Ngày hôm qua, Cục Quản lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp (issued an emergency use authorization) cho sản phẩm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson sử dụng trên người từ 18 tuổi trở lên. Sau vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer&BioNTech và Moderna thì đây là vaccine thứ 3 được FDA cấp phép sử dụng ở Mỹ.
Khác với 2 loại vaccine được cho phép sử dụng trước đó được sản xuất dựa trên công nghệ mRNA, một loại vật liệu di truyền, vaccine của hãng Johnson & Johnson sử dụng một loại virus thuộc nhóm Adenovirus, loại virus này vô hại và không có khả năng sinh sản (nhân lên) trong tế bào người. DNA của virus được thiết kế để mang mã di truyền protein S của virus SARS-CoV-2. Khi Adenovirus này xâm nhập vào tế bào, chúng sử dụng mã di truyền đó để tạo ra protein S và kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể nhận biết virus SARS-CoV-2.
Một ưu điểm của vaccine này là được thiết kế để chỉ chích một mũi duy nhất, tuy nhiên so với các 2 loại vaccine trước đó với hiệu quả bảo vệ trên 90% thì dựa trên tất cả kết quả thử nghiệm lâm sàng ở các nước trên khắp thế giới (tổng số người tham gia gần 44 ngàn người) thì khả năng bảo vệ chung của vaccine này sau ngày thứ 28 của mũi chích ngừa chỉ khoảng 66% (28 ngày là thời gian cần để vaccine kích hoạt hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể). Nếu phân tích riêng theo vị trí địa lý, thì hiệu quả bảo vệ của vaccine đạt 72% ở Mỹ, 66% ở Nam Mỹ và 57% ở Nam Phi. Hiệu quả bảo vệ thấp hơn thấy ở Nam Phi được cho rằng khi thử nghiệm lâm sàng này được tiến hành thì chủng đột biến B.1.351 đang xuất hiện và lan rộng ở vùng đó. Để tăng hiệu quả bảo vệ công ty cũng đang thử nghiệm chích vaccine với 2 liều, cách nhau 8 tuần. Dự kiến kết quả từ thử nghiệm này trên 30 ngàn người sẽ có trong khoảng tháng 5 năm nay.
Ngoài ra, ưu điểm khác của vaccine này là có thể bảo quản tốt ở nhiệt độ có ở các tủ lạnh bình thường. Vaccine có thể duy trì ổn định trong hai năm ở -20°C (nhiệt độ ngăn đông) và ít nhất ba tháng khi ở nhiệt độ 2-8°C (nhiệt độ ngăn mát). Do vậy, vaccine sẽ dễ dàng hơn trong quá trình vận chuyển và phân phối đến các vùng xa, nơi không có đủ điều kiện để có các tủ lạnh với nhiệt độ -80°C.
Việc virus tồn tại trong cộng đồng với số lượng nhiều trong thời gian dài sẽ tạo cho chúng “cơ hội” để tiếp tục tiến hóa tạo ra các chủng đột biến mới có thể tránh né các tác dụng miễn dịch trước đó của người đã nhiễm hoặc người đã được chích vaccine. Do vậy, việc “dập dịch” càng sớm sẽ càng giảm được nguy cơ này. Mỹ hiện nay có dân số khá lớn với hơn 300 triệu người. Việc chích vaccine tuy được bắt đầu từ rất sớm nhưng chỉ mới đạt hơn 20% người được chích ngừa do tốc độ sản xuất vaccine của Pfizer&BioNTech và Moderna vẫn chưa đáp ứng đủ. Việc cho phép sử dụng vaccine của hãng Johnson & Johnson có thể sẽ thúc đẩy nhanh hơn việc tạo miễn dịch cộng đồng (cần khoảng 70% người miễn nhiễm với COVID-19) và hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiềm chế.
Bảo trọng nhe bà con,
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Thông tin tham khảo:
TS. Nguyễn Hồng Vũ