[COVID-19] Tại sao phụ nữ cho con bú nên được chích vaccine COVID-19?

Rate this post
Trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng pha 3 của các loại vaccine COVID-19 không có nhóm phụ nữ mang thai và cho con bú. Do vậy, số liệu nghiên cứu trên nhóm người này khá hạn chế dẫn đến những động thái lưỡng lự trong thời gian qua của các tổ chức y tế về việc quyết định có nên hay không chích ngừa vaccine COVID-19 cho nhóm người này. Tuy nhiên, cho đến hiện nay đã có một số nghiên cứu cho thấy rằng phụ nữ cho con bú nên được chích vaccine COVID-19 vì những lợi ích của nó mang lại.
Như chúng ta biết thì một số loại thuốc không được khuyên dùng trong thời kỳ cho con bú vì chúng có thể truyền qua sữa mẹ và ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh. Ví dụ, các bà mẹ cho con bú không nên dùng aspirin liều cao; ngay cả sau khi dùng liều thấp, các bà mẹ được cảnh báo nên theo dõi trẻ về các dấu hiệu bầm tím và chảy máu. Một số loại vaccine cũng được xem là có nguy cơ cho nhóm này như vaccine ngừa sốt vàng (yellow-fever vaccine) được làm từ virus sống đã làm yếu. Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyên các bà mẹ cho con bú không nên chích vaccine sốt vàng trong thời gian cho con bú vì lo rằng virus có thể truyền qua đường sữa mẹ và ảnh hưởng xấu đến trẻ.
Tuy nhiên, các vaccine COVID-19 đang được sử dụng hiện nay cho thấy khá an toàn với bà mẹ cho con bú. Vaccine sử dụng mRNA như của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna cho thấy rất an toàn vì mRNA là phân tử không bền, rất dễ bị phân hủy sau khi đưa vào người và trình diện kháng nguyên S cho tế bào miễn dịch. Nhóm nghiên cứu của Golan ở đại học California ở San Francisco sử dụng kỹ thuật RT-PCR để kiểm tra lượng mRNA có trong sữa từ người mẹ được chích ngừa bằng vaccine của Moderna hoặc Pfizer (sau khoảng 4-48 giờ) nhưng không thấy được bất cứ lượng mRNA nào từ vaccine. Ngoài ra, những loại vaccine được làm từ Adenovirus như AstraZeneca hoặc Jassen (Johnson & Johnson) cho đến hiện nay cũng cho thấy khá an toàn vì chúng đã được biến đổi gen để không thể sinh sản trong cơ thể người và cũng chưa có bằng chứng nào cho thấy chúng có thể truyền qua sữa mẹ qua con bằng đường chích ngừa. Nói tóm lại, các thông tin khoa học cho đến hiện nay cho thấy các loại vaccine COVID-19 kể trên khá an toàn cho các bà mẹ cho con bú.
Vấn đề chích vaccine cho bà mẹ đang cho con bú, ngoài vấn đề lợi ích phòng ngừa bệnh COVID-19 cho mẹ thì lợi ích còn có thể cho đứa con đang bú mẹ. Các nghiên cứu khoa học hiện nay cho thấy kháng thể được tạo ra từ người mẹ sau khi chích vaccine COVID-19 có thể được truyền qua dòng sữa này để đến được đứa con. Kháng thể trong sữa này có thể ổn định trong suốt thời gian vaccine có hiệu lực và khá tương đồng với lượng kháng thể có trong máu của người được chích ngừa. Nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học ở đại học Washington ở St. Louis cho thấy những các kháng thể IgG, IgA kháng SARS-COV-2 có thể tìm thấy trong sữa mẹ của những người đã chích vaccine của Pfizer/BioNTech là đến 8 tháng. Một nghiên cứu khác ở Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) cũng cho thấy kết quả tương tự trên vaccine mRNA của Moderna.
Các nhà nghiên cứu từ lâu đã biết rằng trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu đời không sản xuất được các kháng thể để chống lại vi khuẩn và virus có hại một cách hiệu quả cho đến khi chúng đạt 3 hoặc 6 tháng tuổi. Do vậy, việc cho con bú sữa mẹ trong giai đoạn này ngoài việc cung cấp dinh dưỡng còn giúp cung cấp các kháng thể để tạo một hệ miễn dịch thụ động cho bé chống lại các mối đe dọa tiềm ẩn. Trong đại dịch COVID-19, dựa trên các số liệu hiện có cho đến nay, chúng ta thấy rằng hều hết các trẻ em (dưới 18 tuổi) đều mắc bệnh COVID-19 với triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, trong nhóm này thì trẻ dưới 2 tuổi thì có tỉ lệ nhập viện cao hơn, có thể do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh. Do vậy, các nhà khoa học hy vọng rằng việc truyền kháng thể từ mẹ đã được chích ngừa sang cho con sẽ giúp cải thiện tỉ lệ bệnh nặng ở trẻ sơ sinh.
Advertisement
Tóm lại, mặc dù các nghiên cứu trong lĩnh vực này vẫn chưa có nhiều để làm sáng tỏ tất cả các thắc mắc liên quan đến việc chích ngừa vaccine COVID-19 ở bà mẹ đang cho con bú nhưng một số các nghiên cứu gần đây đã cho thấy tính an toàn và lợi ích cho cả mẹ và con. Cho tới hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy điểm đáng lo ngại trong việc này, vì thế các tổ chức y tế trên thế giới vẫn đang khuyến khích bà mẹ cho con bú nên chích ngừa vaccine COVID-19 nếu đến lượt của mình và không cần phải dừng cho con bú sữa sau khi chích vaccine.
Hy vọng các thông tin trên sẽ giúp cho các bà mẹ đang cho con bú có sự lựa chọn tốt cho mình trong đại dịch này.
Bảo trọng nhe bà con,
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Tài liệu tham khảo:
https://www.nature.com/articles/d41586-021-01680-x#ref-CR8 (COVID vaccines and breastfeeding: what the data say)
https://www.medrxiv.org/con…/10.1101/2021.03.05.21252998v1 (COVID-19 mRNA vaccine is not detected in human milk)
Doria-Rose N, et al. Antibody Persistence through 6 Months after the Second Dose of mRNA-1273 Vaccine for Covid-19. N Engl J Med. 2021 Jun 10;384(23):2259-2261. (https://www.nejm.org/doi/10.1056/NEJMc2103916)
Kelly JC, et al. Anti-severe acute respiratory syndrome coronavirus 2 antibodies induced in breast milk after Pfizer-BioNTech/BNT162b2 vaccination. Am J Obstet Gynecol. 2021 Jul;225(1):101-103. (https://www.ajog.org/article/S0002-9378(21)00211-8/fulltext)
Kim L, et al.. Hospitalization Rates and Characteristics of Children Aged <18 Years Hospitalized with Laboratory-Confirmed COVID-19 – COVID-NET, 14 States, March 1-July 25, 2020. MMWR Morb Mortal Wkly Rep. 2020 Aug 14;69(32):1081-1088. (https://www.cdc.gov/mmwr/volumes/69/wr/mm6932e3.htm…)
TS. Nguyễn Hồng Vũ

Giới thiệu Lê Hồng Thắm

Check Also

[Thảo luận] Corticosteroid – Câu chuyện con dao hai lưỡi

        Corticoid hay tên gọi đầy đủ là Corticosteroid là một hợp …