[COVID-19] Nguy cơ nhiễm Covid ngoài trời như thế nào?

Rate this post
ĐẠI DỊCH ĐÃ QUAY TRỞ LẠI, nguy cơ nhiễm Covid ngoài trời như thế nào?
🙏 🙏 🙏
Vào thời điểm này năm ngoái ở châu Âu và Mỹ, những hình ảnh mọi người đổ xô đến bãi biển và chen chúc nhau dưới những chiếc ô che nắng, nó xuất hiện thường xuyên trên báo chí và mạng xã hội. Đó là hình ảnh khiến các chuyên gia y tế và cơ quan công quyền tuyệt vọng, dấy lên sự lo ngại về một thảm họa nhân đạo do dịch bệnh Covid bùng phát từ chính những bãi biển ấy.
Nhưng bây giờ đã có sự khác biệt.
Mặc dù dịch bệnh vẫn đang hoành hành dữ dội, vậy nhưng mùa hè năm nay chính quyền phương Tây không chỉ cho phép mở cửa các bãi biển có sự kiểm dịch chặt chẽ, mà còn mở cửa các khu vui chơi hoạt động ngoài trời, như công viên, quảng trường, sân vận động và thậm chí cả trên đường phố.
✍ ĐIỀU GÌ LÀM CHO CHÍNH QUYỀN thay đổi như vậy?
Vi-rút SARS-CoV-2 quá nhỏ bé, kích thước chỉ 80nm, nhỏ bé nhất trong số tất cả các loài vi sinh vật trên trái đất này. Vì thế mà nó bám được vào các hạt bụi hay các giọt mịn siêu vi, bay lơ lửng trong không khí với thời gian có thể lên tới ba tiếng đồng hồ, thậm chí cả tuần.
Con người hít phải những hạt chứa vi-rút có thể mắc Covid.
Bởi vậy mà trên các bãi biển, hay những không gian công cộng có nhiều người qua lại, vi-rút sẽ phát tán ra môi trường bám lên hạt siêu vi, nó đe dọa bùng phát thành những ổ dịch lớn mất kiểm soát.
Bãi biển đông người là nỗi sợ hãi suốt năm 2020.
Công viên hay những nơi công cộng đều phải cấm.
Nhưng thật kì lạ, kể từ khi đại dịch xảy ra đến nay, nhiều bãi tắm ở Mỹ và châu Âu chật cứng người nhưng chưa có nơi nào bùng phát thành những ổ dịch lớn. Cơ sở dữ liệu của Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London cũng cho thấy 96% báo cáo các ổ dịch trên thế giới xảy ra trong nhà, chỉ rất ít xảy ra ngoài trời nhưng tập trung chính tại các hội chợ và các cuộc biểu tình.
Các chuyên gia đều khẳng định:
👉 Covid chủ yếu lây nhiễm trong nhà.
👉 Covid rất ít có khả năng lây ngoài trời.
👉 Covid rất ít có khả năng lây ở bãi biển.
👉 Covid rất ít có khả năng lây ở công viên.
Giáo sư Linsey Marr là chuyên gia về lây truyền vi-rút trong không khí tại Virginia Tech, cho biết: “Bãi biển và công viên là một trong những nơi an toàn nhất mà bạn có thể tụ tập – Beaches and parks are some of the safest places you can gather”.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Muge Cevik, giảng viên lâm sàng bệnh truyền nhiễm và vi rút tại trường Đại học St. Andrews cho rằng, những bức ảnh chụp các bãi biển đông đúc trong đại dịch đã khiến nhiều người hiểu sai, rằng công viên và bãi biển sẽ không an toàn, thực tế nguy cơ lây truyền bệnh trong nhà cao hơn nhiều.
✍ GIỚI KHOA HỌC NÓI GÌ?
Vào ngày 11 tháng Tư năm 2021, năm thành viên hàng đầu của Hiệp hội Nghiên cứu Hạt mịn (Association for Aerosol Research – GAeF) đã viết một bức thư ngỏ gửi cho chính phủ và Thủ tướng Đức Angela Merkel, cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Jens Spahn.
Trong thư viết rằng: “Vi rút SARS-CoV-2 lây truyền chủ yếu diễn ra trong nhà. Lây truyền ngoài trời là cực kì hiếm và không bao giờ dẫn đến nhiễm trùng thành cụm như có thể quan sát thấy trong nhà.”
Khi báo chí Đức hỏi về nội dung bức thư ngỏ, Viện Robert Koch (RKI) không bày tỏ quan điểm, tuy nhiên, RKI cũng cho rằng “Nhìn chung, việc lây truyền ngoài trời là hiếm khi xảy ra. Nếu duy trì khoảng cách tối thiểu, xác suất lây truyền ngoài trời là rất thấp do luồng đối lưu không khí.”
Các nhà khoa học cho rằng, khi một người mang vi rút ở ngoài trời, gió sẽ nhanh chóng pha loãng các hạt siêu mịn, nắng sẽ làm khô nhanh, tia cực tím phá hủy vi rút; đó chính là lí do để Covid rất hiếm khi lây nhiễm ngoài trời.
Ngay cả khi các vi rút đột biến có khả năng siêu lây lan, theo các nhà vi rút học, cơ chế vật lí vẫn không đổi, khả năng lây nhiễm Covid ngoài trời là vô cùng thấp.
Để hiểu Covid lây truyền ngoài trời thấp đến mức nào, nhà nghiên cứu Franco Belosi người Ý đã thiết lập mô hình toán học, tính thời gian một người có thể bị nhiễm bệnh khi ở ngoài trời tại thành phố Milan và thành phố Bergamo.
Belosi và cộng sự đã xây dựng một viễn cảnh nghiệt ngã: quần thể có 10% dân số bị Covid. Kết quả tính toán, một người ở nơi công cộng ngoài trời tại thành phố Milan phải hít thở không khí trung bình 31,5 ngày mới đủ tải lượng vi rút để mắc bệnh Covid. Cũng như vậy, một người ở thành phố Bergamo sẽ phải hít thở trung bình 51,2 ngày mới bị mắc bệnh Covid.
Theo nghiên cứu của Belosi, lượng vi rút ở những nơi công cộng ngoài trời tính theo mô hình toán học là rất thấp, ngay cả khi dân số 25% bị nhiễm bệnh, thì mỗi mét khối không khí chỉ dưới 1 con vi rút, nên khả năng lây nhiễm ngoài trời rất hiếm khi xảy ra.
Belosi kết luận: “Xác suất lây truyền qua đường hô hấp do các hạt mịn trong không khí ở điều kiện ngoài trời quá thấp, ngoại trừ các khu vực công cộng đông người”.
✍ KHI NÀO THÌ NGOÀI TRỜI NGUY HIỂM?
Vẫn biết các hạt chứa vi rút ở ngoài trời sẽ nhanh chóng bị gió pha loãng, nhanh chóng bị nắng sấy khô, nhanh chóng bị tia cực tím phá hủy, làm cho khả năng lây nhiễm rất thấp; nhưng vẫn có rủi ro.
Một bài báo của Hiệp hội Sol khí, được ký bởi Wehner và cộng sự, nói rằng không thể loại trừ nhiễm Covid khi có nhiều người tụ tập thành nhóm lớn mà không giữ khoảng cách vừa đủ.
Điều đó có nghĩa rằng, khoảng cách an toàn 1,5 đến 2 mét là rất quan trọng, ngay cả khi ở ngoài trời.
“Nếu chúng ta không giữ khoảng cách này, mà cứ nhìn mặt nhau để nói chuyện, hát, la hét, thậm chí khạc nhổ, thì chúng ta dù không có nguy cơ nhiễm trùng từ sol khí, nhưng lại có nguy bị lây nhiễm từ những giọt bắn” – nhà vi rút học người Đức Alexander Kekule cho biết.
Kekule là cha đẻ của các biện pháp ngăn chặn bùng phát Covid ở Đức.
Theo Kekule, việc đi lướt qua thậm chí thường xuyên với một người bị nhiễm Covid ở ngoài trời, khả năng lây nhiễm cũng rất thấp. Nhưng ôm hôn thì ngược lại, nên tránh!
✍ VÀI Ý KIẾN CỦA TÔI
Đã qua kì nghỉ lễ 4 ngày, dịch Covid vừa tấn công trở lại, trong kì nghỉ tràn ngập những hình ảnh bãi biển đông người, những khu vui chơi giải trí ngoài trời như công viên nước Hồ Tây, vườn bách thú ở Hà Nội cũng đông nghịt.
Nhiều người lo sợ bãi biển và các khu vui chơi công cộng ấy sẽ bùng phát Covid mất kiểm soát.
Tôi đã viết một bài trước, nói rằng theo những gì tôi được biết từ kiến thức vi rút, từ những nhà khoa học trên thế giới, thì khả năng những hoạt động ở nơi công cộng đó không tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm.
Hầu hết mọi người không đồng tình.
Để rõ hơn tôi xin dẫn lại nhận xét của Viện Robert Koch nổi tiếng ở Đức: cuộc tranh luận không nên chỉ tập trung vào nguy cơ lây nhiễm bệnh ngoài trời, nơi công viên, khu vực dành cho người đi bộ; mà còn cả phải xem xét cả hành trình đến đó, chẳng hạn bằng đi bằng xe buýt hoặc xe lửa.
Tôi cho rằng, trong một chuỗi mắt xích, cần phân biệt đâu là nguy cơ thấp, đâu là nguy cơ cao; để từ đó tập trung can thiệp phòng chống dịch phù hợp.
Ví dụ với du lịch biển, theo tôi, sẽ phân ra ba mắt xích.
👉 Bãi tắm và các hoạt động ngoài trời: nguy cơ lây nhiễm rất thấp.
👉 Các hoạt động trong nhà (vũ trường, bar, karaoke, nhà hàng ăn uống có máy lạnh): nguy cơ lây nhiễm rất cao.
👉 Vận chuyển hành khách bằng phương tiện công cộng (xe khách, xe buýt, tàu hỏa, máy bay): nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Như vậy, với bãi tắm, chỉ cần giãn cách giữa những người xa lạ với nhau, giữa những nhóm xa lạ với nhau. Khoảng cách gần dưới 1,5 mét thì bắt buộc phải đeo khẩu trang nếu như ngồi hoặc đi trên bãi cát. Thường xuyên có phương tiện theo dõi đám đông, nhắc nhở bằng loa hoặc nhân viên công vụ. Hạn chế sử dụng nhà tắm công cộng, nhà vệ sinh công cộng.
Với vũ trường, bar và karaoke, theo những hiểu biết của tôi nếu trong 2 tuần có ca lây nhiễm ngoài cộng đồng, thì nên dừng hoạt động. Các nhà hàng bắt buộc phải tuân thủ giữ khoảng cách an toàn.
Với phương tiện vận chuyển, khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân. Riêng phương tiện công cộng, phải có biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ, tuân thủ phòng vệ cá nhân.
Nghĩa là, hoạt động du lịch biển hoàn toàn có thể thực hiện trong lúc dịch bệnh đang diễn ra, nhưng phải tách từng mắt xích, có biện pháp phòng chống dịch thích hợp với từng mắt xích ấy. Tập trung vào phòng chống dịch ở phương tiện vận chuyển và trong nhà, chứ không phải cứ nhìn vào bãi biển đông đúc mà hoảng sợ, quyết định đóng cửa bãi biển.
Cũng như vậy với những hoạt động ngoài trời khác.
Triển khai du lịch hay các hoạt động ngoài trời, cũng là một biện pháp chống dịch, bởi những hoạt động đó giúp cho người dân giảm stress, nâng cao tinh thần và thể trạng, nghĩa là nâng cao sức đề kháng để chống lại vi rút.
✍ TỪ KHÓA KIỂM CHỨNG BÀI VIẾT
👉 Linsey Marr, expert on airborne virus transmission at Virginia Tech: “Beaches and parks “are some of the safest places you can gather”.
👉 London School of Hygiene and Tropical Medicine: Rapid synthesis of evidence on settings which have been associated with SARS-CoV-2 transmission clusters.
👉 Association for Aerosol Research (GAeF): Offener Brief Ansteckungsgefahren aus Aerosolwissenschaftlicher Perspektive.
👉 Robert Koch Institut: Epidemiologischer Steckbrief zu SARS-CoV-2 und COVID-19. Stand: 19.4.2021
👉 Franco Belosi: On the concentration of SARS-CoV-2 in outdoor air and the interaction with pre-existing atmospheric particles.
(Tôi xin liệt kê những từ khóa để bạn đọc kiểm chứng lại những nội dung tôi đã viết).
Advertisement

Giới thiệu Thuha

Check Also

[Chia sẻ] Sỏi mật: Từ phòng ➠ Chữa bệnh

Sự hình thành sỏi mật liên quan mật thiết đến gan, túi mật, ống mật, …