Mấy ngày này chúng ta lại đau xót việc cháu bé 3 tuổi bị bạo hành, đóng 9 cây đinh vào đầu, nghi ngờ do cha dượng.
Nói thật những vụ như vầy xảy ra thường xuyên ở các nước phương Tây, nơi có rất nhiều mẹ đơn thân nên tôi cũng không có gì quá bất ngờ, chỉ chờ tìm đúng thủ phạm, xử đúng tội thôi.
Tuy nhiên hôm nay khi đọc một báo cáo về sự việc thì phát hiện thấy cháu đã bị bạo hành tới 3-4 lần thì tôi lại thấy buồn. Buồn là chính các nhân viên y tế, cụ thể là bs đã không coi trọng việc tầm soát bạo hành ở trẻ em, nên mới có việc cháu bị bạo hành nhiều lần như vầy.
Là một bs nhi khoa, công việc khám bệnh hàng ngày tôi luôn phải khám các vụ tai nạn gãy xương, chấn thương, bỏng, nuốt dị vật,…
Khi khám một trường hợp như vầy, câu hỏi đầu tiên được đặt ra luôn là: đây là một trường hợp tai nạn, hay cố ý (bạo hành).
Lúc này, bs giống như một điều tra viên, sẽ cẩn thận hỏi bệnh nhân lý do tai nạn xảy ra nếu trẻ đủ lớn, rồi hỏi cha mẹ, người chăm sóc, hoàn cảnh xảy ra, và khám cẩn thận. Nếu có gì nghi ngờ, có khi lại phải hỏi tới hỏi lui một cách tình cờ có chủ ý, quan sát thái độ của cháu bé, đặc điểm của chấn thương. Nếu câu chuyện do bịa đặt, thường sẽ có thay đổi trong những chi tiết nhỏ, vì không nhớ kịch bản. Nếu là một câu chuyện thật thì kể 10 lần sẽ luôn giống nhau. Người hay nói dối thường không nhờ mình đã nói gì.
Các chấn thương có những đặc điểm sẽ cho chúng ta biết là do bạo hành, như gãy xương đùi ở trẻ 3 tháng vì trẻ 3 tháng có đi đứng đâu mà té gãy xương đùi, gãy xương sườn phía sau ở trẻ nhỏ do người lớn bóp mạnh lên vùng ngực, gãy xương vặn xoắn ở trẻ nhỏ, những vết bầm nơi không hợp lý và nhiều giai đoạn khác nhau, những lần gãy xương không hợp lý, những vết bỏng vùng mông bờ rõ do nhúng vào nước nóng hay hình thù đặc biệt, và còn nhiều nữa.
Nói lại cháu bé này, trong các lần chấn thương trước đó có nhiều điểm bất hợp lý.
Trẻ con không bao giờ đem thuốc trừ sâu pha vào nước C2 và uống, thường chỉ uống trực tiếp và uống lượng rất nhỏ vì khó uống. Nếu hỏi kỹ tình huống có thể thấy sự bất hợp lý.
Trẻ con có thể nuốt dị vật, tuy nhiên nuốt đinh ốc thì hiếm gặp vì thường chúng nuốt đồ chơi, đồng xu, thuốc uống, pin nhỏ. Có một điều nữa là cha mẹ thường sẽ không biết con nuốt bao nhiêu dị vật trừ khi biết trước số lượng trước đó.
Trẻ con có thể chạy té gãy xương, tuy nhiên cách gãy xương do chấn thương và do bị đánh gãy có khác nhau. Trẻ con thường gãy xương vùng cổ tay do té ngã, tuy nhiên khi bị đánh gãy sẽ gãy vùng thân và có thể có vết chấn thương nơi đánh.
Khi hỏi lý do, câu chuyện được kể ra có hợp lý không, có phù hợp với chấn thương hiện có không là điều rất quan trọng, và có thể hỏi từng người một cách kín đáo.
Nếu chúng ta phát hiện sớm từ những lần trước thì có thể đã tránh cho cháu bé bị bắn 9 cây đinh vào đầu một cách tàn bạo như thế này.
Tôi không có ý coi thường hay trách cứ bất kỳ đồng nghiệp nào vì tôi không có trong hoàn cảnh đó nên không thể đánh giá cụ thể. Tuy nhiên nếu chúng ta luôn đặt việc phân biệt có bạo hành hay không lên hàng đầu khi thăm khám trẻ em thì sẽ tránh được nhiều trường hợp như thế này trong tương lai.
Có tìm thì sẽ thấy.
PS:
Mình nói chuyện với bà xã vốn là một người tư vấn tâm lý về cháu bé 3 tuổi và bài viết của mình.
Vợ mình nói xã hội VN coi trẻ em là tài sản riêng của cha mẹ, nên không có quyền can thiệp, chỉ khi nào gần chết thì mới được coi là con người.
Trong khi đúng ra trẻ em phải được xem là NGƯỜI không có khả năng tự bảo vệ và phải được chú ý bảo vệ đặc biệt.
Nó làm mình lăn tăn suy nghĩ nãy giờ, vì có nhiều bạn bs bảo là có phát hiện bạo hành cũng không làm được gì.
Có lẽ bà xã mình nói đúng.