MẪU NGHIÊN CỨU: MỘT SỐ KHÁI NIỆM

Rate this post

MẪU NGHIÊN CỨU: MỘT SỐ KHÁI NIỆM

Chúng ta đã đi qua 9 bài với nội dung cơ bản nhập môn Nghiên cứu khoa học trong Y học. Hôm nay, chúng ta sẽ bắt đầu đi sâu vào các vấn đề cụ thể, mang tính thực dụng hơn, giúp các bạn bắt đầu tiếp cận NCKH có thể ngay lập tức bắt tay vào thực hành. Loạt bài đầu tiên sẽ là các bài về Mẫu nghiên cứu và các phương pháp chọn mẫu.

1. Mẫu nghiên cứu, quần thể nghiên cứu, quần thể đích.

Mẫu nghiên cứu là một tập hợp các đối tượng nghiên cứu, hay nói rõ hơn, Mẫu nghiên cứu là một tập hợp các cá thể hoặc các đối tượng mà nhà nghiên cứu tác động lên nhằm đo đạc, tính toán, so sánh, kiểm định để lấy các thông tin khoa học cho mục tiêu của nghiên cứu.
Mẫu nghiên cứu có thể là toàn bộ quần thể nghiên cứu hoặc là tập con của quần thể nghiên cứu. Tuy nhiên, mục đích của nghiên cứu khoa học không chỉ là những thông tin của quần thể nghiên cứu, mà nhà nghiên cứu còn muốn ngoại suy, khái quát những thông tín đó ra một quần thể lớn hơn gọi là quần thể đích.

2. Tại sao phải chọn mẫu trong nghiên cứu khoa học?

Về mặt lý thuyết, để nghiên cứu một vấn đề nào đó thì lý tưởng nhất là phải tiến hành nghiên cứu trên tất cả các đối tượng trong quần thể đó. Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện nghiên cứu trên toàn bộ đối tượng trong nhiều trường hợp là không khả thi vì các lý do sau:
+ Quần thể quá lớn, không đủ nguồn lực, thời gian để triển khai nghiên cứu
+ Tăng nguy cơ phát sinh các sai số do sự chênh lệch về trình độ, kĩ năng của cán bộ thu thập, xử lý thông tin.
Do đó, thực tiễn đặt ra một vấn đề là nếu nghiên cứu được thực hiện trên một số lượng đối tượng vừa đủ lớn và tập hợp này có thể đại diện được cho cả quần thể thì kết quả nghiên cứu có thể ngoại suy cho toàn bộ quần thể đó. Tập hợp đó chính là mẫu nghiên cứu.

3. Nguyên tắc chọn mẫu:

Nguyên tắc chung nhất của Mẫu nghiên cứu là phải đại diện được cho quần thể nghiên cứu, từ đó kết quả thu được từ mẫu mới ngoại suy được cho toàn bộ quần thể. Như vậy, mẫu được coi là tốt nếu như mẫu đó đáp ứng được một số thuộc tính sau:
+ Tính đại diện: Mẫu có tất cả các tính chất cơ bản của quần thể mà nó được rút ra.
+ Mẫu phải đủ lớn: để cho phép khai quát hoá kết quả nghiên cứu cho quần thể nghiên cứu một cách đáng tin cậy (dựa vào các phép kiểm định)
Advertisement
+ Tính thực tế và thuận tiện: nhằm thu thập số liệu dễ dàng.
+ Tính kinh tế và hiệu quả: Đảm bảo vẫn thu thập đủ thông tin cần thiết cho nghiên cứu với chi phí thấp nhất.
Để đảm bảo các thuộc tính trên, nhà nghiên cứu cần có các kĩ năng chọn mẫu đúng kĩ thuật. Mỗi dạng nghiên cứu sẽ có thể áp dụng các kĩ thuật chọn mẫu khác nhau. Trong bài sau, chúng ta sẽ tìm hiểu các kĩ thuật chọn mẫu trong nghiên cứu khoa học.
Tác giả: BS Ngô Minh Hải
Xin gửi lời cảm ơn đến BS Ngô Minh Hải đã đồng ý đăng bài viết lên Diễn đàn Y khoa!

Giới thiệu tranthinhuquynhni051003

Check Also

QUY LUẬT “ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH”

QUY LUẬT “ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH” Có bạn hỏi QUY LUẬT “ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH” …