Em sinh viên Y4 hỏi : Một đêm trực cấp cứu của bác sĩ ở tuyến đầu như anh được trả bao nhiêu?
– Theo em thì nó đáng giá bao nhiêu?
Nếu em biết một đêm trực cấp cứu đầy căng thẳng mệt mỏi với bao nhiêu áp lực này, chỉ với giá 75 ngàn, không biết em còn đủ can đảm và nhiệt huyết để tiếp tục đi? Học y sáu năm, ra trường làm thêm 18 tháng mới được ký tên, mới được cấp chứng chỉ hành nghề, chưa kể học thêm sau đại học 4 năm và phải đào tạo y khoa liên tục … thời gian dài đằng đẵng.
Em nhìn mình mỉm cười nói : Đối với những người gần chết được cứu sống thì nó vô giá.
– Sao anh thấy có nhiều người trải qua cơn thập tử nhất sinh vẫn không biết được sự sống là vô giá? Họ đến, họ đi khỏi bệnh viện vội vã… và rồi họ lại sống với lối sống như trước.
💥Ca bệnh đầu tiên
– Cấp cứu, bác sĩ ơi, cấp cứu
Bệnh nhân được đưa vào trong tình trạng lơ mơ, lay gọi không đáp ứng, là nữ, 59 tuổi, làm nghề buôn bán ở quận 4.
– Mấy tháng trước mẹ tôi hay bị nhức đầu, dạo gần đây nhức đầu tăng, mỏi vùng gáy có ra tiệm thuốc tây mua thuốc về uống, khi thì para, khi thì efferalgan… uống vô thấy đỡ. Hôm nay tôi đi làm về thấy bà nằm mê mệt, ú ớ, hoảng quá tôi đưa bà vô đây.
Mình cầm tấm phim CT Scan sọ não lên xem và thở dài. Xuất huyết não, não thất bên phải diện rộng. Nhìn monitor theo dõi huyết áp bệnh nhân lúc này là 220/100 mmHg.
– Sao anh, chị không đưa cô đi bác sĩ khám bệnh trước đó?
– Mẹ tôi không chịu đi, bả nói khám bệnh mất thời gian lắm?
– Vậy chứ thời gian rãnh rỗi cô ở nhà làm gì?
– Ờ thì… coi tivi… nói chuyện tám với mấy bà hàng xóm… đi du lịch. Bả đi du lịch suốt à bác sĩ.
– Mấy anh chị có biết người lớn tuổi nên đi khám sức khỏe định kỳ không? Mấy anh chị có biết tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng?
– Ơ… biết… nhưng chủ quan quá… thấy còn khỏe mạnh đùi đụi, đi chơi ầm ầm… ai ngờ…
Bệnh nhân không đi khám bệnh vì không có thời gian. Tới khi bệnh nặng, trở tay không kịp nữa. Mình ra y lệnh đặt nội khí quản thở máy rồi thở dài.
Mình thấy có hai điều kì lạ ở bệnh nhân: thứ nhất họ luôn sẵn sàng trả tiền thật nhiều cho những dịch vụ như ăn uống ngủ nghỉ du lịch cao cấp đắt đỏ… nhưng ít khi sẵn sàng trả tiền cho những khoản cần thiết để chăm lo sức khỏe của mình. Thứ hai khi họ bệnh phải đến bệnh viện, họ luôn đòi hỏi được phục vụ tốt nhất, bởi bác sĩ giỏi nhất, xét nghiệm chính xác nhất, thời gian chờ đợi nhanh nhất… nói chung mọi thứ đều nhất nhưng trả tiền ít nhất.
Tại sao vậy?
– Mẹ tôi có khả năng cứu được không?
– Tỷ lệ tử vong rất cao.
– Trời, nặng vậy sao bác sĩ? Chết hả bác sĩ? Bác sĩ ơi gắng sức cứu dùm…
Bốn người con của bệnh nhân đã có mặt tại phòng cấp cứu. Họ rối bời. Họ chạy ra chạy vô hỏi mình mấy số đỏ đỏ xanh xanh trên Monitor theo dõi là gì? Rồi lấy khăn ấm lau mặt cho mẹ. Thấy thương lắm, nhưng không còn ý nghĩa nữa rồi.
Tại sao lúc cha mẹ chúng ta còn khỏe mạnh chúng ta không quan tâm? Có ai biết ôm hôn cha mẹ trước khi đi làm? Có ai biết xoa bóp chân cho cha mẹ mỗi đêm? Có ai chịu khó dẫn cha mẹ đi tái khám bác sĩ theo lịch hẹn? Có ai biết khớp xương cha mẹ đang đau? Có ai biết đêm nào cha mẹ cũng mất ngủ?
💥Ca thứ hai
– Cấp cứu, bác sĩ ơi…
Bệnh nhân kế tiếp cũng tương tự, có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường nhưng không biết và không điều trị. Thực tế, ở Việt Nam có hơn 50% bệnh nhân mắc hai bệnh đó không hề biết cho đến khi đến cấp cứu trong bệnh viện vì một lý do gì đó.
– Chân chú bị lở loét như vậy bao lâu rồi?
– Cả tháng nay, tôi ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống mà không lành.
– Cả tháng nay? Tại sao chú không đi khám bác sĩ?
– Vết thương có chút xíu mà khám gì?
– Một chút xíu? Ngón 1 và 2 đã hoại tử đen, bàn chân thì sưng tấy … Xquang thấy hình ảnh viêm xương. Có thể phải đoạn chi.
– Đoạn chi là sao bác sĩ?
– Là cắt cụt chân của chú. Cắt đến một phần 3 cẳng chân này nè.
– Trời … Nghiêm trọng vậy sao? Thấy có chút xíu hà, không đau.
– Do chú bị tiểu đường lâu ngày không biết, đã bị biến chứng thần kinh nên không còn cảm giác đau nữa.
Mình hết nhìn bệnh nhân, rồi lại nhìn những người con. Có ngỡ ngàng, có xót xa trong đôi mắt của họ. Giá như… Mình ghét phải nói “giá như”… nhưng mỗi ngày cứ phải nói và nghe hai từ đó…
– Không ngờ bệnh tiểu đường lại tàn phá cơ thể đến như vậy.
– Đúng rồi, nó cứ âm thầm phá nát cơ thể chúng ta mà chúng ta cứ ngỡ không có vấn đề gì.
Trong cuộc sống cũng vậy đó, những thái độ sống không tốt, như thói quen ăn uống, sinh hoạt… chúng ta cứ ngỡ vô hại nhưng cứ tích lũy từ từ, rồi một ngày giật mình, cuộc đời chúng ta đã mục nát.
– Bác sĩ, có cần thiết phải cắt cụt chân hay không?
– Chỗ nào hư thúi thì nên cắt bỏ, nếu không nó sẽ tiếp tục ăn lan sang mô lành may mắn còn xót lại.
– Ờ … ờ … chỗ nào hư thúi thì nên cắt bỏ …
Nhìn chị hộ lý đẩy bệnh nhân đi mà mình thấy đắng đót trong lòng. Mình lặng thinh nhìn ra ngoài cửa. Tháng 11 phố hanh hao quá. Nắng nóng làm con người ngột ngạt. Nhưng có phải vì nắng hay do lòng mình đã ngột ngạt sẵn.
– Bác sĩ biết sao không, hồi nhỏ tôi hay nghĩ rằng khi mọi thứ xung quanh tốt đẹp tôi sẽ thoải mái dễ chịu. Nhưng bây giờ tôi nghĩ khác rồi, khi lòng tôi thoải mái dễ chịu thì mọi thứ xung quanh sẽ tốt đẹp.
– Ông ơi, ông mất bao lâu để hiểu được điều đó?
Mình hỏi bệnh nhân khác của mình, một ông cụ 83 tuổi cũng bị tiểu đường, cao huyết áp, phì đại tiền liệt tuyến. Đêm nay ông bí tiểu phải vào bệnh viện đặt thông tiểu. Làm người khổ thật. Còn thân là còn khổ.
– Biết điều đó thì rất lâu rồi, nhưng để sống được như thế mới gần đây thôi. Hồi nãy tôi ngồi nhìn bác sĩ rất khó chịu mắng bà kia quá chừng khi thấy đường huyết và huyết áp của bả quá cao mà lại không chịu tái khám uống thuốc tập thể dục ăn kiêng … nên tôi mới nói thế.
– Hồi nãy con dữ lắm à?
– Ừa, dữ thiệt.
– Tại con nói hoài mà chẳng chịu nghe.
– Bác sĩ biết sao không, cuộc sống không đơn giản như bác sĩ nghĩ đâu. Làm cha làm mẹ đôi khi rất sợ làm phiền con cái nên thế…
Ông cụ nói xong nắm tay mình thật chặt rồi được đẩy vào khoa để theo dõi tiếp, nhưng lời của ông còn ở lại. Làm cha làm mẹ, bao giờ cũng hy sinh thật nhiều thật nhiều cho con, mà con nào có biết có hay.
Chúng ta hay đổ lỗi cho điều gì đó, như khắc khẩu, không hợp … rồi chúng ta xa dần cha mẹ mỗi ngày, cho đến khi biết cha mẹ sắp mất hay đã mất, chúng ta cuống cuồng lên, khóc lóc ầm ĩ. Nhiều khi chúng ta lại tiếp tục đổ lỗi cho bệnh viện quá dở, bác sĩ quá dở… Chúng ta ít chịu nhìn lại mình, bạn nhỉ?
Theo bạn thì một đêm trực của bác sĩ đáng giá bao nhiêu?