Novak Djokovic và Chánh phủ Úc

Rate this post
Nhiều bạn msg hỏi tôi về vụ ngôi sao quần vợt số 1 Novak Djokovic (người Serbia) bị Úc giam giữ giờ ra sao. Sự việc phức tạp hơn chớ không phải ‘giam giữ’ (như vài người hiểu), và theo tôi, kết cục cho thấy sự công minh của toà án nước Úc.
Tôi và bạn bè theo dõi sự việc này hàng ngày (và chúng tôi có nhiều ý kiến trái ngược nhau) nên có thể chia sẻ vài thông tin chánh như sau.
Để hiểu câu chuyện, cần phải biết qui định của Úc trong mùa đại dịch. Chánh phủ Úc ra qui định là người vào Úc phải tiêm đủ 2 liều vaccine mà Úc công nhận (Pfizer, AstraZeneca, Moderna). Tuy nhiên, có người không thể tiêm vaccine, thì Úc đòi giấy chứng thực bởi một chuyên gia y khoa có thẩm quyền, và giấy đó phải được phê chuẩn bởi một chuyên gia y tế của Úc.
Novak Djokovic đáp xuống phi trường Melbourne vào lúc 11:30 tối ngày thứ Tư (5/1/2022) tuần qua để thi đấu quần vợt Australian Open. Khi qua kiểm tra di trú, nhân viên di trú cho rằng anh ta không đủ điều kiện để vào Úc, và quyết định huỷ visa!
Tại sao? Tại vì, theo nhân viên di trú, Djokovic không tiêm chủng vaccine phòng chống Covid-19, và do đó, vi phạm qui định của Úc.
Ngay sau đó, nhà chức trách Úc đưa anh ta vào ở trong Park Hotel. Danh nghĩa là ‘hotel’ nhưng thật ra là một chỗ tạm giam những người vi phạm luật di trú của Úc. Xin nhấn mạnh là ‘tạm giam’ trong khi làm thủ tục mà thôi.
Djokovic kiện Chánh phủ Úc ra toà và thắng
Nghe tin này, Chánh phủ Serbia và luật sư của anh ta ở Úc gây áp lực lên Chánh phủ Úc là phải trả tự do cho anh ta. Nhưng Chánh phủ Úc không trả tự do. Và, thế là phía Djokovic kiện Chánh phủ liên bang Úc ra toà.
Toà phải hoãn vài vụ kiện khác để xử vụ Djokovic (và điều này cũng làm nhiều người Úc nổi giận). Phiên toà diễn ra vào ngày thứ Hai (10/1/2022). Chánh án Anthony Kelly chủ trì phiên toà. Theo những gì trình bày trước toà, trước khi vào Úc, anh ta được ai đó chứng thực là miễn tiêm vaccine vì lí do y tế. Một giáo sư Úc đồng ý với chứng thực đó. Do đó, chánh án Kelly hỏi: “anh ta còn có thể làm gì hơn?” khi mà anh ta đã làm tất cả những qui định Úc đòi.
Theo nguồn tin từ báo AFR của Úc, chánh án Kelly phê phán hành động phỏng vấn Djokovic lúc nửa đêm ở phi trường, trong lúc anh ta đang mệt mỏi sau một chuyến bay dài. Hơn nữa, buổi phỏng vấn phát hình trên youtube, vi phạm nguyên tắc bảo mật và quyển riêng tư. Chánh án Kelly phê phán nhân viên di trú không cho Djokovic thời gian để tư vấn luật sư — một hành động thiếu công bằng.
Kết cục, chánh án Kelly ra lệnh cho Chánh phủ Úc phải phục hồi visa và thả Djokovic trong vòng 30 phút sau khi phán quyết. Như vậy là Djokovic đã thắng. Chánh phủ Úc dĩ nhiên không thể nào làm khác hơn là trả tự do cho Djokovic.
Djokovic khai không đúng
Nhưng theo luật sư của Chánh phủ Úc là Christopher Tran (chắc là gốc Việt), Djokovic vẫn có thể bị đuổi ra khỏi Úc. Luật sư Tran cho biết Bộ trưởng Di trú Úc có đặc quyền huỷ visa của Djokovic như thường, mặc cho phán quyết của toà án. Nhưng cho đến nay (13/1/2022) Bộ trưởng di trú Úc chưa dùng quyền đó.
Trong khi Bộ trưởng Di trú còn đang cân nhắc, thì người ta phát hiện Djokovic đã gian dối trong lời khai di trú. Trong tờ khai đến Úc, anh ta khai rằng anh ta không có đi nơi nào trước khi đến Úc 2 tuần. Nhưng trong thực tế anh ta đã đi Serbia rồi Tây Ban Nha trước khi tới Úc. Đây là khai gian. Khai gian ở Úc là tội RẤT nặng. Anh ta thú nhận là có gian dối nhưng đổ thừa người đại diện anh ta!
Anh ta còn vi phạm qui định về cách li. Ngày 16/12/2021 Djokovic bị dương tính NCov, nhưng anh ta vẫn đi trả lời phỏng vấn cho một tờ báo Pháp 2 ngày sau khi nhận kết quả dương tính. Anh ta thú nhận là đã có lỗi trong chuyện này vì anh ta có thể hoãn cuộc phỏng vấn. Ngay cả ở Serbia, với vi phạm này anh ta có thể đi tù 3 năm.
Chỉ một trong 2 sai phạm trên là Chánh phủ Úc đã có đủ lí do để trục xuất Djokovic ra khỏi nước Úc. Ở Úc, tờ khai di trú khi vào nước Úc là một “legal document”, nên khai không đúng là rất dễ ra toà và bị đuổi khỏi nước Úc, không cho nhập cảnh trong 3 năm.
Hiện nay, luật sư của Djokovic đang ráo riết nộp hồ sơ xin cho anh ta được ở lại Úc để thi đấu.
Những ý kiến trái chiều
Sự tranh chấp giữa Djokovic và Chánh phủ Úc là đề tài bàn tán của người Úc và bạn bè tôi. Có thể nói rằng đa số báo chí đều chỉ tay về phía Chánh phủ Úc, cho rằng họ đã ứng xử sai trong trường hợp này. Djokovic đã cố gắng làm mọi thứ để đáp ứng yêu cầu của Úc, nhưng vẫn bị nhân viên di trú … chơi ép. Và, chánh án Kelly cũng phê phán Chánh phủ Úc như thế. Như vậy là không công bằng.
Nhưng dư luận phía khác thì rất tức giận với Djokovic. Họ lí giải rằng trong khi dân Úc đang bị kẹt ở nước ngoài không thể về Úc, trong khi dân trong nước phải ‘đau khổ’ trong một thời gian dài lockdown, thì Chánh phủ Úc có vẻ ưu tiên cho kẻ lắm tiền nhiều của như Djokovic. Thủ tướng Úc tuyên bố rằng “No one is above the rules” (không ai đứng trên qui định). Nhiều, nếu không muốn nói là đa số, ủng hộ quan điểm này của ông Thủ tướng.
Djokovic không hẳn là chống vaccine, nhưng anh ta không tin vào vaccine và có lí do y khoa không tiêm vaccine. Đó chính là lí do anh ta được miễn tiêm vaccine. Nhưng anh ta được giới chống vaccine xem là ‘anh hùng’. Nhiều người nhạo báng viết tên anh ta “Novak” thành “Novax”!
Ở Úc, anh ta có nhiều fans, kể cả người Úc gốc Serbia. Những người này đã xuống đường biểu tình đòi Chánh phủ Úc phải cho anh ta ở lại và thi đấu. Nhưng 2 sai phạm nghiêm trọng đó đã làm cho fans Úc mất cảm tình với anh ta.
Tuy nhiên, số người không ưa anh ta cũng rất nhiều, trong đó có nhiều bạn tôi. Họ cho rằng Djokovic hay lợi dụng, hay ăn vạ, thiếu tinh thần “quân tử” trong khi thi đấu. Chẳng hạn như trong lúc thi đấu, khi thấy mình đang thất thế, anh ta mua thì giờ bằng cách than phiền đau lưng, thậm chí đòi đi … toilet. Đó là thái độ của phi chánh trực, mà có người xem là tiêu biểu của người trong khối XHCN cũ.
Vài giờ trước, hai người đọc tin của Đài truyền hình số 7 (Mike Amor và Rebecca Maddern) trao đổi trước khi lên sóng, và trong đó họ nói Djokovic là một người “sneaky” (ý nói gian manh). Hai người này còn nhận xét rằng rất có thể Djokovic sẽ được ở lại thi đấu (hàm ý nói anh ta có nhiều tiền và mướn luật sư ‘nặng kí’). Chẳng hiểu sao đoạn đối thoại riêng tư này bị ai đó tung lên internet, và thế là có rất nhiều người Úc ủng hộ họ. Có người viết rằng hai người này đã nói hộ cho nhiều người Úc về nhân vật Djokovic.
Tôi nghĩ câu chuyện Djokovic còn nói lên sự độc lập giữa tư pháp và hành pháp. Sự độc lập đó rất rõ ràng khi Chánh phủ huỷ visa của anh ta, còn toà án thì ra lệnh Chánh phủ phải phục hồi visa cho anh ta. Anh ta quá may mắn vì đến Úc, chớ nếu anh ta đến China hay Việt Nam thì chắc gì anh ta có hành lang pháp lí để kiện chánh phủ ra toà.
Advertisement
Cá nhân tôi đã tiếp xúc với nhiều nhân viên di trú trên thế giới, nhưng thấy nhân viên di trú Úc và Việt Nam rất khó ưa. Ở Việt Nam tôi không làm gì được vì họ quá vô cảm và không nghe lí lẽ, nhưng ở Úc thì tôi có quyền phàn nàn. Tôi đã chứng kiến cảnh nhân viên di trú Úc làm khó đồng hương Việt Nam (kém tiếng Anh) hết sức vô lí, và từng can thiệp. Do đó, phán quyết của chánh án Kelly theo tôi là gởi một thông điệp mang tính bài học đến nhân viên di trú Úc.
Chưa biết kết cục sẽ ra sao. Rất có thể Djokovic sẽ bị trục xuất ra khỏi nước Úc. Nếu điều đó xảy ra thì tôi càng tin vào chánh phủ này hơn.
___________
Báo The Guardian có đăng nguyên văn phỏng vấn Djokovic tại phi cảng Melbourne. Trích vài đoạn trong cuộc phỏng vấn:
Phỏng vấn viên (PVV): Anh được tiêm vaccine chưa?
Djokovic: Tôi không tiêm vaccine.
PVV: Cám ơn. Anh có từng bị Covid?
Djokovic: Vâng. Tôi bị Covid 2 lần … vào tháng 6/2020 và gần đây — tôi có kết quả xét nghiệm PCR dương tính vào ngày 16/12/2021 … Tôi có giấy tờ xác nhận điều đó. Nếu ông cần tôi có thể cung cấp.
PVV: OK, tờ giấy này là miễn trừ y khoa, đã được đề cập nhiều lần gần đây trong lần xét duyệt của Tennis Australia, nó không nói về Chánh phủ liên bang? Nhưng anh chắc chắn …
Djokovic: Vâng, qui trình là, vâng, cái qui trình là có 2 hội đồng y khoa … một hội đồng chắc là có liên quan đến Chánh phủ liên bang.
Djokovic: Vâng, tôi mới kiểm tra với người đại diện tôi … cái chứng chỉ miễn trừ này do một hội đồng y khoa cấp, và hội đồng này là do Tennis Australia uỷ nhiệm. Quyết định của hội đồng đã được xem xét và phê chuẩn bởi một hội đồng miễn trừ y khoa của Chánh phủ bang Victoria.
PVV: Mà anh nói với tôi trước đây rằng cái này được [phê chuẩn] bởi Chánh phủ liên bang.
Djokovic: Vâng, tôi, tôi đã sai, đó không phải là chánh phủ liên bang, mà là chánh phủ bang Victoria đã chọn một hội đồng y khoa độc lập và đã cùng với Australian Open xem xét.
PVV: Điều đó ok thôi, nhưng vấn đề là … như anh [không nghe rõ] đến Úc và Úc thì được điều hành bởi Chánh phủ liên bang
Djokovic: Tôi hiểu. Vậy anh có cần thêm tài liệu nào từ tôi không?
PVV: Vâng, nếu anh nói rằng anh đã nhận emails từ Chánh phủ liên bang … bởi vì, vâng, chúng tôi muốn cho anh mỗi cơ hội để cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt.
Djokovic: Được rồi. OK, chúng tôi không nhận email nào từ Chánh phủ liên bang. Đây là cái mà chúng tôi nhận từ đội y khoa của Australian Open, vì họ là người tổ chức, và đó là những gì tôi có.
PVV: OK, điều đó ổn thôi.
Djokovic: Và, tôi rất tiếc. Tôi xin lỗi.
Sau đó, nhân viên di trú đọc quyết định huỷ visa của Djokovic và yêu cầu anh ấy kí vào form. Nhưng Djokovic không đồng ý, không kí. Nhân viên di trú bèn kêu người dẫn anh ta ra khỏi phòng phỏng vấn và đem về khách sạn tạm gian những người nhập cảnh bất hợp pháp.

Giới thiệu Thuha

Check Also

Nỗi khổ của người làm khoa học ở Úc

Sáng nay ra quán cà phê và được ‘cô hàng cà phê’ chúc mừng ngay …