[GIẢI PHẪU SỐ 4] KHUỶU

3/5 - (1 vote)

GIỚI HẠN

Khuỷu nối cẳng tay vào cánh tay, gồm có các vùng ở phía trên và dưới nếp khuỷu hai khoát ngón tay. Phía trước là vùng khuỷu trước, phía sau là vùng khuỷu sau, chính giữa là khớp khuỷu (H.5.5.)

VÙNG KHUỶU TRƯỚC (regio cubiti anterior)

1. LỚP NÔNG.

1.1. DA VÀ TỔ CHỨC DƯỚI DA. Dưới lớp da mỏng và lỏng lẻo có tĩnh mạch giữa khuỷu (v. mediana cubiti), tĩnh mạch giữa cẳng tay (v.mediana antebrachii), tĩnh mạch giữa đầu (v. cephalica) và tĩnh mạch nền (v. basilica). Một số nối với nhau thành chữ M nên gọi là M tĩnh mạch.

Thần kinh ở phía trong là dây bì cẳng tay trong và phía ngoài là dây cơ bì (H.5.1).

1.2. MẠC NÔNG. Lớp mạc nông được tăng cường thêm ở phía trong nếp khuỷu bởi trẽ cân cơ nhị đầu cánh tay.

2. LỚP SÂU

Gồm các cơ tạo nên hố khuỷu (fossa cubitalis).

2.1. CÁC CƠ. Gồm ba toán cơ (H. 5.2).

2.1.1. Toán cơ phía trong: Còn gọi là toán cơ mỏm trên lồi cầu trong gồm có cơ sấp tròn, cơ gấp cổ tay quay, cơ gan tay dài, cơ gấp cổ tay trụ, cơ gấp chung các ngón tay nông và sâu. Các cơ này có nguyên ủy bám vào mỏm trên lồi cầu trong xương cánh tay và đi xuống cẳng tay.

2.1.2. Toán cơ phía ngoài: Gồm có cơ ngửa tay, cơ cánh tay quay, cơ duỗi cổ tay quay dài và ngắn. Các cơ này có nguyên ủy bám vào bờ ngoài xương cánh tay hoặc mỏm trên lồi cầu ngoài rồi đi xuống cẳng tay.

2.1.3. Toán cơ giữa: Gồm có phần dưới hai cơ: cơ cánh tay và cơ nhị đầu cánh tay.

Ba toán cơ tạo nên hai rãnh : rãnh nhị đầu ngoài và rãnh nhị đầu trong cách nhau bởi cơ nhị đầu. Hai rãnh gặp nhau phía dưới tạo thành hình chữ V. Vì vậy toàn bộ vùng khuỷu trước lõm thành một hố gọi là hố khuỷu (fossa cubitalis) tương đương với hố kheo (fossa poplitea) ở chi dưới.

2.2. RÃNH NHỊ ĐẦU TRONG.

2.2.1. Các thành.

Thành sau: khớp khuỷu và cơ cánh tay.

Thành ngoài: gân cơ nhị đầu.

Thành trong: toán cơ trong.

Thành trước: da và mạc nông, được tăng cường bởi trẽ cân cơ nhị đầu.

2.2.2. Các thành phần trong rãnh nhị đầu trong.

Động mạch cánh tay: sau khi đi trong ống cánh tay, động mạch đi trong rãnh nhị đầu trong, qua dưới nếp khuỷu 3 cm chia làm hai ngành cùng là động mạch quay và trụ.

Dây thần kinh giữa: đi phía trong động mạch rồi cùng động mạch đi xuống cẳng tay (H.5.2) và (H.5.5).

2.3. RÃNH NHỊ ĐẦU NGOÀI.

2.3.1. Các thành.

Thành sau: khớp khuỷu và cơ cánh tay.

Thành trước: Da và mạc nông.

Thành ngoài: toán cơ ngoài.

Thành trong: gân cơ nhị đầu.

2.3.2. Các thành phần trong rãnh nhị đầu ngoài.

– Động mạch bên quay là ngành trước của động mạch cánh tay sâu, nối với động mạch quặt ngược quay.

– Dây thần kinh quay ở ngang mức nếp khuỷu thì chia làm hai ngành cùng xuống cẳng tay: nhánh nông và nhánh sâu (thần kinh gian cốt sau) (H.5.2.) và (H.5.5.).

VÙNG KHUỶU SAU (regio cubiti posterior)

Ở phía sau khớp khuỷu, khi duỗi cẳng tay thì ở giữa là mỏm khuỷu, hai bên có hai rãnh (H.5.4).

Advertisement

1. RÃNH NGOÀI là rãnh mỏm trên lồi cầu ngoài – mỏm khuỷu, không có gì đặc biệt.

2. RÃNH TRONG hay rãnh thần kinh trụ thì hẹp và sâu, trong rãnh có dây thần kinh trụ đi giữa hai bó của cơ gấp cổ tay trụ và vòng nối giữa động mạch bên trụ trên và động mạch quặt ngược trụ sau.

MẠNG MẠCH KHỚP KHUỶU (H.5.3)

Ở khuỷu có hai vòng nối:

1. Vòng nối quanh mỏm trên lồi cầu trong do các động mạch:

– Động mạch bên trụ trên. Động mạch bên trụ dưới. Động mạch quặt ngược trụ (nhánh trước và nhánh sau)

2. Vòng nối quanh mỏm trên lồi cầu ngoài do các động mạch:

– Động mạch bên giữa. Động mạch bên quay. Động mạch gian cốt quặt ngược của động mạch gian cốt sau (ngành bên của động mạch trụ). Động mạch quặt ngược quay.

Nguồn: Bài giảng Giải phẫu học – Chủ biên: Nguyễn Quang Quyền

Xem tất cả các bài giải phẫu tại: https://ykhoa.org/category/chuyen-nganh-y-2/y-hoc-co-so/giai-phau

Giới thiệu Domaianh2001

Check Also

[GIẢI PHẪU SỐ 21] HẦU

1. ĐẠI CƯƠNG Hầu (pharynx) là ngã tư của đường hô hấp và đường tiêu …