[Chuyện học Y] Ba năm đi viện học lâm sàng

Rate this post

BA NĂM ĐI VIỆN HỌC LÂM SÀNG

Ba năm trôi qua trong nháy mắt. Cái ngày đầu tiên sinh viên Y3 chính thức đi viện đầy hồ hởi và tự hào cũng đã bẵng qua trong phút chốc. Ngoảnh đầu lại, thấy mình đã năm cuối, sắp ra trường và chắc sẽ đi làm sớm thôi. Cũng chưa biết cuộc đời sẽ đưa con người ta trôi dạt về đâu, chỉ biết là nếu mọi việc đi đúng lộ trình, thì cuối tháng 08/2012, mình sẽ cầm tấm bằng trong tay (không được lên nhận trước trường đâu vì mình đã từng bị thi trượt).

Ba năm đi viện… ba năm tiếp xúc với bệnh nhân ở những bệnh viện tuyến trung ương – đầu ngành của mọi mặt trận: Nội khoa, Ngoại khoa, Sản khoa, Nhi khoa, và hàng loạt chuyên khoa lẻ; rồi cũng đi cộng đồng, đến một nơi không phải nhà mình, và học ở một bệnh viện tuyến thành phố. Không biết đã khám qua bao nhiêu bệnh nhân, đọc bao nhiêu cái công thức máu, chuyển bao nhiêu người từ khoa này sang khoa kia, lấy bao nhiêu kết quả xét nghiệm, lĩnh bao nhiêu chế phẩm máu, mời bao nhiêu hội chẩn, bao nhiêu đêm nằm trên bàn ghế để ngủ…

Hồi còn học cơ sở ở trường, nghĩ mình vất vả lắm. Lúc nào cũng có thể than vãn vì những môn học “khủng khiếp” như mô, giải phẫu bệnh, kí sinh trùng… Cho đến khi đi viện rồi, mới thấy thế giới lâm sàng quả là rộng lớn, lúc đấy cảm thấy bản thân phải học, không vì điểm mà vì sợ mình thiếu hiểu biết sẽ giết chết bệnh nhân. Đã bao nhiêu lần mình lưỡng lự trước bệnh nhân, không biết triệu chứng khó thở này có cần báo với bác sĩ trong đêm không; không biết bao nhiêu lần đúng ngập ngừng trước cửa buồng bác sĩ, trong tay cầm bệnh án ghi sẵn theo dõi buổi đêm của một bệnh nhân đau bụng…

Thực ra thì những môn cơ sở khủng khiếp thật, bây giờ cho mình học lại để thi chắc chắn mình trượt. Nhưng lâm sàng nó có những áp lực khác. Áp lực chạy đuổi theo kiến thức khi cứ một tuần lại sang khoa mới, áp lực khi mỗi bệnh nhân là một bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau, tưởng mình khám đã đủ thì thày cô lại chỉ ra hàng tá thứ thiếu sót, áp lực khi động vào một vấn đề thì nó phát sinh ra hàng tá vấn đề khác, và một buổi tối tưởng chừng dài nhưng không đủ thời gian để đọc sách, áp lực khi các bạn, các anh chị trên mình 1-2 khóa biết nhiều thế, mà mình chả biết tí gì về những thứ họ nói…

Đã bao nhiêu cảnh ngộ bệnh nhân đi qua đời mình. Bà cụ già liệt nửa người bị con trai ruồng rẫy, được bà thông gia đưa đến viện trong đêm trực Lão khoa; bệnh nhân C6 tự sát không thành vì suy tim độ III, thấy trầm cảm và bất lực với cuộc sống; tiếng gào thét thảm thương của người mẹ trước cửa phòng mổ Việt Đức khi con trai chết do tai nạn lao động; bệnh nhi 2 tháng tuổi, với “kinh nghiệm” 1 tháng rưỡi nằm viện, bị viêm phổi do nhiều loại vi khuẩn trên nền thiểu năng miễn dịch dòng T; người bố gục xuống trước thân thể tím lạnh của đứa con sơ sinh vừa mới đẻ ra vài giờ bị suy hô hấp; những giọt nước mắt trong tiếng thút thít của mẹ bệnh nhi 3 tháng tuổi bị nhiễm khuẩn huyết khi trông thấy con mình oằn mình và khóc giẫy sau nhát chọc dịch não tủy không thành công lần thứ ba; bệnh nhân nam 22 tuổi bị chấn thương cột sống D12, liệt tủy hoàn toàn, tiên lượng sẽ ngồi xe lăn suốt đời trong khi cuộc đời thanh niên còn đang rộng mở phía trước; bệnh nhân lao phổi – lao màng bụng suy kiệt nhà rất nghèo, có người vợ lam lũ, khắc khổ…

Ba năm lâm sàng không bao giờ là đủ để thu nhận một chút kiến thức dùng được cho cuộc đời bác sĩ sau này. Nhưng có lẽ nó đủ để làm chai sạn những yếu mềm trong người, làm mình vững vàng hơn trước bệnh tật, để chiến đấu lại với chúng. Và quan trọng hơn hết là cảm thấy được sức nặng của “hành động đúng” trong thái độ giao tiếp và xử trí vấn đề sức khỏe.

Khác với những y bé mới tung tăng đi viện, vỗ ngực khi được tham gia một ca ép tim, vênh váo khi đọc ra được một chẩn đoán (vô tình) trùng với chẩn đoán bệnh phòng, tự hào khi phát hiện được tiếng cọ màng tim trước sự bỡ ngỡ của những người khác … một y lớn không cảm thấy chút tự hào nào về bản thân, cho dù cô giáo khen cho thuốc như thế là hợp lí, hay kết quả cận lâm sàng trả về phù hợp với mong đợi, hoặc nhờ có chỉ định đúng mà phát hiện thêm các bằng chứng ủng hộ chẩn đoán … Với một y lớn, phản xạ lâm sàng như thế mới chỉ dừng ở bước thử việc, chưa thể gọi là đã thành thạo.

Advertisement

Mọi người trong EC có thể sẽ thắc mắc tại sao mình luôn nhìn các hoạt động của câu lạc bộ hơi có phần bi quan và không bao giờ chịu đặt niềm tin hoàn toàn vào người khác. Bởi vì trong thực tế, không ai chắc chắn được mình làm đúng 100%. Và nếu bạn dè dặt trong thái độ xử trí một chút, thì bạn không để những thành công trước mắt cũng như những bằng chứng tích cực làm nhòa đi những nguy cơ luôn rình rập.

Thế thôi, còn chưa ra trường, còn chưa thực sự nếm trải môi trường của nghề. Không biết rồi mọi thứ sẽ ra sao, có như bác Ca – học rất chăm và rất giỏi – nhưng bây giờ đang ca thán về đãi ngộ y tế quá kém. Bác Ca à, ngành Y không giàu ngay được, nên em hi vọng bác sẽ sớm đủ sống, nhưng không hi vọng bác giàu ngay đâu. Và bác cứ giữ những gì bác đã nói với em về trách nhiệm với bệnh nhân nhé.

Bác sĩ Hoàng Bảo Long
Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng, Đại học Oxford
Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương

Giới thiệu Thien Khiem

"The original point of love is located beneath our bottom. We can help someone happy. One speech or action or thinking can lessen someone’s melancholy and enhance his or her happiness”.

Check Also

[VYPO] Chọn chuyên ngành gì? Vì sao mình chọn Nhi khoa?

Thực tế rất nhiều em sinh viên trong quá trình học và kể cả tốt …