[MIỄN DỊCH] Bệnh tự miễn

Rate this post

Bệnh tự miễn (miễn dịch)

BS.WYNN TRAN
===========

#drwynntran #bswynntran #immunesystem
1. Bệnh tự miễn là gì?
– Là loại bệnh do hệ miễn dịch của chính cơ thể tấn công các cơ quan khác trong người bệnh nhân, một dạng như “quân ta đánh quân mình” hay “bệnh nội chiến”
– Cơ thể chúng ta sống được khỏe mạnh mỗi ngày là do chúng ta có hệ miễn dịch, bảo vệ chúng ta khỏi sự xâm lăng của các vi trùng, vi khuẩn, và các vật ngoại lại khác vào cơ thể. Hệ miễn dịch là một hệ thống gồm nhiều cơ quan như da, hạch bạch huyết, lá lách, nhiều tế bào đặc biệt có nhiệm vụ kháng nhau, và các kháng thể. Hệ miễn dịch được ví do như hệ thống quân đội cảnh sát của một quốc gia, nhiệm vụ chính là bảo vệ đất nước. Trong trường hợp bệnh tự miễn, các tế bào của hệ miễn dịch (thường là kháng thể) không phân biệt được đâu là tế bào của cơ thể, đâu là vi khuẩn vi khùng, chúng tấn công hết mọi thứ. Như quân đội một quốc gia không còn phân biệt được đâu là giặc đâu là thường dân.
– Bệnh tự miễn có thể xảy ra ở một hay nhiều cơ quan. Trong trường hợp tiểu đường loại 1, kháng thể tấn công một cơ quan là tuyến tụy. Trong trường hợp lupus ban đỏ, nhiều cơ quan bị ảnh hưởng gồm thận (gây hư thận), da (gây ra viêm da), tóc (gây rụng tóc), khớp (đau khớp).

2. Vì sao có bệnh tự miễn?
– Chúng ta chưa biết chính xác vì sao các tế bào của hệ miễn dịch lại tấn công chính các cơ quan trong người. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố rủi ro có thể tăng và dẫn đến việc mắc bệnh này. Giới tính là một ví dụ. Nữ thường dễ bị bệnh tự miễn hơn nam giới, thường là tỉ lệ 2 đến 1. Một vài bệnh tự miễn thường gặp nhiều hơn ở sắc dân này so với sắc dân khác. Ví dụ như bệnh Lupus ban đỏ thường thấy nhiều hơn ở người Mỹ gốc Phi và gốc Mễ Tây Cơ, trong khi lupus xuất hiện ít hơn ở Mỹ gốc Âu và Á. Các nghiên cứu cũng gợi ý yếu tố môi trường, như tiếp xúc với các loại hoá chất hoặc ô nhiễm, có thể tăng rủi ro bệnh tự miễn.
– Bệnh nhân có thể tăng rủi ro mắc bệnh tự miễn phải do ăn uống, ví dụ như nhiều đường, ăn uống các thức ăn đã xử lý, thức ăn hộp, có thể khiến trạng thái viêm (inflammation) của cơ thể tăng, dẫn đến bệnh tự miễn.

3. Bệnh tự miễn có di truyền không?
– Nhiều bệnh tự miễn có tính di truyền ví dụ như bệnh đa xơ cứng (Multiple Sclerosis) và Lupus ban đỏ, thường có nhiều trong gia đình. Tuy nhiên, không phải con cháu nào trong gia đình cũng sẽ bị nếu như cha mẹ cô chú mắc bệnh. Chỉ là rủi ro mắc bệnh sẽ cao hơn nếu quý vị có người thân mắc bệnh.

4. Các triệu chứng chung của bệnh tự miễn?
– Mệt mỏi, đau nhức, đau khớp, nổi mẩn trên da, sốt nhẹ, rụng tóc, đau nhức hay tê tay chân. Các triệu chứng này thường không rõ ràng, đôi khi dễ nhầm lẫn với các bệnh cảm cúm thông thường.
– Các triệu chứng này thường kéo dài, thường là nhiều tuần hay nhiều tháng (thay vì cảm cúm chỉ vài ngày hoặc vài tuần).
– Mỗi loại bệnh tự miễn có thể có những triệu chứng đặc thù riêng, ngoài những triệu chứng kể trên, ví dụ như vảy nến sẽ có các triệu chứng về da rõ nét hơn. Bệnh về đường ruột có thể dẫn đến tiêu chảy, đau bụng, hay đi cầu ra máu.
– Một điểm quan trọng của bệnh tự miễn là các triệu chứng thường đến khi cơ thể gặp stress, bị nhiễm trùng (bị cảm) hay bất kỳ chuyện gì khiến hệ miễn dịch bị kích thích, phải tăng hoạt động.
– Bệnh nhân bệnh tự miễn khi có thai thường it có triệu chứng hơn, do hệ miễn dịch cơ thể lúc này cố tình giảm “độ nhạy”. Về mặt miễn dịch học, bào thai có thể bị xem là một “vật ngoại lai”. Vì vậy, hệ miễn dịch từ cơ thể người mẹ sẽ cố tình giảm sự tấn công và học cách quen dần với bào thai (immune tolerance). Có vài trường hợp hư thai do chính hệ tự miễn tấn công, như bệnh lupus hay hội chứng đông máu (antiphospholipid syndrome) chẳng hạn.

5. Chữa trị bệnh tự miễn
– Điểm quan trọng nhất trong điều trị bệnh tự miễn là chúng ta ức chế hệ tự miễn ở mức vừa phải, nghĩa là hạn chế các tấn công và hoạt động của tế bào kháng thể trong khi vẫn giữa được khả năng chống xâm lăng từ bên ngoài của vi khuẩn, virus, hay các vật ngoại lai. Nói đơn giản cách chữa tự miễn cũng giống như giải giáp và kiểm soát quân đội khi nội chiến, tước đi vũ khi vì các binh lính tấn công thường dân, nhưng vẫn phải giữ được sự bảo vệ cho đất nước trước sự xâm lăng bên ngoài.
– Nhìn chung, trị liệu cho bệnh này gồm các thuốc đau nhức kháng viêm không phải Steroid (NSAID), thuốc hỗ trợ và hiệu chỉnh hệ miễn dịch (Disease Modifying Antirheumatic Drugs, DMARD) như Plaquenil, Methotrexate, thuốc Steroid ức chế hệ miễn dịch, và các loại thuốc mới hơn như Biologic (thuốc sinh hiệu). Tuỳ vào từng loại bệnh hay cơ địa bệnh nhân mà BS chuyên khoa sẽ có cách chữa trị khác nhau.
– Biologic gần đây đã làm thay đổi cả chuyên khoa về bệnh tự miễn do các thuốc này có thể xác định và ức chế cụ thể vào từng loại tế bào kháng thể thay vì ức chế toàn bộ hệ thống miễn dịch. Nói cách khác, thuốc biologic có thể tìm ra “đối tượng gây nội chiến” và hạn chế các ảnh hưởng của đối tượng này. Ví dụ như thuốc Tremfya (guselkumab) loại thuốc đặc trị vảy nến giá khoảng $72,000/ năm, có thể ức chế đặc hiệu kháng thể IL-17, thay vì ức chế cả hệ miễn dịch. Bằng cách này, bệnh nhân sẽ ít có tác dụng phụ hơn.

6. Các loại bệnh tự miễn hay gặp:
– Có trên 80 loại bệnh tự miễn khác nhau, và đây là những loại thường gặp nhất. Tôi sẽ viết về từng loại cụ thể hơn trong các chương trình sau, bài viết này chỉ nêu ra những điểm rất cơ bản về các loại bệnh này.
# Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid arthritis): do kháng thể tấn công các khớp xương, và đôi khi, tấn công phổi, da, và các cơ quan khác. Triệu chứng gồm đau nhức khớp, cứng khớp, và tê tay chân. Bệnh viêm thấp khớp thường ảnh hưởng người trẻ tuổi (30 trở lên) trong khi viêm khớp do thoái hoá thường xảy ra ở người lớn tuổi.
# Vảy nến, viêm khớp vảy nến (Psoriasis/psoriatic arthritis) do kháng thể tấn công vào da, gây ra viêm da mãn tính, sưng dày lớp sừng, ngứa, đau nhức. Kháng thể cũng tấn công khớp gây ra viêm khớp, gây ra viêm khớp vảy nến, thường xảy ra khoảng 30% bệnh nhân vảy nến trên da. Bệnh nhân bệnh vảy nến có thể các móng tay bị hư (pitted nai).
# Lupus Ban đỏ hệ thống (Systemic Lupus Erythematous): do các kháng thể tấn công cùng lúc nhiều cơ quan quan trọng như thận (gây ra suy thận, đi tiểu protein, mệt mỏi, hay chạy thận nhân tạo), khớp (viêm khớp), da (viêm da), não (nhức đầu, chóng mặt), và tim (viêm màng tim).
# Hội chứng khô mắt khô miệng Sjogren’s (Syndrome): do kháng thể tấn công các cơ quan tạo chất dịch như tuyến nước bọt (gây ra khô miệng, viêm họng), tuyến nước mắt (khô mắt, viêm mắt), hay khô âm đạo (dẫn đến viêm âm đạo). Đôi khi kháng thể cũng có thể tấn công khớp, gây ra viêm khớp trong hội chứng Sjogren’s.
# Viêm mạch máu (Vasculitis): do kháng thể tấn công vào các mạch máu, khiến các mạch máu bị viêm, sưng, bị đóng dày thành mạch, và có thể bị nghẽn mạch máu, gây ra đột quỵ.
# Tiểu đường loại 1 (Type 1 Diabetes): do kháng thể tấn công vào tuyến tụy, khiến cơ thể không có insulin, chất chuyển hoá quan trọng giúp đường từ máu vào được bên trong tế bào. Khi đường ở bên ngoài tế bào, gây ra tăng đường máu, làm hư các mạch máu và dây thần kinh.
# Bệnh đa xơ bì cứng (Multiple Sclerosis), do kháng thể tấn công lớp bảo vệ của dây thần kinh, khiến cho việc truyền tín hiệu giữa các dây thần kinh tế bào đến hệ thần kinh trung ương bị ảnh hưởng. Bệnh này cũng làm dây thần kinh bị viêm, dẫn đến tê tay chân, yếu, đi đứng không vững.
# Viêm đường ruột IBD (Inflammatory Bowel Disease): do kháng thể tấn công vào đường ruột, dẫn đến tiêu chảy, đau bụng, đi cầu ra máu, và mệt mỏi. Tùy vào vị trí đường tiêu hoá bị tấn công, bệnh nhân có thể có những bệnh khác nhau và có triệu chứng khác nhau. Bênh Crohn’s là do kháng thể tấn công vào bất kỳ chỗ nào của đường tiêu hoá, từ miệng đến hậu môn trong khi bệnh viêm loét ruột già (ulcerative colitis) chỉ ảnh hưởng phần ruột già.
# Viêm tuyến giáp Hashimoto: do kháng thể tấn công tuyến giáp, làm giảm hiệu quả trong việc sản xuất hormone tuyến giáp. Loại hormone này cực kỳ quan trọng do ảnh hưởng trực tiếp lên năng lượng cơ thể. Thiếu hormone tuyến giáp dẫn đến tăng cân, mệt mỏi, bị nóng lạnh, yếu trong người, trong khi quá nhiều hormone tuyến giáp làm cho bệnh nhân giảm cân, tăng động. Bệnh này có thể chữa trị với thuốc hormon tuyến giáp.
# Bệnh Celiac: do kháng thể tấn công đường ruột khi cơ thể có chất Gluten. Thường chất này do bệnh nhân ăn các thức ăn trong ngũ cốc, sữa, và gạo. Khi Gluten vào ruột non (nơi hấp thụ dinh dưỡng chính của cơ thể), các kháng thể tấn công vào chỗ này, khiến cho bệnh nhân đau bụng, giảm cân (do không hấp thu chất dinh dưỡng).

7. Khi nào quý vị nên gặp BS?
– Gặp BS gia đình trước nếu quý vị có những triệu chứng trên kéo dài, đặc biệt là vài tuần đến vài tháng. Tuỳ theo triệu chứng và cơ địa, BS gia đình sẽ gửi quý vị đến BS chuyên khoa tự miễn khác nhau.
# BS chuyên khoa khớp chữa các bệnh lupus ban đỏ, viêm khớp, viêm mạch máu, viêm khớp vảy nến
# BS chuyên khoa da chữa vảy nến, viêm khớp vảy nến, lupus ban đỏ
# BS chuyên khoa đường tiêu hoá chữa bệnh về viêm đường tiêu hoá, Celiac
# BS chuyên khoa thần kinh chữa bệnh đa xơ bì cứng
# BS chuyên khoa nội tiết chữa bệnh về tuyến giáp

8. Xét nghiệm cho bệnh tự miễn?
– Không có một loại test nào để tìm ra bệnh tự miễn. BS sẽ hỏi về bệnh sử, các triệu chứng, và xét nghiệm, đôi khi dùng hình ảnh để tìm ra bệnh
– Loại test thường gặp và dễ hiểu làm nhất là ANA (Antinuclear Antibody Test), đây là loại test để đo “độ nhạy” của hệ miễn dịch, xem có bao nhiêu kháng thể tấn công vào tế bào. ANA thường được test bằng độ loãng (titer), độ loãng càng cao thì test càng giá trị. Ví dụ như ANA dương tính 1:80 sẽ không mạnh bằng 1:640. Nghĩa là khi pha loãng đến 640 lần, cơ thể vẫn còn dấu hiệu kháng thể tấn công tế bào.
– Loại test này không chỉ ra loại bệnh tự miễn nào cả, mặc dù bệnh lupus ban đỏ và một số bệnh khác có thể có nhiều kết quả dương tính với test này. ANA dương tính cũng hay xảy ra khoảng 5% dân số, và những người này được xem là bình thường, không có bệnh tự miễn, mặc dù có kết quả ANA dương tính.
– Các xét nghiệm khác, như ESR/CRP đo độ viêm của cơ thể, đo các kháng thể đặc hiệu như dsDNA, antiSmith, SSA/SSB, và nhiều test khác cần được BS chuyên khoa xét nghiệm và giải thích.

9. Tóm lại:
– Bệnh tự miễn là do hệ miễn dịch chúng ta tự tấn công cơ thể chúng ta. Bệnh tự miễn có nhiều triệu chứng không rõ ràng, kéo dài lâu, và có thể ảnh hưởng nhiều cơ quan cùng một lúc
– Có trên 80 loại bệnh tự miễn, nhiều bệnh rất hay thường gặp như viêm khớp, viêm da cơ địa, vảy nến
– Chữa trị bệnh tự miễn tuỳ vào bệnh, nhìn chung cách chữa là ức chế, giảm sự hoạt động của hệ miễn dịch. Thuốc ức chế hệ miễn dịch có nhiều tác dụng phụ, bệnh nhân cần theo dõi chặt chẽ với BS chuyên khoa.

Lưu ý: quý vị có thể share bài và hình, xin vui lòng ghi rõ nguồn gốc và đừng cắt xén.
#bswynntran #autoimmunedisease

 

 

 

 

 

Advertisement

Giới thiệu Tina

Tên thật: Đinh Thị Thúy Quỳnh Sinh viên Y Khoa Trường Đại Học Duy Tân

Check Also

[JAMA 2020] Nhiễm trùng niệu tái phát ở phụ nữ

Nhiễm trùng niệu tái phát ở phụ nữ Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs) ảnh …