[COVID-19] Hà Nội sẽ “0 bung – 0 toang”

Rate this post
Vào ngày 13 tháng 2 năm 2021, một cuộc kiểm tra khám nghiệm tử thi sơ bộ người đàn ông quốc tịch Nhật Bản chết ở khách sạn tại Hà Nội, kết quả dương tính với vi rút gây bệnh COVID-19.
Truy vết sau đó phát hiện 2 người Nhật Bản cũng (+).
Cả ba trường hợp đều có tải lượng vi rút rất cao, đặc biệt với người đàn ông đã tử vong là chuyên gia nên có lịch trình tiếp xúc rất phức tạp. Đúng thời điểm dịp tết Nguyên Đán. Thêm gần 20 nghìn người từ Hải Dương trở về Hà Nội sau kì nghỉ tết, trên mạng xã hội nhiều người bầy tỏ sự lo lắng cực độ, rất có thể Hà Nội sẽ phải đối mặt với tình huống tồi tệ nhất.
Sự lo lắng của nhiều người hoàn toàn có lí.
Có lí bởi những nguyên nhân khách quan như thời tiết lạnh và khô sẽ có lợi cho sự tồn tại và lây lan của vi rút, chủng vi rút biến thể Anh có tốc độ lây quá nhanh, dòng người dịch chuyển quá đông từ Hà Nội về các vùng có dịch rồi trở ngược lại. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân chủ quan như thiếu nghiêm túc chấn chỉnh những mắt xích yếu kém, chủ quan lơ là, vi phạm luật và các quy định trong phòng ngừa và kiểm soát. Hiểu biết và ý thức phòng chống dịch của một bộ phận người dân còn yếu kém. Đợt dịch bệnh này xảy ra ở Hải Dương, Quảng Ninh, Sài Gòn, Gia Lai và những nơi khác, đặc biệt ở các vùng nông thôn gần cuối năm có rất nhiều hoạt động như đi thăm họ hàng, bạn bè, đi hội chợ, đi lễ, các sự kiện tụ tập đông người như cưới treo, ma chay, giỗ chạp, liên hoan tất niên, họp lớp.
Có lí bởi điều kiện khó khăn của y tế địa phương cũng là một nguyên nhân.
Có lí bởi một số người tiếp xúc với ca bệnh nhưng không chịu khai báo, một phần vì lười ngại, phần khác sợ rắc rối, tâm lí sẽ không có chuyện gì xảy ra, thái độ vô trách nhiệm coi mình không liên quan, đó là những kẽ hở cho vi rút tấn công.
Nhưng tôi không nghĩ Hà Nội sẽ bung và toang!
Trong hai bài viết trước, sau khi đưa ra một số phân tích, tôi dự đoán Hà Nội sẽ không bung và không toang. Dự đoán này cũng tương tự đợt dịch ở Đà Nẵng vào tháng 7 năm 2020. Thời điểm đó, Đà Nẵng có tổng số 550 bệnh nhân và tử vong 35 trường hợp; số người từ Đà Nẵng trở về Hà Nội được rà soát và xét nghiệm là 100.178, đó là con số quá lớn, nhưng cuối cùng chỉ có 11 ca dương tính.
Nhận định của tôi đã đúng: Hà Nội trong làn sóng dịch thứ hai chỉ có 11 ca dương tính!
Ở làn sóng dịch thứ ba này tại Hà Nội, với 3 ca lây nhiễm cộng đồng người Nhật Bản có lịch trình tiếp xúc rất phức tạp, với gần 20 ngàn người trở về Hà Nội từ Hải Dương sau dịp tết, tôi vẫn tin Hà Nội đứng vững, số ca nhiễm hiện tại là 36 và tiếp theo sẽ không vượt quá con số 50-70 ca, dịch có thể khống chế hoàn toàn vào đầu tháng Ba.
Tại sao tôi lại có niềm tin như vậy?
Đầu tiên, tôi tin vào kinh nghiệm phòng chống dịch của Hà Nội, đã có truyền thống từ nhiều năm trước.
Hà Nội có dân số đứng thứ 2 trong số các thành phố, cả về số lượng và mật độ, nên thường xuyên đối mặt với các dịch bệnh truyền nhiễm. Tháng 6 năm 2015, khi dịch MESR-CoV gieo giắc chết chóc đến mức bất cứ ai biết về căn bệnh này cũng phải kinh hãi, cứ 10 người mắc sẽ có khoảng 4 người chết. Hà Nội được giao nhiệm vụ diễn tập mẫu phòng chống dịch. Thời điểm đó, tôi có tham gia viết kịch bản, kiêm cả một phần đạo diễn; vì thế mà tôi cũng phần nào hiểu được năng lực của Hà Nội. Làn sóng dịch tháng 4 và tháng 7 năm 2020, Hà Nội phát hiện, truy vết tiếp xúc, xét nghiệm thần tốc hàng trăm ngàn người, nhanh chóng làm chủ tình hình, đó chính là ví dụ minh chứng rõ ràng về năng lực của thủ đô.
Thứ hai, tôi tin vào sức khỏe người dân Hà Nội, đặc biệt nội thành.
Là một bác sĩ, tôi cố gắng quan sát tỉ mỉ bệnh nhân của mình, điều đó sẽ giúp được cho bệnh nhân và công việc của tôi. Hơn 20 năm chỉ làm công tác chuyên môn khám chữa bệnh tôi nhận thấy, dân nội thành Hà Nội có sức khỏe tốt hơn hẳn, vùng nông thôn ngoại thành sẽ có nhiều bệnh tật hơn, người dân các tỉnh khác về càng không tốt bằng. Hàng ngày có bệnh nhân ở các tỉnh về khám, tôi vẫn nghe thấy những người phụ nữ 50 trở lại xưng với tôi cô cháu, thậm chí là bà cháu. Tuổi thọ trung bình của Hà Nội cũng đang xếp thứ nhất so với 63 tỉnh thành trong cả nước. Rõ ràng, sức khỏe tốt hơn thì khả năng đề kháng với vi rút sẽ tốt hơn, theo tôi đó là logic phù hợp.
Thứ ba, vắc xin thời ấu thơ.
Tôi đánh giá rất cao ý thức của người Hà Nội tiêm chủng cho con cháu của họ. Mạng lưới tiêm chủng cũng vậy, ngoài các trung tâm và cơ sở tiêm chúng chuyên biệt, trung tâm y tế, mạng lưới y tế phường xã, còn có sự tham gia của các bệnh viện, sự hỗ trợ của các hội đoàn đặc biệt là hội phụ nữ; đã góp phần đảm bảo tỉ lệ tiêm chủng ở Hà Nội đạt rất cao theo như tôi quan sát mỗi lần đến các cơ sở công tác. Trong đại dịch COVID-19, một số nhà khoa học thế giới đưa ra giả thuyết rằng những lần tiêm chủng và phơi nhiễm một số bệnh truyền nhiễm ở tuổi ấu thơ có thể giúp cơ thể giảm lây nhiễm bệnh COVID-19. Ví dụ vắc xin BCG phòng bệnh lao có thể kích thích chức năng miễn dịch bẩm sinh của con người. Hiện tại, các nhà khoa học đã tiến hành một số thử nghiệm lâm sàng về vắc xin này để kiểm tra xem nó có tác dụng bảo vệ đối với loại coronavirus mới hay không. Thực tế biến thể vi rút ở Anh có tỉ lệ lây nhiễm mà nước Anh đã trở tay không kịp, tỉ lệ tử vong cũng được cho là rất cao, nhưng đến nay Hải Dương mới chỉ có 590 ca kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên từ ngày 27 tháng 1.
Thứ tư, là sự hiểu biết phòng chống dịch bệnh, đặc điểm tính cách người dân Hà Nội cũng góp phần hạn chế lây nhiễm.
Hà Nội khá chật chội, nhưng khoảng cách không gian lại vời vợi, làm cho con người ta có vẻ bên ngoài trở nên hờ hững, không quan tâm can thiệp đến chuyện riêng của người khác, không giao tiếp với hàng xóm láng giềng. Khu phố càng hiện đại thì con người càng rất xa nhau. Nếu như ở nông thôn ngoài tình làng nghĩa xóm hàng ngày hàng giờ ấm nước điếu thuốc tối lửa tắt đèn, trong một gia đình tứ đại đồng đường quây quần bên nhau, thì ở Hà Nội ông bà riêng một nhà, bố mẹ con cái mỗi người một phòng, thời gian giao tiếp chung với nhau cũng không nhiều. Nông thôn người trong xóm gặp nhau nói chuyện rất to và rất lâu. Hà Nội cùng tòa chung cư mỗi ngày chỉ gặp nhau thoáng chốc trong chiếc thang máy, họ cúi mặt vào điện thoại hoặc ngửa cổ lên trần, quen nhau cũng chỉ nhìn qua ánh mắt thêm câu chào chứ ít nói chuyện, lên nhà là đóng cửa kín suốt ngày. Trong đại dịch COVID-19, lối sống cách biệt này lại trở thành ưu điểm, làm cho những ca bệnh rất khó lây nhiễm thành những ổ dịch lớn. Ngoài ra, sự hiểu biết, ý thức phòng chống dịch bệnh, sự tuân thủ những quy định của cơ quan chức năng, theo tôi đánh giá hầu hết người sống ở Hà Nội đều thực hiện tốt.
Tôi xin giải thích thêm về dự báo của tôi.
Để dự báo dịch bệnh, bắt buộc tôi phải dựa vào mô hình toán học, đơn giản nhất là mô hình SEIR với hệ bốn phương trình vi phân mà tôi đã trình bày ở một số bài viết trước đây.
Advertisement
dS(t) / dt = βS(t)I(t) / N
dE(t) / dt = βS(t)I(t) / N – γ1E(t)
dI(t) / dt = γ1E(t) – γ2I(t)
dR(t) / dt = γ2I(t)
Trong đó:
R0 = (1 + λ / γ1) (1 + λ / γ2)
Hoặc:
R0 = 1 + λTg + p(1 – p)( λTg)ᴧ2
Nhưng vì 40 ngàn trường hợp trở về từ Hải Dương, đó là những người đã biết cụ thể, trong diện quản lí nên hướng dẫn các biện pháp cách li, giãn cách, phòng chống cá nhân để dịch bệnh không lây lan, vì thế mà tôi có thể tạm thời ước lượng thô theo tỉ lệ cho nhanh.
Tỉ lệ mắc của Hải Dương tôi tạm tính là 0,03% ở thời điểm hiện tại.
Vậy, với số lượng khoảng 40.000 người từ Hải Dương trở về Hà, tôi giả sử tính theo con số thô thì tạm coi có 40.000×0,03% = 12 người mắc, cộng thêm với con số hiện tại Hà Nội đang có 36 ca trong làn sóng dịch thứ ba này.
Đó cũng là lí do tôi dự báo con số bệnh nhân không vượt quá 50-70 ca.
Để xét nghiệm cho khoảng 40 ngàn người, cần thiết xét nghiệm gộp nhóm như đã làm từ trước đến nay, nhưng số mẫu tối ưu cho mỗi nhóm sẽ là 1/√0,03 = 6 mẫu.
Cuối cùng, tôi cũng dành lời khen ngợi và chia sẻ với chính quyền và nhân dân Hải Dương đã chống dịch rất tốt, bởi vi rút biến thể của nước Anh lây lan cực nhanh, mô hình chống dịch cả ở nông thôn vẫn còn nhiều bất ngờ nên rất khó, Hải Dương giữ được mức độ lây nhiễm như vậy tôi cho rằng đó là một thành quả đòi hỏi phải nỗ lực rất nhiều.
Điều tôi muốn nhấn mạnh là, dự đoán chính xác mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào là rất khó, nhưng bằng khoa học và những lí lẽ hợp logic, chúng ta có thể dự báo một số điều với mức độ tự tin tương đối. Với suy nghĩ đó, bài viết là những gì tôi mong đợi trong thời điểm tiếp theo của đợt dịch này, nó chỉ có ý nghĩa tham khảo vì tôi không có chuyên môn bệnh về dịch bệnh. Đại dịch COVID-19 là thách thức mang tính toàn cầu, nên chúng ta không được phép chủ quan, dù lạc quan đến mấy cũng không được phép chủ quan để không bị trả giá.
BS. Trần Văn Phúc

Giới thiệu Lê Hồng Thắm

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …