Một số người ủng hộ việc mua vaccine Vero Cell cho rằng Cambodia đã kiểm soát dịch thành công nhờ vaccine Tàu. Nhưng nếu xem xét dữ liệu kĩ thì không phải vậy.
Tính đến nay, Việt Nam đã có hay sắp có 141 triệu liều vaccine, và được phân bố như sau:
• Pfizer: 50 triệu
• AstraZeneca: 30 triệu
• Abdata: 10 triệu
• Các vaccine khác: 50 triệu
Với quyết định mới nhứt mua 20 triệu liều Vero Cell [1], thì Việt Nam sẽ có 161 triệu liều. Vẫn chưa đủ cho 96 triệu dân, nhưng với nhiều nguồn khác thì hi vọng sẽ đủ.
Quyết định mua Vero Cell của Việt Nam lại dấy lên một làn sóng tranh cãi về hiệu quả. Người ủng hộ thì hay lấy trường hợp nước láng giềng Cambodia ra làm ví dụ về sự thành công của vaccine Tàu. Họ cho rằng nhờ vaccine Tàu mà Cambodia đã kiểm soát được dịch rất tốt. Chúng ta thử xem qua nhận định này có cơ sở không.
1. Trường hợp Cambodia
Cambodia bắt đầu tiêm chủng vaccine Tàu từ tháng 3/2021. Tính đến đầu tháng 9, khoảng 70% dân số Cambodia (tổng dân số là 16 triệu) đã được tiêm 1 liều, 55% được tiêm 2 liều. Thủ đô Nam Vang được xem là nơi có tỉ lệ tiêm chủng vaccine cao nhứt thế giới. Có thể nói rằng Cambodia đã phần nào đạt được miễn dịch cộng đồng.
Kết quả ra sao? Tính đến nay, Cambodia đã ghi nhận 196619 ca nhiễm, và trong số này có 2176 người tử vong, tức tỉ lệ 2.04%. Tỉ lệ này y chang với tỉ lệ các nước trên thế giới gộp lại, tức 2.05%.
Nhưng để đánh giá hiệu lực của vaccine trong cộng đồng, chúng ta nên xem con số tử vong (chớ không phải số ca nhiễm). Từ tháng 7, Cambodia cũng như Việt Nam trải qua một trận dịch mới, và họ ghi nhận khoảng 20-25 ca tử vong mỗi ngày (trung bình). Bắt đầu từ tháng 8, số ca tử vong có xu hướng giảm xuống chừng 15- 17 ca mỗi ngày, nhưng vì con số còn thấp nên khó nói xu hướng này sẽ còn tiếp tục hay chỉ là dao động ngẫu nhiên.
Những con số trên có thể cho phép chúng ta nói rằng vaccine Tàu đã có hiệu lực giúp Cambodia thoát dịch? Dĩ nhiên là không, vì số ca nhiễm vẫn xảy ra và thậm chí có xu hướng tăng trong tháng qua. Hơn thế nữa, số ca tử vong vẫn xảy ra ngay cả sau khi cả dân số gần đạt miễn dịch cộng đồng. Thật ra, tình hình nếu phân tích kĩ hơn thì không tốt cho Cambodia chút nào:
• Từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 6, Cambodia có tỉ lệ tử vong là 1.48% (748 ca);
• Từ đầu tháng 7 đến nay (24/9), tỉ lệ tử vong tăng lên 2.53% (1392 ca).
Nếu vaccine Tàu có hiệu lực giảm tử vong thì chúng ta kì vọng số ca và tỉ lệ tử vong sẽ giảm trong đợt bùng phát từ tháng 7. Nhưng trong thực tế thì cả 2 chỉ số này đều tăng. Tôi nghĩ chỉ số này cho thấy vaccine Tàu không có hiệu lực như nhiều người nghĩ hay tưởng.
2. Miễn trừ trách nhiệm
Một trong những điều người ta quan tâm là nếu người được tiêm vaccine và bị biến chứng nghiêm trọng thì ai sẽ bồi thường cho họ. trước đây thì các công ti thuốc phải bồi thường, nhưng trong tình hình hiện nay thì … rất khác.
Nhưng thật ra, các hãng sản xuất khác cũng vậy. Từ năm ngoái, một số nước (như Mĩ, Canada, Úc) đã ban hành các đạo luật miễn trừ trách nhiệm cho Pfizer và Moderna. Điều này có nghĩa là ‘nạn nhân’ không thể kiện các nhà sản xuất vaccine. Vậy ai trả? Trả lời là chánh phủ phải dành ra một ngân sách để trả cho những trường hợp này.
Do đó, không ngạc nhiên khi điều khoản trong hợp đồng mua vaccine Vero Cell của Việt Nam có câu: ‘miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vaccine, hoặc việc sử dụng vaccine’.
Nói cách khác, người Việt tiêm vaccine Vero Cell và bị biến chứng sẽ không thể kiện Sinopharm. Nhưng ai sẽ đứng ra bồi thường họ thì không rõ, vì chánh phủ chưa thấy nói đến một ngân quĩ cho vấn đề này.
3. Sử dụng vaccine Tàu như thế nào?
Tôi nghĩ công bằng mà nói vaccine Sinopharm cũng có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm và điều này thì đã được báo cáo trên JAMA. Nhưng nó có hiệu lực giảm nguy cơ tử vong hay không thì còn phải chờ nghiên cứu mới biết. Ngoài ra, kinh nghiệm thực tế ở những nước dùng nhiều vaccine của Tàu đáng để chúng ta phải suy nghĩ một cách tiếp cận. Trước đây, tôi đưa ra 4 điểm như sau:
Thứ nhứt, chỉ tiêm vaccine Sinopharm và Sinovac 1 liều như là bổ trợ cho các vaccine khác như AstraZeneca, Pfizer và Moderna. Điều này có nghĩa là đối với những người chưa tiêm vaccine, họ có thể dùng 1 liều Vero Cell, nhưng sau đó là 1 liều của một trong ba vaccine phương Tây. Cách làm này bảo đảm nếu Vero Cell không có hiệu quả thì vẫn có được sự bảo vệ của các vaccine đã ‘chứng minh’ là có hiệu quả.
Thứ hai, không dùng vaccine Tàu cho những người có nguy cơ cao. Bởi vì các thử nghiệm lâm sàng là trên người khoẻ mạnh, như nhân viên y tế, nên dữ liệu khoa học về hiệu quả của hai vaccine này ở những người có bệnh nền vẫn còn rất thiếu. Ngay cả vaccine CoronaVac, hiệu quả ở người trên 60 tuổi chỉ 51%, tức rất thấp. Do đó, tôi nghĩ không nên dùng vaccine này cho những người có nguy cơ cao.
Thứ ba, tạm thời chưa công nhận những ai đã tiêm vaccine Tàu là đã được tiêm chủng. Trong thực tế, Âu châu và vài nơi không công nhận những người đã tiêm vaccine Tàu là có ‘giấy thông hành miễn dịch’, và họ không được vào Âu châu trong tương lai. Việt Nam cũng nên có một chánh sách như thế để bảo đảm cộng đồng về lâu dài.
Thứ tư, yêu cầu Sinopharm cung cấp thêm dữ liệu khoa học về hiệu quả và an toàn vaccine. Tôi nghĩ Nhà nước phải có trách nhiệm với dân khi triển khai một loại vaccine mà có nhiều yếu tố khoa học bất định. Nhà nước phải nói cho người dân biết sự thật về hiệu quả và an toàn của vaccine Tàu.
Tóm lại, vaccine Sinopharm như chúng ta biết qua thử nghiệm lâm sàng có hiệu quả chừng 70%, nhưng hiệu lực trong cộng đồng ở những nước dùng vaccine Tàu thì vẫn là một câu hỏi lớn. Tình hình ở Cambodia, nơi cũng dùng rất nhiều vaccine Tàu, thì tỉ lệ tử vong có vẻ tăng trong 2 tháng qua, chớ không giảm. Do đó, tôi nghĩ Việt Nam nên dùng vaccine Vero Cell như là bổ trợ, chớ không xem đó là can thiệp chánh.
Bản trên blog: https://nguyenvantuan.info/…/vaccine-tau-va-truong-hop…