– 17 bệnh nhân.
– 18 người nhà.
– 5 nhân viên y tế.
– 2 khác…
Tổng cộng = 42 ca nhiễm Covid.
Hà Nội vừa thực hiện mở cửa vừa được 9 ngày, vào chiều 30 tháng 9, Bệnh viện Việt Đức phát hiện một ca Covid-19 là trường hợp người nhà đi nuôi bệnh nhân.
Cùng ngày Medlatec phát hiện 6 ca.
Điều đó cho thấy, ngay cả khi đã tiêm chủng gần 100% dân số, tất cả trẻ dưới 18 tuổi chưa tiêm vaccine đều phải ở nhà, xét nghiệm sàng lọc toàn bộ dân số, thì mục tiêu Zero COVID chỉ là câu chuyện huyền thoại.
Trong số 6 ca phát hiện ở Medlatec, có 1 ca chỉ số CTvalue = 15 chứng tỏ mới nhiễm; còn lại 1 ca CT = 36 và 4 ca CT = 38, theo logic thì năng rất cao những ca này đã nhiễm bệnh hơn 15 ngày, tức là trước Trung thu 21 tháng 9.
Chỉ số CT là con số biết nói.
Xét nghiệm PCR là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán Covid-19, trong đó CT là một chỉ số định lượng có bao nhiêu virus trong mẫu bệnh phẩm, thay vì chỉ xem xét mẫu đó âm tính (-) hay dương tính (+).
Sinh học phổ thông đã được học, phân tử ADN là chuỗi xoắn kép hai mạch đơn, nên sẽ bền vững và ổn định hơn rất rất nhiều so với ARN một mạch đơn. Xét nghiệm PCR là phát hiện ADN. Trong khi virus SARS-CoV-2 có bộ gen là ARN, nên để xét nghiệm PCR thì bắt buộc phải thực hiện tổng hợp gen ARN của virus thành ADN, hay còn gọi là phản ứng phiên mã ngược.
Hiểu một cách đơn giản, vật liệu di truyền giống như chiếc khoá quần, nếu kéo xuống mở khoá sẽ tạo thành hai chuỗi đơn chính là ARN của virus, kéo lên đóng khoá chính là ADN hoàn chỉnh.
Từ 1 virus sẽ nhân lên thành 2.
Nhưng vì SARS-CoV-2 quá nhỏ, chỉ bằng một phần mười so với virus cúm, để phát hiện được nó thì phải nhân lên thành nhiều lần. Mỗi lần nhân lên được gọi là CTvalue. Tiếng Anh đầy đủ “Cycle Threshold Value”, viết tắt là CT, dịch là tiếng Việt là “giá trị ngưỡng chu kì”.
Giả sử trong mẫu có 1 virus ta sẽ có:
CT = 1: số virus tạo ra = 2 (tức là 2^1)
CT = 2: số virus tạo ra = 4 (tức là 2^2)
CT = 3: số virus tạo ra = 8 (tức là 2^3)
….
CT = 34: số virus tạo ra = 17.179.869.184 (tức là 2^34)
Tổng số virus = 2^1 + 2^2 + 2^3 +…+ 2^34
Đây là một dãy số hình học, ở bài viết trước tôi đã nói về cách tính tổng này, sau khi cộng sẽ có kết quả 177.989.186.184 (một trăm bảy mươi bảy tỉ, chín trăm tám chín triệu, một trăm tám sáu ngàn, một trăm tám tư virus).
CT = 34 được sử dụng làm tiêu chuẩn.
Nghĩa là khi xét nghiệm PCR, số lượng virus trong mẫu bệnh phẩm ít, nên phải thực hiện các chu kì CT đến mức phát hiện được thì dừng lại. CT càng thấp tải lượng virus càng cao. Giới hạn số chu kì CT = 34, một số quốc gia trên thế giới có thể lấy mốc CT = 38, nhưng với chỉ số CT trên 34 thì khả năng dương tính giả khoảng 30% số trường hợp.
Nếu một người bị nhiễm virus, họ được làm xét nghiệm PCR từ ngày đầu tiên cho đến ngày khỏi bệnh, thì chỉ số CT cũng một theo đường cong.
✓ Giai đoạn cửa sổ: Khoảng 4 ngày đầu tiên, CT giảm dần từ 40 đến 35, tải lượng virus rất thấp nên không lây nhiễm.
✓ Giai đoạn ủ bệnh: Khoảng 3 ngày tiếp theo không có triệu chứng, CT giảm tiếp từ 34 đến 30, tải lượng virus vẫn thấp nên không lây.
✓ Giai đoạn lây nhiễm mạnh: Khoảng 9 ngày, CT giảm từ 29 đến đỉnh cực tiểu là khi tải lượng virus lớn nhất, sau đó lại tăng dân lên tới 29.
✓ Giai đoạn thuyên giảm: Khoảng 4 ngày, CT tăng từ 30 đến 34, tải lượng virus thấp đến mức gần như không lây nhiễm.
✓ Giai đoạn không triệu chứng: Khoảng 3 ngày, CT tăng từ 35 đến 40, tải lượng virus quá thấp, virus coi như không hoạt động, nên không có khả năng lây nhiễm.
Trong 6 ca dương tính ở Medlatec, chỉ có một ca chỉ số CT = 15 tức là người bệnh nhiễm virus khoảng 8 đến 16 ngày; còn lại một ca CT = 36 và bốn ca CT = 38 chứng tỏ khả năng có bệnh nhân đang ở giai đoạn không triệu chứng, tức là đã nhiễm virus từ 20-23 ngày.
Một ổ dịch có CT dưới 25 chiếm tỉ lệ lớn, chứng tỏ đang bùng phát mạnh mẽ; và ngược lại, nếu CT trên 30 chiếm tỉ lệ càng cao thì dịch đang có xu hướng giảm.
Ví dụ ổ dịch ở Bv Việt Đức xét nghiệm ngày đầu tiên 18 ca:
* CT 20: có 12 ca
* Từ 21 – 25: có 1 ca
* Từ 26 – 29: có 3 ca
* CT trên 30: có 2 ca
Vậy chứng tỏ ổ dịch đang phát triển rất mạnh, có hai ca chỉ số CT trên 30 rất có thể đây là những bệnh nhân đầu tiên, đã nhiễm virus từ 17 đến 20 ngày, tức là trước rằm Trung thu. Đặc biệt số ca CT 20 chiếm tỉ lệ 67% là quá lớn, tải lượng virus rất cao nên khả năng lây nhiễm mạnh, bởi vậy mà biện pháp phong toả tuyệt đối, chuyển bệnh nhân đi các viện khác và đưa nhân viên y tế ra khỏi bệnh viện nhằm giãn cách giảm tiếp xúc, đó là biện pháp chống dịch phù hợp.
Tốt nhất là xác định nguồn lây nhiễm.
Muốn vậy, phải giải trình tự gen càng nhiều càng tốt, đặc biệt những ca chỉ số CT cao tức là thời gian nhiễm virus sớm, phân tích các bộ gen kết hợp với dịch tễ tiếp xúc, từ đó phát hiện ra ca bệnh đầu tiên Z0; nhưng giải trình tự gen nhiều bệnh nhân không phải là dễ dàng. Khi biết ca bệnh Z0, sẽ điều tra dịch tễ cách thức lây nhiễm, chống dịch nhanh chóng và hiệu quả.
Một cách tiếp cận khác là tính hệ số R0.
Vì không có máy tính để chạy mô hình, nên tạm tính hệ số lây nhiễm cơ bản R0 theo SEIR kinh điển.
R0 = (1 + λ / γ1) (1 + λ / γ2)
Hoặc:
R0 = 1 + λTg + p(1 – p)( λTg)ᴧ2
Với:
λ = lnY(t) / t
Trong đó t là thời gian tích lũy số ca bệnh Y(t) từ điểm xuất phát đến thời điểm tính toán. Do không có số liệu chi tiết điều tra dịch tễ, nên tạm quy ước t = 25 và Y(t) = 42. Như vậy, thay số ta sẽ được λ = lnY(t) / t = ln42 / 25 = 0,1496
Tg = 1 / γ1
TI = 1 / γ2
Tg = TE + TI
ρ = TE / Tg
Cũng vì không có số liệu dịch tễ, nên tạm quy ước TE = 3 và TI = 9 với đặc điểm của biến thể Delta. Vậy Tg = 12 và ρ = 0,25 thay vào công thức tính R0 được kết quả.
R0 = 3,4
Hệ số lây nhiễm cơ bản R0 = 3,4 là quá lớn và tính ngược trở lại, từ Z0 ban đầu nếu lây nhiễm hai chu kì thì có khoảng 15 bệnh nhân, lây nhiễm ba chu kì có khoảng 55 bệnh nhân. Thực tế đến ngày 5 tháng 10 có 42 bệnh nhân. Vậy, khả năng biện pháp chống dịch quyết liệt trong 5 ngày qua đã phát huy hiệu quả, ước chừng giảm được 24% số ca bệnh theo lí thuyết.
Khi phát hiện ổ dịch trong Bv Việt Đức, một số báo phỏng vấn tôi, với câu hỏi liệu ổ dịch này có nghiêm trọng mất kiểm soát hay không, tôi đã trả lời do phát hiện kịp thời, biện pháp dập dịch quyết liệt, nên ổ dịch này sẽ nhanh chóng được khống chế trong vòng 2 tuần. Khi chấp nhận mở cửa, sống cùng với Covid-19, thì việc xuất hiện những ổ dịch như Bv Việt Đức ở các bệnh viện khác trong thời gian tới, sẽ không có gì lạ. Bởi vì, bệnh viện có đặc thù nhiều bệnh nhân cấp cứu nặng trong tình huống khẩn cấp, số lượng bệnh nhân đông, thì chỉ kịp xét nghiệm test nhanh kháng nguyên 30 phút, chứ không thể làm PCR chờ đợi vài tiếng đồng hồ. Mà test nhanh kháng nguyên âm tính giả có thể lên tới 49%, rất may ổ dịch trong bện viện thường có đặc điểm chung là dễ khống chế, nhưng lại dễ lan ra các địa phương.
Hà Nội sau đêm Trung thu vẫn an toàn!