[Chuyện học Y] Hãy coi Bác sĩ là tài sản quốc gia!

Rate this post

HÃY COI BÁC SĨ LÀ TÀI SẢN QUỐC GIA

Bs. Trần Văn Phúc

Tất cả sinh viên có thể nộp đơn vào Đại học Y khoa New York,

bất kể điểm số, bất kể giàu hay nghèo,

sau khi được tuyển, sinh viên sẽ nhận được học bổng toàn phần,

tất cả các khoản học phí được miễn.

Một năm sau,

số lượng sinh viên nộp đơn tăng 47%.

Ngày 16 tháng 8 năm 2018, Tiến sĩ Kenneth G. Langone, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Y Đại học New York, đã chính thức công bố tại “Lễ hội áo choàng trắng – White coat cerenomy” rằng tất cả các sinh viên đang theo học hoặc bắt đầu đăng ký vào trường y, sẽ được miễn học phí; sinh viên nào đã đóng tiền sẽ được trả lại.

Học phí mỗi năm trung bình 55.000 đô la!

Tại lễ hội áo choàng trắng, tất cả sinh viên năm đầu mặc áo Blouse trắng của bác sĩ, thứ duy nhất trước đây được nhà trường phát tặng miễn phí để dự lễ khai giảng, sinh viên choáng sốc trước lời tuyên bố miễn học phí của Tiến sĩ Kenneth.

Sau tuyên bố của Tiến sĩ Kenneth: Tất cả sinh viên đều ngây ngất và cổ vũ!

Mục đích của việc miễn học phí là giúp sinh viên giảm các khoản nợ trong quá trình học y, sinh viên thoải mái chọn chuyên ngành y tế theo sở thích của họ, chứ không phải chỉ những ai có khả năng kiếm tiền trả nợ mới dám đăng kí học.

Trong bài diễn văn khai mạc, Tiến sĩ Kenneth nói rằng ngày càng có nhiều sinh viên khát khao trở thành bác sĩ, nhưng vì nỗi lo khoản nợ ngân hàng, rất nhiều người tài giỏi trong số đó đã phải từ bỏ giấc mơ.

Với khoản học phí khoảng 55.000 đô la Mỹ, chính xác là 55.018 đô la mỗi năm, Đại học Y khoa New York phải thừa nhận đó là gánh nặng với sinh viên y, hầu hết họ phải nợ ngân hàng khoảng 200.000 đô la sau 4 năm học. Bởi vậy, Hội đồng Quản trị Đại học Y khoa New York đã quyết định miễn học phí, để nhiều sinh viên có hoàn cảnh gia đình nghèo khó vẫn có cơ hội theo đuổi ước mơ cuộc sống, nhà trường coi việc miễn học phí là “nghĩa vụ đạo đức” đối với sinh viên và xã hội.

Robert Grossman, Trưởng khoa Y khoa Đại học New York cho biết, kể từ khi ông tiếp quản chức vụ này từ 12 năm trước, ông luôn ấp ủ mong muốn miễn học phí cho sinh viên. Grossman không muốn nhìn thấy nhiều sinh viên khao khát học ngành y nhưng phải bỏ học vì lý do kinh tế.

Để thực hiện ý tưởng này, Đại học New York đã vận động tài trợ, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hội đồng quản trị Kenneth G. Langone và Trưởng khoa Y Robert Grossman, Trường Y Đại học New York đã quyên góp được 600 triệu đô la, trong đó có 100 triệu đô la do chính Chủ tích Kenneth tặng cho sinh viên.

Sự khác biệt lớn nhất trong việc miễn học phí của Trường Y Đại học New York là áp dụng cho tất cả sinh viên, kể cả sinh viên giàu có, chứ không chỉ giới hạn ở các gia đình nghèo khó. Có 7 trường đại học ở Hoa Kỳ đang thực hiện chính sách miễn học phí. Đối với các gia đình có thu nhập thấp, 7 trường này có chính sách hỗ trợ học phí, để giảm gánh nặng cho sinh viên theo học. Nhưng với Trường Y Đại học New York thì khác, sinh viên được tuyển chỉ dựa vào thành tích học tập, không dựa vào năng lực tài chính, đây còn được gọi là “Tuyển mù – Need blind”.

Ngoài miễn phí, Trường Y Đại học New York còn rút ngắn thời gian học y từ 4 năm xuống 3 năm, bằng cách xóa bỏ các kì nghỉ hè, sinh viên học liên tục. Cách làm như vậy là sáng kiến, bởi không chỉ rút ngắn 1 năm học, mà còn giảm được 1 năm chi phí tiền bạc cho cả nhà trường và sinh viên.

Quỹ tài chính Đại học New York là 3,9 tỉ đô la, xếp nhóm thứ 4 ở Mỹ, cùng với Đại học Pittsburgh 3,94 tỉ. Đại học Harvard đứng đầu với 36 tỉ và cùng nhóm với Đại học Yale 27 tỉ.

Khoảng cách quá xa: nhưng Đại học New York đã làm được điều thần kì!

Sau khi Trường Y Đại học New York miễn học phí, đã thu hút được nhiều tài năng xuất chúng theo học y, số sinh viên đăng kí tăng thêm 8932, khoảng 47% so với kì tuyển sinh trước.

Nhìn về Việt Nam…

Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 23 tháng 2 năm 2005 đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo: “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.”

Không ít các kì thi công chức viên chức đã lấy quan điểm chỉ đạo này để ra đề!

Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 25 tháng 10 năm 2017, về tăng cường công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời kì mới, trong đó nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.”

Trong mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 20 có nêu: Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Mục tiêu cụ thể tới năm 2025: 10 bác sĩ, 2,8 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân. Đến năm 2030: đạt 11 bác sĩ, 3 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng viên trên 10.000 dân.

Làm thế nào để có bác sĩ đủ về số lượng, ngang tầm quốc tế về chất lượng, thầy thuốc như mẹ hiền về y đức? Câu trả lời chắc chắn phải là: “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.”

Hãy coi BÁC SĨ LÀ TÀI SẢN QUỐC GIA!

Khi coi bác sĩ là tài sản quốc gia, nhà nước cần phải cấp kinh phí đào tạo cho các trường y, đảm bảo tất cả sinh viên y khoa không phải lo tiền viện phí và được cấp học bổng toàn phần, các thầy cô không phải lo lắng về tiền lương mà thực chất hiện tại quá eo hẹp, các trường y không phải băn khoăn về kinh phí như hiện nay.

Trường y tự chủ kinh phí sẽ là thất bại của hệ thống y tế trong tương lai!

 

 

 

 

Advertisement

Giới thiệu Donny

Check Also

[VYPO] Chọn chuyên ngành gì? Vì sao mình chọn Nhi khoa?

Thực tế rất nhiều em sinh viên trong quá trình học và kể cả tốt …