[COVID-19] Bài học COVID-19 ở Ấn Độ 

Rate this post
Chủ nhật vừa rồi (ngày 18 tháng 4), Israel đã dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời khi mà họ đã đạt được tỉ lệ người chích ngừa vaccine COVID-19 hơn 60% và số lượng người mắc bệnh mỗi ngày giảm rõ rệt (chỉ còn vài trăm ca/ngày) so với đỉnh dịch của họ (khoảng 10 ngàn ca/ngày). Lượng người mắc COVID-19 ở Anh và Mỹ cũng đã bắt đầu giảm rõ rệt khi mà tỉ lệ người chích vaccine đã hơn 40% dân số. Với số lượng người chích vaccine trong dân số chỉ mới đạt khoảng 20%, Đức và Pháp vẫn còn đáng lo ngại, số lượng người mắc COVID-19 mỗi ngày vẫn chưa giảm rõ rệt so với đỉnh dịch.
Dựa vào các số liệu thực tế hiện nay, một số phân tích khoa học cũng cho thấy rằng vai trò của vaccine là rất quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Do vậy, ở các nước mà số lượng người chích vaccine còn thấp thì “NGUY CƠ” bùng dịch sẽ vẫn còn rất cao. Một ví dụ gần đây nhất đó là Ấn Độ!
Cả thế giới đang nhìn Ấn Độ với một con mắt đầy lo ngại khi họ đã vượt kỷ lục thế giới (trước đó của Mỹ) về số lượng người được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19 trong 1 ngày, với số lượng người mắc là trên 300 ngàn người/ngày. Sự gia tăng khủng khiếp này ở Ấn Độ đang được cho là từ 2 nguyên nhân: 1️⃣ lơ là trong việc phòng bệnh & 2️⃣ sự xuất hiện chủng mới. Tuy nhiên, có lẽ nguyên nhân đầu tiên là chủ yếu khi chính phủ bỏ qua các cảnh báo về dịch bệnh để người dân tự do tụ tập lễ hội Kumbh Mela, một lễ hội tín ngưỡng rất lớn ở Ấn Độ vừa được tổ chức trong những tháng qua với hàng triệu người tham gia (số lượng người tham gia lễ hội này vào năm 2019 là 120 triệu người⚠️). Hơn ba triệu tín đồ đạo Hindu đã tắm ở sông Hằng vào thứ ba vừa rồi để đánh dấu một trong những ngày tốt lành nhất của lễ hội kéo dài hai tháng. Từ 20.000 mẫu được thu thập từ những người tham gia lễ hội trong khu vực vào thứ ba, 110 cho kết quả dương tính, trong đó có nhiều người là các nhà lãnh đạo tôn giáo! Con số thực tế được ước lượng có thể còn cao hơn nhiều! Và ảnh hưởng sau lễ hội là rất nặng nề khi mà số lượng người này trở về quê nhà lại tiếp tục lây nhiễm bệnh COVID-19 cho những người khác. Điều này tương tự như chúng ta đã từng thấy khi hồi bắt đầu đại dịch và sự bùng phát của nó khi người dân Trung Quốc bắt đầu đi chuyển để ăn Tết truyền thống.
Nguyên nhân thứ 2 của sự bùng phát đại dịch ở Ấn Độ có lẽ là chủng biến thể B.1.617 (được tìm thấy từ tháng 12 năm ngoái) có một số đặc điểm đáng lo ngại như sự thay đổi các amino acid L452R, E484Q làm tăng khả năng lây nhiễm và làm giảm hiệu quả của vaccine hiện nay. Các số liệu giải trình tự các chủng của Ấn Độ vẫn còn rất ít so với các chủng khác trên thế giới nên cần nhiều thời gian hơn để các nhà khoa học có thể phân tích đánh giá chính xác hơn. Tuy nhiên, đây cũng rất có thể là một yếu tố đã làm cho đại dịch đẩy lên cao trong thời gian ngắn khi mà các quy tắc cẩn trọng trong việc quản lý lây nhiễm trong đại dịch bị xem nhẹ!
Thiết nghĩ, đây có lẽ là một bài học không những cho Ấn Độ mà còn cho tất cả các nước khác trong đại dịch này. Khi mà tỉ lệ chích ngừa trong dân số vẫn còn thấp thì chúng ta vẫn còn như ngồi trên đống rơm, những chủng virus mới với các đặc điểm lây lan nhanh, né tránh kháng thể luôn chực chờ một đốm lửa để thổi bùng lên. Lúc bùng dịch thì số người chết tăng vượt tầm kiểm soát vì không chỉ do chính căn bệnh mà còn do hệ thống y tế bị quá tải nghiêm trọng!
Advertisement
Mong là bà con vẫn giữ tinh thần “cẩn trọng” cho đến cuối dịch, lúc mà vaccine đã đủ cho nhu cầu người dân và hầu hết các nước khác đã bắt đầu kiểm soát dịch được một cách chắc chắn.
Nếu nhìn vào biểu đồ tình hình chích vaccine COVID-19 hiện nay, thì các bạn sẽ thấy chúng ta có lẽ cũng đang ngồi trên một đống rơm lớn, rất lớn… hãy đừng làm nó cháy!
Bảo trọng nhe bà con,
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Thông tin tham khảo:
https://www.sciencedirect.com/…/pii/S266637912100080X (BNT162b2 Vaccination Effectively Prevents the Rapid Rise of SARS-CoV-2 Variant B.1.1.7 in high risk populations in Israel)
TS. Nguyễn Hồng Vũ

Giới thiệu Lê Hồng Thắm

Check Also

[Thảo luận] Corticosteroid – Câu chuyện con dao hai lưỡi

        Corticoid hay tên gọi đầy đủ là Corticosteroid là một hợp …