[Chia sẻ] Trà hoa cúc và sức khỏe

Rate this post

Người Việt chỉ mua hoa cúc về thắp hương.

Hôm qua, hoạ sĩ Nguyễn Thu Hà đã gửi tôi bức tranh “Hoa cúc trong không gian trầm”, cô vẽ đã lâu những bông cúc trắng, bức tranh có thể treo ở những nơi thiền định, phòng trà, hay trên bàn thờ. Từ lâu, người Việt do ảnh hưởng văn hoá du nhập từ phương Tây, quan niệm hoa cúc tượng trưng cho sự đau buồn, nên chỉ để thờ cúng, viếng mộ, hay làm vòng hoa tang.

Người phương Đông coi hoa cúc có ý nghĩa khác.

Văn hoá phương Đông coi hoa cúc có địa vị rất cao trong giới văn nhân. Khuất Nguyên là người đầu tiên so sánh bản thân với hoa cúc, ông tự mô tả mình là người “ăn hoa cúc mùa thu vào ban đêm”. Tào Uyên Minh là người sáng lập vă hoá hoa cúc vào thời nhà Tấn. Ông ví mình là bạn của hoa cúc, ngày đêm đồng hành cùng hoa cúc, nơi ở của ông cũng là “vườn hoa cúc mùa thu”. Tào Uyên Minh quan niệm hoa cúc tượng trưng cho tính cách nho nhã của người quân tử, được coi là biểu tượng của sự thanh cao, tao nhã và trong sạch.

“Hồng Lâu Mộng” có 12 bài thơ về hoa cúc.

Các nhà thơ cổ phương Đông rất yêu hoa cúc, trong con mắt của họ, hoa cúc đẹp và sặc sỡ, nhưng loài hoa này không nịnh hót bằng vẻ đẹp, mà vượt lên bằng sự tao nhã và kiên định, hoa nở sau khi các loài hoa khác đã héo tàn vào mùa thu. Thi nhân yêu hoa cúc vì sự quyến rũ tinh tế, thậm chí còn hơn thế nữa, hoa cúc có sự kiêu ngạo khi nở trong sương giá và không bao giờ gục ngã trước gió đông. Người phương Đông dành cho hoa cúc một tình cảm cao quý và mạnh mẽ, được coi là biểu tượng của tinh thần dân tộc và loài hoa của sương giá kiêu hãnh, luôn được các nhà thơ ưa chuộng.

Văn hoá phương Đông cũng coi hoa cúc là loài hoa của ẩn sĩ, mang tinh thần võ sĩ đạo, hoa nằm trong tứ quý.

Hàng năm cứ vào dịp cuối thu, gió mùa tràn về, mang theo cái se se lạnh, những chiếc lá khô vàng xào xạc trong gió, sương cuốn lá đi, đó là thời điểm đặc biệt có thể khơi dậy cảm xúc mạnh mẽ của nhà thơ, bởi nỗi buồn và sự u sầu. Nếu là một mùa thu buồn bã, những bông hoa cúc nở đẹp thường sẽ làm tâm trạng buồn bã trở nên lãng mạn, để ra đời những tác phẩm thi ca và hội hoạ.

Không phải hoa cúc chỉ tượng trưng cho cái chết.

Mà hoa cúc còn tượng trưng cho cả tình yêu, như trong bộ phim Hàn Quốc “Hoa cúc – Daisy” lấy bối cảnh quay ở Hà Lan, nhân vật nữ chính đã nhận những bông hoa cúc từ hai người đàn ông, một tên tội phạm giết người và một cảnh sát ngầm, cả hai đều dùng hoa cúc để bày tỏ tình yêu thầm kín không thể nói lên lời.

Hoa nào cũng tượng trưng cho tình yêu!

🌼🌼 ❷💐💐

Bởi vì hoa là bộ phận sinh dục của cây!

Thế giới có hàng chục nghìn loại hoa cúc với nhiều ý nghĩa khác nhau, có loại chỉ để ngắm, có loại dùng làm thuốc, có loại dùng làm nguyên liệu thực phẩm, có loại thích hợp để pha trà.

Ví dụ như cúc hoạ mi, tên tiếng Anh là Daisy trong bộ phim cùng tên của Hàn Quốc, đây cũng là quốc hoa của Italy. Cúc hoạ mi nở vào đầu mùa xuân, căng tràn sức sống, mang phong thái của một quý ông và nét duyên dáng của sự ngây thơ; đây là loại hoa vừa có giá trị trang trí vừa có tác dụng chữa bệnh khi pha trà.

Khổng Tử đã từng nói, thầy giáo tuỳ từng học trò mà dạy, thầy thuốc tuỳ từng con bệnh mà kê đơn, uống trà hoa cúc cũng tuỳ người mà chọn loại nào và uống bao nhiêu cho phù hợp.

Một cô gái rất xinh đẹp, nhưng trên khuôn mặt lại nổi rất nhiều mụn tình, đi chữa tây y bôi kem lưu huỳnh và kháng sinh, chữa cả đông y, mụn trưởng thành trên khuôn mặt chỉ đỡ nhưng không khỏi. Tôi kê thêm cho cô mỗi ngày một cốc trà hoa cúc, uống 7 ngày sau mụn tình biến mất, từ đó trở đi chẳng bao giờ thấy tái phát. Một người bạn của cô cũng bị mụn trứng cá ở mặt và lưng, nổi cả mụn ở mông, thấy cô uống trà hoa cúc khỏi cũng bắt chước uống, ban đầu hết mụn, nhưng cứ uống liên tục thậm chí ngày hai ba cốc, dẫn đến tì hư, bụng lạnh, cơ thể suy nhược, đi ngoài phân sống và xì xoẹt.

Trà hoa cúc là một loại trà thảo mộc được làm từ hoa cúc.

Cách làm không hề khó, chỉ cần tuân thủ đúng các quy trình trồng hoa, thu hái, phơi khô trong bóng râm, sấy khô, hấp và sao. Theo ghi chép cổ xưa, hoa cúc có vị ngọt đắng, tính hơi lạnh. Một tách trà hoa cúc có thể tán phong, tán nhiệt, thanh nhiệt, mát gan, giải độc, cải thiện thị lực, chống bức xạ và có nhiều tác dụng khác cho sức khỏe. Thực tế, hoa cúc rất giàu vitamin A, đây là chất quan trọng để duy trì sức khỏe của mắt, có thể làm cho con người minh mẫn, sáng mắt, có tác dụng tốt đối với chứng khô mắt do gan hỏa quá nhiều. Đặc biệt với dân văn phòng, hay phải làm việc với máy tính, dùng mắt quá nhiều, những người này uống trà hoa cúc rất tốt.

Thời điểm tốt nhất để uống trà hoa cúc là khoảng 9 giờ sáng, không chỉ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mà trà hoa cúc còn giúp cơ thể tràn đầy năng lượng trong ngày mới và giải tỏa mệt mỏi. Nhưng chuyện tốt đến đâu thì có mức độ đến đó. Lượng thích hợp cho chúng ta một ngày là khoảng hai cốc, uống đến 5 ngày là phải dừng lại, vì trà hoa cúc tương đối lạnh nên không uống quá nhiều vào mùa thu và đông.

Bốn tác dụng cụ thể của trà hoa cúc:

① Thanh nhiệt giải độc: Hoa cúc có tính lạnh, tác dụng chủ yếu là tán phong nhiệt ở kinh phế, nên thường dùng để chữa sốt, nhức đầu. Đối với mụn chứng cá, theo lí luận của y học cổ truyền thì “phế chủ bì mao”, tức là kinh phế sẽ quản về da và tóc, mụn trứng cá là do nhiệt quá cao, thanh lọc phế hoả là chìa khoá, vì thế mà uống trà hoa cúc tác dụng rất tốt.

② Cải thiện mắt: Y học cổ truyền cho rằng mắt thuộc về gan, hoa cúc thuộc kinh ở gan nên không những có tác dụng tán phong hàn ở kinh gan mà còn thanh nhiệt nhuận gan. Những trường hợp mắt bị mệt mỏi, nhìn mờ, đau nhức, đỏ, thâm quầng, sưng phù uống trà hoa cúc rất tốt.

③ Chống ôxy hoá: Hoa cúc có 17 loại axit amin, flavonoid, inulin, vitamin… nên có tác dụng chống ôxy hoá rất tốt.

④ Phòng các bệnh tim mạch: Hoa cúc giúp phòng mỡ máu, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não.

Vì hoa cúc có tính lạnh, nên không thích hợp với tất cả mọi người, 5 nhóm người sau không nên uống trà hoa cúc.

❶ Phụ nữ mang thai: Khi mang thai, hệ miễn dịch cơ thể suy giảm, tì vị yếu, uống trà hoa cúc dễ đau bụng, tiêu chảy, không có lợi cho sự phát triển của thai nhi.

❷ Bệnh nhân viêm họng: Hoa cúc tính lạnh, uống vào có thể kích thích gây tăng tiết dịch vị, bệnh nhân viêm họng bị ho có thể làm cho dịch vị trào lên thực quản, lại càng ho tăng.

❸ Người tì vị hư: Những người có tì vị yếu, lạnh bụng, hay đau bụng, hay đi ngoài, bệnh dạ dày đại tràng, sợ lạnh, tay chân lạnh thì không nên uống trà hoa cúc.

❹ Bệnh nhân cảm mạo phong hàn: Hoa cúc được dùng để tán phong, thanh nhiệt, giải độc; nhưng chính những người đang bị cảm lạnh uống trà hoa cúc bệnh lại trầm trọng hơn.

❺ Người cơ địa dị ứng: Nhất là dị ứng với phấn hoa, dị ứng thức ăn, dị ứng thời tiết đều không nên uống trà hoa cúc.

🌼🌼🌼 ③ 💐💐💐

Cách chọn một số loại trà hoa cúc!

① Bạch cúc – giáng hoả (hạ nhiệt)

Bạch cúc còn có những tên gọi khác, như chu cúc, trừ cúc, cam cúc. Hoa có cánh nhỏ màu trắng ngọc bích, trong suốt như pha lê, nhuỵ hoa màu vàng. Bạch cúc có tác dụng tán phong, tán nhiệt, mát gan giải độc, nên uống trà bạch cúc giúp sáng mắt, trị mụn, trị đau đầu, chóng mặt, tăng huyết áp, căng thẳng thần kinh.

② Cống cúc – minh mục (sáng mắt)

Cống cúc còn có những tên gọi khác là cúc tiến vua (hoàng sơn cống cúc), hoa màu trắng, thân màu xanh, tâm hoa nhỏ, mùi thơm, vị ngọt đắng, pha trà để lâu nước có màu xanh. Cống cúc giàu vitamin A nên khoẻ mắt. Trà cống cúc có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thông gan, xua đuổi tà khí, hạ hỏa.

③ Hằng cúc – thanh yết (mát họng)

Hằng cúc phát tán phong hàn và thanh nhiệt, mát gan, giải độc. Trà hằng cúc uống vào mát họng, làm cho giọng nói trong trẻo, ngoài ra chữa viêm họng, cảm mạo, sốt.

④ Dã cúc – tiêu viêm

Dã cúc tức là cúc dại, hoa nhỏ màu vàng, dáng hoa không đẹp lắm, nhưng chịu lạnh tốt. Hoa cúc dại có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, tiêu sưng mạnh nhất, chữa lở loét, mụn nhọt, đau răng, hôi miệng, mắt đỏ.

 BS. Trần Văn Phúc

Advertisement

Giới thiệu Đào Thị Thanh Hiền

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …