LƯU ĐỒ 5 BƯỚC PHÁT TRIỂN CHUYÊN MÔN
Sẽ không dễ dàng để phát triển nghề nghiệp sau khi cầm tấm bằng Bác sĩ. Có lẽ mỗi bác sĩ cần 5 bước để phát triển chuyên môn:
1. 2 năm đầu: cố gắng chẩn đoán đúng và điều trị theo phác đồ chuẩn, đừng để thiếu y lệnh mà một bệnh lý cần có. Chỉ định CLS để chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt không thiếu, hơi thừa cũng được. Biết được “key-word” cho theo dõi từng bệnh lý khác nhau.Vd, ở BN NMCT cấp cần có những thuốc cơ bản gì? Liều lượng? khi nào chỉ định chẹn beta, khi nào không nên xài nitrate… với mấy chục bệnh mà nhớ được hết có khi cần nhiều hơn thời gian.
2. 2 năm tiếp: phát triển chuyên môn theo hướng chuyên sâu, thường thì cuối quãng này đã trực cột 1 ở BV tuyến tỉnh được rồi. Đọc thêm các guidelines quốc tế có uy tín để biết thế giới đang làm gì. Việc này đòi hỏi tiếng anh chuyên ngành khá tốt, nhưng có lẽ ngoại ngữ được trao dồi từ khi SV và 2 năm đầu.
3. 2 năm nữa: học sau đại học, nắm vững hơn về các guidelines. Mở miệng ra phải nói, ví dụ, AHA 2016, ESC 2017,..v..v… Nhớ luôn “Class of Recommendation” và “Level of Evidence” của các khuyến cáo chính mà mình hay sử dụng đối với các bệnh lý hay gặp phải. Các COR và LOE rất quan trọng đó, vì nó cho mình biết cái nào được ưu tiên hơn trong trường hợp này so với trường hợp khác (tức là lợi ích/nguy cơ vượt trội hơn). Phải nắm vững về nghiên cứu khoa học trong y khoa, không phải để làm nghiên cứu (dĩ nhiên có thể làm) mà để cho bên dưới…
4. 2 năm then chốt: phát triển thành chuyên gia trong lĩnh vực hoạt động. Ở một đẳng cấp cao hơn làm theo guidelines đó là cập nhật liên tục các nghiên cứu lớn trên thế giới. Thực hành dựa trên bằng chứng. Nhờ rành mạch về nghiên cứu khoa học mà biết lựa chọn những cái cần đọc, những cái lướt lướt thôi. Vd, các nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng đa trung tâm mù đôi với cỡ mẫu vài ngàn đối tượng là “the best of the best” về mặt bằng chứng. Nên biết rằng guidelines cũng xuất phát từ các nghiên cứu hoặc thử nghiệm lâm sàng, COR và LOE mạnh là do sức thuyết phục của các nghiên cứu được sử dụng cho khuyến cáo.
5. Tất cả thời gian còn lại của quãng đời BS nên cố gắng duy trì hoạt động ở hiệu suất cao. Thực hành càng tiêu chuẩn thì người bệnh càng được lợi ích. Vd, có 2 liệu pháp điều trị cho BN đều đạt hiệu quả điều trị ngang nhau, nhưng có 1 phương pháp ít biến chứng (tác dụng bất lợi) hơn 1 tí thì nên chọn nó. Tuy nhiên, BN nghèo mà phương pháp vừa nêu có giá thành trên trời thì nên chọn phương pháp kia, nhưng theo dõi BN sát hơn, v..v… Thời gian này sẽ học thêm một bậc chuyên sâu nữa trong nghề, báo cáo hội nghị đồ…
Các điều ở trên giống như xây một căn nhà 4 tầng, mà đóng cọc là cực kỳ quan trọng để có được căn nhà vững bền theo thời gian, đó là Bước 1. Đừng có vừa ra trường đi ngay Bước 2, sinh lý, sinh lý bệnh, bệnh học, chẩn đoán dựa vào tiêu chí còn chưa vững thì “gai lai gai liếc” cái gì? Vd, hở ra là Pro-calcitonin để chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, rồi ca nào không tăng PCT sẽ đem về yên nghỉ, vì không chẩn đoán tức là không xài kháng sinh, mà KS là then chốt trong nhiễm khuẩn huyết. Thay vào đó hãy tiếp cận có hệ thống, phân tầng nguy cơ, chẩn đoán theo tiêu chuẩn, điều trị theo chiến lược, đánh giá theo lưu đồ… để làm được như vậy, phải biết mình đang ở đâu, đọc cái gì cần đọc theo năng lực hiện tại.
Phần lớn không ai đeo được sự nghiệp bên trên cả, vài người lẻ tẻ người ta kêu bằng “mát”… ha ha
Nguồn: BS Nguyễn Thành Luân.