[Tăng đề kháng – Trẻ giảm bệnh – 8] NÊN TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG HAY TIÊM CHỦNG DỊCH VỤ?
Muốn trẻ giảm viêm mũi họng, viêm tai hay viêm phổi thì nên tiêm vắc xin gì? Một số quan điểm sai về tiêm chủng ở trẻ phụ huynh nên đọc!
1. Tiêm chủng đã quá quen thuộc với bố mẹ và hiện tiêm chủng mở rộng (TCMR) đang cung cấp miễn phí những vắc xin cơ bản cho trẻ đến 6 tuổi – và cũng nhờ vậy mà số trẻ được tiêm chủng và số ca mắc những bệnh lý đã được chủng ngừa giảm hẳn.
– Tuy nhiên một số bố ẹm vẫn có quan điểm tiêm dịch vụ tốt hơn TCMR, thực ra mũi 5in1 trong chương trình TCMR gây sốt nhiều hơn tiêm dịch vụ (vì thành phần ho gà khác nhau), đây lại là mũi vắc xin đầu tiên từ khi trẻ ra tháng, khiến bố mẹ lo sợ và ác cảm với TCMR.
– Lời khuyên của mình về chủ đề này là, mỗi gia đình có một hoàn cảnh và điều kiện khác nhau, dù là TCMR hay TCDV thì cứ đưa cón đi tiêm theo lịch là được.
2. Muốn trẻ giảm viêm mũi họng, viêm tai hay viêm phổi thì nên tiêm vắc xin gì?
– Vắc xin có nhiều loại và phòng được nhiều bệnh, nhưng đây là câu hỏi mình nhận được nhiều nhất nên mình xin trả lời chung ở đây.
– Nguyên nhân gây bội nhiễm ở mũi họng, phổi và tai chủ yếu do phế cầu và Hib. Hai chủng này sẽ có trong vắc xin phế cầu và 5in1/ 6in1; rất may đây là hai loại vắc xin được tiêm từ khi trẻ chỉ vừa 2 tháng tuổi (6 tuần tiêm được rồi nhưng mình hay tư vấn bệnh nhân của mình 2 tháng tiêm luôn 2 loại).
– Bên cạnh đó hãy chích cúm mỗi năm cho trẻ và tốt nhất là cả gia đình, bố mẹ không mắc thì trẻ cũng đỡ mắc bệnh hơn. Cúm không phải cảm thường, triệu chứng cũng nặng nề hơn và dễ diễn tiến thành viêm phổi, viêm tai giữa hơn.
3. Một số quan điểm sai về tiêm chủng ở trẻ phụ huynh nên đọc!
– Không có chống chỉ định cho tiêm chủng, chỉ có hoãn tiêm ở một số trường hợp thôi.
– Cảm ho sổ mũi thông thường không sốt và đang không diễn tiến thì VẪN TIÊM – KHÔNG ĐỢI, trẻ dưới 6 tuổi là giai đoạn “lỗ hỗng miễn dịch” đau bệnh liên miên, đợi bao giờ mới khoẻ ru được, hoãn trong những trường hợp này sẽ làm em bé bị trễ liên tục.
– Không cần đợi 2-4 tuần sau kháng sinh mới được tiêm chủng, các mẹ thường hay nói với mình điều này nên mình xin nhắc lại.
– Nếu bé uống thuốc có thành phần corticoid thì chỉ ảnh hưởng tới vắc xin có thành phần sởi, quai bị, rubella, thuỷ đậu, lao (nói chung là vắc xin sống giảm động lực); còn các vắc xin bệnh khác – loại bất hoạt vẫn tiêm bình thường.
– Rối loạn tiêu hoá với triệu chứng tiêu phân lỏng nhẹ, táo bón không mất nước không diễn tiến thì trừ rota ra vẫn tiêm vắc xin bình thường.
– Chích gộp nhiều vắc xin không làm trẻ mệt hơn, sốt hơn, biếng ăn hơn hay đau hơn. Lời khuyên của mình luôn là chích gộp vài mũi một lúc, việc tách mỗi mũi một lần rồi 2-3 tuần lại bê trẻ đến bệnh viện một lần làm bé có nguy cơ phơi nhiễm các bệnh lý tại bệnh viện, chịu đau nhiều lần và phụ huynh tốn thời gian theo dõi sau tiêm hơn.
– Tiêm ngừa giúp trẻ giảm số lần bị bệnh và giảm mức độ nặng của bệnh nếu mắc phải; chứ tiêm chủng không bảo vệ trẻ 100% không mắc bệnh, điều này thì từ sau đợt cô vi mình giải thích bố mẹ dễ hiểu hơn rồi.
– Chích 5in1 nhà nước xong vẫn chích 6in1 dịch vụ được và ngược lại; trong tình trạng khan hiếm vắc xin nhà nước như hiện tại thì có thể chích luân phiên để đảm bảo lịch tiêm và không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch ở bé.
– Bị thuỷ đâụ rồi đến lịch chích thuỷ đậu, điều này giúp củng cố kháng thể cho trẻ.
Series “Tăng đề kháng – Trẻ giảm bệnh” sẽ được mình viết mỗi ngày với những nội dung thật nhỏ và đơn giản để bố mẹ dễ tiếp cận và thay đổi để dần đi đến mục tiêu bé khỏe giảm bệnh – cả nhà vui!
Hẹn bố mẹ vào ngày mai với chủ đề PHƠI NHIỄM – TỰ TIN CHO TRẺ CHƠI DƠ!
Tác giả: BS Đoàn Trịnh Nhã Khanh
Link bài viết: [ https://www.facebook.com/groups/diendanykhoa.vn/permalink/1818466061932677/ ]
Xin gửi lời cảm ơn đến tác giả BS Đoàn Trịnh Nhã Khanh đã đồng ý đăng bài viết lên Diễn đàn Y khoa!