ĐÁNH TRẺ CON

Rate this post
Cuộc sống
là để cho đi
và yêu thương!
Đừng biến nơi chúng ta đang sống
thành địa ngục đẫm máu!
Vậy nhưng…
Cuộc sống ngắn ngủi, bé Vân An 8 tuổi bị “mẹ kế” hờ đánh gãy ba xương sườn, phù phổi cấp, phù não, kèm theo những vết thương trên da thịt, “cách dạy dỗ tại nhà” có sự hưởng ứng của người cha ruột đã giết chết bé.
Đó là “đòn thù” mà 2 người dội lên đầu đứa trẻ.
Nhìn vào bức ảnh thi hài bé Vân An trong chiếc áo cộc tay cũ kĩ màu hồng, đầu tóc ướt sũng, miệng vẫn há hốc như đang kêu ú ở trước lúc chết, tôi thực sự kinh hãi về sự ác độc của những kẻ biến thái về tâm hồn, bệnh hoạn về nhân cách và đạo đức.
Bức ảnh ấy làm tôi thẫn thờ suốt nhiều ngày.
Nhưng chưa đầy 4 tuần sau, một bức ảnh đen trắng khác được tạo bởi chùm tia Xquang đã làm tôi ám ảnh mỗi đêm. Tôi ngồi đếm đi đếm lại, có 3 chiếc đinh đóng sâu vào thái dương bên trái, 2 chiếc đinh đóng vào đỉnh chẩm phải, 5 chiếc nữa đóng vào đỉnh chẩm trái; tổng cộng 10 chiếc đinh đã đóng vào đầu bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất.
Một chiếc đinh có mũ, những chiếc còn lại thuộc đinh bắn súng với các kích cỡ, chiếc nhỏ nhất bị uốn cong như lưỡi câu, hai chiếc hơi cong chữ Z do xuyên qua xương chẩm cứng, tất cả đinh đều có hướng đi thẳng góc với bờ tiếp tuyến của hộp sọ.
Tôi đã từng học nghề thợ mộc.
Bởi vậy, khi đồng nghiệp hỏi tôi nghĩ gì, thì tôi trả lời rằng theo suy đoán của tôi, cháu bé bị một kẻ nào đó dùng búa đóng đinh vào đầu. Và bàn tay của kẻ thủ ác như tay thợ mộc. Không dễ dàng để đóng cùng một lúc đóng 10 chiếc đinh thẳng góc vào hộp sọ của một cháu bé như vậy, trừ khi cháu bị mê man, cùng với sự tỉnh táo và bàn tay điêu luyện của kẻ đóng đinh, đóng mà không để lại dấu vết trên da thịt.
Sự thật sẽ được cơ quan điều tra làm rõ.
Nhưng qua thông tin báo chí đăng tải, cảnh sát đã bắt giữ đối tượng tình nghi và thực nghiệm hiện trường. Báo chí cũng đưa tin, đối tượng này ngoài đóng đinh vào sọ cháu bé, còn vài lần thực hiện hành vi giết người, như đầu độc cháu bằng thuốc diệt cỏ, bắt nuốt đinh vào bụng, đánh gãy tay.
Báo chí cũng cho biết, người phụ nữ mới li hôn chồng, hai con gái đầu theo bố, con gái út 3 tuổi theo mẹ. Người đàn ông tình nghi, đó là một thanh niên 30 tuổi, đến sống với người phụ nữ như vợ chồng nhưng họ chưa có giấy đăng kí kết hôn; chủ nhà trọ và hàng xóm cũng xác nhận điều này.
Tới đây kẻ thủ ác sẽ phải đền tội.
Nhưng còn nhiều người chúng ta, trong đó có tôi, có các bạn, có mẹ của bé An, có bố của cháu bé 3 tuổi ở Thạch Thất, có ông bà nội ngoại, có họ cô dì chú bác, có những người hàng xóm, chúng ta phải chịu trách nhiệm gì khi mỗi ngày vẫn có những đứa trẻ bị tra tấn đến chết như thế?
Nhiều năm trước tôi đến Thụy Điển, một buổi sáng trên đường từ nhà tới trung tâm văn hoá nghệ thuật ở Malmo, tôi thấy một cậu bé thiếu niên 14 tuổi ngủ bên hông nhà thờ.
Người dân đã báo cho cảnh sát thành phố.
Khi cảnh sát đến, họ lập tức phong toả khu vực xung quanh, tạo một khoảng cách an toàn cho đứa trẻ. Bố mẹ xuất hiện với đồ ăn thức uống. Xe cứu thương đưa bác sĩ đến khám. Sau đó là bác sĩ tâm lí, nhân viên xã hội, thầy cô giáo và bạn thân.
Họ ở bên đứa trẻ từ sáng cho đến chiều.
Tôi đặt câu hỏi với cảnh sát: Tại sao không thằng bé về đồn giải quyết? Cảnh sát đã trả lời tôi rằng, họ không được phép làm cho đứa trẻ đau, càng không được phép làm nó sợ; nhiệm vụ của cảnh sát, của bác sĩ và của nhân viên xã hội, là phải tìm cho bằng ra nguyên nhân tại sao đứa trẻ lại bỏ nhà đi hoang, ví dụ như stress, hay bị bạo hành…
“Nhưng nếu đó là đứa trẻ hư hỏng thì sao?”
Tôi tiếp tục đặt ra câu hỏi. Và câu trả lời của cảnh sát làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều: “Thụy Điển không có những đứa trẻ hư hỏng, chúng tôi sẽ làm tất cả để đảm bảo rằng đất nước Thụy Điển không phải nuôi dưỡng những đứa trẻ hư hỏng”.
Câu chuyện mà tôi chứng kiến ở Thụy Điển, nó ngược lại với câu chuyện những đứa trẻ bị người lớn bạo hành, thậm chí tra tấn cho đến chết ở VN. Người lớn họ luôn tìm ra lí do để đánh trẻ con. Và những người xung quanh, trong đó có tôi và các bạn, có những người thân của trẻ, ai cũng tìm được lí do cho sự thờ ơ của mình. Nạn dịch đánh đập tra tấn trẻ con, theo tôi, nó phản ánh một cách rõ ràng nhất sự bất tài và thất bại của người lớn chúng ta.
Trẻ em là vô tội!
Văn học, hay các hình thức giải trí trong đời sống xã hội nói chung, từ nhân vật anh hùng cho đến kẻ phản diện đều đồng ý với nhau một điều rằng, họ sẽ không bao giờ làm tổn thương trẻ em. Một cuốn tiểu thuyết, hoặc một bộ phim, chắc chắn sẽ bị cơ quan kiểm duyệt cắt bỏ nếu có hình ảnh trẻ em bị ngược đãi hay bị giết.
Niềm tin không làm tổn thương một đứa trẻ, nó được tồn tại bởi nhiều lí do khác nhau, trong đó có lí do quan trọng nhất, trẻ em là vô tội nên cần được bảo vệ và tránh mọi nguy hiểm.
Mở đầu cuốn sách Tam Tự Kinh có từ hơn 700 năm trước, là bài học “Nhân chi sơ – Tính bản thiện”, nghĩa là trẻ em sinh ra vốn hiền lành, lương thiện. Ngược lại xa hơn nữa, là Kinh Tân Ước gần hai ngàn năm về trước, đã mặc định trẻ em là đặc biệt quý giá, chúng chẳng có tội gì cả, chúng phải được yêu thương, phải được bảo vệ và chăm sóc bởi xã hội nói chung.
Người châu Âu cuối Thế kỉ 19, ở Thời đại Victoria, đã lấy cảm hứng từ sự giác ngộ trong kinh thánh, để phát minh ra “Thời thơ ấu – Childhood”. Trước đó là Thời kì Khai sáng, mà chúng ta luôn phải nhớ tới Jean Jacques Rousseau với cuốn tiểu thuyết Emile đặc biệt quan trọng, bất cứ bậc cha mẹ hay các nhà giáo dục nào cũng phải coi đó là cuốn cẩm nang gối đầu giường.
Nhà báo Jamie Gumbrecht khi nói về một thế hệ trẻ em ở Thụy Điển không bị đánh đập, đã kể câu chuyện về bé Ian Swanson thật ấn tượng.
Ian Swanson 5 tuổi, cùng gia đình chuyển từ Mỹ sang Umea, một thị trấn nhỏ ở miền bắc Thụy Điển. Giống như bất kì đứa trẻ nào khác, Swanson cũng hòa nhập với những bạn nhỏ ở thị trấn này, học tiếng Thụy Điển và bắt đầu thẩm thấu nền văn hóa của một quốc gia Bắc Âu.
Advertisement
Thỉnh thoảng, Swanson vẫn bị mẹ phát vào mông, bị bố dúi cho một cái từ phía sau cùng cái nhìn nghiêm khắc.
Nhưng đến một ngày, thầy hiệu trưởng và giáo viên mẫu giáo, cùng với nhân viên xã hội đến nhà Swanson. Họ bày tỏ sự lo lắng, rằng hành động của bố và mẹ Swanson là không thích hợp, họ muốn nói về sự bạo hành.
Cậu bé Swanson đã dịch lại cho cả bố và mẹ, những người vẫn đang đánh vật với ngôn ngữ Thụy Điển, “Bạn phải hiểu, mọi thứ đang diễn ra rất khác ở nơi đây”.
Vào năm 1979, đúng một năm trước khi Swanson chuyển đến, Thụy Điển là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành luật nghiêm cấm bố mẹ dùng mọi hình phạt về thể xác đối với trẻ. Kể từ đó, hơn 30 quốc gia khác cũng thông qua các lệnh cấm đánh trẻ em ở nhà, cũng như ở trường học hay ngoài xã hội.
Bạo lực không phải là căn bệnh không có căn nguyên, nhưng dù là nguyên nhân gì đi chăng nữa, thì đánh người là hoàn toàn sai, trong khi trẻ em cũng là một con người. Thực tế thì người lớn đã và đang đánh trẻ con, điều đó không đạt được mục đích giáo dục, mà chỉ che lấp sự bất tài của người lớn mà thôi.
Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy một bé gái 8 tuổi, bị người bố làm ngơ để dì ghẻ hờ đánh đập hàng ngày nhân danh “dạy dỗ con cái”, cuối cùng là trận “đòn thù” bốn tiếng đồng hồ và cháu bé chết trong đớn đau cực hình? Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy một bé gái 3 tuổi, bị người tình của mẹ đầu độc bằng thuốc diệt cỏ, bắt nuốt đinh, đánh gãy tay, rồi cuối cùng là đóng 10 cái đinh cắm sâu vào não; để cháu bé vẫn đang trong tình trạng nguy kịch? Bạn nghĩ gì, khi hàng ngày đây đó, những ông bố bà mẹ nhân danh dạy con họ, để trút lên đầu trẻ những trận đòn thừa sống thiếu chết? Tôi thì cho rằng, nếu chúng ta vẫn tìm ra được lí do để cho rằng mình là người ngoài cuộc không có lỗi, thậm chí ai đó cổ vũ cho hành động đánh trẻ; thì chúng ta sẽ biến nơi mình đang sống trở thành địa ngục đẫm máu trong tương lai.
Có thể là hình ảnh về phòng ngủ

Giới thiệu Thuha

Check Also

[Chia sẻ] Sỏi mật: Từ phòng ➠ Chữa bệnh

Sự hình thành sỏi mật liên quan mật thiết đến gan, túi mật, ống mật, …