Bully.
Không biết ở Việt Nam thì sao, nhưng ở Úc này khái niệm ‘bully’ (hiểu là ăn hiếp, bắt nạt, lưu manh) trong môi trường làm việc là vấn đề mà tất cả — xin nhấn mạnh ‘tất cả’ — cơ quan và tổ chức phải quan tâm, vì nó liên quan đến pháp luật. Hôm nay, đọc trên JAMA [1] thấy có một nghiên cứu về tình trạng bully trong các bệnh viện Mĩ, nên tôi chia sẻ ngay cùng các bạn.
ĐỊNH NGHĨA
Bully được định nghĩa là một sự ngược đãi. Nhưng nó không đơn giản chỉ là ngược đãi bằng hành động tay chân, mà chủ yếu là ngược đãi về tinh thần. Những hành vi như làm nhục, hăm doạ, gây hoang mang, làm cho suy sút tinh thần được xếp vào nhóm bully. Bất cứ ai có những hành động này, dù là trong đời thường hay trên mạng xã hội, đều được xem là những kẻ bully – hiểu theo nghĩa ‘du côn’ hoặc ‘lưu manh’.
Nếu những hành động bully dẫn đến những tác động tiêu cực như khủng hoảng tinh thần, sa sút về năng suất lao động, thì nạn nhân có thể truy tố kẻ bully ra toà. Trong thực tế ở Úc đã xảy ra không biết bao nhiêu vụ bully bị ra toà. Do đó, các đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu, công ti tư nhân, văn phòng nhà nước, v.v. rất sợ bully.
Các đại học rất sợ bị kiện vì bully. Giáo sư từng bị đuổi vì bully sinh viên và nghiên cứu sinh. Đã có bác sĩ bị tước bằng hành nghề vì bully đàn em. Sĩ quan quân đội đã từng bị lột lon và đi tù vì bully lính. Mỗi lần như thế là cơ quan đền rất nhiều tiền.
Do đó, nếu các giáo sư hay người quản lí nhân sự bị tố cáo là bully thì đại học sẽ điều tra, vì vấn đề quan trọng. Ngừa bệnh hơn chữa bệnh: họ thường mời các chuyên gia về bully về dạy cho các giáo sư cách đối xử công bằng và văn minh với đồng nghiệp và sinh viên.
Tôi cũng từng đi học về bully và từng … thi rớt. Khi học về vấn đề này, tôi kinh ngạc và ‘sáng ra’ nhiều điều mà tôi chưa từng biết trước đây. Đành rằng ai cũng biết la hét nhân viên, đập bàn vỗ ghế, chửi bới, v.v. là bully. Viết email, viết status trên mạng xã hội nói xấu và làm ảnh hưởng đến morale của người khác là bully.
Nhưng tôi không biết rằng dùng nickname người ta, nói giễu cho vui, giao việc khó, v.v. cũng là bully. Tôi cũng không biết rằng những việc nhỏ như (i) tổ chức tiệc vào những ngày mà nhân viên không tham dự được; (ii) sáng nào đi ngang qua office của nhân viên mà không chào cô ta nhưng chào người khác; (iii) nhận xét về trang phục và dáng đi của nhân viên với những từ ngữ mang tính sexy, v.v. tất cả đều là bully. Do đó, khi thi lần đầu, tôi bị rớt vì không nhận ra hết những hành động bully.
Quay lại bài báo trên JAMA, có lẽ đa số bác sĩ qua giai đoạn huấn luyện đều có không ít thì nhiều trải nghiệm một lần bully người khác hay bị người khác bully mình. Nhưng ít ai chịu khó làm nghiên cứu để biết tình trạng này phổ biến ra sao và ảnh hưởng đến bác sĩ như thế nào. Do đó, nhóm tác giả này làm nghiên cứu nhằm trả lời hai câu hỏi trên.
Đối tượng tham gia nghiên cứu là các bác sĩ nội trú ngoại khoa, có lẽ vì bác sĩ ngoại khoa thường là nạn nhân của bully. Họ nghiên cứu qua bộ câu hỏi. Bộ câu hỏi có 9 hành vi:
• Liên tục nhắc nhở những sai sót trước đây;
• Bị la hét trước mặt;
• Giấu thông tin quan trọng;
• Phê bình dài dài;
• Thái độ thù hằn;
• Đối tượng của những đồn đãi, nói xấu;
• Loại trừ ra những sanh hoạt nhóm;
• Nạn nhân của những nhận xét xúc phạm cá nhân;
• Nạn nhân của những lời nói đùa có ý xấu.
Kết quả: trong số 6264 bác sĩ trả lời cuộc điều tra, 67% cho biết từng trải qua ít nhứt 1 lần bị bully (qua các hành vi trên). Tỉ lệ thỉnh thoảng bị bully là 44%, và thường xuyên bị bully là 18%. Phân tích chi tiết hơn cho thấy, nữ (20%) bị bully nhiều hơn nam giới (16%). Ngoài ra, nhóm bác sĩ chưa có gia đình (20%) hay li dị hoặc li thân (27%) bị bully nhiều nhứt.
Trước đây, có một nghiên cứu cho thấy tỉ lệ bully được báo cáo là 53% ở bác sĩ và 54% ở y tá [2]. Do đó, kết quả nghiên cứu này khá nhứt quán với nghiên cứu trước đây.
Điều đáng ngạc nhiên là kẻ bully thường là nữ giới hơn là nam giới. Họ thường ở độ tuổi 45 – 64, tức là tuổi ở vị trí quản lí và có chút quyền lực. Nghiên cứu xã hội học chỉ ra 6 loại thủ phạm, hay nói đúng hơn là 6 loại lưu manh:
• Trứng thúi (bad egg): trong tiếng Anh, gọi ai là ‘bad egg’ là đề cập đến người khó tánh, xấu tánh, lúc nào cũng soi mói lỗi lầm và sai sót của người khác để tự nâng mình lên. Những kẻ bully này rất thích chọc ghẹo, nói xấu sau lưng nạn nhân để làm cho nạn nhân suy sụp tinh thần.
• Đồng nghiệp tốt trở thành xấu: đây là những người thoạt đầu là bạn, nhưng sau này do mâu thuẫn nên trở thành bully, họ thường đem những câu chuyện quá khứ ra làm đe doạ nạn nhân
• Độc đoán, hống hách: loại này thường là những người ở vị trí quản lí (giám đốc, giám thị), lúc nào cũng đòi hỏi phải có kết quả bằng mọi giá; đối với họ ai làm không hiệu quả là bất tài và bị đày đoạ cho đến khi nghỉ việc.
• Du côn mafia (mafia mob): loại này thường dùng kĩ thuật kết bè, kết đảng để triệt hạ nạn nhân. Họ thường tụ tập vào những thời điểm sao cho nạn nhân không thể nào tham gia sanh hoạt nhằm loại bỏ nạn nhân ra khỏi ‘bộ lạc’.
• Du côn mạng (cyberbully): loại này dùng công nghệ như mạng xã hội, email để quấy nhiễu, đe doạ, làm nhục, hạ uy tín, hay nói chung là nói xấu nạn nhân.
• Du côn nhân cách: loại này thường dùng thủ đoạn cạnh tranh nội bộ để loại bỏ (thay vì nâng đỡ) những người có hiệu suất làm việc thấp.
Tóm lại, bully là một hiện tượng khá phổ biến trong môi trường làm việc. Hiểu qua những hành vi bully và những kẻ bully như trình bày trên chúng ta dễ dàng thấy môi trường làm việc ở Việt Nam có thể rất … độc hại. Cứ theo định nghĩa trên thì phê bình và tự phê bình là hình thức bully, thậm chí giới hạn thông tin chỉ trong một nhóm (như đảng viên chẳng hạn) cũng là bully. Không rõ ở Việt Nam các công ti và cơ quan có quan tâm đến tình trạng bully, và có những biện pháp phòng ngừa?
Có lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng từng bị ăn hiếp ở trường học, nơi làm việc, hay thậm chí trong nhà. Chẳng những bị ăn hiếp, chính chúng ta cũng có thể từng là thủ phạm của bully. Tôi chợt liên tưởng đến những cách nói như “Học dốt như heo, bò” là hình thức bully. Có những câu nói mà chính tôi hay dùng có thể xem là bully, và sau này phải chỉnh sửa sau khi đã được huấn luyện. Có lẽ bully đã trở thành một nét văn hoá truyền thống ở Việt Nam rồi. Do đó, trong xu hướng hội nhập quốc tế, cái nét văn hoá này sẽ là một rào cản.
______
[1] https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2766405 [2] https://bmjopen.bmj.com/content/8/2/e018766Nguồn: GS Nguyễn Văn Tuấn