến bạn tiêu chảy (kiểu như hội chứng ruột kích thích gây chọt bụng tiêu chảy.
Sau khi hấp thu hết chất dinh dưỡng, một hỗn hợp sệt lỏng sẽ được đưa tới ruột già. Đây là hỗn hợp phân sơ khai gồm các chất cặn bã của thức ăn sau khi hấp thu, chất bã, chất xơ, nước, ect.
Lúc này ruột già, hay còn gọi là khung đại tràng vì nó bắt nguồn từ bụng dưới bên phải, chạy dọc lên trên, chạy ngang qua và dạy dọc xuống bụng dưới trái.
Ruột già làm một chuyện rất quan trọng là hấp thu nước ra khỏi dung dịch phân này và di chuyển nó tới hố chậu trái, dung dịch phân này càng ngày càng khô lại, mất nước, cứng hơn và tạo thành cục phân tròn ở cuối ruột già bên trái, theo hình dạng của đại tràng.
Khi phân tích tụ đầy ứ vùng cuối ruột già (trực tràng) làm căng trực tràng, gây kích thích hệ thần kinh ruột, báo thùng phân đã đầy, tới lúc đi đổ.
Viết tới đây mình buồn cười các bạn ngày ngày đi thụt tháo đại tràng làm vui. Các bạn bơm nước vào thùng phân, quậy nó lên, rồi đổ ra ngoài và hả hê rằng đã thải độc, trong khi thùng phân đầy tự nó sẽ thải ra, cần gì các bạn phải làm chuyện ruồi bu thúi hoắc kiều này.
Lúc này chúng ta sẽ có cảm giác đi ỉa, leo lên bồn cầu nghe chị Hằng live stream và làm chuyện sướng thứ tư của đời người. Chuyện này cần sự giúp đỡ của các cơ vùng chậu, bụng để rặn đẩy cục phân ra ngoài, kết hợp với sự giãn rộng của cơ vòng hậu môn.
Mình dài dòng chuyện cục phân này làm gì, vì nếu bạn không hiểu bạn sẽ không biết vì sao mình bị táo bón.
Khi các bạn không ăn đủ chất xơ, không ăn rau, ăn trái cây, thì phân của các bạn toàn là nước chứ không có cái, nó mất nhiều thời gian hơn để tích tụ đầy các thùng phân, như vậy nó sẽ nằm trong đại tràng lâu hơn, bị hút nước đến cạn kiệt, thành ra nó to đùng cứng ngắc. Người ta mất 2 ngày là đầy, bạn phải 5 ngày, 5 ngày này ruột già nó hút nước thành cục phân cứng như phân dê.
Khi các bạn không uống đủ nước, ruột già phải hút thêm nước bù vào c ho cơ thể, làm cho phân càng cứng hơn.
Advertisement
Làm sao biết mình uống đủ nước, dễ ợt, nhìn nước tiểu mình là biết liền, nước tiểu trắng là uống đủ nước, nước tiểu càng vàng đậm là càng thiếu nước. Nước tiểu đỏ thì đi khám bác sĩ liền, còn nước tiều xanh thì đi khám bs mắt.
Mấy đứa nhỏ sau một đợt bệnh có sốt ho hay bị táo bón vì bệnh không ăn uống nhiều, kèm theo sốt cao gây mất nước, không ăn làm phân lâu tích tụ đủ trong ruột già, hai thứ cộng lại làm tụi nó táo bón, là chuyện bình thường.
Nếu bạn vì bệnh gì, hay uống thuốc làm giảm nhu động ruột, thức ăn và phân sẽ mất nhiều thời gian di chuyển trong ruột, làm hấp thu nước nhiều hơn và lâu hơn, gây táo bón.
Bạn đã hiểu vì sao bs luôn dặn phải ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, đi cầu thường xuyên để không bị táo bón chưa.
Hãy nhớ là ngồi ỉa cũng phải có phương pháp nhé, không phải muốn ngồi sao là ngồi, thường hai chân phải gác lên cái ghế nhỏ, đầu gối cao hơn hông sẽ giúp ỉa dễ dàng hơn
PS: bài tới mình sẽ kể về bệnh ỉa đùn, là són phân, tiêu chảy do táo bón lâu ngày ở trẻ em.
Mình xin lỗi vì bài viết về táo bón nên nó bốc mùi chút. Xin thứ lỗi cho tại hạ.
Share tự nhiên nếu không sợ thúi.

Giới thiệu Huỳnh Ngọc Diễm

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …