[nghiên cứu] RỐI LOẠN PICA: ĂN TỪ SẮT ĐẾN… PHÂN

Rate this post
Trên giường bệnh, một người đàn ông đang rên rỉ đau đớn, anh ôm bụng và không ngừng kêu đau từ hơn một tháng trước. Các bác sĩ vô cùng ngạc nhiên khi nhìn vào phim Xquang, ở đúng vị trí dạ dày, có vô số vật dụng kim loại tụ thành đám.
Người đàn ông đó 27 tuổi sống ở Bình Dương.
Khoảng 3 tháng trước, người đàn ông này bắt đầu ăn các vật sắc nhọn như đinh, bấm móng tay, thìa, kẹp giấy. Càng ngày càng thích ăn hơn. Nhưng kèm với đó là những cơn đau bụng vùng thượng vị, ăn uống khó tiêu, người mệt mỏi và gầy sút cân.
Đau quá không chịu được, anh đi khám tại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, sau đó chuyển Bệnh viện Quân y 175. Tại đây, bệnh nhân được phẫu thuật, sau 2 tiếng bác sĩ lấy ra khoảng 1kg kim loại với đủ thứ vật dụng đã bắt đầu han gỉ.
Câu chuyện kinh dị này, tôi lấy thông tin từ các báo vừa đăng tải trong ngày 17 tháng 1, đó là một ca lâm sàng điển hình, y học gọi là rối loạn pica.
Chứng bệnh pica kì quái này là gì?
Để giải thích, tôi bắt đầu bằng câu chuyện của một nam diễn viên đóng thế đến từ Serbia, người đã ăn hết hàng tấn phế liệu nhưng lại suýt chết khi cố nuốt một chiếc xe đạp.
Branko Crnogorac, 80 tuổi, cuộc đời biểu diễn nghệ thuật của ông đã làm khán giả há hốc mồm khi ăn hết 25.000 bóng đèn, 12.000 nĩa, 2.000 thìa, 2.600 đĩa sứ và gần 6.000 đĩa nhựa.
Bạn bè đặt cược ăn hết chiếc xe đạp trong 3 ngày.
Crnogorac nhận lời, ông cố ăn thật nhiều và bị bội thực, không thể thở nổi. Các bác sĩ đã phải nội soi gắp ra 2kg đồ sắt các loại, trong đó có 2 chiếc nhẫn vàng. Sau 20 năm ăn đủ mọi thứ, Crnogorac nhận thấy hệ tiêu hóa của mình không còn khỏe, ở tuổi 80 ông bắt đầu quyết định ăn kiêng, thực đơn mỗi ngày đã không còn thìa đĩa và các thứ phế liệu.
Sự nghiệp kì lạ của Crnogorac bắt đầu khá tình cờ, khi một người bạn khuyên ông nên ăn cát để thấm hết axit chữa bệnh đau dạ dày, Crnogorac tò mò ăn thử và ngay lập tức cảm thấy thích. Trong suốt 20 năm tiếp theo, Crnogorac đã ăn đủ loại đồ vật, mải mê ăn một cách mất kiểm soát.
Pica là thói quen ăn những thứ mà người bình thường không ăn.
Từ xưa đến nay, những ghi chép về pica không phải là hiếm. Trường hợp đầu tiên được ghi nhận ở Trung Quốc, vào thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều, một người đàn ông có quyền lực tên là Lưu Dũng nghiện ăn các vẩy ghẻ trên người. Một lần, khi đến thăm người bạn bị lở loét, Lưu Dũng thấy một cái vảy trên giường liền nhặt lên cho vào miệng. Thật bất ngờ anh cảm thấy vị ngon giống như bào ngư. Từ đó, Lưu Dũng thường dùng roi quất lên thân thể hàng trăm quan chức dưới quyền, đợi khi vết thương lên vảy bóc ra ăn.
Câu chuyện nghe thật kinh tởm.
Nhưng trong thực tế, pica có thể thích ăn phân, tiếng Latin gọi là coprophagia với nghĩa là động vật ăn phân. Bộ phim hài Mỹ có tên là “Hồng hạc – Pink Flamingos” nổi tiếng của đạo diễn John Waters năm 1972, với “nữ diễn viên” chính Divine đóng vai nhân vật nam giới Babs Johnson, kẻ tự hào là “người bẩn thỉu nhất còn sống trên hành tinh”. Cảnh quay hoàn toàn có thật, một con chó vừa ỉa trên phố, bãi phân còn nóng nổi, Divine vồ lấy ăn ngấu nghiến với cảm xúc rất mãnh liệt. Đạo diễn John Waters khẳng định, trong phim Babs Johnson là người bẩn thỉu nhất hành tinh, nhưng ngoài đời cô Divine cũng bẩn như vậy với chứng thích ăn phân.
Bộ phim Hồng hạc bị cấm ở nhiều quốc gia nhưng rất nổi tiếng.
Khi còn là sinh viên trường y, các thầy dạy chúng tôi phải ngửi phân bệnh nhân, thầy còn dạy những năm đầu thế kỉ 20 trở lại trước bác sĩ vẫn nếm phân của bệnh nhân để chẩn đoán và tiên lượng. Đọc y văn tôi thấy có điều này. Trong thực hành lâm sàng, tôi lấy ví dụ phân màu tím Huế và hơi khẳn lẫn mùi tanh thì đó là xuất huyết tiêu hóa thấp, phân màu tím than đen như hắc ín lại mùi thối khẳn nồng nặc át mùi tanh thì là xuất huyết tiêu hóa cao. Hành vi nếm phân của các thầy thuốc thời xa xưa, tuy thô thiển, nhưng ít nhất cũng có một mục tiêu là chẩn đoán bệnh. Trong xã hội hiện đại hôm nay, một người thích ăn phân, thì rõ ràng đó phải là trường hợp bị khuyết tật về cảm xúc và thể chất, mà y học gọi là rối loạn pica thể thích ăn phân coprophagia.
Chúng ta cũng có một số món ăn liên quan đến phân, như phèo, thắng cố, nậm pịa.
Pica thể thích ăn phân cũng được coi là một phần của chứng cuồng dâm nhờ khoái cảm ăn phân phân (sexual paraphilia coprophilia). Trong một ấn bản năm 1995 của Tạp chí Liệu pháp Tình dục và Hôn nhân, Tiến sĩ T. Wise và Tiến sĩ R. Goldberg đã báo cáo trường hợp của một người đàn ông 47 tuổi, không bị tâm thần, có trí thông minh bình thường, mắc chứng cuồng ăn phân kích thích tình dục.
Rối loạn pica có nhiều thể:
– Cautopyreiophagia (ăn que diêm đã cháy).
– Foophagia (ăn lá, cỏ).
– Geophagia (ăn cát, đất, bụi bẩn).
– Lignophagia (ăn gỗ, vỏ cây, cành cây).
– Lithophagia (ăn đá, sỏi).
– Pagophagia (nước đá, sương tuyết tủ lạnh).
– Thể đau nửa đầu (ăn đồ có chì).
– Tobaccophagia (ăn thuốc lá, tàn thuốc).
– Trichophagia (ăn tóc).
– Ăn kim loại.
Tóm lại, pica là chứng rối loạn ăn uống liên quan tới tâm lí, người mắc chứng này sẽ thích ăn những vật không phải thực phẩm và không có chất dinh dưỡng.
Pica khiến mọi người cảm thấy kì lạ.
Vì sở thích lựa chọn đồ ăn kì lạ, thời xa xưa, người mắc chứng này luôn bị coi là ma quỷ hoặc do quỷ đói gây ra. Đến thế kỉ thứ 13, hiện tượng thích ăn những thứ khác lạ đã được người Hy Lạp và La Mã mô tả trong các tài liệu bằng tiếng Latin. Tuy nhiên, phải đến năm 1563, tình trạng bệnh lí này mới được mô tả trong các tài liệu y học. Ở Nam Mỹ vào thế kỷ 17, nô lệ da đen thường ăn đất để bổ sung khoáng chất. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giữa thế kỷ 16 và 20, sự thích ăn những thứ bất thường được coi là một triệu chứng của bệnh khác chứ không phải là một bệnh riêng biệt, nghĩa là một đứa trẻ thích ăn kim loại chẳng hạn thì đó có thể là do căn bệnh thalasimia do thiếu máu. Đến tận năm 1994, Ấn bản số 4 Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần xuất bản tại Hoa Kỳ đã công nhận đây là một rối loạn liên quan đến tâm thần với tên gọi pica. Ấn bản số 5, những rối loạn pica đã phân theo thể có liên quan đến chức năng ăn uống. Theo nghĩa này, pica được coi là chứng bệnh cần điều trị.
Chữ pica phát âm là (/paɪ kə / PIE -kuh), có nguồn gốc từ tiếng Latinh, pica có nghĩa là chim ác, một loài chim ăn tạp sống ở thời kì cổ đại, chúng có thể ăn tất cả mọi thứ.
Pica hay gặp ở trẻ em và người trẻ, nhưng phải từ 2 tuổi trở lên, biểu hiện thích ăn những đồ vật lạ không có chất dinh dưỡng kéo dài trên 1 tháng.
Tại sao pica không xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi?
Bởi vì, từ lúc sơ sinh cho đến khi 2 tuổi, đứa trẻ sử dụng miệng để nhận biết thế giới. Nói chung ở thời kì này, trẻ có thể cho bất cứ thứ gì vào trong mồm, những thứ trẻ thích thú hơn khi cho vào miệng nếu quan sát kĩ sẽ thể hiện thiên hướng tính cách khi trưởng thành. Tôi lấy ví dụ bằng lí thuyết của Freud, một đứa trẻ thích chơi với phân và cho phân vào mồm nhiều lần, sau này lớn lên sẽ thích vàng, thiên hướng kinh doanh liên quan đến vàng sẽ phát đạt.
Nhưng khi đứa trẻ đã qua 2 tuổi thì phải cẩn thận. Trường hợp người đàn ông ở Trùng Khánh (Trung Quốc) là ví dụ. Anh ta thích ăn đất tường nhà từ lúc 5 tuổi. Càng lớn, lượng đất ăn càng tăng lên, mặc cho gia đình thuyết phục thế nào thì mỗi tuần anh vẫn phải đi tìm bức tường nào đó để khoét, những lỗ hổng lớn trên bức tường luôn trở thành nỗi ám ảnh.
Pica cũng xảy ra với những thói quen ăn uống kì dị theo văn hóa cộng đồng. Trường hợp của cô Sheila, người Cameroon hiện đang là sinh viên đại học ở Pháp là ví dụ, cô rất thèm được ăn đất quê nhà. Sheila ăn đất từ lúc 6 tuổi, cũng giống bao người dân Cameroon khác, cô không thể ngừng ăn nó mặc dù sống ở Pháp thói quen ăn uống như vậy bị coi là bẩn thỉu.
Thói quen ăn đất gọi là pica thể geophagia, nó không chỉ xảy ra ở châu Phi, mà còn bắt gặp ở nhiều quốc gia khác như Argentina , Iran và Namibia; ăn đất chủ yếu là phụ nữ có thai và trẻ em. Tại đất nước Kenya, bất cứ nơi đâu cũng mua được đất, ít tiền thì mua đất nhạt nhẽo, nhiều tiền mua đất với đủ thứ hương vị, có thêm cả tiêu đen, thêm bạch đậu và muối.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, pica phổ biến hơn ở trẻ em, phụ nữ có thai, nhóm người thuộc tầng lớp kinh tế xã hội thấp, trẻ em bị khuyết tật phát triển (ví dụ trẻ tự kỷ). Bản thân tôi đã gặp trẻ tự kỉ thích ăn cốc thủy tinh. Tỉ lệ mắc pica cũng cao hơn ở những người bị căng thẳng liên quan đến gia đình. Pica có thể là một triệu chứng của bệnh thiếu máu (tức là thiếu sắt) và mất cân bằng hóa học khác.
Advertisement
Tiến sĩ Mark Griffiths, Giáo sư Đại học Nottingham Trent, Nottingham, Vương quốc Anh đã đưa ra những con số thống kê rất có ý nghĩa:
– 0,02% ở phụ nữ mang thai ở Đan Mạch.
– 8% ở phụ nữ mang thai da đen ở Mỹ (pagophagia).
– 9% ở phụ nữ mang thai Ả Rập Saudi.
– 26,5% ở phụ nữ mang thai Tanzania (geophagia).
– 31% phụ nữ Mexico mang thai ở California.
– 44% phụ nữ Mexico mang thai.
– 50% phụ nữ Nigeria mang thai.
– 74% ở phụ nữ mang thai Kenya.
– 44% ở bệnh nhân thiếu máu Pháp.
– 64% ở bệnh nhân thiếu máu Thổ Nhĩ Kỳ.
– 22% -26% ở người lớn chậm phát triển trí tuệ.
– 34% ở bệnh nhân hồng cầu hình liềm.
Những con số khá thú vị, đặc biệt phụ nữ mang thai dễ mắc pica, nguyên nhân một phần do thay đổi tâm lí, phần nữa là thay đổi hormon, nhưng quan trọng hơn cả là tình trạng thiếu chất. Đặc biệt là thiếu sắt, kẽm, đồng, selen, mangan, coban và các nguyên tố vi lượng khác. Tôi đã gặp những bà bầu thèm ăn đất, ăn thạch cao, ăn gạch non; nhưng sau khi đẻ thì hết. Những bệnh nhân thiếu máu cũng vậy, sẽ dẫn đến thiếu sắt, chưa kể các nguyên tố vi lượng khác. Như vậy, pica trong trường hợp này chỉ là triệu chứng phản ánh tình trạng thiếu chất, nên bổ sung ăn uống đầy đủ vi chất là khỏi.
Ngoài những yếu tố thể chất, pica hay gặp nhiều do nguyên nhân tâm lí, như trẻ chậm phát triển trí tuệ, tự kỉ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, tâm thần phân liệt. Các bậc cha mẹ nên để ý một số hành vi của con, như trẻ ngồi hay rung đùi, nắm chặt tay, giật tóc, xoắn đuôi tóc thành nọn rồi đút vào miệng qua 1 bên mép, kéo gấu áo lên xoắn lại rồi nhai ngậm; đó là những biểu hiện có vấn đề tâm lí dễ dẫn đến pica.
Không chỉ con người mà các loài động vật như lợn, gia súc, cừu cũng mắc chứng pica. Nhưng động cơ của các loài động vật khác có thể chỉ đơn giản là quá đói hoặc nuốt nhầm, nó không giống như con người cố ý dẫn đến mất kiểm soát.
Nhiều người thắc mắc, ăn toàn thứ nguy hiểm, thậm chí cả đống vật sắc nhọn vào dạ dày, cơ thể làm sao chịu nổi. Thực tế, hệ thống đường tiêu hóa của chúng ta vẫn có khả năng “chịu lỗi” nhất định. Đối với những dị vật hoàn toàn khó tiêu, hệ tiêu hóa sẽ cố gắng đào thải chúng ra ngoài bằng phân, từ đó giảm thiểu thiệt hại. Tôi đã gặp không ít phạm nhân nuốt kim khâu, lưỡi dao nam cạo râu, nhưng chẳng làm sao. Tuy nhiên, nuốt dị vật sắc nhọn nguy cơ gây thủng ruột rất cao, nuốt nhiều dị vật có thể gây tắc ruột cực kì nguy hiểm.
Pica đôi khi cũng chỉ là thói quen ăn bẩn!
BS. TRẦN VĂN PHÚC

Giới thiệu Nguyễn Bảo Sơn

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …