Nguồn: Bs. Trần Văn Phúc
(bạn đọc thấy thích tôi sẽ viết tiếp)
==========================
Không ở nơi nào có buổi sáng thứ 2 đông đúc như bệnh viện.
Vào lúc 6 giờ sáng, nếu không định vị không gian với những bảng hiệu hướng dẫn, tôi có thể bị nhầm với ga xe lửa ở trung tâm thành phố vào giờ cao điểm. Hàng ngàn người, với túi xách và giường trại lỉnh kỉnh, họ chờ đợi trong những hàng nối dài.
Nhưng họ không mua vé lên tàu.
Hầu hết họ là người nhà cùng với bệnh nhân, trong số đó có những người mắc bệnh nặng hoặc thậm chí đang bị bệnh nan y, đặc biệt là người già. Họ chờ được đến lượt khám, chờ được xét nghiệm, chờ chụp chiếu và siêu âm. Rồi mất cả ngày chờ kết quả, chờ đến lượt bác sĩ khám lại, cuối cùng là chờ lĩnh thuốc hoặc đăng kí điều trị nội trú.
Ở khu điều trị, do thiếu giường nên nhiều bệnh nhân chỉ có thể chen lấn trong một căn phòng dưới 20 mét vuông để được tiêm truyền tĩnh mạch, số còn lại nằm dưới nền nhà, thậm chí chui vào gầm giường, la liệt ngoài hành lang.
Khi tôi bước vào, một mùi nồng nặc bay ra, đó không thể nói là mùi thuốc khử trùng hay thuốc chữa bệnh, nhiều năm làm bác sĩ nên tôi cũng đã quen với mùi này.
“Bố ơi hôm nay có ổn hơn không?” – tôi hỏi.
“Còn phải truyền 3 lọ!” – bố trả lời.
Tôi ngồi xuống, nắm tay bố và nói chuyện. Một bác nửa nằm nửa ngồi quay đầu ngược lại trên cùng chiếc giường với bố tôi đột nhiên tham gia: “Con gái tôi cỡ tuổi anh, bận rộn, chỉ thỉnh thoảng mới đến đây thăm bố, như chuồn chuồn thắp nước, lúc lại về, tôi giống như cái sân ga để con cháu quá cảnh.”
“Con gái bác làm việc gì ở đâu?” – tôi hỏi.
“Giám đốc doanh nghiệp tháng ở nhà vài ngày.” – bác bệnh nhân bất lực nói – “Tôi cũng quen rồi, không đợi con chăm sóc, cũng không chờ chúng đến thăm!”
Tôi mỉm cười và nghĩ, dù ở tuổi trung niên hay tuổi già, người giàu hay nghèo, người có địa vị quyền lực cao hay chỉ là dân thường; khi đã vào bệnh viện tất cả đều như nhau, họ trở nên yếu đuối, muốn được con cái chăm sóc và trông nom.
Nếu con cái lo lắng bệnh tật của bố mẹ, sẽ phải xin nghỉ việc để chăm, thậm chí nghỉ dài hạn. Nếu lo cho công việc, sẽ bị người thân phàn nàn, thậm chí quy vào lòng hiếu thảo làm cho nhiều người cảm thấy có lỗi và hối hận suốt đời.
Chăm sóc người ốm nằm viện chưa bao giờ là dễ dàng.
💜💜💜💜💜💜
Khu vực truyền dịch là những chiếc giường trong căn phòng nhỏ, nhưng vẫn không đủ chỗ nên người ngồi la liệt tràn ra cả lối vào. Hầu hết bệnh nhân được nằm trên giường là người quá già và bệnh nặng, họ luôn rên rỉ, chờ đợi, bối rối và thỉnh thoảng chửi thề vô cớ, hoặc chửi con cháu trong gia đình.
Tôi để ý tới một ông già truyền dịch, thay vì nằm trên giường thì ông lại ngồi trên chiếc xe lăn tự mua, bên hông xe có gắn một túi đựng nước tiểu lẫn máu. Ông già khoảng hơn 70 tuổi, người quá mỏng so với bộ quần áo kẻ sọc xanh nhạt của bệnh viện, da mái và tóc rất thưa, bàn tay trái bị co quắp dường như do tiêm truyền quá nhiều.
Một phụ nữ trung niên ngồi bên cạnh và đang nhìn vào điện thoại.
Chiếc ghế của người phụ nữ đã bị mòn do ngồi, để lộ ra lớp bọt biển màu vàng cam đã biến mất gần hết, khiến tôi cảm thấy cô đã ngồi ở đây đến mười mấy năm trời.
Cô y tá đến truyền dịch có khuôn mặt nhàu nhĩ theo thời gian, nhưng tôi nhìn thấy đôi mắt rất đẹp, chắc chắn thời trẻ cô rất xinh. Sau lời giải thích về việc tiêm truyền, ông lão chỉ ậm ừ, những thao tác của cô y tá rất nhanh, nhưng do mạch máu của ông lão quá yếu, kim lăn chệch ven khuỷu tay trái nên bị sưng, mu tay các ven cũng bị xơ cứng, cô y tá phải đổi sang tay phải.
Cuối cùng kím tiêm cũng luồn được vào ven, thuốc chảy vào mạch máu từng giọt, nhỏ từ chai dịch truyền xuống từng giọt. Từng giọt và từng giọt, thuốc nhỏ rất chậm, trái tim của ông già quá tồi tệ nên không thể điều chỉnh cho dịch chảy nhanh hơn.
Lúc đầu ông già rất im lặng.
Ông ngồi ngả người tựa đầu vào tường ở phía sau, hầu hết thời gian truyền dịch ông nhắm mắt lại và nghỉ ngơi, trông dáng vẻ bình yên rất đặc trưng của người già.
Tôi quan sát rất kĩ, chỉ thỉnh thoảng thấy ông mở mắt ra nhìn lên chai dịch truyền, một vài lần ông với tay tự điều chỉnh nút truyền cho chậm lại.
Sau hơn một tiếng, ông cố gắng với tay trái ra hiệu và nói với người phụ nữ, nhưng giọng nói của ông không rõ ràng. Rất khó để đoán ông đang nói gì. Người phụ nữ bắt đầu thiếu kiên nhẫn, yêu cầu ông nhắc lại từng âm thanh, nhưng cô vẫn không hiểu vì nghe như ngôn ngữ trên sao hỏa.
Cuối cùng người phụ nữ cũng hiểu, điều ông muốn nói là thiếu một lọ dịch truyền, người phụ nữ tỏ vẻ khó chịu và nói rằng cô không biết.
Ông lão yêu cầu người phụ nữ đi hỏi y tá.
Người phụ nữ nói không cần phải đi hỏi, lát nữa y tá đến rút ven truyền sẽ biết có thiếu hay không. Ông lão im lặng và thở dài. Người phụ nữ tiếp tục nhìn vào điện thoại. Sau một khoảng thời gian im lặng, ông lão lại ra hiệu và nói người phụ nữ đi tìm y tá, người phụ nữ không rời mắt khỏi điện thoại nhưng tỏ vẻ khó chịu thực sự, cô trách ông lo lắng quá mức không cần thiết.
Truyền xong dịch, cô y tá đến rút kim, cô đặt một miếng bông nhỏ lên khuỷu tay phải ông lão và bảo người phụ nữ giữ nó để máu không bị chảy.
Một lúc sau quay lại, cô y tá thấy máu chảy ra vạt áo và quần ở chỗ đùi. Tay trái của ông lão vẫn đang giữ miếng bông nhưng bàn tay co quắp không đủ sức, hoặc có thể do mắt ông không thấy lỗ kim nhỏ bé, cũng không thấy máu trào ra.
Cô y tá trách người phụ nữ: “Hãy giữ và ấn nó xuống, đừng để bệnh nhân giữ, vừa truyền dịch máu trong ven đang loãng nên phải giữ lâu mới cầm được, để bệnh nhân giữ máu sẽ chảy ra.” Người phụ nữ vội vàng một tay giữ miếng bông, tay kia với lấy miếng khăn ướt, cô lau thật sạch vế máu chảy trên da.
Truyền xong 30 phút, người phụ nữ đẩy chiếc xe lăn ra ngoài hành lang cho thoáng. Khi chiếc xe đi qua, tôi nhìn thấy vệt máu đỏ tươi trên nền bộ quần áo bệnh viện màu xanh nhạt, ông lão thì chẳng phát ra một âm thanh nào nữa cả, khuôn mặt ông cũng không có biểu hiện gì khác.
Người phụ nữ đó được gia đình thuê để chăm sóc ông lão.
💜💜💜💜💜💜
Tôi, hay bất cứ ai trong số chúng ta, khi có cha mẹ lớn tuổi sẽ phải đi viện thường xuyên. Bệnh viện cách xa thiên đường nhưng lại rất gần với địa ngục. Nó thực sự làm chúng ta kiệt sức. Không thể mang gánh nặng kinh tế đến bệnh viện, hoặc để cả nhà đến chăm sóc, hoặc phải thuê người giúp việc.
Theo xu hướng phát triển của thế giới, bệnh nhân nằm điều trị nội trú sẽ được chăm sóc toàn diện 24/24 giờ, trách nhiệm chăm sóc thuộc về điều dưỡng bệnh viện chia các ca làm việc 4-6 tiếng mỗi ngày, các thành viên trong gia đình không cần phải làm gì.
Con số lí tưởng mỗi điều dưỡng chỉ chăm sóc 4 bệnh nhân.
Việt Nam không có con số thống kê tỉ lệ điều dưỡng trên bệnh nhân, nhưng bằng quan sát của tôi, ở các bệnh viện hạng 1 trở lên mỗi điều dưỡng sẽ phải chăm sóc từ 12 – 15 người bệnh. Theo số liệu công bố trên Statista, năm 2017 Việt Nam chỉ có hơn 107.600 điều dưỡng, trong khi Bộ Y tế đưa ra con số nhu cầu điều dưỡng tại năm 2020 là 225.345 người, nghĩa là đang thiếu hơn một nửa.
Chi phí chăm sóc toàn diện cũng là điều rất đáng lưu tâm.
Việt Nam cũng chưa xây dựng định mức chăm sóc toàn diện. Nhưng tôi có thể đưa ra con số ở Trung Quốc, nơi giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe gần tương đồng với Việt Nam, đã có 32 bệnh viện thực hiện chăm sóc toàn diện, chi phí từ 800 – 2.500 NDT (từ 2,7 triệu đến 8,3 triệu đồng) cho mỗi ngày.
Đó là lí do phải sử dụng người nhà hoặc thuê người chăm sóc bệnh nhân.
Để giải bài toán nhân lực và giảm chi phí y tế, phía bệnh viện chịu trách nhiệm chăm sóc phần chuyên môn y tế, ví dụ như các công việc pha chế thuốc, tiêm truyền, lấy máu, đo các chỉ số sinh tồn, rửa vết thương và thay băng. Những công việc còn lại như cho ăn, đổ bô, lật trở bệnh nhân, xoa bóp chống loét tì đè, nâng lên đặt xuống, hỗ trợ đi lại, hỗ trợ đi vệ sinh, đánh răng, cắt tóc gội đầu, tắm rửa…, thậm chí cả những công việc chuyên môn ít quan trọng như lấy nhiệt độ, điều chỉnh tốc độ giọt truyền, chỉ lại mặt nạ dưỡng khí, tất cả phó thác cho gia đình tự chăm sóc hoặc thuê người giúp việc.
Chăm sóc người bệnh là một công việc đẫm mồ hôi và máu, nhưng y tế duy trì giá rẻ bắt buộc bệnh viện phải cắt giảm nhân lực điều dưỡng, thì các thành viên trong gia đình người bệnh phải chịu trách nhiệm, họ không chỉ đổ mồ hôi và máu nhiều hơn, mà còn đổ cả nước mắt lên bệnh nhân.