[Ngoại Thần kinh] CHƯƠNG 4: BẮT CHÉO CỦA BÓ GAI ĐỒI THỊ

Rate this post

KHÁM THẦN KINH

CHƯƠNG 4: BẮT CHÉO CỦA BÓ GAI ĐỒI THỊ

Tác giả: Bs Trương Văn Trí

Ca lâm sàng: BN nam, 18 tuổi, khởi phát với đau đầu một cách âm thầm đã lâu, đến khám vì tê rần cánh tay trái. Sau khi triệu chứng tê tay trái xuất hiện, BN cảm thấy bàn tay trái có khó khăn trong việc cảm nhận đồ vật (viết chì, nút áo…) nhưng không thể nhớ chính xác thời điểm triệu chứng xuất hiện. Khám cho thấy BN giảm cảm giác kim châm ở bàn tay, cánh tay trái, ngực trên trái và lan qua đường giữa đến vai phải. Cảm giác kim châm bình thường ở phần bụng dưới và hai chân. Phần còn lại của khám thần kinh bình thường, kể cả sức cơ, cảm giác rung và tư thế khớp.

Câu hỏi

1. Xét nghiệm nào nên được chỉ định trước tiên cho BN?

a. EMG/đo độ dẫn truyền thần kinh (NCS) để đánh giá xem BN có bị bệnh lý ở đám rối thần kinh cánh tay trái hoặc bệnh lý rễ cổ thấp

b. EMG/NCS để đánh giá bệnh lý rễ cổ trái thấp

c. MRI não

d. MRI cột sống cổ

2. Tổn thương có khả năng xảy ra nhất là gì?

a. Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay do tự miễn (hội chứng Parsonage-Turner)

b. Dò động tĩnh mạch màng tủy

c. Rỗng tủy

d. Tổn thương viêm nửa tủy bên trái

3. Bó gai đồi thị bắt chéo đường giữa ở đâu?

a. Một đoạn ngắn sau khi đi vào tủy sống

b. Tháp hành não (medullary pyramids)

c. Hành tủy dưới thông qua các sợi hình cung trong (internal arcuate fibers)

d. Thể trám (trapezoid body) của cầu não

Thảo luận

Phân bố của các triệu chứng đặc hiệu sẽ giúp BS định vị được tổn thương. BN rối loạn cảm giác-nhưng chỉ ảnh hưởng đến một loại cảm giác cụ thể: giảm cảm giác kim châm- vốn được chi phối bởi các sợi thần kinh đường kính nhỏ (small fiber), đi vào tủy sống thông qua rễ sau (dorsal root) rồi bắt chéo qua đường giữa theo hướng trước bên để tạo thành bó gai đồi thị (spinothalamic tract), đi lên theo thừng trước bên (anterior-lateral funiculus) ở tủy sống cho đến thân não. Ở BN này, triệu chứng cho thấy cột sau nằm ngay cạnh rễ sau, và bó vỏ gai (corticospinal tract) cũng nằm ở thừng bên (lateral funiculus) của tủy sống thì không bị ảnh hưởng. Phân bố triệu chứng ở BN này là điển hình của mất cảm giác dạng tầng (suspended sensory level), chi trên và phần trên cơ thể bị ảnh hưởng nhưng hai chân và phần dưới cơ thể lại bình thường. Tổn thương gây triệu chứng như vậy chỉ có thể nằm ở trung tâm tủy cổ.

Nếu người khám nắm vững kiến thức giải phẫu thần kinh như trên thì sẽ không chỉ định nhiều xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân ở BN này mà chỉ cần chụp MRI cột sống cổ để làm rõ ngyên nhân bên ngoài hay nội tại gây ra tình trạng rỗng tủy (xem hình dưới đây). BN có biểu hiện đau đầu nên cần nghĩ đến khả năng bị dị tật Chiari. Khi nhận kết quả từ BS chẩn đoán hình ảnh thì mối quan tâm duy nhất của BS thần kinh là kích thước của tổn thương, chứ không phải là hiện diện của tổn thương (vì lâm sàng ở BN này đã đủ để đoán được tổn thương gì và ở vị trí nào).

Advertisement

Trả lời

1. D. MRI cột sống cổ

2. C. Rỗng tủy

3. A. Bắt chéo sau khi đi vào tủy một đoạn ngắn

Nguồn: Matthew McCoyd et al., The Neurological Examination, Operative Neurosurgery, Volume 17, Issue Supplement_1, August 2019, Pages S3–S16

Giới thiệu Diễn đàn Bác sĩ trẻ Việt Nam

Y khoa không phải là một nghệ thuật, Y khoa là một khoa học thật sự, một khoa học vô cùng phức tạp đòi hỏi người hành nghề y phải khéo léo vận dụng kiến thức để không bỏ qua cơ hội cứu chữa người bệnh. Nếu mỗi người y khoa Việt Nam góp lên một tiếng nói, liên kết lại, chúng ta có thể thay đổi căn bản giáo dục Y khoa nước nhà. Hãy tham gia với chúng tôi tại: https://www.facebook.com/groups/diendanbacsitrevietnam

Check Also

[Cập nhật] Xuất huyết tiêu hoá-nội soi càng sớm càng tốt?

XUẤT HUYẾT TIÊU HÓA: NỘI SOI CÀNG SỚM CÀNG TỐT? (phần 1_nghiên cứu) Với suy …