Tiêm vaccine và nguy cơ tử vong: lợi > hại.
Ở Việt Nam đã có một ca tử vong sau khi tiêm vaccine. Cũng như ở Úc, tử vong là yếu tố làm cho nhiều người quan tâm đến câu hỏi ‘nên hay không nên tiêm vaccine ngừa Covid-19?’ Trong cái note này tôi muốn trả lời câu hỏi đó là ‘nên’.
Theo thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam thì ca tử vong là một nữ nhân viên y tế, 35 tuổi, ở An Giang. Chị ấy được tiêm vaccine AstraZeneca. Vẫn theo thông tin, nguyên nhân tử vong được chẩn đoán là ‘sốc phản vệ trên cơ địa quá mẫn với non steroid (NSAIDs)’ [1]. Thiệt là một chẩn đoán quá dài, và đọc lên là mang tính ‘defensive’ (?), nhưng nếu đọc kĩ thì đó không phải là nguyên nhân gì cả.
Thật ra, không ai dám đưa ra nguyên nhân tử vong theo sau việc tiêm vaccine một cách nhanh chóng như vậy, vì những lí do tôi sẽ giải thích dưới đây.
1. Mối liên hệ nhân quả?
Rất khó nói đến nguyên nhân tử vong sau khi tiêm vaccine. Khi một biến cố xảy ra sau khi được can thiệp (vaccine là một hình thức ‘can thiệp’) thì chúng ta không thể phát biểu rằng can thiệp là nguyên nhân của biến cố, bởi vì biến cố đó có thể là do các nguyên nhân khác. Tương tự, nếu có tử vong sau khi tiêm vaccine thì chúng ta không thể nói vaccine là nguyên nhân tử vong, bởi vì bệnh nhân có thể mắc các bệnh lí khác cũng làm gia tăng nguy cơ tử vong.
Đa số các ca tử vong sau khi được tiêm vaccine có những bệnh đi kèm phổ biến như tim mạch và phổi. Không/chưa có bằng chứng nào để nói tiêm vaccine là nguyên nhân tử vong cả.
Ở Úc đã có hơn 2.5 triệu liều vaccine AstraZeneca được tiêm cho công chúng (hoàn toàn miễn phí), và có 3 ca tử vong được báo cáo sau khi được tiêm vaccine AstraZeneca [2]. Một người 48 tuổi và mắc bệnh tiểu đường. Một người ở tuổi 50. Một người ở độ tuổi 70. Các giới chức y tế vẫn chưa biết nguyên nhân tử vong, chỉ biết rằng trong số 3 người này có 2 người bị đông máu rất nặng. Tôi sẽ quay lại vấn đề đông máu dưới đây.
2. Nguy cơ tử vong
Nhưng nói gì thì nói, tử vong vẫn là mối bận tâm của công chúng, nên chúng ta phải đặt chứng cớ lên bàn cân, nhứt là đã có 1 ca không may mắn qua đời sau khi được tiêm vaccine AstraZeneca ở trong nước.
Tuy nhiên, chúng ta phải bình tỉnh mà suy xét, chớ không nên bị chi phối bởi những tựa đề báo chí kiểu ‘Lại thêm 1 ca …’ Những tựa đề như thế không gíup cho chúng ta có cái nhìn tổng thể và khách quan.
Cái nhìn tổng thể là nguy cơ tử vong trong dân số. Dĩ nhiên, không tiêm vaccine thì mỗi ngày vẫn có người chết vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn như ở Việt Nam, mỗi năm có chừng 612,000 người chết [3], tức 1780 ca tử vong mỗi ngày. (Dĩ nhiên, báo chí không nói đến con số này!)
Do đó, câu hỏi đặt ra là nguy cơ tử vong sau khi tiêm vaccine có cao hơn hay thấp hơn nguy cơ tử vong trong cộng đồng? Ở Việt Nam chỉ có 1 ca tử vong sau khi tiêm vaccine nên số liệu chưa thể đủ để trả lời câu hỏi này.
Do đó, chúng ta phải xem xét dữ liệu bên Ấn Độ. Tính từ 16/1/2021 đến 10/4/2021, đã có 95.43 triệu người Ấn Độ được chích vaccine (loại Covishield và Covaxin). Trong số này, có 617 ca bị phản ứng mạnh sau khi tiêm vaccine, kể cả 180 người chết [4]. Như vậy tỉ lệ tử vong là khoảng 0.00019 phần trăm, hay gần 2 trên 1 triệu. Nói cách khác, nguy cơ tử vong rất thấp. Phân tích dữ liệu chi tiết cho thấy 76% các ca tử vong xảy ra trong vòng 3 ngày đầu sau khi tiêm. Gần 60% các ca tử vong có bệnh đi kèm là nhồi máu cơ tim [4].
Như vậy, các bạn đã thấy nguy cơ tử vong sau khi tiêm vaccine là rất rất thấp so với nguy cơ tử vong trong cộng đồng. Vả lại, đa số người ta chết là có bệnh lí đi kèm, nên không thể nói là do vaccine được.
3. Nguy cơ đông máu
Chứng đông máu trở thành mối quan tâm, vì ca tử vong ở Úc là sau khi bị đông máu. Câu hỏi đặt ra là nguy cơ bị đông máu liên quan (nếu có) với vaccine AstraZeneca cao hay thấp? Nói cách khác, nếu không tiêm vaccine thì nguy cơ đông máu là bao nhiêu?
Đã có câu trả lời cho câu hỏi trên. Theo một nghiên cứu dịch tễ học công bố trên tập san Seminar in Hematololgy năm 2007 [5] thì tỉ lệ phát sinh của chứng đông máu là 1 trên 1000 người mỗi năm. Nhưng nghiên cứu trong cộng đồng khác cho thấy tỉ lệ đông máu trong cộng đồng hàng năm là khoảng 1 trên 2000 người [6].
Đó là ở những người không tiêm vaccine, vậy ở những người được tiêm vaccine thì nguy cơ đông máu là bao nhiêu? Câu trả lời, theo số liệu của Cục quản lí dược phẩm Âu châu (EMA) là khoảng 1 trên 100,000 người.
Như vậy, các bạn đã có chứng cớ để so sánh. Nguy cơ đông máu sau tiêm vaccine (1 / 100,000) thấp hơn nhiều so với trong cộng đồng (1 / 2000 người). Có thể nói như sau cho dễ hiểu: không tiêm vaccine chúng ta cũng có nguy cơ bị đông máu, và nguy cơ này cao gấp 50 lần so với nguy cơ đông máu sai khi tiêm vaccine.
4. Lợi và hại
Bất cứ vaccine nào cũng có lợi và tác hại hay phản ứng phụ. Lợi ích của vaccine là giảm nguy cơ nhập viện và giảm nguy cơ tử vong nếu bị nhiễm virus Vũ Hán. Vaccine dĩ nhiên cũng có hiệu quả giảm nguy cơ bị nhiễm virus, nhưng thể không ngăn ngừa nhiễm virus từ người sang người.
Phản ứng phụ của vaccine thì đã được nghiên cứu và báo cáo. Nhức đầu, đau cơ, đau khớp xương, và sốt là phổ biến nhứt. Trong nghiên cứu lâm sàng giai đoạn III, 80% những tình nguyện viên báo cáo một trong những phản ứng phụ trên. Theo số liệu ở Úc, cứ 10,000 liều vaccine thì có chừng 66 ca báo cáo phản ứng phụ trên [7].
Những báo cáo mới nhứt cho thấy vaccine AstraZeneca có thể (chỉ dám nói ‘có thể’ thôi) có liên quan đến chứng đông máu. Do đó, câu hỏi đặt ra là nếu đưa lợi ích và nguy cơ đông máu lên bàn tính toán thì kết quả sẽ ra sao? Đã có các chuyên gia của EMA (European Medicines Agency) phân tích số liệu và báo cáo kết quả [8], và tôi mà tôi tóm tắt trong bảng số liệu kèm theo đây.
Câu hỏi mà các nhà phân tích muốn trả lời là: trong số 100,000 người được tiêm vaccine, bao nhiêu người bị chứng đông máu, bao nhiêu người được cứu sống và bao nhiêu ca nhập viện được ngăn chận? Câu trả lời hoá ra tuỳ thuộc vào độ tuổi và loại cộng đồng bị nhiễm cao, trung bình hay thấp [9].
Việt Nam là nơi được xem là có nguy cơ nhiễm thấp. Giả dụ rằng có 100,000 người trong độ tuổi 50 – 59 được tiêm vaccine, thì kết quả tính toán cho thấy sẽ có:
• 1 người bị chứng đông máu;
• 10 ca nhập viện được ngăn ngừa;
• 1 người được cứu sống.
Nếu 100,000 người ở độ tuổi 60 – 69 được tiêm vaccine, chúng ta kì vọng sẽ có:
• 1 người bị chứng đông máu;
• 19 ca nhập viện được ngăn ngừa;
• 3 người được cứu sống.
Nói tóm lại, ở bất cứ độ tuổi nào, lợi ích của tiêm vaccine chống covid-19 (cứu người và giảm nguy cơ nhập viện) cao hơn nhiều nhiều so với nguy cơ bị đông máu.
Cuộc sống là những lựa chọn. Giữa bị nhiễm virus Vũ Hán, nhập viện và thở máy và tử vong, hay tiêm vaccine, bạn chọn cái nào? ‘Vắng một người thế giới trở nên hoang vu’. Tôi tin rằng các bạn, cũng như tôi, là chọn sự sống hơn là chọn cái chết. Vaccine cứu sống và giảm nhập viện. Do đó, tiêm vaccine phòng chống virus Vũ Hán vẫn là một lựa chọn hợp lí nhứt.
______
PS. Ở Úc, tôi và các đồng nghiệp ở đây đã được tiêm vaccine phòng ngừa covid-19. Xin thuật lại trải nghiệm được tiêm vaccine như thế nào để các bạn biết được qui trình ở bên này.
Vì là người thuộc bệnh viện, chúng tôi được ưu tiên chích trước (dù có một số ít không muốn). Tôi phải gọi điện hay lên trang trực tuyến để ghi danh tiêm ngừa. Bệnh viện đã dành sẵn một khu khá rộng rãi cho dịch vụ tiêm vaccine đặc biệt này. Tôi đến nơi thì đã có một đội y tá mặc áo xanh rất thân thiện và sẵn sàng … vào cuộc.
Sau khi lấy thông tin cá nhân, cô y tá gốc Á châu, cỡ tuổi con tôi, rất nhanh nhẹn và tự tin, dẫn tôi vào một cái phòng lớn và chỉ tôi cái bàn nhỏ đó để tôi an toạ, rồi cô ấy đi chuẩn bị thủ tục và lấy vaccine. Cô ta quay lại với tờ giấy A4 và cái hộp chỉ có 1 liều vaccine trong đó. Cô ta cầm tờ giấy ghi danh lên, rồi cố gắng đọc tên tôi:
“Mister … Niu Gần”
rồi cô ấy chắc thấy thông tin khác và tự chỉnh sửa:
“Oh, I am sorry, Professor Niu Gần”.
Tôi mỉm cười nói đùa:
“Mister Win will do”.
Rồi cô ta đưa tờ giấy A4 cho tôi đọc và đánh dấu vào những ô. Những ô đó hỏi tôi về tiền sử bệnh lí (tiểu đường, tim mạch, viêm phổi, v.v.) và hàng loạt câu hỏi về dị ứng, kể cả chứng đông máu. Sau khi điền vào các ô, cô ta bắt đầu giải thích blah blah blah, và nói rằng sau khi tiêm, tôi phải ra ngoài cái phòng bên cạnh ngồi chờ chừng 15 phút để các y tá khác theo dõi. Cô ta hỏi tôi sẵn sàng chưa:
“Are you ready?”
Tôi mỉm cười nói: Dĩ nhiên là tôi sẵn sàng rồi.
Cô ta mở cái hộp nhỏ ra và bảo tôi nhìn cho kĩ đó là vaccine AstraZeneca. Đại khái chắc là cô ta muốn cho tôi xem hàng hoá là xịn, chớ không phải dỏm. Cử chỉ cô ấy làm tôi liên tưởng đến mấy người bán đồng hồ mắc tiền, họ phải đeo găng tay trắng và mở hộp đồng hồ cẩn thận để cho khách hàng xem. Cử chỉ đó hàm ý nói rằng vaccine này … quan trọng. Quan trọng quá chớ còn gì nữa — tôi nghĩ trong bụng.
Sau đó, cô ta làm thủ thuật bình thường, vạch vai áo và tiêm một mũi rất nhanh, rất điêu luyện, có cảm giác như tiêm vaccine cúm mùa. Sau đó, tôi vào phòng chờ (tôi gọi đùa là ‘recovery room’), gặp 2 người y tá khác hỏi tôi uống cà phê gì không. Có sẵn bánh ngọt và chocolate trên bàn, muốn thì ăn. Tôi cảm ơn và nói có việc rồi, nên xong là phải đi về office ngay.
Sau tiêm vaccine, cơ thể tôi hoàn toàn không có phản ứng gì. Nếu có thì chỗ tiêm trên vai xưng lên một chút. Cho đến nay thì tôi hoàn toàn chẳng có vấn đề gì. Tuy nhiên, anh bạn tôi cho biết là anh ấy bị sốt sau 2 ngày được tiêm, nhưng chỉ cần panadol là kiểm soát triệu chứng dễ dàng. Theo tôi biết cho đến nay tất cả hàng ngàn nhân viên bệnh viện được tiêm, chưa ai có báo cáo phản ứng phụ gì nghiêm trọng cả.
[9] Cộng đồng bị nhiễm cao ở đây là có 886 người bị nhiễm trên 100,000 dân; ‘trung bình’ là 401; và ‘thấp’ là 55.
GS.Nguyễn Văn Tuấn