MỘT TRƯỜNG HỢP CÔNG THỨC MÁU BẤT THƯỜNG RẤT THÚ VỊ
Bs. Phan Trúc
Đầu tiên xin cảm ơn Bs Nguyễn Ngọc Tài – người bạn thời sinh viên Y khoa của mình đã gửi đến ca lâm sàng vô cùng thú vị này.
Trong công thức máu này, chúng ta thấy rất “choáng” với RBC, Hct cực thấp; trong khi đó Hb bình thường và MCH, MCHC quá khủng. Phân tích ca này xong chắc sẽ giúp được nhiều bạn hiểu rõ hơn về các chỉ số trong công thức máu.
Muốn hiểu tình huống này, chúng ta phải xem các chỉ số này được tính như thế nào trong máy đếm tế bào tự động. Cần hiểu rằng biến số nào là độc lập, và biến nào là phụ thuộc.
- Chúng ta chỉ có 3 thông số được đo thật sự (biến độc lập)
1. Số lượng Hồng cầu (RBC)
2. Hematocrit (Hct)
3. Hemoglobin (Hb)
Nhưng quan trọng nhất là Hb được đo khác biệt, bằng cách ly giải hồng cầu, bộc lộ Hb tự do, và dùng bộ kit, đo bằng phương pháp so màu. Vậy sẽ có vấn đề gì với cách đo này:
– Nó độc lập với số lượng hồng cầu, Hb tự do trong huyết tương (nếu có) vẫn được tính để đo Hb như bình thường.
– Những tình huống làm ảnh hưởng lên độ đục của huyết tương như tăng triglycerid máu, bilirubin máu có thể làm giả kết quả Hb.
- Các thông số MCH, MCHC là thông số tính toán (biến phụ thuộc), trong đó:
– MCH = Hb/RBC (Lượng Hb trong một hồng cầu)
– MCHC = Hb/Hct (Lượng Hb trong một đơn vị thể tích, muốn không nhầm lẫn hai chỉ số này, hãy để ý chữ “C” cuối ở MCHC, nó là concentration, nghĩa là nồng độ, và chúng ta biết rằng, nồng độ thì tính trên đơn vị thể tích => tự suy luận nhé)
Ở tình huống trên, MCH và MCHC quá cao, chỉ có thể do tăng tử số (Hb) hoặc giảm mẫu số (RBC, Hct). Rõ ràng câu trả lời quá rõ ràng là do mẫu số quá nhỏ.
Vậy, vấn đề đặt ra là, tại sao RBC và Hct thấp vậy mà Hb vẫn cao? Câu trả lời chắc các bạn đã đoán ra, bệnh nhân này có ngưng kết kèm tán huyết! Không chỉ vậy, đây còn là ngưng kết do kháng thể lạnh (mấy ngày nay nhiều bạn trên cả nước đã gửi về hội chẩn nhiều ca máu bị ngưng kết khi đem đến phòng LABO! bạn nào chưa hiểu về ngưng kết lạnh thì xem lại bài giảng nhé: https://www.youtube.com/watch?v=FUxKJOTDYNA)
Tại sao nói ngưng kết? Chính vì hồng cầu ngưng kết, nên lượng Hb vẫn ở trong mẫu máu khi ta ly giải hồng cầu (kết quả Hb vẫn đo bình thường), nhưng số lượng hồng cầu giảm vì các hồng cầu bị ngưng kết (nếu ngưng kết quá to, nó sẽ đếm nhầm sang thành phần khác hoặc bỏ qua, không tính là hồng cầu).
Tại sao nói tán huyết? Vì lâm sàng bệnh nhân mệt thật sự, Hct bệnh nhân thấp thật sự (từ đây chúng ta mở ra một gợi ý về sự tương quan giữa số lượng HC và Hct)! Và chuyện tán huyết cũng không làm thay đổi Hb, nhưng số lượng HC và Hct lại tiếp tục giảm thấp. Một số bạn sẽ thắc mắc, vậy các tình huống tán huyết khác cũng sẽ đưa đến MCH, MCHC cao à? Không phải, Hb tự do giải phóng sẽ nhanh chóng gắn với Haptoglobiin (vì nó độc) và đào thải khỏi tuần hoàn. Cho nên, lý do chính làm MCH, MCHC cao ngất trời này cái chính phải là ngưng kết!
Giải quyết tình huống này như thế nào?
1. Ủ mẫu máu ở 37 độ C (kháng thể lạnh sẽ không hoạt động), chạy lại kết quả, mọi thứ sẽ trở về đúng sự thật của nó.
2. Trong trường hợp Hb bị thay đổi do huyết tương bị đục bởi các thành phần khác, thì tiến thành thay huyết tương trong mẫu máu bằng nước muối và chạy kết quả.
Nhận xét:
1. Tình huống này đòi hỏi phía LABO phải nhận ra vấn đề, không được trả kết quả lên lâm sàng như vậy
2. Người ta thiết kế các chỉ số ở dạng cặp (RBC, Hct), (MCH, MCHC) để kiểm tra lẫn nhau. Khi có sự không phù hợp (ví dụ MCHC quá cao) là “gắn cờ” nguy cơ có lỗi.
3. Lại một lần nữa nhấn mạnh, phết máu ngoại biên rất có ích trong những tình huống này.