Qui trình khoa học và kết án

Rate this post
Nghĩ lại tôi thấy qui trình nghiên cứu khoa học và kết án rất giống nhau. Nguyên lí căn bản là người bị tình nghi không có nhiệm vụ phải chứng minh mình vô tội, bởi vì họ vô tội cho đến khi nào bị kết tội.
Trong khoa học, để biết một loại thuốc có hiệu quả hay không, chúng ta phải ứng dụng qui trình kiểm định giả thuyết (test of hypothesis). Theo đó, chúng ta phải bắt đầu bằng giả thuyết rằng thuốc KHÔNG có hiệu quả (còn gọi là ‘giả thuyết vô hiệu’). Bước 2 là làm thí nghiệm để thu thập dữ liệu cho thật tốt. Bước 3 là phân tích dữ liệu, và tính toán xác suất dữ liệu xảy ra nếu giả thuyết vô hiệu đúng. Bước 4 là kết luận: nếu xác suất thấp thì bác bỏ giả thuyết vô hiệu, và tạm kết luận rằng thuốc có hiệu quả; nếu xác suất cao thì phải chấp nhận giả thuyết vô hiệu, tức thuốc không có hiệu quả.
Qui trình xử án tôi thấy cũng giống như qui trình kiểm định giả thuyết trong khoa học. Bước đầu, nhà chức trách phải giả định rằng bị cáo VÔ TỘI (giống như giả thuyết vô hiệu). Bước kế tiếp là công tố viên thu thập bằng chứng liên quan, kể cả làm xét nghiệm sinh hoá — nếu cần — để có thêm chứng cứ khách quan. Bước 3 là bồi thẩm đoàn / toà án xem xét và đánh giá bằng chứng: nếu bằng chứng nhứt quán với giả thuyết vô tội thì phải tuyên bố bị cáo vô tội; nếu bằng chứng nhứt quán với tội trạng thì toà tuyên án bị cáo có tội.
Như vậy qui trình kiểm định giả thuyết khoa học rất giống như qui trình kết án. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng: trong nghiên cứu khoa học, khi dữ liệu có xác suất dưới 1% hay 5% là có thể bác bỏ giả thuyết vô hiệu, còn trong tuyên án thì xác suất phải là 0, tức không thể nghi ngờ (beyond reasonable doubt).
Trong qui trình trên, giả thuyết vô hiệu (thuốc không có hiệu quả, bị cáo vô tội) phải được duy trì cho đến khi có kết luận. Bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội (bởi vì họ vô tội cho đến khi kết án có tội — “innocent until proven guilty”. Việc chứng minh tội thuộc về công tố viên.
Vậy mà ở Việt Nam có xu hướng báo chí và dư luận thường buộc tội người ta dù toà chưa tuyên án. Có khi dư luận hùng hổ chỉ tay về phía người bị tình nghi là “ngươi phải chứng minh ngươi vô tội”, hay “ngươi phải đi làm xét nghiệm để chứng minh ngươi vô tội”! Thật là … kì cục! Một xã hội văn minh không thể hành xử như vậy được.
Tôi có nhiều bạn bè là nhà báo trong và ngoài nước. Các bạn nhà báo ngoài Việt Nam thì hành xử rất chuyên nghiệp, có lẽ vì họ có kinh nghiệm từ thời trước 1975 và tuân thủ theo luật pháp địa phương ở bên này. Các bạn ở trong nước cũng đều tử tế, họ hành xử theo các qui ước đạo đức của nghề báo. Nhưng tôi e ngại khi thấy vài nhà báo (thường trẻ tuổi) có vẻ quá ‘nhiệt tình’ và thiếu kiên nhẫn nên có những bài viết kết án người ta, và nhiều khi xâm phạm đến quyền riêng tư của người ta. Những thông tin về tên, nơi cư trú, bệnh lí, mối quan hệ, v.v. có khi bị tung lên báo mà hình như giới quản lí báo chí chẳng có biện pháp gì để hạn chế tình trạng đó.
Advertisement
Tôi nghĩ cái qui trình kiểm định giả thuyết trong khoa học cũng có thể ứng dụng cho giới báo chí. Tức là người tình nghi không có nhiệm vụ phải chứng minh họ vô tội, và phải giả định người tình nghi vô tội cho đến khi bị tuyên án. Một cáo buộc không phải là bằng chứng, cũng chẳng phải là một phán quyết. Ngôn ngữ của báo chí văn minh nên phản ảnh cái nguyên lí căn bản đó.

Giới thiệu Thuha

Check Also

Nỗi khổ của người làm khoa học ở Úc

Sáng nay ra quán cà phê và được ‘cô hàng cà phê’ chúc mừng ngay …