Nỗi khổ của người làm khoa học ở Úc

Rate this post

Sáng nay ra quán cà phê và được ‘cô hàng cà phê’ chúc mừng ngay vì cô ấy nghe qua bài phỏng vấn trên Radio SBS [1], còn các bạn cà phê thì lại quan tâm đến những khó khăn của người làm khoa học tại Úc mà trước đây họ không hề biết.

Các bạn ấy cho biết bây giờ họ mới biết là đại học không trả lương cho những người như tôi! Thật ra, trong đại học người ta phân biệt hai nhóm giảng dạy và nghiên cứu, và nhóm giảng dạy thì được trả lương, còn nhóm nghiên cứu thì đa số tự tìm tài trợ và tự trả lương. Người giữ chức vụ càng cao thì sự tự lực cánh sinh càng cao.
Thành ra, đối với nhóm làm nghiên cứu trong đại học, áp lực xin tài trợ rất lớn. Ở Úc thì nguồn tài trợ chánh là từ Hội đồng Y khoa và Y tế Quốc gia (NHMRC) và Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia (ARC). Riêng tôi thì nguồn chánh là NHMRC. Mà, xác suất được tài trợ từ NHMRC thì rất thấp: hiện nay cứ 100 đơn, chỉ có 9-10 đơn được cấp tài trợ. Nói cách khác, khoảng 90% các đề án khoa học không được tài trợ.
Nếu may mắn được tài trợ, người chủ trì sẽ dùng tiền đó trả lương cho mình, cho phụ tá và postdoc, và cho nghiên cứu sinh. Thật ra, ngân sách từ tài trợ chỉ đủ để trả 60% hay 70% lương mà thôi, và phần còn lại là đại học sẽ bù vào. Nếu không được tài trợ thì đại học có thể nhảy vào cứu 2-3 năm để xin tài trợ, và nếu trong thời gian 2-3 năm đó mà vẫn không có tài trợ thì phải … đóng cửa shop.
Có khá nhiều người rất có tài phải nghỉ hưu sớm cũng vì tình trạng không có tài trợ. Điều đáng nói là một số người trong nhóm này đầu quân cho Tàu. Tàu có một chương trình gọi là “Ngàn Nhân Tài” với tài trợ rất hậu hĩ mà phương Tây khó có thể sánh bằng. Qua chương trình này họ đã thu hút nhiều nhân tài thực sự từ phương Tây. Nói đến đây tôi chợt hỏi biết bao giờ Việt Nam học được từ Tàu? Nhiều người trong chúng ta chỉ chửi Tàu mà không chịu ghi nhận thành tựu của họ và cách làm của họ.
Do đó, tôi nói trên SBS rằng nỗi khổ (và cũng là nỗi ám ảnh) của người làm khoa học ở Úc là vấn đề tài trợ. Năm nào cũng vậy, mỗi chúng tôi phải bỏ ra 2-3 tháng chỉ để viết đơn xin tài trợ. Ngoài xin từ hai Hội đồng trên, chúng tôi còn phải xin từ các nhà mạnh thường quân và công ti kĩ nghệ. Để xin được tài trợ chúng tôi phải học cách viết và cách nói sao cho thuyết phục để người ta cho tiền (và đó chính là lí do tôi nói kĩ năng thông tin rất quan trọng trong khoa học). Chúng tôi hay nói đùa rằng chúng tôi là những “Cái bang có hạng”.
Cái bang nào xin được càng nhiều tiền thì được đại học quí trọng. Mà, ác nghiệt ở qui luật “the winner takes it all”, có nghĩa là người nào đã thành công xin được tài trợ thì xác suất người đó thành công lần sau cao hơn người chưa bao giờ hay ít được tài trợ! Nói cách khác, kẻ giàu càng giàu hơn, còn kẻ nghèo thì càng nghèo hơn.
Nói ra những khó khăn trên chắc sẽ làm chùng lòng nhiều bạn trẻ muốn dấn thân vào khoa học. Nhưng đó không phải là ý của tôi. Ý của tôi là hãy xem khó khăn đó như là một thách thức mình phải vượt qua. Người phương Tây có câu “Where there is a will there is a way” (Có ý chí thì có cách). Mỗi thách thức làm cho mình trưởng thành hơn.
Dù sao thì tôi cũng cám ơn SBS và Khánh Linh cho tôi một cơ hội để ‘trần tình’ nỗi khổ cùng đồng hương xa gần.
___
[1] https://www.sbs.com.au/…/gs-nguyen-van-tuan-nhan-huan… (hi vọng không bị tường lửa cho các bạn ở Việt Nam)

Giới thiệu Thuha

Check Also

Đọc sách cuối tuần: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Hầu như bất cứ ai trong chúng ta đều nghe qua câu thơ bất hủ …