Trong đại dịch COVID-19, con người chúng ta là những sinh vật khổng lồ, nhưng lại rất yếu đuối.
Khi những người bình thường đang sống trong một thế giới bất thường, gặp phải đại dịch, sẽ không tránh khỏi lo lắng và bối rối, chúng ta cùng nhau xúc động và mong chờ. Vào dịp tết Nguyên Đán năm Tân Sửu, dịch bệnh bùng phát có dấu hiệu mất kiểm soát ở Hải Dương, gần hai triệu người đối diện với hành trình bệnh tật và sinh tử, 63 tỉnh thành bị đe dọa.
Mọi thứ bỗng chốc thay đổi.
Nhưng đó cũng là thời điểm khắc họa những nét đẹp vô tận của tâm hồn người Việt.
Khi phải đối diện với những nguy cơ thất bại trong cuộc sống, thì mỗi người trong chúng ta, những người phi thường đang làm cho cuộc sống trở nên phi thường hơn, biến khủng hoảng của quốc gia dân tộc trở thành cơ hội, để chúng ta nắm tay nhau cùng tiến về phía trước.
Đại dịch COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nhất của thế giới trong đúng một thế kỉ.
Chủng vi rút biến thể Anh tấn công Hải Dương, với tốc độ lây lan khủng khiếp, phạm vi nhiễm trùng nhanh chóng lan rộng, công việc phòng chống và kiểm soát ở trong tình huống khó khăn nhất, dịch bệnh hoành hành với số ca nhiễm tăng chóng mặt, sức khỏe và tính mạng của người dân chưa bao giờ bị đe dọa nghiêm trọng như vậy.
Với lòng dũng cảm và kiên trì, người dân cùng với y tế và lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã vặn ngược kim đồng hồ, chạy đua với thời gian, phát động cuộc chiến tranh nhân dân, cùng nắm tay nhau chống lại bệnh tật, quyết tâm giành thắng lợi.
Dịch bệnh có thể diễn biến trong nhiều tháng.
Công việc của tháng đầu tiên này là kiềm chế sự lây lan của dịch, phát hiện những ca nhiễm trong cộng đồng và truy vết các Fn, sau đó là kiểm soát số ca bệnh mỗi ngày trong khu vực cách li phong tỏa, cuối cùng là những trận đánh tổng lực quét sạch các ổ dịch ở từng làng xã, lập lại trật tự sản xuất và đời sống, phát triển kinh tế xã hội.
Sẽ là phi thường nếu đầu tháng 3 Hải Dương khống chế hoàn toàn dịch bệnh.
Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của tỉnh Hải Dương thể hiện bản lĩnh, sức mạnh và trách nhiệm của mỗi người dân, của ngành y tế, của các đơn vị phối thuộc, của lãnh đạo tỉnh Hải Dương đối với cả nước.
Trong công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, Hải Dương đã thực hiện tốt nhiệm vụ phát hiện sớm, cách li sớm, điều trị sớm, bệnh nhân tập trung, chuyên gia tập trung, nguồn lực và vật lực tập trung. Hải Dương đã thần tốc xây dựng 3 bệnh viện dã chiến, mỗi bệnh viện chỉ mất 2 ngày, với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, tập trung những nguồn lực cần thiết nhất, những nhân sự giỏi nhất được tăng cường từ tuyến trung ương. Các doanh nghiệp, các bệnh viện, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức từ thiện, các lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân và đội ngũ y bác sĩ đã dũng cảm gánh vác những công việc nặng nhọc, xông lên xung trận, âm thầm cống hiến.
Từ những em sinh viên y khoa tạm rời ghế nhà trường thức dậy từ 5-6 giờ sáng lên đường đi chống dịch, cho đến Giám đốc Sở Xây dựng phải gửi hai con nhỏ cho thầy giáo cũ trông giúp để lao đi xây dựng những bệnh viện dã chiến xuyên tết Nguyên Đán; đó là những tấm gương, là những tượng đài đang hiện hữu mỗi ngày mỗi giờ, ở giữa tâm dịch nóng bỏng.
Người dân cả nước đang cổ vũ Hải Dương!
Cuộc giải cứu chưa từng có, hàng trăm tấn rau củ quả chuyển về Hà Nội, chỉ trong một buổi sáng đã tiêu thụ được 10 tấn nông sản. Tất cả mọi người đều nói cả nước đang chờ Hải Dương chiến thắng. Mùa xuân năm nay chúng ta không được cùng nhau ngắm hoa đào, tâm trí mọi người đều hướng về những ca bệnh đang điều trị, mỗi bệnh nhân không phụ lòng người dân cả nước, sẽ có những người bệnh tình nguyện hiến dòng máu và huyết thanh của mình sau khi điều trị khỏi.
Hải Dương nhất định thắng!
Việt Nam nhất định thắng!
Mỗi người dân Hải Dương nói riêng và người Việt nói chung, đều cùng nhận thức được tỉnh hình nghiêm trọng của dịch bệnh, không ngại gian khổ, không sợ nguy hiểm, bản lĩnh ngoan cường, không khuất phục, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống dịch bệnh, chủ động ngăn chặn dịch lây lan.
Nhân viên y tế Hải Dương cùng những nhân viên y tế tăng cường hoặc tình nguyện trong cả nước, họ khoác bộ trang phục màu trắng, nắm tay nhau đi ngược chiều, xung trận trở thành chiến sĩ nơi tuyến đầu, thắp lên ngọn lửa trong đêm đen dài dằng dặc vì dịch bệnh nghiêm trọng. Đó là những con người không có tết Nguyên Đán, không có mùa xuân, không có những giây phút quây quần bên gia đình đón năm mới. Chạy đua với thời gian, đã có những người ngã gục vì kiệt sức, nhưng khi tỉnh dậy việc đầu tiên họ nghĩ đến là bệnh nhân, là trách nhiệm công việc. Tâm thế mỗi cán bộ ngành y luôn coi dịch bệnh là cuộc chiến khốc liệt nhất, coi mình là một chiến sĩ, sẵn sàng tuân thủ mệnh lệnh, chủ động chiến đấu để giành chiến thắng. Với tình yêu dành cho nhân dân, tất cả y bác sĩ nơi tuyến đầu đã làm việc liên tục, vết khẩu trang hằn sâu trên khuôn mặt, thậm chí là lở loét bởi mồ hôi kéo dài, nhưng không một ai lùi bước, chiến đấu và chiến đấu.
Nhân viên y tế đã dùng máu thịt của mình tạo nên bức tường thép ngăn chặn vi rút!
Sinh mạng con người là tối thượng, quyền con người là giá trị trung tâm, hạnh phúc con người là nhu cầu cốt lõi. Chỉ có một kiếp người, mất đi sẽ chẳng bao giờ lấy lại được, vì thế mà công việc bảo vệ sức khỏe, bảo vệ tính mạng mỗi con người luôn là nhiệm vụ ưu tiên tuyệt đối, từ trẻ sơ sinh cho đến các cụ già trăm tuổi, từ người Việt cho đến người nước ngoài, tất cả đều được chăm sóc và bảo vệ cẩn thận.
Hải Dương đã gần 1 tháng kể từ khi dịch bùng phát.
Chủng vi rút biến thể Anh là nỗi khiếp sợ với bất cứ quốc gia nào, nước Anh đã đóng cửa hơn 3 tháng, vi rút vẫn không ngừng lây lan và gieo rắc sự chết chóc. Hải Dương đã kiên cường chống dịch. Con số vài chục ca nhiễm mỗi ngày, tỉ lệ nhiễm đến giờ phút này vẫn chỉ 0,03% dân số, với thế giới thì đó là một kì tích.
Hải Dương sẽ chiến thắng!
Việt Nam sẽ chiến thắng!
Chỉ một số người chưa thực sự hiểu biết về vi rút, chưa hiểu về đại dịch, mỗi ngày chỉ biết nhìn vào con số vài chục ca nhiễm; thì những người đó mới chê trách và kì thị Hải Dương.
Tôi tin hôm nay sẽ có thêm nhiều tỉnh quyết định cho học sinh trở lại lớp học!
BS. Trần Văn Phúc