Nghiên cứu Đau (IASP)
Định nghĩa về đau của Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Đau (IASP) năm 2020: “Đau là một trải nghiệm cảm giác(sensory) và cảm xúc(emotional) khó chịu liên quan đến, hoặc giống như liên quan đến tổn thương mô thực sự hoặc tiềm năng”
Có 6 lưu ý khi điều trị hoặc nghiên cứu về đau:
1. Đau luôn là một trải nghiệm cá nhân bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau bởi các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội.
2. Đau và tiếp nhận cảm giác đau (nociception) là hai hiện tượng khác nhau. Đau không thể được suy ra chỉ từ hoạt động của các neuron cảm giác.
3. Thông qua các trải nghiệm trong cuộc sống, con người bắt đầu học được cảm nhận về đau.
4. Trải nghiệm đau của một người nên được tôn trọng.
5. Mặc dù đau thường đóng vai trò trong thích nghi sinh tồn, nó có thể có những tác động tiêu cực đến chức năng và sự ổn định tâm lý xã hội.
6. Mô tả bằng lời là một trong nhiều cách biểu lộ đau. Một người không nói họ đau không có nghĩa là họ không đau.
Dẫn truyền cảm giác đau là sự tổng hòa của 4 quá trình:
– Chuyển hóa đau (Transduction): chuyển cảm giác đau thành các kích thích điện trong hệ thống thần kinh.
– Dẫn truyền đau (Transmission): truyền tín hiệu đau từ ngoại vi về thần kinh trung ương
– Nhận thức đau (Perception): não tiếp nhận và xử lý các tín hiệu đau, quá trình này liên quan đến hoạt động của vỏ não cảm giác và hệ limbic (chi phối cảm xúc và hành vi)
– Điều biến thần kinh (Modulation): tín hiệu đau có thể giảm bớt hoặc tăng thêm do sự chi phối của hệ thần kinh.
Vì vậy điều trị đau không đơn thuần là điều trị bệnh thực thể mà còn là điều chỉnh cảm nhận, cảm xúc về đau dựa trên các phương pháp can thiệp vào các quá trình của hệ thống dẫn truyền đau.
Tác giả: Ths.BSNT Nguyễn Nhật Duy
Xin gửi lời cảm ơn đến tác giả Ths.BSNT Nguyễn Nhật Duy đã đồng ý đăng bài viết lên Diễn đàn Y khoa!