Hướng dẫn lâm sàng: Chẩn đoán và điều trị loãng xương sau mãn kinh 2020
Guidelines của Hội Nhà nội tiết học lâm sàng Hoa Kỳ (AACE):
Loãng xương chủ yếu gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh. Nhìn chung, mật độ khoáng của xương giảm theo tuổi do các nguyên nhân như thoái hóa tế bào tạo xương, giảm hấp thu calci và suy giảm hormon sinh dục. Ở phụ nữ, mật độ khoáng đạt đỉnh tại độ tuổi 40, giảm dần và đến độ tuổi 60-70, mật độ khoáng đã giảm 30-40% [4]. Estrogen ở nữ giới cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới quá trình tạo xương thông qua các cơ chế:
(1) Giảm độ nhạy của xương với hormone cận giáp, qua đó giảm quá trình phân giải xương.
(2) Tăng sinh calcitonin, ngăn quá trình phân giải xương.
(3) Tăng hấp thu calci ở ruột và giảm thải trừ calci qua thận.
(4) Tác động trực tiếp lên xương qua các thụ thể estrogen trên xương [4].
Bệnh lý loãng xương đã và đang là một vấn đề y tế lớn, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân mà còn gia tăng gánh nặng về chi phí điều trị. Tại Hoa Kỳ, loãng xương đứng thứ 10 trong số những bệnh lý nghiêm trọng nhất, là nguyên nhân của hơn 1,5 triệu ca gãy xương mỗi năm, trong đó 329,000 ca gãy xương hông [6–8].
Hiệp hội các nhà Nội tiết học Hoa Kỳ đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh, với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ gãy xương do loãng xương, qua đó góp phần gia tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Dưới đây là những khuyến cáo mới cần quan tâm nhất trong Hướng dẫn điều trị năm 2020:
• Phụ nữ loãng xương sau mãn kinh có thể được phân tầng dựa trên nguy cơ gãy xương cao hay rất cao (bao gồm đặc điểm tiền sử gãy xương). Phân tầng bệnh nhân quyết định việc lựa chọn thuốc điều trị khởi đầu cũng như thời gian điều trị.
• Với phụ nữ có nguy cơ cao/chưa có gãy xương trước đó: bisphosphonates và denosumab là lựa chọn đầu tay.
• Với phụ nữ có nguy cơ rất cao/có gãy xương trước đấy: abaloparatide, denosumab, teriparatide là ưu tiên hơn.
• Romosozumab – một kháng thể đơn dòng có tính chất đồng hóa, lần đầu tiên được đưa vào Chiến lược điều trị.
• Việc chuyển đổi các thuốc điều trị, bao gồm cả denosumab, cần được đánh giá kỹ hơn.
Biên dịch:
– Trần Linh Giang
– Phạm Khánh Huyền
– Nguyễn Thế Thịnh
– Nguyễn Lê Hiệp
– BS. Lê Việt Trân
Hiệu đính:
– TS.DS. Phạm Đức Hùng
TLTK
1. AACE guideline: Camacho et al. 2020. ENDOCRINE PRACTICE Vol 26 (Suppl 1)
2. Endocrine Society guideline 2019: Estell et al. 2019. J Clin Endocrinol Metab, May 2019, 104(5):1595–1622
4. Ji M-X, Yu Q. Primary osteoporosis in postmenopausal women. Chronic Dis Transl Med. 2015;1(1):9-13. doi:10.1016/j.cdtm.2015.02.006
5. Herbert S, et. al. Osteoporosis. Published online 2019. https://emedicine.medscape.com/article/330598-overview#a3
6. Hernlund E, et al. Arch Osteoporos. 2013;8(1-2):136. doi:10.1007/s11657-013-0136-1
7. Office of the Surgeon General (US). Bone Health and Osteoporosis: A Report of the Surgeon General. Office of the Surgeon General (US); 2004. Accessed June 14, 2020. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK45513/
8. Jackson R, Mysiw W. Semin Reprod Med. 2014;32(06):454-462. doi:10.1055/s-0034-1384629
Xin cảm ơn bài chia sẻ của TS.DS. Phạm Đức Hùng!