🪺Dự trữ buồng trứng là khái niệm mô tả số lượng và chất lượng các nang noãn còn lại ở buồng trứng. Dự trữ buồng trứng giảm dần theo tuổi và là nguyên nhân chính làm giảm chức năng sinh sản của phụ nữ.
🌱Số nang noãn có ở 2 buồng trứng đã được xác định từ rất sớm. Trong thời kỳ sơ khai của buồng trứng, các noãn nguyên bào phân chia nguyên nhiễm để gia tăng về số lượng. Vào tuần thứ 8 của thời kỳ phôi thai, trữ lượng noãn nguyên bào đạt đến xấp xỉ 5×10^6. Toàn bộ các noãn nguyên bào này sẽ đồng loạt bước vào phân bào giảm nhiễm. Kể từ thời điểm này, các noãn nguyên bào sẽ vĩnh viễn không còn phân chia nguyên nhiễm để tạo mới nữa. Đứa bé gái ra đời với trữ lượng 10^6 noãn bào. Đứa bé, cũng là người phụ nữ sau này sẽ dùng dần số noãn bào này trong suốt cuộc đời nó. Do chỉ bị tiêu hao mà không được tạo mới, nên dự trữ buồng trứng giảm dần theo thời gian. Trong tự nhiên, cơ chế chính gây tiêu hao noãn bào là chết chương trình. Đến tuổi dậy thì, 2 buồng trứng chỉ còn khoảng 300.000-500.000 nang noãn.
☘️Trong đời sống sinh sản của phụ nữ, các nang noãn nguyên thủy lần lượt phát triển. Hiện tượng các nang noãn nguyên thủy chuyển sang giai đoạn phát triển diễn ra liên tục từ trong bào thai, tuy nhiên, hầu hết đều thoái hóa sau đó. Chỉ đến giai đoạn dậy thì, trục nội tiết sinh sản bắt đầu hoạt động, FSH được chế tiết tăng lên trong mỗi chu kỳ kinh giúp giữ lại một số nang noãn không bị thoái hóa, tiếp tục phát triển và phóng noãn. Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, chỉ có một nang noãn phát triển đến cùng và phóng noãn. Hiện tượng trưởng thành noãn và phóng noãn chỉ diễn ra khi có đỉnh LH vào giữa chu kỳ kinh. Quá trình phát triển, thoái hóa và chọn lọc các nang noãn liên tục diễn ra trong tuổi sinh sản, số lượng nang noãn nguyên thủy ở 2 buồng trứng giảm dần cho đến khi không còn nang noãn ở 2 buồng trứng, lúc này người phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh.
🥀Các nang noãn nguyên thủy được sinh ra từ giai đoạn bào thai, sau đó không tăng thêm nữa và chỉ giảm dần theo tuổi. Do đó, tuổi của các nang noãn cũng gần như tương ứng với tuổi của người phụ nữ. Ngoài việc giảm số lượng, tỉ lệ bất thường của noãn cũng tăng dần theo tuổi. Từ sau 30 tuổi, số nang noãn có xu hướng giảm nhanh hơn và tỉ lệ bất thường noãn cũng tăng nhanh. Đến khoảng sau 35 tuổi, tốc độ suy giảm này càng tăng nhanh hơn. Điều này dẫn đến khả năng sinh sản của người phụ nữ suy giảm nhiều: khả năng có thai giảm, đồng thời tỉ lệ sẩy thai, biến chứng trong thai kỳ tăng lên, tỉ lệ bất thường của trẻ cũng tăng.
🍃Khả năng sinh sản ở người bắt đầu giảm khoảng 13 năm trước khi thật sự mãn kinh. Nghĩa là, khoảng 1 phần 10 phụ nữ có khả năng sinh sản bắt đầu giảm rõ rệt vài năm sau khi 30 tuổi. Khi người phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, chỉ còn lại khoảng vài ngàn noãn bào trên buồng trứng. Trong sự phát triển của xã hội hiện đại, người phụ nữ ngày càng có xu hướng mong con và có con ở tuổi lớn hơn và khoảng cách giữa cách lần sinh dài hơn. Điều này dẫn đến việc ngày càng có nhiều phụ nữ mong muốn có con ở độ tuổi mà dự trữ buồng trứng đã suy giảm nhiều. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, dự trữ buồng trứng của mỗi người ở mỗi thời điểm là khác nhau. Do đó, việc xác định dự trữ buồng trứng có vai trò rất quan trọng để đánh giá, tiên lượng chức năng sinh sản của người phụ nữ.
Tại sao phụ nữ nên sinh con trước 35 tuổi?
Tài liệu tham khảo:
1. Vương Thị Ngọc Lan, Hồ Mạnh Tường, Anti-mullerian hormone (AMH) và các ứng dụng trong sức khỏe sinh sản, Sinh lý nội tiết sinh sản, Nội tiết sinh sản.
2. Đỗ Thị Ngọc Mỹ, Âu Nhựt Luân, Thay đổi về hoạt động của buồng trứng qua các giai đoạn của cuộc đời người phụ nữ. Thời kỳ dậy thì, quanh mãn kinh và hậu mãn kinh, Dẫn nhập về Y học Sinh sản, TBL Phụ Khoa.