=====
Mấy hôm nay, câu chuyện một số hộ dân ở chung cư tại Việt Nam mắc Covid-19 khi ở gần nhau, cùng trục đứng, cùng block. Bài viết này phân tích virus Sars-Cov-2 có thể lây nhiễm theo hệ thống thông gió dọc hoặc ngang, lây nhiễm từ các tiếp xúc khác, và một số biện pháp cải thiện thông gió để giảm rủi ro lây nhiễm từ CDC.
# Lây nhiễm Covid-19 qua đường thông gió đã xảy ra trước đây tại Hàn Quốc và Hong Kong
– Tháng 12/2020, Hàn Quốc công bố loạt ca lây nhiễm Covid-19 tại một chung cư ở Seoul (1), mở đầu cho các nghiên cứu kỹ hơn về lây truyền Covid-19 qua các giọt bắt và giọt li ti trong không khí. Bài nghiên cứu này chỉ ra những căn hộ khi dùng chung hệ thống thông gió có thể dễ lây nhiễm virus Sars-Cov-2 cho nhau. Các hộ bị lây nhiễm có thể ở trên hay ở dưới, tùy theo luồng phát tát của không khí có chứa các hạt li ti. Tại Hong Kong cũng công bố loạt ca nhiễm nghi ngờ lây truyền qua đường thông gió (2)
– Lưu ý là virus Sars-Cov-2 có kích thước rất nhỏ, bên trong virus là một chuỗi di truyền đơn RNA được đóng gói trong một lớp màng mỡ mỏng. Vì vậy, khi bị phát tán ra ngoài không khí, các virus này thường nằm dưới dạng các hạt li ti. Ở nơi có gió và nắng, các hạt li ti này nhanh chóng tan đi, khiến virus “rã” ra và bất hoạt (lưu ý virus Sars-Cov-2 không phải là vật thể sống, virus cần vật chủ để tồn tại và nhân bản). Vì vậy, ngoài đường nơi thoáng mát không khí sẽ ít có virus Sars-Cov-2 tồn tại. Đây cũng là lý do xịt khử khuấn ngoài đường không hiệu quả vì không có virus trong đó.
– Ờ các khu chung cư, nhất là nơi có mật độ nhiều người chung sống và thông gió kém. Khi có người bị nhiễm, virus Sars-cov-2 có thể phát ra ngoài không khí qua các hạt li ti nếu người bệnh hắt hơi, nói chuyện to, hay cười nói. Virus Sars-Cov-2 từ đó phát tán theo đường thông gió lên hay xuống tùy theo mùa dựa theo nguyên lý Stack.
# Hệ thống thông gió tự nhiên (giếng trời) và hiệu ứng Stack
– Dân học kiến trúc đều quá quen với hiệu ứng Stack Effect (3), là nguyên lý cơ bản của thông gió tự nhiên (air flow) dựa vào sự khác biệt về nhiệt độ (và áp lực ) giữa hai nơi. Vào mùa đông, khi nhiệt độ ngoài trời lạnh hơn trong nhà, không khí nóng do nấu nướng, dùng dụng cụ bên trong nhà sẽ bay lên cao. Vào mùa hè, khi không khí bên ngoài nóng hơn, thì không khí có thể chạy ngược vào trong, đi xuống bên dưới (Reverse Stack Effect).
– Tóm lại, tùy vào nhiệt độ chênh lệch mà không khí sẽ di chuyển theo các hướng khác nhau. Điều này cũng giải thích vì sao có thể lây nhiễm ngang giữa những căn hộ cùng tầng với nhau, không nhất thiết phải cao hay thấp.
# Thông gió đầy đủ là chìa khóa quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh Covid-19
– Các nghiên cứu sau này chỉ ra thông gió đầy đủ là một yếu tố quan trọng để phòng nhiễm virus Sars-Cov-2 (4). Tùy vào vào vị trí phòng ngủ, tùy vào căn hộ, tùy vào hướng gió, thời tiết, mà mỗi người có thể tìm ra cách tối ưu hóa hệ thống thông gió. Nguyên tắc là tạo ra nguồn không khí di chuyển liên tục, lấy không khí sạch tự nhiên bên ngoài vào, và đưa không khí bên trong nhà ra ngoài.
– Thông gió tốt cũng giảm các bệnh hô hấp, các bệnh mãn tính khác như tim mạch, và cải thiện tinh thần của bệnh nhân. Thông gió tốt cũng cải thiện vệ sinh bề mặt, giảm thêm rủi ro lây nhiễm virus.
# Khuyến cáo từ CDC để cải thiện thông gió (5)
– CDC khuyến cáo kết hợp thông gió với các bệnh pháp phòng dịch khác, tạo ra nhiều lớp để ngăn ngừa bệnh Covid-19. Trong nhà, mật độ virus Sars-Cov-2 từ người nhiễm bệnh Covid-19 cao hơn nhiều so với ngoài trời. Một luồng gió nhẹ cũng có thể làm giảm nhiều mật độ virus.
– Mở thoáng các cửa sổ và cửa đi ra ngoài tự nhiên để lấy không khí sạch
– Gắn thêm quạt để thổi không khí. Lưu ý không vặn quạt tốc độ cao, không nhắm quạt vào người hay nhà khác. Nhắm quạt vào các khoảng mở trong nhà. Cách đơn gỉan là đặt môt quạt ở bệ cửa sổ, hút hơi từ trong phòng ra ngoài và mở một cửa sổ khác để không khí tự nhiên đi vào.
– Chỉnh sửa và thay thế hệ thống máy lạnh để tối ưu hóa luồng gió, tạo ra sự di chuyển không khí liên tục
– Dùng bộ lọc khí, đặc biệt là hệ thống HEPA ( high-efficiency particulate air) do EPA (Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ) khuyến cáo để lọc và tăng chất lượng không khí
– Dùng tia UV-C (UVGI) để khử khuẩn bề mặt khi không có nhiều lựa chọn trong thông gió (7)
# Lây nhiễm trong chung cư cũng có thể từ các yếu tố khác như tiếp xúc gần hay tiếp xúc bề mặt
– Trong những bài phân tích trước, tôi có chỉ ra virus Sars-Cov-2 có thể tồn tại trên các bề mặt kim loại, giấy, hay nhựa trong nhiều giờ. Vì vậy, các không gian công cộng trong chung cư cần cũng như các nơi dễ tiếp xúc như nắm cửa, hành lang, đều có thể là nơi lây nhiễm virus.
– Vì vậy, kết hợp làm thông thoáng với giữ vệ sinh nơi công cộng, khử khuẩn các bề mặt thường tiếp xúc là một bước quan trọng khác.
– Các bài nghiên cứu về lây nhiễm ở chung cư thường xảy ra ở chung cư cũ. Các chung cư mới xây gần đây cải thiện khả năng thông thoáng tốt hơn.
# Tóm lại
– Virus Sars-cov-2 lây nhiễm dễ hơn ở trong nhà và có thể lây nhiễm ở những nơi đông đúc dùng chung hệ thống thông gió
– Thông gió đầy đủ là một biện pháp hiệu quả để giảm lây nhiễm virus Sars-cov-2
– Làm sạch bề mặt các nơi dễ tiếp xúc là biện pháp cơ bản khác giúp giảm lây lan nhiễm bệnh.
13/08/2021
BS Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ
Tham khảo