[Vi sinh lâm sàng 23] Virus viêm gan

Rate this post

Viêm gan do virus là một loại nhiễm khuẩn lên các tế bào gan do virus. Được biết có 5 loại virus chủ yếu lây nhiễm lên gan.

5 loại virus ARN là:
1) Virus Viêm Gan A (HAV)
2) Virus Viêm Gan C (HCV), loại này trước gây còn được gọi là NON – A NON – B cho đến khi chúng được phân loại.
3) Virus Viêm Gan D (HDV)
4) Virus Viêm Gan E (HEV)
5) Virus Viêm Gan G

Có 1 loại virus AND được gọi là: Virus Viêm Gan B (HBV)
Virus viêm gan A và E đều được lây nhiễm thông qua đường phân – miệng, trong khi các virus còn lại được lây qua đường truyền máu (ngoài đường tiêu hóa). Cũng giống như việc A và E đều ở hai đầu của hàng chữ ABCDE, vì thế chúng được lây truyền qua các bộ phận cũng ở hai đầu của đường tiêu hóa. A = Anal (hậu môn), E = Enteric (ruột) và BCD = BlooD (máu).

Bây giờ chúng ta sẽ bàn luận về lâm sàng của bệnh lý viêm gan (hepatitis) và khi đó sẽ biết rõ chi tiết hơn về mỗi loại virus.

VIÊM GAN DO VIRUS

Virus viêm gan có thể là một loại bệnh lý đột ngột với chu kỳ từ nhẹ đến nặng theo một biểu đồ hoàn chỉnh. Điều này được gọi viêm gan cấp do virus (acute viral hepatitis) và có thể được gây ra được gây ra bởi tất cả các virus này. Viêm gan còn thể kéo dài khoảng thời gian hoạt động hoặc nhiễm khuẩn thầm lặng không biểu hiện triệu chứng được gọi là viêm gan mạn tính do virus (chronic viral hepatitis). HBV, HCV và HDV được lây truyền qua đường máu có thể gây nên cơn viêm gan mạn tính.

1) Viêm gan cấp do virus có thời kỳ hay thay đổi, phụ thuộc vào loại virus. Sự phát triển đầu tiên của virus gây ra các triệu chứng hệ thống như là cúm, kèm theo mệt mỏi, sốt nhẹ, đau nhức cơ, ho, chảy nước mũi và viêm họng. Một đến hai tuần sau bệnh nhân tiến triển cơn vàng da do nồng độ biliribun tăng lên, đây là chất bình thường được thải trừ ở gan. Khi virus phát triển ở các tế bào gan sẽ làm cho các tế bào gan này bị hoại tử. Các enzym từ các tế bào gan được giải phóng ra trong quá trình chết của tế bào. Đây là những enzym chức năng gan aspartate aminotransferase (AST), alanine aminotransferase (ALT), gamma – glutamyl transpeptidase (GGT) và alkaline phosphatase. Khi nồng độ các enzym này tăng cao trong máu sẽ giúp củng cố chẩn đoán viêm
gan.

Vì vậy khoảng 2 tuần diễn tiến bệnh, bệnh nhân thường bị vàng da, đau do gan to ra và nồng độ các enzym chức năng gan tăng cao trong máu.

Chi tiết như thế nào để xác định virus gây ra viêm gan sẽ được thảo luận trong mỗi loại virus.

2) Viêm gan mạn tính do virus thường khó chẩn đoán hơn bởi vì bệnh nhân thường không biểu hiện triệu chứng, chỉ khi khám mới thấy gan to ra và nồng độ các enzym tăng lên trong máu không cao.

Biểu Đồ Gia Tăng Của Enzym Của Gan

Bệnh lý khác nhau sẽ dẫn đến sự khác nhau về biểu độ gia tăng enzym chức năng của gan. Ví dụ, viêm gan do virus thường làm cho transaminase ALT và AST tăng nồng độ lên rất cao, trong khi GGT, alkaline phosphatase và bilirubin chỉ tăng nhẹ. Khi bệnh tiến triển, nồng độ bilirubin tăng cao lên. Sỏi mật bên trong đường mật thì xảy ra ngược lại: biliribun, alkaline phosphatase và GGT tăng cao hơn ALT và AST. Lý do cho điều này là như sau.

25.1. Các tế bào gan sản xuất AST và ALT. Các tế bào ở mạng lưới tiểu quản mật (bile canaliculi) sản xuất ra alkaline phosphatase và GGT. Tiểu quản mật chứa đựng bilirubin.

 

25.2. Virus viêm gan gây hoại tử tế bào khi chúng kiểm soát được tổ chức của tế bào. Khi các tế bào gan vỡ ra sẽ giải phóng AST và ALT. Một vài tế bào pericanalicular (ở thành lưới tiểu quản mật) cũng sẽ bị phá hủy. Vì thế chúng ta sẽ thấy AST và ALT tăng lên rất cao cùng với sự gia tăng ít của alkaline phosphatase và GGT. Khi tình trạng viêm nhiễm xấu đi, gan sẽ sưng lên và ống tiểu quản bị hẹp lại, làm cho bilirubin, dẫn đến việc bilirubin quay ngược trở lại vào trong máu. Cho nên trong viêm gan do virus AST và ALT tăng lên rất cao và bilirubin, alkaline phosphatase, GGT cũng tăng ở giai đoạn sau.

 

25.3. Một viên sỏi kẹt ở đường mật sẽ dẫn đến việc:
1) Ngăn cản sự bài xuất bilirubin, làm tăng cao nồng độ bilirubin trong máu.
2) Làm gia tăng tổng hợp alkaline phosphatase và GGT bởi các tế bào tiểu quản. Hãy tưởng tượng áp suất của tế bào bật ngược trở lại, làm giải phóng alkaline phosphatase và GGT (đây không phải cơ chế đúng nhưng là công cụ giúp ghi nhớ được điều này).

Vì vậy, khi tiến triển một sự ngưng trệ (sỏi ở đường mật), AST và ALT sẽ chỉ tăng tối thiểu, trong khi alkaline phosphatase, GGT và bilirubin lại tăng lên rất cao.

Virus Viêm Gan A (HAV)

HAV là một virus trần có lớp capsid dạng khối đa diện đều 20 mặt, có chuỗi acid nucleic ARN dương (+) đơn độc. Virus này thuộc họ Picornaviridae và giống như hầu hết các virus trong họ này thì chúng cũng được lây truyền theo đường phân – miệng (HAV = Anus).

Dịch Tễ Học

HAVe you washed your hands??? Có khoảng 2000 trường hợp nhiễm virus viêm gan A được báo cáo mỗi năm ở Mỹ và còn rất nhiều các trường hợp nhiễm khuẩn không có triệu chứng hoặc chưa được báo cáo. Thực tế có 40% người Mỹ đang sinh sống tại các trung tâm đô thị có bằng chứng huyết thanh học của sự nhiễm khuẩn từ trước, nhưng chỉ có 5% là biết mình có bị nhiễm khuẩn. Nhìn chung, tỷ lệ mới nhiễm khuẩn đang giảm dần ở Mỹ với sự xuất hiện của việc tiêm chủng mở rộng. Các vụ bùng phát thường xảy ra thứ phát theo con đường tiếp xúc phân – tay – miệng. Ví dụ về điều này bao gồm thực phẩm bị nhiễm khuẩn từ người chế biến thức ăn không rửa tay kỹ, người uống phải nguồn nước bị nhiễm khuẩn hay lây nhiễm từ người sang người trong các trung tâm chẳng hạn như nhà trẻ. Thời gian ủ bệnh khoảng 15 – 40 ngày (trung bình 1 tháng) trước khi bệnh nhân tiến triển cơn viêm gan cấp đã mô tả trước đó.

Trẻ em thường bị nhiễm khuẩn nhiều nhất, và có thời kỳ bệnh nhẹ hơn ở người lớn, thường không tiến triển cơn vàng da hoặc thậm chí là không hề có triệu chứng gì, thông thường ở người lớn sẽ tiến triển cơn viêm gan tối cấp (nghiêm trọng). Tuy nhiêm, tử vong do HAV là điều rất hiếm (1%).

Huyết Thanh Học

Xét nghiệm huyết thanh có thể phụ giúp củng cố chẩn đoán. Vỏ capsid HAV là một loại kháng nguyên, làm cho túc chủ sản xuất ra anti – HAV IgM và sau đó là anti – HAV IgG. Một bệnh nhân có nhiễm khuẩn hoạt động sẽ phát hiện có anti – HAV IgM trong huyết thanh. Anti – HAV IgG cho thấy nhiễm khuẩn đã lâu và không có bệnh lý. Loại kháng thể này kéo dài vô thời hạn và có tác dụng bảo vệ, có nghĩa là chúng sẽ chống lại các nhiễm khuẩn với HAV trong tương lai.

25.4. Nhiễm khuẩn virus viêm gan A: Một đồ thị biểu diễn sự tiến triển của triệu chứng lâm sàng cũng như là sự phát triển của kháng thể.

25.5. Huyết thanh học viêm gan A

Điều Trị

Vaccin viêm gan A bất hoạt được khuyến cáo cho người trưởng thành có tỷ lệ lây nhiễm HAV cao, như là các khách du lịch. Bắt đầu từ năm 2005, vaccin viêm gan A được đưa vào lịch trình chủng ngừa thường quy ở trẻ em. Nếu có một người đã bị phơi nhiễm thì huyết thanh globulin miễn dịch tổng hợp sẽ giúp ngăn chặn hoặc làm giảm độ nghiêm trọng của nhiễm khuẩn nếu như được chỉ định trong giai đoạn đầu của thời kỳ ủ bệnh. Huyết thanh globulin miễn dịch tổng hợp thu được bằng cách tách chiết phân đoạn ethanol (ethanol fractionation) từ huyết tương của hàng trăm người cho. Vì anti – HAV IgG hiện diện trong khoảng 40% phân số, nên kháng thể được hình thành trong huyết thanh globulin miễn dịch sẽ làm bất hoạt virus. Một khi nhiễm khuẩn đã được xác định thì chỉ cần điều trị hỗ trợ.

 

Virus Viêm Gan B (HBV)

Bạn sẽ có một “mối quan hệ thân thiết” với HBV trong suốt sự nghiệp của bạn. Tại sao lại như vậy? Ở một người bị nhiễm khuẩn thì virus này sống ở tất cả các loại dịch của cơ thể (tinh dịch, nước tiểu, nước mắt, máu, sữa mẹ…) Với tư cách là một người bác sỹ, bạn sẽ tiếp xúc với những bệnh nhân có virus ẩn núp trong cơ thể. Khi các nhân viên trong bệnh viện được xem là một nhóm có nguy bị lây nhiễm cao, bạn sẽ được chủng ngừa với HBV. Vì thế khi bạn thường xuyên tiếp xúc với loại virus này thì bạn sẽ hình thành các kháng thể để chống lại nó.

HBV = Big and Bad

HBV rất khác biệt với HAV. Nó là một loại virus có kích thước lớn (42 NM) và được bao bọc bởi lớp vỏ capsid đa diện đều và có chuỗi ADN xoắn kép dạng vòng.

25.6. Hạt virus hoàn chỉnh này được gọi là tiểu thể Dane (Dane particle), To lớn (Big) giống như một con chó Grat Dane, và nhìn trông giống như một quả cầu dưới kính hiển vi điện tử. Chú ý rằng tiểu thể Dane có một lớp vỏ bọc và một lớp vỏ casid đa diện đều đan xen với các nhú gai protein. Bên trong lõi của nó là chuỗi AND xoắn kép dang vòng có liên kết với enzym ADN polymerase.

Khi nhìn vào mẫu máu bị nhiễm khuẩn bằng kính hiển vi điện tử, bạn sẽ chú ý về các quả cầu tiểu phần Dane đã miêu tả ở trên, cũng như các cấu trúc có dạng sợi kéo dài. Những cấu trúc có dạng sợi này (khi được nhìn bằng kính hiển vi điện tử) bao gồm là lớp vỏ ngoài và lớp vỏ capsid được tách ra từ hạt virion nguyên vẹn. Bộ phận này của virus được gọi là kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg) và có vai trò rất quan trọng bởi vì các kháng thể sẽ chống lại chính thành phần này (anti – HBsAg) để bảo vệ cơ thể. Có anti – HBsAg trong máu có nghĩa bệnh nhân có sự miễn dịch chống lại HBV. Loại bỏ HBsAg ra khỏi lõi của virus thì nó được gọi là kháng nguyên lõi viêm gan B (HBcAg) và cũng là kháng nguyên. Tuy nhiên, các kháng thể chống lại lõi của virus (anti – HBcAg) lại không có tác dụng bảo vệ (do không hình thành sự miễn dịch).

Trong quá trình nhiễm khuẩn hoạt động và virus sinh sôi, một thành phân có tính hòa tan của lõi virus sẽ được giải phóng. Thành phần này được gọi là HBeAg. Loại kháng nguyên này là một sản phẩm phân tách từ cấu trúc polypeptide trong lõi của virus. HBeAg được tìm thấy ở dạng hòa tan trong huyết thanh , và một chất chỉ điểm cho việc bệnh lý đang hoạt động và tình trạng lây nhiễm rất cao. Những bà mẹ mang thai mà có HBeAg trong máu thì hầu như sẽ lây truyền HBV cho con (tỷ lệ lây truyền 90%), trong khi những bà mẹ không có HBeAg sẽ hiếm khi lây truyền cho đứa con (tỷ lệ lây truyền 10%).

Dịch Tễ Học

HBV hiện diện trong dịch của cơ thể và lây truyền theo con đường truyền máu. Khi con đường không lây truyền qua đường miệng (non – oral transmission) thì được gọi là lây truyền ngoài đường tiêu hóa (parenteral). Sự lây truyền từ một bệnh nhân bị nhiễm khuẩn có thể xảy ra bằng việc dùng chung kim tiêm, phơi nhiễm y khoa ngẫu nhiên (kim tiêm, máu mủ, tay dính vào máu mà không có dụng cụ bảo vệ), đường quan hệ tình dục, truyền máu, truyền qua chu sinh  (perinatal) v.v. Loại virus này rất dễ lây lan.

Bệnh Học

Lý do khác để nói HBV là một kẻ tồi tệ (Bad) đó là không giống như viêm gan A, chỉ gây cơn viêm gan cấp, HBV có thể gây ra viêm gan cấp và mạn tính. Sau đây là các tình trạng bệnh lý được gây ra bởi BIG BAD HBV:
1) Viêm gan cấp
2) Viêm gan tối cấp: là một cơn viêm gan cấp nghiêm trọng kèm theo sự phá hủy nhanh chóng ở gan.
3) Viêm gan mạn tính:
a) Không biểu hiện triệu chứng: Những bệnh nhân mang mầm bệnh này không bao giờ phát triển các kháng thể chống lại HBsAg (anti – HBsAg) và tuy có virus ẩn nấp nhưng không có tổn thương gan. Ước tính có khoảng 200 triệu người mang mềm bệnh HBV trên toàn thế giới.
b) Viêm gan mạn tính kéo dài (chronic persistent hepatitis): Những bệnh nhân này có mức độ “tan tành” thấp do viêm gan.
c) Viêm gan mạn hoạt động (chronic active hepatitis): Bệnh nhân có tình trạng viêm gan cấp tiến triển mà không hồi phục về lại bình thường được (kéo dài lâu hơn hơn 6 – 12 tháng).
4) Đồng nhiễm với virus viêm gan D (HDV): Xem phần HDV. Sự tổn thương chức năng gan xảy ra khi hệ thống miễn dịch trung gian qua tế bào tấn công lên HBV. Các kháng nguyên của virus nằm trên bề mặt các tế bào gan bi lây nhiễm chính là các tế bào đích của tế T gây độc (cytotoxic T – cell). Các phức hợp miễn dịch của kháng thể và HBsAg có thể lắng đọng trong các mô và hoạt hóa hệ thống miễn dịch, gây ra viêm khớp cũng như tổn thương ở da và thận. Những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch như là suy dinh dưỡng, AIDS, bệnh mạn tính, thì có nhiều khả năng là những thể mang bệnh không biểu hiện triệu chứng bởi vì hệ thống miễn dịch của họ không tấn công.

Biến Chứng

Ung thư tế bào gan nguyên phát (primary hepatocellular carcinoma) là một biến chứng của HBV. Khi bị nhiễm khuẩn mạn tính thì ADN của HBV sẽ trở nên tích hợp vào ADN của tế bào gan và làm tiền đề cho sự phát triển viêm gan ác tính. Nguy cơ tiến triển ung thư tế bào gan nguyên phát tăng cao gấp 200 lần ở những thể mang HBV so với những thể không mang.

Nhiễm khuẩn HBV có thể để lại sẹo và mất chức năng của các tế bào gan vĩnh viễn. Điều đó được gọi là xơ gan.

Huyết Thanh Học

Các xét nghiệm huyết thanh học giúp củng cố chẩn đoán nhiễm khuẩn HBV. Rất nhiều kháng nguyên và kháng thể dường như đơn giản hơn chúng ta nghĩ, như sau:
1) HBsAg: sự xuất hiện của HBsAg luôn luôn có nghĩa là có virus ở gan GAN và có nhiễm khuẩn, có thể cấp tính, mạn tính hoặc thể mang bệnh. Khi tiến triển anti – HBsAg, HBsAg sẽ biến mất và bệnh nhân được bảo vệ và có sự miễn dịch.
a) HBsAg = BỆNH (cấp tính hoặc mạn tính)
b) Anti – HBsAg = MIỄN DỊCH, KHỎI BỆNH, KHÔNG CÓ BỆNH LÝ HOẠT ĐỘNG!!!

2) HbcAg: Các kháng thể tác động lên HBcAg không có vai trò bảo vệ nhưng chúng ta có thể dựa vào chúng để suy ra rằng nhiễm khuẩn đã kéo dài trong bao lâu. Với bệnh lý cấp tính thì chúng ta sẽ thấy anti – HBcAg IgM. Với bệnh lý mạn tính hoặc bệnh đang lui dần sẽ tiến triển anti – HBcAg IgG.
a) Anti – HBcAg IgM = NHIỄM KHUẨN MỚI
b) Anti – HBcAg IgG = NHIỄM KHUẨN CŨ

3) HBeAg: Sự hiện diện của HBeAg có ý nghĩa là độ lây nhiễm cao và bệnh lý đang hoạt động. Còn sự hiện diện của anti – HBeAg gợi ý độ lây nhiễm lấy.
a) HBeAg = LÂY NHIỄM CAO, bọn virus đang phát cuồng!
b) Anti – HBeAg = LÂY NHIỄM THẤP

25.7. Chu kỳ nhiễm khuẩn HBV cấp tính, cùng với quá trình lui bệnh và tạo miễn dịch hoàn toàn.

25.8. Chu kỳ nhiễm khuẩn HBV mạn tính, cùng với quá trình suy giảm sự phát triển khả năng bảo vệ của các kháng thể anti – HBsAg.

 

Điều Trị

Ngăn chặn và kiểm soát các vấn đề liên quan đến viêm gan B:
1) Các xét nghiệm huyết thanh trên mẫu máu người hiến để loại bỏ HBV khỏi máu đã bị lây nhiễm từ người hiến.

2) Thực hiện việc tiêm chủng: Vaccin viêm gan B là một loại vaccin tái tổ hợp. Gen mã hóa HBsAg được nhân bản trong nấm men và được sử dụng để sản xuất ra số lượng lớn HBsAg, rồi được sử dụng như vaccin. Không có nguy cơ tiến triển bệnh từ vaccin bởi vì vaccin chỉ có chứa lớp vỏ bao bọc ngoài bề mặt và các protein (HBsAg = không ADN hoặc capsid). Hiện nay vaccin HBV được chỉ định cho tất cả trẻ vào lúc vừa mới sinh, 2, 4 và 15 tháng tuổi; ngoài ra nó còn được chỉ định tiêm 3 lần cho thanh niên và người lớn có nguy cơ cao (nhân viên ở các trung tâm chăm sóc sức khỏe, người tiêm chích ma túy v.v.)

3) Các thuốc kháng virus trong việc điều trị nhiễm khuẩn HBV dai dẳng hoặc ở giai đoạn mạn tính hoạt động:
a) Nhóm interferon (kể cả interferon alpha hoặc pegylated interforon alpha) tác động ở cấp độ ADN HBV và dẫn đến quá trình chuyển đảo huyết thanh (seroconversion) của HBeAg trong khoảng 35% bệnh nhân bị nhiễm HBV mạn tính. Các ưu điểm này của interferon đó là dùng trong một khoảng thời gian ngắn (chỉ trong vòng 4 tháng) và có rất ít bằng chứng về sự đề kháng thuốc. Các nhược điểm của loại thuốc này bao gồm chi phí cao, có ít hiệu quả lý tưởng và thường xảy ra các tác phụ.

b) Nhóm nucleoside analog (lamivudine, adefovir, entecavir và telbivudine) hoặc một loại nucleotide analog (tenofovir) thường được sử dụng thay thế ở Mỹ. Chúng có ưu điểm về đường uống, ít tác dụng phụ và có tác dụng mạnh lên sự sao chép của virus. Tác dụng chuyển đảo huyết thanh lên HBeAg cũng tương tự như nhóm interforon (~30 – 35%). Các nhược điểm bao gồm tiến triển khả năng đề kháng thuốc (đặc biệt là với lamivudine), cần phải được sử dụng trong thời gian dài và đắt tiền.

c) Hiện nay việc điều trị viêm gan B thường đòi hỏi sự kết hợp của các loại thuốc đã được liệt kê ở trên (một loại nucleoside/nucleotide analog được kết hợp với pegylated interferon hoặc với một sự kết hợp của nhóm nucleoside analog). Vấn đề chủ yếu đối với tất cả các liệu pháp điều trị có hiệu lực cho bệnh nhân viêm gan B đó là họ thất bại trong việc loại trừ hoàn toàn HBV. Do đó, sự tái phát viêm gan luôn luôn có khả năng mặc dù việc điều trị rõ ràng là đã thành công.

25.9. Sơ đồ huyết thanh học khi đã được chủng ngừa với vaccin HBV tái tổ hợp

25.10. Huyết thanh học viêm gan B

 

Virus Viêm Gan D (HDV)

Đây là loại virus được lây truyền ở ngoài đường tiêu hóa và chỉ có thể thực hiện quá trình sao chép khi có sự trợ giúp của HBV. Lớp nucleocapsid xoắn ốc của virus delta thực ra được sử dụng từ lớp vỏ ngoài của HBV, HBsAg. HDV đánh cắp lớp vỏ ngoài từ HBV và chỉ có thể gây ra nhiễm khuẩn khi có được lớp vỏ HBsAg.

25.11. Chú ý lớp vỏ ngoài của HBV và các protein ở xung quanh lớp nucleocapsid đối xứng xoắn của HDV. Kế bên nó là một hình ảnh tượng trưng cho chữ D nằm ở bên trong chữ B lớn.

Advertisement

HBV + HDV = Big Bag Dude

Khi không có Big Bang HBV thì HDV chỉ là một kẻ vô dụng (dud) và không ra nhiễm khuẩn. Virus viêm gan D là một loại khiếm khuyết (Defective) và yêu cầu phải có sự trợ giúp (Help) của virus viêm gan B như là một đồng minh (Buddy). Nhiễm khuẩn xảy ra theo 2 cách:

1) Đồng nhiễm khuẩn: cả HBV và HDV đều được lây truyền theo con đường ngoài đường tiêu hóa (tiêm chích ma túy, truyền máu, quan hệ tình dục v.v.) và gây ra một cơn tương tự như viêm gan cấp tính được gây ra bởi HBV. Các kháng thể tác động đến HBsAg sẽ có dụng chống lại cả hai loại này, chấm dứt sự nhiễm khuẩn.

2) Bội nhiễm: Là nhiễm khuẩn HDV ở những người đã có nhiễm khuẩn HBV mạn tính (giống như 200 triệu người mang bệnh trên toàn thế giới). Điều này dẫn đến viêm gan cấp tính ở những người đã bị nhiễm HBV mạn tính. Nhiễm khuẩn HDV thường rất nghiêm trọng, với tỷ lệ viêm gan ác tính, xơ gan và tử vong cao hơn (5 – 15%). Những người mắc HBV mạn tính không thể tạo ra anti – HBsAg và do đó bị nhiễm khuẩn mạn tính với cả HBV và HDV.

Hiện nay, huyết thanh học không giúp được nhiều cho mục đích chẩn đoán bởi vì anti – HDV
IgM và IgG ở trong huyết thanh chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Vì chưa thể điều trị cho
nên kiểm soát được nhiễm khuẩn HDV hiện nay là cách duy nhất chống lại HDV.

 

Virus Viêm Gan C (HCV)

Viêm gan C là một bệnh lý đang nổi lên mà đã được công bố vào giữa năm 1990 và từng được gọi là “virus viêm gan không A, không B”, viêm gan C đang là nguyên nhân hàng đầu gây viêm gan mạn tính ở Mỹ. Các cuộc điều tra về huyết thanh cho thấy có khoảng 1,5% người Mỹ dương tính với HBC. Không giống như viêm gan B là chỉ có khoảng 10% số người bị phơi nhiễm với virus tiến triển thành viêm gan mạn tính, thì với HCV có tới 85% số người bị phơi nhiễm và mắc viêm gan cấp tính tiến triển thành viêm gan mãn tính. Hiện nay ở Mỹ viêm gan C mạn tính đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc phải cấy ghép gan (liver transplantation).

Lây Truyền

HCV là một loại virus ARN có dạng đa diện đều và có lớp vỏ bao ngoài trong họ flavivirus. Nó có một bộ gen có cấu trúc đơn giản với chỉ 3 đoạn gen tạo cấu trúc và 5 đoạn gen không tạo cấu trúc. Có một số kiểu gen bao gồm: 1, 2 và 3; nhưng kiểu gen 1 phổ biến nhất ở Mỹ. Những kiểu gen này rất hay thay đổi do cách ly địa lý và để chống lại các loại thuốc kháng virus. HCV được lây truyền ngoài đường tiêu hóa, với sự lây nhiễm chủ yếu là thông qua con đường tiêm chích ma túy.

Triệu Chứng

Thời gian ủ bệnh trong viêm gan C kéo dài 6 – 12 tháng. Nhiễm khuẩn cấp tính thường không biểu hiện, mặc dù có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân sẽ có các triệu chứng điển hình của cơn viêm gan cấp (sốt, buồn nôn, đau nhức cơ, mệt mỏi, đau hạ sườn phải và vàng da). Có tới 85% số bệnh nhân sẽ tiếp tục tiến triển thành viêm gan mạn tính. Trong số đó, có khoảng 20% sẽ tiến triển xơ gan.

Chẩn Đoán

Nhiễm khuẩn HCV được chẩn đoán bằng cách kiểm tra các kháng thể kháng HCV, chúng có
thể được phát hiện trong vòng 6 – 8 tuần sau khi bị phơi nhiễm hoặc vẫn tiếp xúc dương tính sau
đó. Một xét nghiệm dương tính thường được kiểm chứng bằng xét nghiệm miễn dịch thấm tái tổ
hợp (recombinant immunoblot assay – RIBA) hoặc bằng cách định lượng ARN HCV.

Điều Trị

Vì chỉ có một số ít bệnh nhân (~20%) có viêm gan mạn tính tiến triển thành xơ gan cho nên mấu chốt ở đây đó là làm sao xác định được những người này để tạo thuận lợi nhất cho việc điều trị. Mặc dù bất cứ ai bị nhiễm khuẩn đều có thể được xem xét cho điều trị, liệu pháp điều trị được chấp nhận rộng rãi vì phù hợp với những người ít nhất là 18 tuổi, được phát hiện đang có RNA HCV trong huyết thanh, kết quả sinh thiết gan cho thấy có viêm gan mạn tính và gan bị xơ hóa đáng kể. Cho đến nay chỉ có interferon và ribavirin là 2 loại được FDA cấp phép sử dụng trong điều trị viêm gan C mạn tính. Pegylated interferon alfa cùng ribavirin đã làm tăng tỷ lệ đáp ứng lên 30 – 45% trong kiểu gen 1 và 70 – 80% trong kiểu gen 2 và 3. Những con số tỷ lệ này có vẻ không đáp ứng được kỳ vọng cho một liệu trình điều trị với quá nhiều tác dụng và phải mất đến 48 tuần để xong một liệu trình; thậm chí tệ hơn đó là đa số người dân bị nhiễm kiểu gen 1. May mắn thay là có 2 loại thuốc kháng virus mới, telaprevir và boceprevir, có tác động lên kiểu gen 1 đã được phê duyệt vào năm 2011. Những loại thuốc này đang làm thay đổi nhanh chóng diện mạo trong điều trị viêm gan C. Telaprevir và boceprevir đều là những hoại chất gây ức chế protease (điều này được áp dụng tương tự trong điều trị HIV) do đó gây ức chế protease NS3 trong viêm gan C. Đáp ứng điều trị ở những người có nhiễm khuẩn viêm gan C kiểu gen 1 đang sử dụng các loại thuốc mới này cùng việc kết hợp với pegylated interferon và ribavirin đã thành công đến 60 – 80%. Đây là một cải thiện rõ rệt đến 30 – 45% kỳ vọng so với khi sử dụng pegylated interferon và ribavirin đơn độc. Điều này chỉ đang bắt đầu, một số loại thuốc đường uống mới đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, những loại thuốc mới này có hiệu quả trong việc chống lại nhiều loại kiểu gen và có thể được chỉ định mà không cần tới interferon.

 

Virus Viêm Gan E (HEV)

Virus viêm gan E thường còn được gọi là virus viêm gan không A (non – A hepatitis) bởi vì nó có hình dạng tương tự như HAV. HEV cũng được lây truyền qua đường phân – miệng, thường nhất là do sử dụng nguồn nước đã bị ô nhiễm vào những mùa mưa lũ. Chữ E trong Enteric (ruột). Loại virus này thường lưu hành ở Châu Á, Ấn độ, Châu Phi và Trung Mỹ.

 

Virus Viêm Gan G (HGV)

Virus viêm gan G là một loại virus ARN trong họ Flavivirus. Nó lây truyền qua việc truyền máu và đường ngoài tiêu hóa. Vẫn chưa có kết luận chắc chắn là loại virus này gây ra bệnh lý ở gan.

25.12. Bảng Tóm Tắt Virus Viêm Gan

 

 

Bài viết được dịch từ sách ” Clinical Microbiology made ridiculously simple 

Xem tất cả bài biết   tại: https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/vi-sinh-lam-sang/

Giới thiệu Lê Minh Thư

Check Also

[Xét nghiệm 57] Hormone kích thích tạo nang trứng (FSH)

HORMON KÍCH THÍCH TẠO NANG TRỨNG (FSH) (Folliculostimuline Hypophysaire / Follicular-Stimulating Hormone [FSH])   Nhắc …